13 giờ 38 phút chiều 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương viết: “Cả nước tràn ngập niềm tiếc thương vô hạn, lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, tận tụy, gương mẫu của Đảng ta, quân và dân ta. Nhiều giọt nước mắt tuôn rơi nhưng không bi lụy; nhớ tiếc để làm sống dậy những kỷ niệm thân thương, tươi đẹp; nhiều việc làm tốt, nhiều suy nghĩ tích cực, nhân văn được lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống và trên mạng xã hội những ngày qua”.
Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào cả nước, thuộc mọi tầng lớp. Riêng với các văn nghệ sĩ, hàng trăm bài thơ nóng hổi chào đời từ nhịp đập thổn thức của các tác giả được đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội như những nén tâm nhang kính cẩn dâng lên Quốc tang tiễn biệt người.
Từ Tuyên Quang, tác giả Tạ Bá Hương có bài thơ Một trái tim ngừng đập nghẹn ngào cảm xúc:
Trái tim lớn chiều nay dừng nhịp đập
Dân tộc tôi đau đớn tiễn biệt Người
Nỗi mất mát hiện trên từng khuôn mặt
Tôi nghẹn ngào thầm gọi: Bác ơi!
Mưa Hà Nội chiều nay buồn bã quá
Góc phố mưa cây rủ bóng bên đường
Mưa ý nhị không lướt qua vội vã
Tự lòng người đã có giọt mưa tuôn
Tác giả đã gói gọn cuộc đời của Tổng Bí thư bằng những hình ảnh hết sức cô đọng:
Người đã sống một đời thanh bạch
Không xe sang
Không hào nhoáng sắc màu
Một khát vọng với đôi bàn tay sạch
Hạnh phúc lớn lao là nước mạnh dân giàu
Từ khổ thơ thứ tư, tác giả tận dụng thủ pháp liệt kê triệt để nhằm làm nổi bật lên trí tuệ, nhân cách, sống một đời vì nước, vì dân của Tổng Bí thư:
Một tấm lòng tận dâng cho Tổ quốc
Một trí tuệ siêu phàm
Một trái tim bao dung
Một ý chí không thể nào khác được
Lẽ sống vì dân đến hơi thở cuối cùng
Một cánh chim chiều nay bay xa lắc
Một áng mây còn ấm phía chân trời
Một trái tim - đời sau còn luôn nhắc
Một chân dung rất thật: CON NGƯỜI.
Cả bài thơ gồm 5 khổ được khái quát và cô đọng trong câu kết: “Một chân dung rất thật: CON NGƯỜI.” - Hai chữ CON NGƯỜI được tác giả viết hoa, bình dị mà lớn lao biết bao!
Tác giả Phan Thu Nguyệt có bài thơ Tiễn biệt người đếm từng thời khắc Tổng Bí thư rời xa cõi đời:
Mười ba giờ - ba mươi tám phút
Hơn chín mươi triệu dân - xúc động nghẹn ngào
Niềm tiếc thương vô hạn dâng cao
Khi trái tim lớn - của muôn dân ngừng đập.
Tác giả Phùng Hiệu có bài Khóc người ướt trắng sơn khê:
Như ngôi sao của bầu trời vụt tắt
Một hành tinh từ giã dải Ngân Hà
Thân tứ đại trở về nơi tứ đại
Những nỗi buồn lan tận phía trời xa
Người dân ai cũng đau buồn vì đất nước mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại, nhưng ai ai cũng tin tưởng di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sẽ được các thế hệ kế thừa, phát huy, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh.
Tác giả Dương Xuân Chánh có bài thơ mang tên Ngọn đèn không bao giờ tắt, nói lên điều này:
Có một ngọn đèn - vĩ đại vừa tắt
Để bừng lên - vạn triệu tim hồng
Đánh thức cơn mê - bao kẻ ngủ đông
Thắp sáng niềm tin những người yêu nước.
Trong bài thơ Người cộng sản kiên trung, tác giả Phong Sơn đã điểm lại cuộc đời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ “Dấu chân in mòn trên con đê làng Lại Đà/ Sông Đuống cuồn cuộn chảy xoáy sâu trong tiềm thức/ Từ ngôi làng bên sông, vững vàng chân bước/ Theo tư tưởng Bác Hồ, người cộng sản kiên trung” đến “Ngày kết nạp vào Đảng ở Đại Từ, Thái Nguyên/ Tròn 23 tuổi đời, anh sinh viên bất khuất (…) Nhận huy hiệu cao quý: 55 năm tuổi Đảng/ Sáng như một tấm gương cho mọi Đảng viên soi”. Để rồi hôm nay:
Trên đê làng Lại Đà gió hát lời cố hương
Sông Đuống vẫn chảy qua bên làng mang nỗi nhớ
Cả non sông rộng dài nhờ đôi vai che chử
Để ước nguyện hoàn thành: “đem hạnh phúc cho dân”.
Cùng một cảm xúc, tác giả Phùng Khắc Đăng trong bài thơ Thương tiếc một con người đã viết:
Mong sao nước mạnh dân giàu
Sánh vai cường quốc năm châu xứng tài
Bình sinh gánh nặng hai vai
Chỉ vì dân nước chẳng nài vinh hoa
Theo hồi tưởng của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện 108, những ngày cuối cùng, Tổng Bí thư vẫn dành toàn tâm, toàn ý cho công việc vì Đảng, vì nước, vì dân cho tới những phút cuối đời. Đúng như bài thơ Trái tim đỏ của tác giả Vũ Đình Thi:
Trái tim đỏ lái con tàu Tổ quốc
Ấm nồng nàn bình dị thanh tao
Không lỗi nhịp không hề mỏi mệt
Không “vùng cấm” nào ngăn bước trái tim yêu
Trong bài thơ Tiễn “Người” ra đi tác giả Huyền Mến hình dung cảnh Tổng Bí thư đang làm việc:
Nhà công vụ, chiếc áo sờn vai bạc
Đêm từng đêm thức với sao khuya
Ngọn lửa bùng lên... lò nung tan chảy
Những mọt sâu lần lượt hiện hình
Đau với những nỗi đau đất nước
Đã bao lần tóc đổi màu sương.
Tác giả Nguyễn Thanh Thiện đã có bài thơ Ánh sao băng, khẳng định:
Một tấm gương tận tụy
Một tấm lòng bao dung
Đến giây phút cuối cùng
Vẫn vì dân vì nước
Tác giả Nguyễn Minh Tâm có bài thơ Lời ông, đặt mình vào vị trí của vợ Tổng Bí thư nghĩ đến lời trối trăng của người chồng dành cho mình:
Ông đi những bước lặng thinh
Nhẹ lòng để một chữ VINH trong đời
Đưa tôi về nhà bà ơi
Để tôi vui vẻ ở nơi sinh thành
Ngôi nhà lung lay. Gió bão bên ngoài và mối mọt bên trong
Tiếng mọt nghiến đau từng năm tháng
Người bảo vệ và dựng xây. Tìm lại những viên gạch hồng xây niềm tin rạn vỡ
Lung lay bên trong đáng sợ hơn đổ vỡ bên ngoài, vì không ai nhìn thấy
Người là thầy thuốc vĩ đại chữa bệnh cho Tổ Quốc. Yêu và đau. Diệt sâu cứu cây.
Lửa cháy kiệt cùng từng giây … Cháy đến giây cuối cùng vẫn gọi tên đất nước.
[…]
Phải hàng trăm năm nữa.
Lịch sử mới viết xong trọn vẹn ba chữ Nguyễn Phú Trọng bằng bút lửa
Trong trang Vĩ nhân đất Việt.
Bên Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp …
Ngôi mộ đẹp vĩnh cửu là ngôi mộ xây trong lòng dân
Cùng một cảm xúc, tác giả Đỗ Trọng Luân có bài Bác giữa lòng dân đã viết:
Cuộc đời của Bác, đức hy sinh
Như cội tre ngà, tỏa bóng xanh
Nội xâm ngoại lấn không khoan nhượng
Yêu Đảng thương dân quyết đấu tranh
Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đây có thể coi là “tuyên ngôn” sống và hành động suốt cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác giả Đặng Thị Thúy đã cảm thán trước “tuyên ngôn sống” của người mà sáng tác bài thơ Việt Nam mãi nhớ công người:
Đời người ta chỉ sống có một lần
Phải sống sao cho thật là ý nghĩa
Đừng ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ
Danh dự mới là điều cao quý, thiêng liêng*
[…]
Muốn được dân yêu, phải khiến dân tin
Từ cuộc chiến chống nội xâm tham nhũng
Gương sáng, lòng trong, chí bền, tâm vững
Tiếp sức cùng Người là thế trận lòng dân.
Biết bao nhiêu câu thơ, bài thơ xúc động nghẹn ngào tiễn đưa vị Tổng Bí thư của lòng dân về nơi đất mẹ. Tác giả Trương Hữu Thiêm khẳng định: Bác là cốt cách Việt Nam/ Hiện thân giữa nói và làm song song./ Lung linh như tấm gương trong/ Nghìn thu an giấc giữa lòng núi sông (Bác là cốt cách Việt Nam). Tác giả Bùi Thanh Hà đau xót: Người đã sống một đời thanh bạch/ Sóng sông Hồng thầm dâng tặng phù sa/ Làng quê nhỏ hiền hoà tiễn người con yêu nước/ Người chưa phút nghỉ ngơi../ vừa cất bước xa nhà… (Tiễn người con của sông Hồng). Tác giả Phạm Văn Thành viết: Chọn ngày về với ông bà/ Đất trời nhỏ lệ trẻ già tiếc thương/ Trái tim nhân hậu khiêm khiêm nhường/ Suốt đời chiến đấu theo gương Bác Hồ. (Đất trời nhỏ lệ). Tác giả Trần Thế Vinh có Thơ tiễn bác Trọng – Người mệnh danh trung liệt: Ông có cuộc đời đáng sống hơn tuổi 80/ Trong tiềm thức mọi người (…) Trăm năm sau…/ Sông vẫn chảy theo ông/ Núi càng xanh cùng ông / Vì ông là tâm hồn của nước non/ & văn hóa dân tộc Việt…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại cho người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế niềm tiếc thương về một nhà lãnh đạo kiệt xuất đã góp phần quyết định để "đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Bài thơ Thấy gì qua nước mắt của tác giả Nguyễn Minh Khiêm có hình ảnh so sánh thật gần gũi:
Có những chiếc cầu
Xây bằng nước mắt
Hàng trăm năm mới bắc một lần
Cầu của lòng dân
Dài hơn ý nghĩ
Dài hơn mọi cây cầu có thật
Xây trên mặt đất
Không phải để đón một bậc đế vương
Mà để tiễn đưa
Một con người
Giản dị bình thường
Nhưng với Tổ quốc Nhân dân
Vô cùng vĩ đại
Vậy đó, đời người hữu hạn. Ngày xưa thất thập đã là hiếm, nay bác Trọng tuổi bát thập càng hiếm hơn. Dẫu sao đời người không lấy ngắn dài ra đo, mà là chất lượng cùng sự nghiệp người ấy cống hiến cho đời, cho đất nước. “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” - thi hào Nguyễn Công Trứ đã viết như thế. Người từng giữ chức vụ quan trọng: Chủ tịch Quốc Hội đến Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước suốt thời gian dài, sự cống hiến của người là không kể xiết.
Không lạ, tin người mất đã tạo cú sốc lớn cho giới văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là nhà thơ được coi là bộ phận nhạy cảm hơn cả. Bao nhiêu bài thơ ra đời, kịp thời mà vẫn rất chất. Tiếng thơ ấy không chỉ điểm qua công lao to lớn của Tổng Bí thư, mà còn và nhất là nói lên tâm tình và lòng ngưỡng mộ tột cùng./.
Thèn Hương