Năm nay, cả nước long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023). Với tài năng đa dạng, độc đáo, Văn Cao là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Không có danh xưng nào xứng đáng với trí tuệ, tài năng thiên bẩm và trái tim giàu xúc cảm của Văn Cao hơn hai chữ: Thiên tài. 72 năm rong chơi cõi người, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà ở cả ba lĩnh vực: Hội họa, Âm nhạc và Thơ ca.
Trên lĩnh vực Hội họa, năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; năm 20 tuổi đã có các bức tranh gây chú ý như Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, nhất là bức tranh Cuộc khiêu vũ của những người tự tử được đánh giá cao và làm chấn động dư luận… Hầu hết bản nhạc của ông khi in ra đều do ông trình bày bìa, rất gần với trường phái lập thể. Họa sỹ Tạ Tỵ - người gắn bó và đi đầu trong phong cách hội họa lập thể ở Việt Nam đã khẳng định: Văn Cao là người rất sớm đưa trường phái lập thể vào hội họa Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao
Trong thi ca, Văn Cao đã tạo cho mình một phong cách riêng với lối thơ giàu trí tưởng tượng và sự sắp đặt ngôn từ hết sức tài tình. Một số bài thơ như Quê lòng, Đêm mưa, Ai về Kinh Bắc, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946, Linh cầm tiến, Ly khách... và trường ca “Những người trên cửa biển” của ông đã thực sự “làm tổ” trong trái tim bạn đọc.
Dù rất thành công và tạo được phong cách riêng trong Hội họa và Thi ca, nhưng lĩnh vực xuất sắc nhất, vượt trội nhất, ghi đậm dấu ấn nhất của thiên tài Văn Cao lại chính là Âm nhạc.
Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng); sau lên học trung học tại Trường dòng Saint Josef; và chính tại nơi này, người Pháp đã dạy ông những nốt nhạc đầu tiên với mục đích truyền bá âm nhạc Tây phương cho thanh niên Hải Phòng. Thời điểm này, có thể nói Hải Phòng cực “hót” về âm nhạc. Hầu hết các nhạc sỹ tài danh của Việt Nam thế kỷ XIX - XX đều xuất thân hoặc sống và làm việc nhiều năm ở Hải Phòng như: Lê Thương (1914-1996), Hoàng Quý (1920 1946), Canh Thân (1920-1970), Đỗ Nhuận (1922-1991), Tô Vũ (1923-2014), Nguyễn Đình Thi (1924-2003)… Bối cảnh xuất thân ấy khiến Văn Cao có điều kiện để phát huy tài năng thiên bẩm của mình, trở thành một thiên tài về âm nhạc. Năm 16 tuổi, Văn Cao bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là Buồn tàn thu, và dưới giọng hát mê hoặc lòng người của Phạm Duy, Buồn tàn thu đã trở thành ca khúc phổ biến, được yêu thích thời bấy giờ. Không hiếm những nhạc sỹ cũng bắt đầu sáng tác nhạc ở tuổi 16, 17 như Trịnh Công Sơn với ca khúc đầu tay Ướt mi, Ngô Thụy Miên với bản tình ca đầu tiên Chiều nay không có em được học sinh, sinh viên lúc bấy giờ hưởng ứng rất nồng nhiệt…, nhưng sáng tác hàng loạt các ca khúc trác tuyệt Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Đàn chim Việt, Thu cô liêu, Trương Chi… ở lứa tuổi dưới 20 như Văn Cao thì thật sự hiếm hoi và khó lý giải theo logic thông thường. Có lẽ chỉ có thể giải thích bằng yếu tố tâm linh, đó là Văn Cao là “người giời”, là “trời cho”, mà cái “trời cho” thì không phép biện chứng nào lý giải được.
Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao được chia làm hai mảng chính: tình ca và hùng ca, hay nói một cách dân dã là Văn Cao sáng tác theo 2 dòng nhạc: dòng lãng mạn tiền chiến mang nặng âm hưởng phương Đông với những ca khúc trác tuyệt như Buồn tàn thu, Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Đàn chim Việt, Thu cô liêu, Trương Chi …và dòng thứ 2 là dòng cách mạng khi ông tham gia Việt Minh như Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Thăng Long hành khúc ca, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội… Nhiều người lầm tưởng Tiến về Hà Nội, Văn Cao viết sau khi tiếp quản thủ đô vào những năm 1954-1955, nhưng thực ra ông viết ca khúc này trước đó nhiều năm, tức là ông đã mường tượng ra không khí của ngày giải phóng từ rất sớm, mà sau này hiện thực diễn ra y hệt như vậy. Ca khúc Tiến về Hà Nội trở thành ca khúc nền tảng cho tất cả các cuộc duyệt binh, diễu hành hân hoan nhất. Năm 1947, Văn Cao viết Trường ca Sông Lô, ca khúc ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc. Theo ý kiến của Phạm Duy, Trường ca sông Lô là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung và Văn Cao là "cha đẻ" của hùng ca, trường ca Việt Nam.
So với hai nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng khác là Phạm Duy với khoảng 1.000 ca khúc và Trịnh Công Sơn với 600 ca khúc, thì số lượng các sản phẩm âm nhạc của Văn Cao rất khiêm tốn. Nhạc Văn Cao, ngoại trừ các ca khúc viết dưới giai điệu Vanxơ cho tốp ca (như Mùa xuân đầu tiên, Ngày mùa) khá dễ hát; còn lại đều rất khó. Bởi đó là thứ âm nhạc bác học, kết hợp tài hoa giữa âm giai Tây phương với ngũ cung cổ điển, giữa cảm xúc của tình yêu mạnh mẽ nồng nàn đậm chất Hải Phòng với âm hưởng mênh mang của Thôi Hiệu, Đỗ Phủ trong Đường thi... Vì vậy, từ trước đến giờ, chỉ có Cao Minh, Lê Dung, Ánh Tuyết thành công với các tác phẩm của nhạc sỹ thiên tài này.
Nhiều người không hiểu vì sao mới 16, 17 tuổi mà Văn Cao lại am hiểu sâu sắc và thành công kiệt xuất đến mức đưa được toàn bộ không khí Đường thi vào ngũ cung dân gian của Việt Nam; kết hợp với các nốt nhạc Tây phương do người Pháp dạy để sáng tạo ra những tác phẩm trác tuyệt như Thiên thai, Trương Chi, Thu cô liêu… Trong ca khúc Thiên Thai, Văn Cao sử dụng câu chuyện “Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai”, kể về lương duyên gặp tiên của hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu:
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi
Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?
Hoặc âm hưởng buồn man mác, cô liêu của mùa thu u tịch thường thấy trong thơ Đường:
Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều ta yêu thu, yêu thu, yêu mùa thu
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi.
Một mùa thu, một mùa thu
Lá rơi, rơi rụng buồn chi lá vàng (Thu cô liêu).
Một yếu tố nữa khiến Văn Cao khác biệt so với các nhạc sỹ khác như Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Phú Quang… là trong khi hầu hết nội dung ca khúc của những nhạc sỹ này đều là tả thực, thì ca khúc Văn Cao hoàn toàn ngược lại. Trần Tiến viết Vết chân tròn trên cát mượn hình ảnh thực của một anh thương binh với cây gậy thay chân, mỗi bước đi đều để lại những vết tròn của chân giả trên nền cát trắng. Hay Phú Quang mượn không khí thực của Hà Nội để viết nên các ca khúc bất hủ về thủ đô với những giai điệu sâu thẳm đi vào lòng người. Trịnh Công Sơn mượn cuộc sống cần lao của những người lao động, những thân phận dưới đáy xã hội rồi tô vẽ cho đẹp hơn, rực rỡ hơn. Nhưng Văn Cao thì khác, hầu hết nội dung nhạc phẩm của ông đều rất huyền ảo, siêu thực; đều chỉ diễn ra trong trí tưởng tượng bay bổng và phong phú. Ngay như ca khúc Bến xuân, ai đó có thể giả thiết cơ duyên viết nhạc phẩm này là do ngày xưa Văn Cao hay ra sông Cấm (Hải Phòng) dạo chơi, ngắm cảnh, nên không khí sông nước đã phôi thai, tạo cảm hứng cho ông sáng tác. Giả thiết đó có thể đúng, nhưng nếu từng sống và gắn bó với Hải Phòng thì sẽ thấy sông Cấm cũng giống như bao dòng sông khác, không có hơi hướng gì liên quan đến dòng sông mơ mộng như tiên cảnh trong Bến xuân. Ngay cả Tiến về Hà Nội cũng là sự tưởng tượng, dự đoán của Văn Cao trước khi quân ta tiếp quản thủ đô nhiều năm!
Không khí Đường thi và trí tưởng tượng phong phú tuyệt vời chính là sự khác biệt của Văn Cao - nhạc sĩ tài hoa nhất Việt Nam với Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Phú Quang… và với phần còn lại của âm nhạc Việt.
Sau cuộc phê phán Nhân văn - Giai phẩm, gần 30 năm, Văn Cao không viết ca khúc mà viết tiểu phẩm piano, làm thơ, vẽ bìa, minh họa để kiếm sống cực nhọc cho qua ngày đoạn tháng. Khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong không khí náo nức của mùa xuân độc lập đầu tiên 1976, Văn Cao trở lại với khúc khải huyền Mùa xuân đầu tiên. Nhưng mãi đến sau khi Văn Cao tạ thế, khúc khải huyền này mới được khai sinh. Đó là nỗi đau xót và nuối tiếc lớn nhất của những người yêu Văn Cao, yêu nhạc Việt.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ thiên tài Văn Cao, một người bình thường với những kiến thức rất ít ỏi về âm nhạc như tôi, chỉ dám kính cẩn nghiêng mình ngưỡng mộ và biết ơn những tác phẩm bất hủ trên cả ba lĩnh vực Âm nhạc - Hội họa - Thi ca mà ông để lại cho hậu thế.
Nguyễn Ánh Nguyệt
15-11-2023
13-11-2023