Đọc “Từ một lãng quên” - thơ của tác giả Đinh Công Thủy

Thứ hai, ngày 18-12-2023, 09:22| 552 lượt xem

Đoàn Thị Ký

 

 

Một tập thơ dày dặn với 90 bài, giấy in đẹp, bìa gấp trang trọng, ở đó mỗi bài thơ như một lát cắt, ánh lên vẻ đẹp của trí tưởng tượng, sắc nét về ngôn từ, hình ảnh, gợi nhớ cuộc sống đời thường của tác giả Đinh Công Thủy, khiến ta vỡ òa cảm xúc, rưng rưng về giá trị trường tồn của nền văn minh lúa nước, hình thành nên tính cách con người Việt Nam cần cù, nhân hậu, vị tha; ví như: “Hứa hẹn mùa măng/Bằng thông điệp của bầy chuột núi”. (Mùa măng).

Song với tôi ấn tượng hơn cả là nỗi đau thăm thẳm trong tâm hồn tác giả, bởi chứng kiến hiện thực đời sống cứ mất dần đi những cảnh vật, sinh linh của trời đất vốn sinh ra cùng bù trì, nương tựa vào nhau để tồn tại, để phong nhiêu sự sống. Theo từ ngữ hiện đại là chúng ta đang đánh mất dần sự đa dạng hóa sinh học, có cơ khiến tâm hồn con người nghèo nàn và dần khô cứng, chẳng khác gì người máy của thời công nghệ và siêu công nghệ.

Dù trong tập thơ ta luôn bắt gặp sự lặp lại những hình ảnh cánh rừng với vô vàn cây cổ thụ, dòng suối, với vô vàn sinh linh bé bỏng như con cua, con cá và cả con ốc sên… nhưng không tẻ nhạt, đơn điệu bởi nó được đặt trong các trạng huống tinh thần khác nhau, khiến cho ta có cảm giác đó là nỗi đau âm ỉ, trì kéo dầu đã được cất lên, được thoát kiếp: “Gió lùa qua lỗ sâu đục/Lanh lảnh một nốt nhạc đớn đau” (Bầy chim sẻ). Hay như trong bài thơ (Bóng nhà sàn) gợi mở cho chúng ta về một ngày chưa xa, nơi núi rừng trùng điệp cỗ máy xanh khổng lồ điều tiết ô xi, với những nếp nhà sàn thân thiện: “Bồ hóng nghẹn ngào chứng tích thời gian” nay còn đâu, bởi “Những lưỡi rìu trôi trong lũ quét”, hiện thực ấy với tâm hồn đồng điệu thiên nhiên không thể không: “Nhói đau ký ức đại ngàn đinh lim sến táu”. Song nỗi đau ấy không làm ta bi lụy, tuyệt vọng, nhờ cái nhìn thật tinh tế, giàu lòng trắc ẩn của người thơ Đinh Công Thủy: “Nhói đau bàn chân mũi giáo/Một mầm măng mọc cạnh những vết cắt rỉ máu” (Vết cắt). Và ngẫu nhiên cũng là tất yếu hình ảnh của mầm măng được tác giả nhắc trong bài này, không còn là dự báo của tương lai mà là của hiện thực vượt lên sự đớn đau, khẳng định mình, như chính mỗi chúng ta trong muôn vàn mối quan hệ giằng  xé vậy.

 Và rồi tác giả đã tự an ủi nhận ra vị thế của mình: “Không việc gì mà phải đớn đau/Khi bài ca tưởng chừng đang xé toang lồng ngực” (Bài ca của cây muồng), để rồi trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chúng ta tự cất lên: “Hãy nhìn xa hơn nỗi đau của mình/Để thấy một loài hoa xù xì thân vỏ/Sau cơn quặn thắt/Không gì đáng ngạc nhiên bằng sự cộng sinh trên ngọn cây nghiến/Lời rừng già bện dây leo/ Cứu rỗi linh hồn tắc kè đáy hũ…/Không có gì ngạc nhiên khi chồi non di cư/Từ nỗi đau trên ngọn cây nghiến”  (Không đề số 2), cảm xúc của ta dồn nén, rồi ngân rung qua mỗi hình ảnh cùng tác giả, ngỡ là sẽ bay lên, nhưng mà không nó lại trở về sự bình dị trong niềm tha nhân lạc quan, hàm ơn sự tử tế, vun đắp cuộc đời qua nỗi đau của “ngọn cây nghiến”.

Và hơn thế trong sự cộng sinh ấy, tác giả nhìn ra nguyên nhân của những nỗi đau, vân vi đấy nhưng cũng chân thành đấy: “Những ngang ngược diễu hành trước mắt/Bẳn gắt và tự tin/Không bối rối/Và chúng ta là người có lỗi!” (Và chúng ta là người có lỗi).

Để rồi độc giả cùng bừng thức, chiêm nghiệm với tác giả khi lấy tên tập thơ “Từ một lãng quên”, tên một bài thơ trong tập, như khởi thông điệp đời người có khi lãng xẹt, vẫn cứ nhi nhiên diễn ra: “Chẳng thể ngăn cành củi khô bắt lửa/Bằng lý trí/Trong tiếng nước rò rỉ từ một lãng quên”, mà mơ hồ gợi nhớ từ thẳm sâu ký ức những mong chuộc lại lỗi lầm, ngõ hầu cảnh tỉnh hành động ứng xử thô bạo của con người, với bà mẹ thiên nhiên đã thành lề thói, khôn lường một mai hậu họa, làm sao có thể vươn tới khát vọng truyền thống “con hơn cha là nhà có phúc”, của dân tộc ta và có quá không nếu tôi bảo thông điệp ấy có ẩn ức chính danh họ tên tác giả.

Và không thể khác mỗi lát cắt bén ngọt ấy có chất men riêng, hợp lại được chiếu rọi bởi thứ ánh sáng của tâm cảm không lạnh lùng, bao dung, thủy chung, xoa dịu nỗi đau như “nắng”, của một ống kính tài hoa bắt gọn thần thái, đường nét từng cảnh tượng, từng thời khắc, đặng hiển lộ bằng cảm xúc mong manh mà ám ảnh, bằng chắt chiu ngôn từ mà chứa chan niềm tin yêu vào ngày hằng sống: “Ngày mới mở ra bài thơ cũ/Con mèo lười ngáp ngủ/Vươn vai” (Ngày mới).

Xin chúc mừng tác giả Đinh Công Thủy.

Đội Cấn, ngày 29/11/2023

Đ.T.K

Tin tức khác