Trao đổi kinh nghiệm về sáng tác thơ và ký văn học

Thứ năm, ngày 18-08-2022, 15:28| 1.299 lượt xem

Ngày 17 và 18/8, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức tập huấn sáng tác văn học năm 2022 cho hội viên chuyên ngành Văn học. Tại lớp tập huấn, các hội viên Chi hội Văn học đã được Nhà thơ Inrasara, Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà Văn Việt Nam truyền đạt kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác thể loại thơ và ký văn học.

Nhà thơ Inrasara - Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam trao đổi tại lớp tập huấn.

Đối với lĩnh vực thơ, Nhà thơ Inrasara đã khái quát bức tranh sinh động về sự vận động của thơ Việt Nam qua các giai đoạn, từ dòng thơ cổ điển đến thơ mới, thơ hậu hiện đại. Về trào lưu cách tân thơ Việt giai đoạn đầu, kể từ sau năm 1986, Nhà thơ Inrasara quy về 03 dòng: Dòng tiếp nối những cách tân thập niên 50 của thế kỷ XX với tên tuổi các nhà thơ Lê Đạt, Dương Tường, Trần Tuấn... Dòng tiếp nối “thơ miền Nam nối dài” có thơ của Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Khiêm Lê Trung, Mai Văn Phấn... Và dòng thứ ba là các nỗ lực cách tân thơ của những cá nhân nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh... Theo ông, điểm gặp gỡ giữa các nhà thơ thuộc trào lưu này là ý thức đổi mới - thể thơ mới, ngôn từ mới, thi ảnh mới, và nhất là cách nói mới. 

Nhà thơ cũng trao đổi về dòng thơ nữ quyền được khởi động bởi Dư Thị Hoàn ở miền Bắc và Thảo Phương ở miền Nam; sau đó một loạt đông đảo nhà thơ, chủ yếu là nữ như Vi Thùy Linh, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Đỗ Khánh Phương, Lam Hạnh, Phan Thị Vàng Anh, Vũ Thiên Kiều, Lưu Mêlan... đều có hướng đi riêng của mình. 

Nhà thơ Inrasara trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các hội viên.

Nhà thơ Inrasara thuyết giảng sâu sắc và kỹ lưỡng về thơ đương đại, về trào lưu thơ hậu hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, là một trào lưu văn hóa tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật. Cảm thức hậu hiện đại cảm nhận thế giới là sự hỗn độn, vô nghĩa, bất khả nhận thức, phi nghiêm cẩn, phi tâm hóa từ đề tài, cảm hứng đến thể loại, ngôn ngữ... Đây là phong trào thơ ra đời cùng với văn chương mạng tiếng Việt, chuyển động mạnh, tác động lớn đến thơ Việt, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới. 

Trả lời câu hỏi thảo luận của hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang về nhiều bài thơ thuộc dòng thơ hậu hiện đại khó đọc, khó hiểu, làm sao để cảm nhận? Nhà thơ Inrasara cho biết: Để hiểu và cảm nhận được 1 bài thơ, người đọc phải dùng hệ mỹ học để quy chiếu, từ tứ thơ, ngôn từ, thi ảnh và sự cảm nhận tình cảm mà tác giả muốn biểu đạt. 

Theo ông, thời kỳ đất nước đổi mới thì văn chương, trong đó có thơ cũng cần đổi mới mạnh mẽ. Thời đại khác, quan niệm thơ cũng phải khác, lối làm thơ càng phải khác. Hơn nữa, yêu cầu sáng tạo của văn học nghệ thuật là không cho phép người làm thơ cứ đi mãi trên con đường có sẵn và mòn vẹt dấu chân người. Bởi vậy, mỗi người cầm bút, muốn có tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc phải chấp nhận phá bỏ cái cũ, phá bỏ lối mòn. Người viết cần phải có cách nhìn nhận 1 vấn đề bằng con mắt đa chiều mới phản ánh được hiện thực toàn diện. Mỗi tác giả không tự tìm tòi, nghiên cứu, không mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết, không tự phát triển bản thân sẽ không thể có tác phẩm lớn. Người viết cần chấp nhận đi xuống tận cùng nỗi cô đơn của sáng tạo: tầng cô đơn thứ ba. Cô đơn trước, trong khi viết, cô đơn cả sau khi tác phẩm đã ra đời.

Hội viên dự lớp tập huấn.

Nhà thơ cũng chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm viết về các thể loại ký, trong đó nhấn mạnh vào ký văn học. Theo ông, để có một bút ký hay bài viết cần phải có chủ đề nóng; tác giả cần nêu bật sự thật với những chi tiết độc đáo, có cái nhìn mới; bài viết có chất văn; mang tính đánh động và có tính dự báo. Trong đó, ông lưu ý để làm nên một tác phẩm bút ký đồ sộ cần phải viết dưới dạng bút ký phức hợp, bút ký liên hoàn... Ông nhấn mạnh: Mỗi tác giả cần thâm nhập sâu vào thực tế, có sự đồng cảm sâu sắc với người trong cuộc, phải dùng cả tình yêu, sự hy sinh và trách nhiệm để viết mới có thể cho ra đời tác phẩm hay.

Tin tưởng rằng qua lớp tập huấn, trao đổi, thảo luận sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng được "thai nghén" và ra đời, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng cao của xã hội, lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Tuyên Quang.

Quang Thanh

Tin tức khác