Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại Việt Nam

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 15:25| 143 lượt xem

Hội thảo Khoa học Quốc tế “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ” vừa diễn ra tại Trường Đại học Tây Đô, thành phố Cần Thơ vào cuối tháng 3.2024, thu hút hơn 200 đại biểu các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự. Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca đã trình bày tham luận “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại Việt Nam” được hội thảo đánh giá cao.

Chủ tọa và đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ” Ảnh Vanvn.vn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca - Giảng viên Khoa XHNV & Truyền thông Trường ĐH Tây Đô: Sáng tạo trong thơ nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung là sáng tạo có mục đích và là bản chất của nhận thức về nghệ thuật. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, không chấp nhận sự lặp lại và dễ dãi trong sáng tác. Nhà thơ luôn là người có ý thức cao trong cách vận dụng ngôn từ, đi từ hình ảnh đơn giản, chân phương cho đến việc xây dựng chất liệu đó đạt đến tính hình tượng. Để đạt đến tính hình tượng trong thơ đòi hỏi nhà thơ, nhà văn nói chung phải trải qua quá trình lao động nghiêm túc, vừa nghiêm túc vừa sáng tạo, tìm ra hướng đi mới cho thơ,… đạt đến sự khác biệt và tạo nên phong cách…

Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca. Ảnh Vanvn.vn

Trong gần một thập niên trở lại đây, một thể loại thơ trữ tình được sáng tác theo một hình thức mới được nhà thơ Phan Hoàng sáng tạo ra – thơ 1-2-3. Là một nhà thơ nghiêm túc với nghề, Phan Hoàng luôn ý thức được vấn đề sáng tạo trong nghệ thuật là một nguyên tắc và là tôn chỉ của bản thân trong hoạt động nghệ thuật. Sau thời một gian thể loại thơ 1-2-3 ra đời, ban đầu, các nhà lí luận phê bình, các nhà thơ cũng nghi ngại về giá trị của nó trong thực tiễn sáng tác. Tuy nhiên, không lâu sau đó, có nhiều nhà thơ đã đi từ tò mò, thích thú đến sáng tác, xuất bản bằng hình thức này và thơ 1-2-3 dần trở thành một hiện tượng văn học đương đại ở Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả trình bày những đặc trưng cơ bản của thể loại thơ 1-2-3 như đề tài, chủ đề, cấu trúc,… Bên cạnh đó, tác giả khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Phan Hoàng (người sáng lập thể thơ) và một số nhà thơ khác ở Việt Nam nhằm nhận diện các đặc trưng và ghi nhận đóng góp của thể thơ này trong dòng văn học Việt Nam đương đại.

Các tập thơ 1-2-3 đã xuất bản. Ảnh Vanvn.vn

PGS-TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam, nhận định đây có lẽ là hội thảo liên lĩnh vực đầu tiên không chỉ ở vùng Tây Nam bộ mà còn trên phạm vi toàn quốc. Với các báo cáo và tham luận có chất lượng cao, hội thảo là một diễn đàn học thuật nghiêm túc, mở ra hướng tiếp cận mới, mang lại nguồn sinh khí mới trong giới nghiên cứu học thuật cho vùng Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Thơ 1-2-3 ra đời trong bối cảnh thơ ca Việt Nam đương đại cần có một luồng gió mới cho những biến chuyển lớn của thơ sau hòa bình thống nhất đất nước. Điểm sáng của thơ sau 1975 ở nước ta là số lượng các văn nghệ sĩ, các bài thơ, tập thơ,… tăng lên đáng kể về số lượng.

PV

Tin tức khác

Trong nước

Quốc tế

Trong tỉnh