Sông Bồ chữ

Thứ hai, ngày 13-03-2023, 10:47| 1.066 lượt xem

Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống  hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện.

                                                                            Vijaya Lakshmi Pandit

 Nếu ai đi qua phủ Kiến Ninh tỉnh X, ở phía Tây Nam sẽ gặp một dòng sông nước xanh ngăn ngắt tên là Bồ Chữ. Một cái tên có vẻ hơi lạ sẽ khiến nhiều người tò mò, tại sao con sông lại có cái tên rất đỗi văn chương ấy? Câu chuyện sảy ra vào thời vua Minh Mạng, ở làng Thanh Tân trong phủ ấy có nhà lái trâu này giàu có lắm, họ Nguyễn tên Thi, ông đã ngoài 60 nhưng trông còn rất rắn rỏi và khỏe mạnh. Vợ mất sớm, để lại ba người con trai tới nay đã lập gia đình cả, theo bố làm nghề lái trâu nên toàn gia rất vượng. Phủ Kiến Ninh từ lâu vẫn được coi là vựa lúa của tỉnh X, nên công việc cày bừa đòi hỏi rất nhiều về sức kéo. Ông Thi cùng ba con trai lên tận mạn ngược xứ Tuyên Hóa để mua trâu của bà con dân tộc thiểu số với giá rẻ đem về, mỗi chuyến hàng chục con to khỏe, ông bán lại cho những nhà địa chủ, phú hộ trong vùng với giá cao hơn giá gốc hàng chục lần, tiền lãi không biết nhiêu cho kể..

Nhà ông lái trâu tên Thi có lẽ là to đẹp nhất làng Thanh Tân, tiền từ buôn trâu kiếm được, ông tích cóp, xây ngôi nhà gạch năm gian kiên cố, lợp ngói mũi hài, xung quanh um tùm cây cối ụ rơm, chuồng trâu chuồng lợn, ao cá, cổng vào xây mái, tường bao chắc chắn, sân lát gạch Bát Tràng, nhìn cũng đủ biết là vô cùng phong lưu. Đám quan viên, kỳ hào trong làng cũng rất kính nể ông lái trâu, cũng bởi một phần ông giầu có, hai nữa lại có tính thương người, cứ năm nào lụt lội đê vỡ hay hạn hán, ông đều xuất tiền quyên góp một số tiền không nhỏ cho việc tu sửa và cứu đói, ngoài ra còn tiền xây chùa sửa đình vv Ông cũng thường công đức hàng trăm, chục lạng bạc. Ba đứa con trai của ông Thi như đã biết theo nghề lái trâu của bố, đứa nào cũng có nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề, nhưng tính tình cục súc, hám gái, lại chỉ thích kết giao với những thành phần máu mặt có tiền có của, nên lúc nào cũng nghênh ngang, rủng rỉnh tiền bạc, tụ tập hát xướng, tổ tôm thâu đêm suốt sáng.

Dòng dõi nhà ông Thi cũng không phải là một dòng dõi có danh có giá ở làng. Ông tổ nhà ông trước đây làm nghề đánh dậm, đến đời ông nội ông thì làm nghề chăn vịt, đời ông thân sinh ra ông thì làm tương, chỉ đến đời ông và các con ông mới phất lên nhờ nghề lái trâu. Năm nay ông Thi đã hơn 60 tuổi rồi, sau mấy chục năm làm nghề lái trâu, người ta đồn rằng ông phải có cả hàng chĩnh vàng, hàng chum bạc. Chả biết có phải không, mà chỉ thấy ông sống rất mực giản dị, vẫn thường ngày áo nâu quần vải, đầu chít khăn củ ấu, đi guốc mộc, mồm nhai trầu bủm bỉm. Việc làm ăn mối lái ông giao hết cho anh con trai cả, còn giờ là lúc ông thảnh thơi an hưởng tuổi già bên đám cây cảnh, hòn non bộ, lồng chim, ao cá vv. Tưởng mọi thứ như thế với ông Thi đã là an bài, được thế cũng là bởi trời đã thương ông quá đỗi. Xong không hẳn vậy, đôi khi, ông cũng nghĩ về cái sự già, chết. Ai rồi mà chả phải già, chết? Kể cả vua chúa, thường dân. Xong, chết rồi thì gửi hồn về đâu? Mấy thằng con trai chơi bời trác táng, ông chẳng có trông mong gì ở chúng, sau này ông mà chết, bạc vàng của ông chắc chắn là chúng sẽ đánh chửi nhau mà tranh cướp, giành giật cho bằng được phần hơn về mình. Còn cái thân già này, thi thoảng giỗ chạp có nhớ đến thì cũng chỉ được bát nước cơi trầu, cái sự vô tâm của lũ ôn vật ( ông hay nghĩ về ba đứa con trai như thế ) ông thuộc như lòng bàn tay. Giờ ông còn đang sống sờ sờ mà có mấy khi chúng quan tâm hỏi han những khi ốm đau nữa là lúc chết. Còn cụ kị ông bà cha mẹ nữa, Tết nhất mà không nhớ đến họ kể cũng tội. Nên sau hàng mấy đêm trằn trọc suy tính, ông quyết phải xây một cái từ đường thật lớn.

Nhưng ông Thi hơn hai tháng nay vẫn còn lấn bấn lắm về cái chuyện xây từ đường. Ông bàn với ba thằng con trai, cả ba đứa đều đồng ý, đại loại rằng vàng bạc của bố, bố muốn làm gì thì làm, chúng cũng sẽ đóng góp phần nào để xây cái từ đường dòng họ to nhất cái làng này. Nhưng để thờ ai? Ông tổ thì làm nghề đánh dậm, ông nội thì chăn vịt, cha đẻ thì làm tương, thế thì liệu có danh giá vẻ vang gì? Hãy xem họ Vũ, họ Phan ở cái làng này, từ đường của họ tuy nhỏ, nhưng gốc gác cụ kị toàn là thám hoa, bảng nhãn, những bậc hào kiệt vá trời lấp bể, văn chương cao rộng, góp mặt nơi sân Trình cửa Khổng. Còn cái từ đường nhà ông, nếu xây dẫu có to đến mấy, liệu dân làng có trọng? Hay những kẻ có tí chữ, hiểu biết thâm sâu, nó lại không thầm cười khẩy trong bụng thì có chớ kể. Ông Thi suy nghĩ lung lắm, tận mấy bữa cơm chẳng thiết ăn, rượu chẳng thiết uống, tóc trên đầu gần như bạc trắng, và rồi trong một đêm không ngủ được, ông chợt nhớ tới thằng cháu ruột, con ông anh cả nhà ông, đứa cháu mà thường ngày ông vẫn hằng yêu quý.

Cậu ấy tên Khương, tầm hơn 20 tuổi. Ông anh cả nhà ông Thi hiếm muộn, gần 50 tuổi mới sinh được mụn con trai để nối dõi tông đường nên cả họ thương mến. Khương khác với ba đứa em lỗ mãng con nhà ông chú, chàng tuấn tú, đẹp trai, nho nhã, thư sinh, cũng được cha mẹ cho đi học hành tử tế, nhưng cái đường công danh xem chừng còn rất lận đận, từ trước tới nay chưa từng thi đậu một kỳ thi Hương nào. Nên an phận lấy vợ, ở nhà làm ruộng, gieo dưa trồng đậu. Một hôm, ông Thi cho gọi Khương đến, rơm rớm nước mắt mà nói rằng: Cháu ạ, nhà ta gốc gác chả có lấy gì làm danh giá, lâu nay vẫn chưa được xếp vào dòng họ có chữ nghĩa ở làng. Lòng chú ngày đêm trăn trở buồn bực, họ nhà người ta thì khoa bảng, trí thức, có việc gì hội họp ra đình, ra xã đều được trọng thị, kính quý. Chú vẫn nhiều đêm chong đèn nghĩ ngợi. 3 em cháu tính tình lỗ mãng, cục cằn, thô thiển, chả trông mong được gì. Chỉ có cháu là khôi ngô hòa hảo, tuy học kém, nhưng tính tình hiền hậu. Chú cả đời lái trâu, có dành được một số của cải, định xây từ đường, đặng sau này cho các cụ nhà ta vào đấy để thờ phượng cho khỏi tủi phận với làng nước. Nay, cháu cầm lấy 50 lạng bạc này, chú cho mà mua sách thánh hiền về đọc, đồng thời kết giao với đám văn nhân hiểu biết...

 - Dạ... Khương định ngắt lời chú, tần ngần nhìn gói bạc chú vừa đưa ngơ ngác chẳng hiểu gì, thì lại nghe ông Thi nói tiếp:

- Chú biết, cháu ngại kết giao với những bậc văn chương thơ phú, bởi nghĩ mình tài hèn trí mọn. Nhưng cứ cố kết giao đừng ngại, mời mọc ăn uống kính trọng họ, lâu ngày sẽ thành thân thuộc tri kỷ, rồi chú sẽ có cách của chú...

Ông Thi tần ngần tiễn cháu đích tôn của dòng họ ra tới cổng, rồi trở vào nín thở ngồi xuống bộ tràng kỷ bằng gỗ mun sang quý. Bước đầu thế là ổn thỏa, còn bước tiếp theo, ông ngóng kỳ thi Đình trong kinh đô mùa thu sắp tới, bí mật dò la xem có anh khóa nào ở xã bên bị hỏng không.

Thì ở làng Yên Mỹ cũng thuộc phủ Kiến Ninh có anh khóa Ngọc nhà nghèo, cha mất sớm, ở với mẹ già cực kỳ hiếu thảo. Anh khóa cũng mới ngoài 20, nổi tiếng hay chữ, làm thơ, tả văn khắp huyện, khắp tỉnh chả mấy ai sánh kịp. Dùi mài kinh sử đèn sách đã lâu, chờ đến hội thi năm nay quyết vào kinh đô đem bảng vàng về báo hiếu mẹ già, trả nghĩa người vợ tần tảo nuôi anh ăn học. Bởi thi Hương đỗ lấy cử nhân và tú tài, thi Hội lấy tiến sĩ và phó bảng thì anh đã vượt qua được cả, chỉ chờ cuộc thi Đình sắp tới là công thành danh toại. Năm Nhâm Thìn đời vua Minh Mạng 1832, triều đình long trọng mở khoa thi Đình, tài tử văn chương khắp cả nước tụ về Phú Xuân để thi thố. Từ năm Nhâm Ngọ 1822, Bính Tuất 1826, Kỷ Sửu 1829, chưa một sĩ tử nào đạt 10 phân để đỗ Trạng. Triều đình quy định nghiêm ngặt nếu văn lý được 10 phân thì cho đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh Trạng Nguyên, 9 phân thì cho đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh Bảng Nhãn, 8 phân thì cho đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh Thám Hoa. Nghe đâu, vua thường buồn phiền nói với đám Phan Huy Thực ở Bộ Lễ rằng: Ba kỳ thi trước chưa sĩ tử nào được 10 phân để lấy Trạng, lòng ta buồn và bội phần lo lắng, bởi thi Đình rất khó lấy được người đỗ Đệ nhất giáp. Nếu không lấy thì thiếu nhân tài, mà lấy phiếm thì e không làm thỏa được nguyện vọng của sĩ phu... Có viên quan văn khẳng khái trả lời rằng: Thưa, chúng thần cũng băn khoăn là như thế, nhưng khoa cử vẫn phải thật công tâm, dẫu chẳng lấy được ngôi đầu thì vẫn phải chấp nhận kết quả, không nên chiếu cố để miễn cưỡng cân nhắc, khiến sĩ tử cả nước không phục. Nên đặt tính khách quan lên hàng đầu, cùng phương trâm đào tạo hướng đến thực chất. Đó chính là minh triết của giáo dục, để làm gương cho các đời sau tiếp nối và ghi nhớ...

Anh khóa Ngọc không biết kỳ thi Đình này anh có đỗ được Đệ nhất giáp không, nhưng anh tin ở sức học của mình, thơ văn anh ứng đối, sáng tác cứ như suối chảy, tới giờ này, anh đã có hẳn hàng trăm bài thơ phú kiệt xuất, nên anh tin ở mình lắm lắm. Ngày anh lên đường, vợ dại con thơ, mẹ già cùng bà con chòm xóm bùi ngùi đứng bên lũy tre làng đưa tiễn. Quyết tâm đi ba, bốn ngày đường nắng gió mới tới Phú Xuân, ăn tiêu dè sẻn mấy nén bạc vợ đưa, mướn nhà nghỉ giá rẻ ở làng Vỹ Dạ ngay cạnh con sông Hương thơ mộng. Anh khóa chẳng dám mon men tới chỗ phố xá đông vui, cao lâu tửu quán nhiều cám rỗ lại vô cùng tốn kém. Buổi tối, chỉ dám ngắm xa xa phố phường rực rỡ đèn lồng soi bóng lung linh xuống dòng sông, trên bờ xe ngựa, xe kéo rộn ràng người qua kẻ lại tấp nập trong những bộ quần áo sang trọng. Anh chỉ dám đi bộ tới tham quan chùa Thiên Mụ trong một buổi sáng trời mù mịt sương, hay thơ thẩn dạo mát ở bến Văn Lâu vào những buổi hoàng hôn ngập nắng, xem thuyền bè qua lại trong tiếng trống chiều đánh ầm ầm phía Đại Nội, vang vọng khắp kinh thành báo hiệu một ngày sắp hết.

Rồi cũng tới ngày phải thi cử, năm nay hoàng thượng ra đề luận về chữ NHÂN trong đạo hạnh mỗi người nho sĩ cần phải có. Anh khóa Ngọc hiểu bài làm rất thông, bởi phần này anh đã thuộc từ lâu, lại viện dẫn lời của đức Trang Tử bên nước Trung Hoa xưa đại ý nói rằng: Nhân trong mỗi người nho sĩ là cái tấm lòng rộng mở với thiên nhiên cây cỏ, muôn loài động vật. Nhân là Người, song Nhân cũng là Đức, là Nghĩa, hợp lại thành một thể thống nhất làm nên một chữ Nhân, một con Người hoàn thiện vv và vv...

Vua xem bài của anh khóa ở phủ Kiến Ninh tỉnh X, thấy bội phần khâm phục, chữ viết thì đã như rồng bay phượng múa, lời văn lại mạch lạc tài hoa, không dài dòng lê thê, ngắn gọn mà súc tích, có cương nhu liền mạch, tạo cảm xúc lôi cuốn dễ hiểu. Anh khóa Ngọc chắc mẩm bài mình sẽ được điểm cao, không 10 phân thì cũng phải được 9, cùng lắm là 8, anh tự tin là như thế. Nhưng than ôi, anh có ngờ đâu, khi vua đưa bài của anh cho các quan trong triều đọc và nhận xét, một ông quan văn phát hiện ra rằng anh đã phạm quy, bởi trong bài văn của anh có đoạn viện dẫn lời của Trang Tử, mà một trong những bà hoàng hậu của vua Gia Long đời trước lại có tên là Trang Hiếu. Vì vậy rõ ràng là anh đã phạm quy. Nhà vua có ý vô cùng tiếc, xong luật lệ thi cử của quốc gia không thể châm chước chiếu cố cho một ai. Cái sự oái oăm này năm nào cũng sảy ra, bởi hầu hết các sĩ tử, có mấy ai biết rõ tông tích các bà hoàng hậu hay công chúa đời trước đời nay tên hiệu là gì đâu, mà cái sự không may năm nay lại sảy ra đúng với anh khóa Ngọc. Nên ngày cáo yết bảng vàng ở cổng Ngọ Môn, anh đợi mãi không thấy tên mình được gọi để vào yết kiến mặt rồng, anh buồn rồi anh khóc nức nở, anh thương mẹ, thương vợ, thương con, làm mọi người ai ai nhìn anh cũng động lòng thương cảm.

Anh khóa trở về nhà ốm suốt một tháng, sau khi khỏi ốm, vì buồn chán, anh lại sinh ra uống rượu, cáu gắt, lè nhè suốt ngày suốt tối. Mẹ anh bảo: Thôi con ạ, học tài thi phận, chuyến này chẳng đỗ thì chuyến sau phải quyết tâm. Con còn trẻ, hãy xem các bậc khoa bảng ngày xưa, có vị 40, 50 tuổi mới rạng, chứ không mấy ai được như Nguyễn Hiền, Đĩnh Chi đâu con... Vợ anh khóa cũng khuyên hết lời, đại loại rằng: Chàng cứ yên tâm học tiếp, thiếp sẽ lại gắng công gắng sức, để vài năm nữa, chàng lại vượt đèo Ngang vào Phú Xuân, rồi sẽ mã đáo thành công... Anh khóa chẳng nghe mẹ, cũng chả nghe vợ và bất kể một ai trong cái họ nhà anh. Muốn đốt hết sách vở với bao bài thơ phú văn chương anh đã kỳ công sáng tác, rồi sống đời nông phu cho thanh thản. Nhưng một chiều kia, khi anh đang ngật ngưỡng uống rượu say mèm trên cái chõng tre trước sân có giàn hoa  thiên lý, nghe thấy tiếng chó sủa bên bờ rào cúc tần, thấy một ông này tầm trên 60 tuổi, dáng vẻ hiền hậu, khỏe khoắn, tay ôm một bồ thóc nhỏ trông có vẻ rất nặng  rón rén đi vào sân. Thì là ông lái trâu tên Thi chứ còn ai. Hai bên trà nước chào hỏi nhau, nhìn trước ngó sau xem như không có ai, ông Thi mới nhỏ nhẹ trình bày với anh khóa Ngọc rằng là ông muốn mua hết chỗ sách vở thơ phú của anh, cũng bởi cái sự lận đận quan trường đã làm anh nhụt chí, trở nên ra nông nỗi thế này, có muốn thôi đường nghiên bút thì ông xin nhận, còn không thì ông chả dám nài và xin phép ra về, chỉ là có cái bồ thóc nhỏ này muốn làm vật trao đổi... Cái bồ bằng cói sơn đỏ chỉ cao tầm có ba mươi phân chuyên để thóc giống. Ông Thi từ tốn mở nắp ra, lấy tay khỏa nhẹ lớp thóc bên trên, hiện lên trong mắt anh khóa vừa hỏng thi biết bao thỏi bạc trắng sáng lấp lóa. Đang quẫn trí vì hỏng thi lại ăn bám mẹ già vợ dại, chẳng nói chẳng rằng, anh vào luôn thư phòng đem hết hàng chồng sách vở các sáng tác của anh ra đưa cho ông khách giầu có, mà không thèm hỏi ông ở đâu, mua về cho ai, dùng vào việc gì? Ông Thi vui mừng khôn xiết, bảo anh khóa tìm cho một cái thúng và một cái mẹt, ông đổ đám bạc lẫn thóc từ cái bồ ra cái thúng, rồi đậy mẹt lên, bảo anh khóa bưng vào nhà tối đưa cho mẹ cất cẩn thận. Còn về phần ông, ông trang trọng cho hết đám sách vở văn chương của anh lèn chặt vào cái bồ, cẩn thận đậy nắp lại, rồi thở phào bê lấy từ tốn chào ra về, không quên dặn anh khóa phải giữ thật bí mật cái chuyện này, nhất nhất đừng để cho ai biết.

Ông Thi đem bồ chữ về, cho gọi ngay người cháu ruột đến gấp. Phần anh Khương, từ hôm nhận bạc của chú, bèn đi kết giao khoản đãi đám văn nhân được tiếng là hay chữ, là uyên thâm của đất Kiến Ninh và khắp chiếu văn hội thơ trong tỉnh. Được cái tính nết anh cũng hiền hòa dễ gần, lại hay khoản đãi rượu thịt rất hậu nên sau một thời gian, cũng được nhiều kẻ tự xưng là có chữ quý mến, thường xuyên qua lại. Hôm anh đến, chú anh trang trọng đưa cho anh cái bồ chữ, cẩn thận dặn dò: Cái bồ thơ văn này chú phải đổi bằng một bồ bạc đấy, của một anh khóa nức tiếng văn chương ở xã khác. Cháu đem về cất kỹ, thi thoảng lấy ra một vài bài thơ văn, bảo là của mình làm, đem cho đám bạn văn nhân đang giao đãi để họ đọc rồi nhận xét... Không thể tả hết được sự vui mừng của Khương khi nhận được cái bồ chữ, vì bấy lâu nay trong những buổi trà rượu, thấy các bạn văn sĩ bình thơ thưởng phú nói chuyện rôm rả, anh cũng muốn tham gia lắm, nhưng hiềm nỗi nghĩ mình dốt, một câu cú không biết làm, nên chỉ như một thằng hầu rót trà, têm trầu không hơn không kém. Nay có hẳn một bồ chữ hàng trăm bài, toàn những áng văn chương trác tuyệt, bảo sao không sung sướng, tự hào. Lần này chắc mẩm cũng góp được mặt với đời, với tầng lớp chữ nghĩa, rạng rỡ tổ tông ông bà cha mẹ...

Ngay ngày hôm sau, ông Thi và mấy anh con trai bắt tay luôn vào việc xây dựng từ đường dòng họ trên mảnh đất vườn nhà ông anh cả, bố của Khương, toàn bằng gỗ lim và gạch ngói Bát Tràng, tính ra tiền tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Ngày khánh thành, ông Thi làm một trăm mâm cỗ toàn sơn hào hải vị, mời bà con làng xóm, bạn bè thân thiết trong xã ngoài huyện đến chung vui cùng dòng họ ông từ nay đã có từ đường dánh giá, đồng thời giới thiệu cháu đích tôn của dòng họ là người biết làm thơ, thảo văn, bình phú. Anh Khương, như đã được dặn trước, hôm ấy lấy trong bồ ra liền một lúc ba, bốn bài thơ hào hứng đọc cho mọi người nghe. Đám bạn văn nhân đồng loạt vỗ tay ào ào tán thưởng, ngạc nhiên chẳng ngờ bấy lâu nay anh cứ... giấu nghề, hôm nay khánh thành từ đường mới khoe ra cho mọi người biết. Từ đó, người làng Thanh Tân chẳng ai còn nhớ đến cái gốc gác đánh dậm, làm tương nhà ông Thi nữa, mà từ đường to đẹp dòng họ nhà ông, nhìn vào đấy người ta chỉ thấy anh Khương cùng các bạn văn sĩ nho nhã thư sinh học cao hiểu rộng của mình, hàng tuần vào những ngày đẹp trời, lại chải chiếu Nga Sơn đổ ối giữa sân gạch phết hồ, cùng ăn trầu, thưởng trà đọc thơ cho nhau nghe, nói chuyện kinh đô, thế sự, quan lại, đông tây kim cổ vv Toàn các chuyện chí khí lớn lao nên được nể lắm. Hơn chục năm sau thì ông Thi và bác cả, bố anh Khương lần lượt qua đời. Anh Khương lên nắm giữ cơ nghiệp của cha và một phần của cải chú để lại. Riêng cái bồ chữ anh giấu thật kỹ, vợ con chẳng một ai biết, thi thoảng mới lấy ra một hai áng văn để cho các bạn đồng trang cùng thưởng lãm, mà vẫn nói là của mình làm với sự tự hào khôn xiết. Dần dần tên tuổi của anh vang vọng khắp nơi, nhiều người thuộc giới khoa bảng thường xuyên lui tới kết giao, đàm đạo...

Lại nói về anh khóa Ngọc ở xã bên, sau một thời gian dài chán ngán việc thi cử, dần dần anh cũng quay lại với sách vở, mà cái sự sáng tác, tức cảnh sinh lời vốn đã ngấm sâu vào máu thịt anh ngay từ khi mới sinh ra, bởi nguồn gốc của anh vốn nhiều đời trước là những người hiển đạt hay chữ. Một ngày nọ, nhân Tết trung thu khí trời mát mẻ, anh khóa Ngọc được một vài người bạn rủ tới nhà anh Khương ở làng Thanh Tân chơi, mà vẫn biết nhiều năm gần đây anh Khương được tiếng là người làm thơ thảo văn nổi tiếng trong làng ngoài xã được nhiều người vì nể. Anh Khương đón tiếp các bạn rất chu đáo, luôn miệng cười, mời mọc trà thuốc cùng ăn uống. Xong xuôi theo thông lệ là đến mục bình thơ, của ai mỗi người phải đọc một bài. Anh Khương như mọi khi hồ hởi mang một bài thơ trong cái bồ chữ bí mật ra cho mọi người cùng xem, ai cũng tấm tắc khen ngợi chuyền tay nhau đọc. Tới lượt anh khóa Ngọc, anh đón lấy bài thơ của anh Khương, thấy nét chữ quen quen, trước còn ngờ ngợ, sau anh nhận ra chính là nét chữ của mình cùng bài thơ mà chính mình ngày xưa đã kỳ công sáng tác. Anh ngỡ ngàng, mồ hôi chảy đầm đìa như tắm, nhớ tới cái bồ thóc toàn bạc của ông khách dạo nào. Anh trợn mắt, hết nhìn anh Khương, rồi nhìn trang giấy đang run run cầm trên tay rồi đổ ập người xuống mê man không biết gì nữa.

Suốt một tháng sau anh khóa Ngọc cứ mê man như thế, lúc tỉnh anh khóc đòi trả lại bạc lấy sách về, công sức anh, trí tuệ anh trong một phút giây thiếu hiểu biết đã dâng tặng cho người đời hàng trăm áng văn thơ, để giúp họ trở nên nổi tiếng có danh có giá. Anh đau lắm, trong một đêm trăng anh đi ra sông thẫn thờ nhìn ông trăng lan tỏa ánh sáng lồng lộng trên mặt nước, rồi anh bước xuống dòng sông chìm dần, chìm dần...

Cái chết của anh khóa Ngọc ám ảnh Khương, dù không hiểu câu chuyện chú anh ngày xưa mang cái bồ chữ từ đâu về, nhưng bằng vào linh cảm, anh mường tượng nhận ra rằng anh khóa Ngọc chính là chủ nhân của cái bồ chữ ấy. Anh ân hận, anh dày vò, anh trách chú anh, rồi anh khóc trong những đêm không ngủ ngồi giữa sân ngôi từ đường dòng họ bề thế. Anh suy nghĩ rất lung và rồi anh quyết định. Một buổi sáng bình minh, anh đem cái bồ chữ ra sông, chỗ anh khóa Ngọc đã tự vẫn, ở trên bờ, anh ràn rụa nước mắt đốt hết từng bài thơ, bài phú, áng văn rồi thả lên mặt nước hóa trả lại cho anh khóa Ngọc. Sau đó anh trở về nhà rồi ốm nặng, một tháng sau thì mất. Kể từ đó người ta thấy con sông ở phủ Kiến Ninh cứ vào những đêm trăng, lại có tiếng đôi bạn nào đó đọc phú, bình văn cho nhau nghe có vẻ vô cùng tâm đầu ý hợp, kẻ cười người nói thật là tri kỷ. Lâu ngày, dần dần người ta đặt tên cho con sông là sông Bồ Chữ. Và con sông đó trải qua hàng thế kỷ, nó vẫn còn chảy mãi trong xanh đến tận muôn đời sau.                                                                                                               

Dương Đình Lộc

Tin tức khác