Bồi dưỡng cây bút trẻ cho sự nghiệp văn học nghệ thuật

Thứ sáu, ngày 29-10-2021, 15:51| 1.010 lượt xem

Báo Văn nghệ Hà Tuyên, tiếng nói của Hội Văn học nghệ thuật Hà Tuyên, sau này là Báo Tân Trào trải qua 39 năm tồn tại và phát triển. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Báo văn nghệ của Hội đã vừa giới thiệu được các tác phẩm văn học, các loại hình nghệ thuật khác, vừa bảo đảm tính định hướng tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quảng bá đậm nét vùng đất, con người Tuyên Quang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 22 tháng 7 năm 2021 vừa qua, các văn nghệ sĩ toàn tỉnh lại vui mừng đón nhận Lễ ra mắt Tạp chí Tân Trào, tiền thân là Báo Tân Trào. Đây là sự phát triển mới cả về lượng và chất của sự phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua.

Nhà thơ Hoàng Đăng Khoa, Trưởng Ban Lý luận, phê bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao đổi nghiệp vụ với hội viên Tuyên Quang.

Trong Lễ ra mắt đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã trao nhiệm vụ cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Tạp chí Tân Trào: “Cần tập trung khoảng không gian để khai thác những đề tài về vùng đất, con người Tuyên Quang hào hùng trong quá khứ, khát vọng vươn lên trong cuộc sống hiện tại, bởi vùng đất Tuyên Quang luôn thấm đẫm các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử, con người Tuyên Quang luôn có khát vọng vươn lên để xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày một giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với định danh: Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”.

Để thực hiện những yêu cầu và nhiệm vụ trên, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Tạp chí Tân Trào phải làm rất nhiều việc. Trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng những cây bút trẻ cho tỉnh để tiếp tục kế thừa, phát triển những thành quả đạt được trong những năm qua và đủ tầm vươn tới cùng sự nghiệp văn học, nghệ thuật của cả nước, của quốc tế.

Trong 39 năm tồn tại và phát triển, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên trước đây và Hội VHNT Tuyên Quang ngày nay đã có một lớp các tác giả trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như: Cố nhà thơ Gia Dũng, cố nhà thơ Mai Liễu, cố nhà văn Đinh Công Diệp và các nhà văn đang sung sức, như: Nhà văn Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong (nguyên Chủ tịch Hội), nhà thơ Cao Xuân Thái... Họ đã có nhiều tác phẩm xứng tầm sánh vai cùng với các nhà văn cả nước, nhưng tuổi của các nhà văn trên đều đã ở tuổi thất thập hoặc trên thất thập. Các tác giả trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Vương Huyền Nhung, Trịnh Thị Thứ, Tạ Ngọc Dũng, Dương Đình Lộc...

Nếu không có một tầm nhìn 10 năm, 20 năm về việc bồi dưỡng những cây bút trẻ thì chúng ta để lộ một khoảng trống khó bù đắp trong sự nghiệp phát triển văn học của tỉnh trong tình hình đổi mới về kinh tế - xã hội nhiều thập kỷ sau. Thực tế, trong thời kỳ nhà văn Phù Ninh, cố nhà thơ Mai Liễu, nhà văn Trịnh Thanh Phong làm quản lý Hội cũng đã có nhiều đợt đưa văn nghệ sĩ đi thực tế, đến các trường THPT để giao lưu, để tìm nguồn như Trường THPT Chuyên, Trường THPT Tân Trào, Trường THPT Nội trú.

Cũng có thời kỳ Báo Tân Trào đã đăng tải các tác phẩm của thầy trò của các nhà trường, nhưng rất tiếc là không duy trì được thường xuyên, không đạt được như mong muốn.

Để góp phần bồi dưỡng những cây bút trẻ để bổ sung vào lực lượng sáng tác, có lẽ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Ban Biên tập Tạp chí Tân Trào cần chủ động phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để tìm nguồn bồi dưỡng những cây bút trẻ trong đội ngũ các thầy cô giáo và học sinh yêu thích môn văn tại các trường THPT trong toàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 31 trường THPT trên khắp các địa bàn tỉnh từ Lâm Bình đến Sơn Dương, có hàng trăm thầy cô giáo tốt nghiệp đại học Sư phạm Văn. Đây là vốn quý góp phần sáng tạo văn thơ và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về văn thơ cho tỉnh.

Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Ban Biên tập Tạp chí Tân Trào cần có một kế hoạch dài hơi, có một tầm nhìn xa 10 năm, 20 năm trong bồi dưỡng những cây bút trẻ cho tỉnh. Mặt khác, Hội đề nghị tỉnh cho in thêm số lượng Tạp chí Văn nghệ Tân Trào phát hành đến các trường THPT. Ít nhất mỗi trường THPT có một số Tạp chí Tân Trào. Nên chăng trong Tạp chí có chuyên mục riêng về văn thơ cho thầy và trò các trường, để từ đó chọn những hạt giống tốt, có hướng bồi dưỡng phát triển lâu dài. Trong dịp hè, Hội có thể tổ chức "Trại viết" hoặc những lớp tập huấn cho một số học sinh có năng khiếu văn thơ do các trường THPT gửi tới để bước đầu tạo cho các em biết cách viết, cách làm thơ, tạo động lực cho các em phát triển.

Bên cạnh đó, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tìm hạt giống từ những phong trào văn hóa văn nghệ ở thôn bản, nhất là những thôn bản ở vùng sâu, vùng xa. Để từ đó chọn những hạt giống có khả năng về văn học dân gian để tiếp tục đưa vào diện bồi dưỡng thành những cây viết trẻ. Đồng thời phối hợp với các CLB thơ của tỉnh để phát hiện và bồi dưỡng các cây viết trẻ. Thực tế những năm qua, 11 CLB thơ trải khắp các huyện thị, từ Chiêm Hóa đến Yên Sơn, Sơn Dương cũng đã giới thiệu cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang nhiều tác giả trẻ, như: Vương Huyền Nhung, Quỳnh Nga trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh. Các tác giả này đang viết sung sức, có nhiều sáng tạo mới mẻ. Một số tác giả ở tuổi U60, U70 như Trần Xuân Việt, Vũ Mạnh Tữ, Đào Xuân Thủy, Trần Như Liêu, Đinh Minh Sơn đều được CLB giới thiệu vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang và đang là những cây viết nhiều năng lượng cho Tạp chí Tân Trào.

Một trong những nhiệm vụ đòi hỏi hiện nay là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần chủ động đề xuất và tham mưu UBND tỉnh để có một cơ chế chính sách hay đề án về việc bồi dưỡng những cây bút trẻ cho tỉnh Tuyên Quang. Thực tế, trong nhiều năm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực phát triển văn học, nghệ thuật. Hàng năm tỉnh tài trợ cho những tác giả xuất sắc trong sáng tác và tỉnh đã nhiều lần trao giải thưởng Tân Trào, giải thưởng cao nhất về văn học, nghệ thuật của tỉnh dành cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc, cùng sự đóng góp tích cực về lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Gần đây nhất, ngày 22/7/2021 tại Lễ ra mắt Tạp chí Tân Trào, đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự. Một lần nữa khẳng định sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh. Đồng chí đã trao nhiệm vụ cho Hội Văn học Nghệ thuật và Tạp chí Tân Trào phải là nơi đoàn kết, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ của tỉnh, xứng tầm với truyền thống “Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập, đổi mới của tỉnh Tuyên Quang với cả nước.

Tin tưởng rằng, với đội ngũ lãnh đạo trẻ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Ban Biên tập Tạp chí Tân Trào, những mong muốn về bồi dưỡng, đào tạo những cây bút trẻ để bổ sung cho lực lượng sáng tác văn học, nghệ thuật ở tỉnh Tuyên Quang sẽ sớm được thực hiện, từ đó góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển.

PV

Tin tức khác