Thấy gì qua “Bản hòa âm đất nước”

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 10:07| 144 lượt xem

Thèn Hương

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai mạc Ngày thơ tại Tuyên Quang. Ảnh: Quang Hòa

 

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” diễn ra ở các tỉnh thành trên khắp đất nước, trong đó tâm điểm là Hoàng Thành Thăng Long.

“Sân Thơ” Thủ đô năm nay trở thành ngày hội của các nhà thơ các dân tộc Việt Nam, đã mang đến công chúng tiếng thơ độc đáo của thi ca 54 dân tộc Việt Nam đương đại. Ở đó không còn là đất diễn cho nhà thơ thành danh hay người sáng tác sống tại các thành phố lớn như trước đây, mà là nơi hội tụ nhiều khuôn mặt mới lạ từ tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa. Các nhà thơ đại diện các dân tộc thiểu số Việt Nam từ Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao, Giáy cho đến Khmer, Ê Đê, Chăm, Hoa… tụ về Hoàng Thành Thăng Long ngân lên tiếng thơ của chính mình đại diện cho dân tộc mình. Cũng là điều khác lạ chưa từng có.

Ngay ở diễn văn khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam long trọng khẳng định vai trò của thơ ca và tư thế của nhà thơ trong dòng chảy văn hóa Việt Nam: “Và thơ ca là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, trong không gian thiêng liêng của Hoàng Thành Thăng Long, các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc trên mảnh đất Việt Nam đã hiện diện. Họ mang đến không gian lịch sử thiêng liêng này bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân mình, mỗi dân tộc mình. Các nhà thơ của mỗi thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đã cùng nhân dân viết nên bản tuyên ngôn bất hủ của dân tộc Việt Nam về cái đẹp và tự do”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình thơ nhạc với chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu” chính là cảm xúc xuyên suốt trong lòng mỗi con dân Việt Nam khi đặt chân đến, sống, làm việc hay dẫu chỉ một lần ghé qua thành phố. Tại chương trình, các ca khúc là thơ được phổ nhạc, được trình diễn dẫu quen mà như lạ, đã tạo sức thu hút lớn, từ “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, “Bài ca đất phương Nam”, “Người mẹ bàn cờ”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”...

Cạnh đó là Tọa đàm "Thơ với tuổi thơ lớn lên cùng thành phố". Cũng ở ngày này, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát động cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2, Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được diễn ra vào Ngày thơ Việt Nam năm sau!

Trên Tây Nguyên, điểm nhấn là Đắk Lắk với “Bản hòa âm trên Cao Nguyên” cũng rộn rã không kém. Điều đáng ghi nhận nhất của Ngày Thơ ở đây chính là tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa các dân tộc. “Mỗi dịp Ngày thơ là mỗi dịp mà tất cả công chúng và người yêu văn học nghệ thuật chờ đợi để khởi đầu cho một năm mới đối với hoạt động văn học nghệ thuật”, nhà văn Niê Thanh Mai nói.

Tại Thái Nguyên, đêm thơ Nguyên tiêu mang chủ đề “Tiếng ca người Việt Bắc” gồm cả thơ và nhạc thể hiện qua 3 chương: Cội rễ; Đây núi rừng chiến khu và Việt Bắc Boong Hây. Đó là một tham vọng đáng trân trọng, bởi Thái Nguyên được xem là trung tâm Việt Bắc, thế nên ban tổ chức không muốn đóng khung trong tỉnh nhà mà mở rộng. Các nhà thơ tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên được mời đến giao lưu. Kèm theo đó là các hoạt động triển lãm, trưng bày sách, báo, tạp chí; viết chữ thư pháp; trưng bày 100 câu thơ hay; không gian thưởng trà, triển lãm ảnh nghệ thuật; cuộc thi “Đề thơ” vào ảnh; “Vẽ tranh theo thơ”…      

Màn thả thơ. Ảnh: Nguyễn Cường

 

Tuyên Quang là tỉnh mở hội sớm hơn cả, ngày 13 âm lịch, tại Trường Đại học Tân Trào đã diễn ra “Bản hòa âm đất nước” với những tiết mục kết hợp giữa thơ - múa - nhạc hoành tráng, đặc sắc. Tại đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng đã phối hợp với Trường đại học Tân Trào tổ chức hoạt động triển lãm ảnh, sách. Ngày Thơ tại Tuyên Quang có khá đông nhà văn, nhà thơ từ Trung ương về dự hội: Nhà thơ Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà văn Cao Duy Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đáng chú ý là màn giao lưu giữa nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên Chủ tịch hội đồng Thơ Việt Nam khiến độc giả thêm phần hứng thú.

Trở lại Hoàng Thành Thăng Long, phần “Thơ và tác giả dân tộc”, bên cạnh trích đoạn trường ca “Đẻ đất, đẻ nước” (dân tộc Mường), trích đoạn trường ca “Bách điểu bách hoa” (dân tộc Tày), tiếng thơ của tác giả quá cố như Nông Quốc Chấn (“Người Tân Trào”), Lò Ngân Sủn (“Chiều biên giới”), nhà thơ lão thành như Pờ Sảo Mìn (“Con trai người Pa Dí”), nhà thơ thế hệ kế cận như Dương Khâu Luông (“Của Pang”), Bùi Tuyết Mai (“Khúc hát mùa xuân”), và cả nhà thơ Việt sống ở miền núi như Đỗ Thị Tấc (“Những người mẹ núi”) được đọc lên.

Hòa cùng tiếng thơ lạ của các nhà thơ miền Trung và Tây Nguyên, như “Nhắn người phương ấy ghé chơi” (Trần Thái Hồng), “Hồn du mục” (Kiều Maily), “Mời bạn về với chúng tôi” (Thạch Đờ Ni), “Bóng cây Kơ-nia” (Ngọc Anh)...

Và cả “Thơ và tác giả quốc tế” ở đó thơ các nhà thơ Hàn Quốc: Jeon-Min-han, Jeong Gun-Ok, Ji Eun - Kyung trình bày với cảm xúc dâng trào.

Tất cả đã làm nên “Bản hòa âm đất nước” mới lạ, độc đáo!

T.H

Tin tức khác