Bóng đá và văn nghệ

Thứ hai, ngày 22-04-2024, 08:36| 73 lượt xem

Tân Trào

 

Một góc Thành Tuyên. Ảnh của Hà Thế Đô

 

Mấy bà tranh thủ đi chợ sớm để còn kịp về lo toan những việc khác trong gia đình. Tuy nhiên, chả hiểu thế nào, gặp nhau ở chợ lại toàn người quen. Thế là mấy bà túm vào với nhau, chuyện trò rôm rả. Nào là chuyện tuổi già xuất hiện nhiều bệnh mãn tính đến chuyện ăn uống, chuyện con cháu trong nhà. Bỗng có một bà chợt quay ngoắt sang chủ đề khác.

- Này, mấy bà có xem bóng đá không. Tối qua ngồi xem mà tôi tức như bò đá.

Câu chuyện chợt trùng xuống, im ắng đi phần nào. Lát sau cũng có bà tham gia hưởng ứng.

- Đá thế thì thắng thế nào được.

Ấy là mấy bà đi chợ nói về trận đấu giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển Indonesia diễn ra vào những ngày cuối cùng của tháng Ba vừa qua. Đó là nỗi niềm chung của những người hâm mộ bóng đá. Bây giờ không chỉ có cánh đàn ông mới yêu thích môn thể thao vua này mà cánh đàn bà cũng có nhiều người nghiện nó. Họ dành thời gian xem tất cả các giải thi đấu kể cả trong nước và quốc tế. Riêng các trận thi đấu của đội tuyển Việt Nam thì họ không bỏ sót trận nào. Tinh thần dân tộc nổi lên, họ bày tỏ cảm xúc vui buồn của mình thông qua các trận thi đấu. Điển hình nhất là trận bóng giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển Indonesia trên sân vận động Mỹ Đình vừa qua. Phải nói đó là trận bóng mà người hâm mộ trong nước có nhiều điều ra, tiếng vào nhất từ trước đến nay. Trong lòng người hâm mộ, tất cả đều đặt nhiều kì vọng vào lứa cầu thủ mới, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng, ông Troussier. Nhưng họ đã thất vọng khi đội tuyển của Việt Nam thua đội bạn ngay trên chính sân nhà với kết quả 3 - 0.

Việc thắng thua trong bóng đá là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả lứa cầu thủ trong đội tuyển ra sân lần này, nhiều người đã nhìn thấy những điểm yếu của bóng đá Việt Nam. Nhưng dưới góc nhìn của cổ động viên trong nước, không ít người vẫn có phần ảo tưởng cho rằng, bóng đá Việt Nam luôn nằm trong top đầu, là “anh cả” so với các đội tuyển bóng đá trong khu vực Asean. Chính vì cái nhìn ảo tưởng, nên họ luôn đặt quá nhiều tham vọng vào đội nhà. Họ không chấp nhận những trận thua như thế. Trong khi nội tại của nền bóng đá Việt Nam đang bộc lộ rất nhiều những hạn chế. Từ việc không chịu đổi mới của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF, đến khâu lựa chọn, đào tạo cầu thủ. Thế nên dẫn đến sự thất bại là điều đã được các chuyên gia bóng đá nhận định là khó tránh khỏi.

Trong bài viết trên trang cá nhân của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận định sau khi trận đấu giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển Indonesia kết thúc: “Ông Troussier là người thất bại. VFF là người thất bại. Các cầu thủ là người thất bại. Người hâm mộ là người thất bại. Tất cả đều thất bại”. Đó là tấm bi kịch. Tuy nhiên, sự thất bại của đội tuyển lại khiến người hâm mộ trút sự tức giận lên huấn luyện viên trưởng và có những lời nói thiếu thiện cảm khi “Troussier cút đi”. Đành rằng vai trò dẫn dắt đội tuyển của người huấn luyện viên trưởng là điều vô cùng quan trọng, nhưng người hâm mộ bóng đá trong nước không nhận ra có những nguyên nhân sâu xa khác mà đổ lỗi toàn bộ cho huấn luyện viên trưởng, ông Troussier. Nhiều người cũng luôn nghĩ, đội tuyển của Việt Nam phải “trên cơ” so với các đội tuyển bóng đá khác trong khu vực, thậm chí bóng đá Việt Nam còn có thể vươn tầm quốc tế.

Ngay trong mấy bà đi chợ buổi sáng hôm đó cũng có bà nêu ý kiến:

- Nếu không phải ông Troussier mà là huấn luyện viên trưởng khác thì đội tuyển của chúng ta đã làm nên kì tích.

Lại có bà nhận định:

- Chả phải. Ông Troussier hay ông khác cũng thế thôi.

- Bà nói thế nào ấy. Đội tuyển Việt Nam đã từng vô địch nhiều lần trong các giải đấu ở Asean.

- ASEAN cũng chỉ là khu vực, còn việc vươn ra tầm thế giới lại là câu chuyện khác. Các bà thấy không, ngay như Quang Hải, Xuân Trường, Văn Hậu… là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, khi kí hợp đồng với các câu lạc bộ bóng đá nước ngoài, mà những câu lạc bộ này chỉ là hạng xoàng thôi. Thế nhưng cũng chỉ ngồi trên ghế dự bị, có đánh đấm được trận nào nên hồn đâu. Các bà bảo, trình độ, năng lực, thể trạng như thế thì làm sao mà hoang tưởng vươn tới tầm đẳng cấp quốc tế được.

Thế là mấy bà trong hội chị em đi chợ buổi sáng sớm hôm đó đều cho là phải, chả ai còn ý kiến gì nữa. Có lẽ mấy bà cũng dần hiểu ra một chân lí rằng, khi chúng ta còn nhỏ bé, chỉ đủ sức bơi ở trong cái ao làng chật hẹp, chứ khi ra biển lớn, chúng ta làm sao mà đủ sức vượt qua những cơn sóng dữ. Trong bóng đá, hay trong các câu chuyện khác trong cuộc sống, việc xác định tâm thế của mình đang đứng ở đâu là điều hết sức quan trọng. Nếu không xác định rõ tâm thế của mình, con người rất dễ dẫn đến ảo tưởng, chủ quan, dẫn đến việc đánh giá, nhìn nhận sai vấn đề, phi thực tế.

Còn nhớ có một người làm thơ. Anh ta làm rất nhiều thơ. Hầu như thấy ngày nào anh cũng cho ra lò từ một đến hai bài thơ. Sức viết của anh ta như vậy là phi thường, không phải ai cũng có thể ngày nào cũng ngồi làm thơ được. Tuy nhiên, những bài anh ta viết ra nó chỉ na ná thơ chứ nhất định không phải là thơ. Ấy vậy mà những người xung quanh anh ta lại hết lời ca ngợi, dành cho anh ta những lời có cánh. Anh ta hoang tưởng thơ mình hay thật, ít ai sánh bằng. Đi đâu anh ta cũng khoe thơ, đọc thơ mình và lại được những người xung quanh vỗ tay tán thưởng, theo kiểu “cháu hát bà khen hay”, hoặc thậm chí là “bà hát bà khen hay”. Bỗng một hôm có nhà thơ chứ danh vô tình được đọc thơ anh ta, mà đọc trên báo chí hẳn hoi. Nhà thơ chứ danh kia phán: “Thơ dở hơi”. Chuyện đến tai anh ta, anh ta giận lắm, thề sẽ không đội trời chung với cái tay nhà thơ chuyên nghiệp kia.

Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi tài năng thiên bẩm và bản lĩnh chấp nhận dấn thân của mỗi tác giả. Bóng đá cũng vậy. Bóng đá cần năng khiếu và sự tập luyện có bài bản, không phải anh cứ tham gia đá mà trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nếu phần năng khiếu thiên bẩm của anh không có. Nghề nào cũng cần năng khiếu, cao hơn là tài năng trời phú. Ngoài năng khiếu hoặc tài năng ra, nỗ lực luyện tập, trau dồi kinh nghiệm, bản lĩnh và sự dấn thân với nghề sẽ là yếu tố quan trọng để chúng ta đi xa hơn.

T.T

Tin tức khác