Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết Chuyện trong làng ngoài xã

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:37| 82 lượt xem

Bùi Thị Mai Anh

 

 

“Chuyện trong làng ngoài xã” nằm trung gian giữa ký sự và tiểu thuyết, cái hay của câu chuyện ngoài lời thuật còn là những bức tranh hiện thực rất dồi dào. Truyện một làng mà thấy được những vết thương trong quá khứ lịch sử và sự vận động đi lên của đất nước, đó chính là cái khéo léo của Vũ Xuân Tửu. Bởi vậy, người đọc khi đọc tiểu thuyết “Chuyện trong làng ngoài xã” thấy ngay được một chủ đề riêng khá mới nhưng không hề xa lạ. Và truyện trở nên sinh động, hấp dẫn hơn bao giờ hết chính bởi những yếu tố độc đáo ấy. Tác phẩm đã ghi dấu ấn khó quên trong lòng độc giả về đời sống xã hội của làng quê Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Có thể cho rằng, đề tài và chủ đề trong tiểu thuyết của Vũ Xuân Tửu đã có sự nối tiếp truyền thống văn hóa và văn học dân tộc. Cái hay, cái độc đáo trong đề tài tiểu thuyết “Chuyện trong làng ngoài xã” là tài năng khai thác về văn hóa, đời sống, những chuyện xảy ra như cơm bữa trong sinh hoạt làng quê Việt Nam nhưng ở một góc nhìn nó là một vấn đề lớn lao, là sự phản ánh trung thực, thẳng thắn không trùng lặp với các nhà văn khác dù cùng đề tài, cùng chủ đề. Và từng bước, tiểu thuyết của ông có sự tiến tới khuynh hướng hiện đại khi chủ đề trong các trang viết ngày càng được mở rộng, từ bối cảnh cho tới hệ thống nhân vật và cốt truyện.

Vũ Xuân Tửu đã lựa chọn chủ đề con người trải qua các cuộc chiến chống ngoại xâm và thanh trừng nội bộ. Chủ đề tưởng chừng dễ viết nhưng nếu không phải là người trong cuộc, am hiểu tỉ mỉ, cặn kẽ về thời cuộc thì sẽ rất khó khăn. Khi đọc tiểu thuyết, người đọc có cảm giác thân thuộc, dễ hiểu bởi ngôn từ trong sáng, giản dị nhưng không hề xa lạ. Và truyện trở nên sinh động, hấp dẫn hơn bao giờ hết bởi những yếu tố độc đáo ấy. Lấy bối cảnh chính là dân ngụ cư làng Đáy ven sông với nạn đói; mặt trận, thượng du đồng bằng Bắc Bộ trong và sau kháng chiến, những con người với những hoàn cảnh khác nhau cùng gặp gỡ, hoạt động cách mạng và nảy sinh những mối quan hệ. Chủ đề trong tiểu thuyết “Chuyện trong làng ngoài xã” của Vũ Xuân Tửu dù không mới nhưng khi đọc tác phẩm của nhà văn, người đọc vẫn tìm được một cách khai thác, khám phá mới.

Nhìn từ góc độ tương tác thẩm mĩ với yếu tố tính dục, ta thấy tiểu thuyết Vũ Xuân Tửu nổi bật với giọng điệu trần thuật.

Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết là một giọng điệu rất trải đời, vừa tự nhiên, dân dã vừa trĩu nặng suy tư, vừa giàu chất khái quát, triết lí, vừa đậm tính đa thanh. Sự tự nhiên, dân dã tạo nên phong vị hài hước rất có duyên trong giọng kể của nhân vật “tôi”, tính cách đa thanh thể hiện trong lời kể: nhiều giọng (tự sự xen lẫn hoài nghi, tự sự xen lẫn tự hào). Giọng điệu trần thuật đã làm cho tiểu thuyết đặc sắc, đặc chất tự sự rất đời thường mà lại rất hiện đại.

Trong tiểu thuyết “Chuyện trong làng ngoài xã” của Vũ Xuân Tửu, giọng điệu trần thuật thể hiện dưới nhiều “giọng” khác nhau tạo nên một sự phong phú, đa dạng của các giọng kể. Giọng kể của tác giả hòa lẫn với giọng nhân vật, hóa thân vào từng nhân vật. Phối hợp với nhiều giọng điệu, Vũ Xuân Tửu dường như trao ngòi bút cho nhân vật để tự nó nói lên giọng điệu riêng của mình. Nổi bật trong tiểu thuyết “Chuyện trong làng ngoài xã” là ba giọng điệu trần thuật cơ bản: giọng hài hước, châm biếm; giọng thân mật, tâm tình và giọng triết lý, chiêm nghiệm. Tuy nhiên, sự biểu hiện của các giọng điệu chủ yếu trên cũng có sự đan cài, chuyển chỗ một cách khá linh hoạt.

Trong tác phẩm, nhà văn đã sử dụng giọng kể tự nhiên, say sưa với lối cà kê, kể lể với lượng thông tin lớn và tỉ mỉ. Bước vào thế giới của tiểu thuyết, chúng ta được gặp lại người kể chuyện xưng “tôi” quen thuộc, gần gũi, hứa hẹn một lượng “thông tin” lớn với giọng điệu cà kê, kể lể cứ mỗi lúc một kéo ta lại gần, dẫn ta đi la cà, nhẩn nha chỗ này, chỗ nọ. Ví dụ, trong câu chuyện kể về nhân vật “ông tôi”: “Ông tôi và bác Nhân chọn một băng ghế còn để trống, cùng ngồi ngắm nhìn trời Tây, rừng Tây. Ông tôi mời bác Nhân một điếu xì-gà La Ha-ba-na. Bác Nhân cười cười:

          - Chả bù cho cái anh Bông Lúa...

          Ông tôi thủng thẳng đáp:

          - Nhớ cái bận cháu bên nhà gửi sang cho tôi một tút Bông Lúa, lại viết là bác Nhân có lời hỏi thăm, thế là tôi đoán có anh đạo diễn.

          - Đâu có, cháu nó định gửi mấy lần, hiềm một điều là thuốc không ngon lắm, nhưng lại được cái tên Bông Lúa, biết đâu lại gợi cho bố nhớ tới đồng lúa, bờ tre, mái rạ... hút nặng nặng là, nhưng mà của nhà làm ra.

          Ông tôi bất ngờ rút trong túi áo vét-tông ra một cái vỏ bao thuốc Bông Lúa làm bác Nhân sững sờ. Một lát, bác Nhân gặng hỏi:

          - Bây giờ anh có thể nói lý do ra đi ngày nào được chứ? Nếu không có điều gì làm anh phiền lòng...

          Ông tôi cười ha ha...

Đoạn trích không xoay quanh một cốt truyện hấp dẫn hay một tình huống đặc sắc. Tác phẩm chỉ dường như là tập hợp những mẩu chuyện nhỏ theo mạch liên tưởng ngẫu hứng của nhà văn về các nhân vật được kể một cách tự nhiên, chuyện nọ gọi chuyện kia, chi tiết này gợi nhớ chi tiết khác chứ không có bàn tay sắp đặt, bố trí của tác giả. Qua mỗi mẩu chuyện, đoạn chuyện, thông tin mang tính chất tư liệu dồn lại trong nhận thức của người đọc lại có lớp lang hơn, không hề gây cho chúng ta cảm giác rối và vụn bởi sự kể lể thân mật, tạo không khí giao hòa hấp dẫn.

Nhưng phải bằng tài kể chuyện của mình, Vũ Xuân Tửu mới có thể “mềm hóa”, tránh gây sự khô khan, cứng nhắc để “bổ túc” những kiến thức văn hóa đáng quý cho người đọc như trong đoạn:

“Thày tôi nằm trong khoang thuyền, lơ mơ ngủ. Mũi thuyền rẽ nước oàm oạp. Quai chèo cọt kẹt một điệu buồn buồn như cóc nghiến răng. Sương xuống lành lạnh. Bỗng thày tôi giật mình, nhìn thấy con ma trơi sáng rực như quả cầu lửa, bay qua sông. Con thuyền tự dưng chòng chà chòng chành như có ai đó bám vào mạn thuyền mà lắc vậy. Thày tôi sợ dúm vó. Ông tôi vẫn thản nhiên:

- Đừng có nghịch nữa, các bà cô, ông mãnh ơi!

Bỗng có tiếng cười khanh khách bên mạn thuyền. Ông tôi dằn giọng, ra oai:

- Đây không phải là gan sứa đâu nhá!

Thuyền càng bị lắc tợn. Bó vỏ già lật nghiêng. Đống củ nâu lăn lông lốc. Thày tôi vội ôm vào cái thuyền, sẵn sàng giật ra khi bị đắm. Ông tôi cười cười, bảo:

- Để thày cho một vố.

Ông tôi cầm túm lông gà dắt trên mui thuyền, nhúng vào ống nước giải, vẩy khắp thuyền và tưới cả hai bên mạn thuyền. Tức thì có tiếng đạp nước uồm một cái. Một chốc thì bình yên trở lại, y như một giấc mơ, chỉ còn mùi nước giải là khai sực cả lên”.

Đọc những đoạn văn như thế, người đọc thấy phảng phất đâu đó hương vị văn Vũ Xuân Tửu nhưng điệu kể lại hoàn toàn khác, dễ gần, dễ đọc, dễ tiếp nhận chứ không bị choáng ngợp trước sự ngồn ngộn của ngôn từ. Nhà văn đã sử dụng rất linh hoạt, hợp lí lối dẫn dắt, nói đệm mang đậm tính khẩu ngữ dân dã, tạo độ dãn cho lời văn và sắc thái “cà kê”, “nhẩn nha” trong giọng điệu.

Ở đây, nhân vật xưng “tôi” - người kể chuyện với khá nhiều yếu tố tự truyện đã đóng vai trò quan trọng “tạo ra giọng điệu, tự nhiên, chân thành mà vẫn phóng túng”, không những tạo cảm giác dễ gần mà còn tạo tâm lí dễ tin, dễ yêu mến đối với người đọc. Bút pháp “kể” vốn là sở trường từ trước đến nay của Vũ Xuân Tửu. Dân dã bởi chất giọng dễ gần, dễ mến, hiện đại cũng bởi không khí đời thường suồng sã và bởi lượng thông tin, tư liệu dồn nén trong tác phẩm. Các giọng điệu tiểu thuyết Chuyện trong làng ngoài xã như một dàn đồng ca với nhiều âm sắc khác nhau, góp phần tạo nên nét đặc sắc trong phong cách văn chương của Vũ Xuân Tửu. Thể hiện ở nhiều cấp độ, cung bậc khác nhau, các giọng điệu tiểu thuyết Chuyện trong làng ngoài xã phản ánh xã hội ngày xưa qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến cải cách kinh tế, mở cửa hội nhập quốc tế…

Đoạn miêu tả khẩu súng ba-zô-ka: “Đêm tối vượt sông, bộ đội vác khẩu ba-zô-ka to như khúc bương, cái miệng nòng súng loe ra như cái loa”. Câu văn tuy ngắn nhưng đầy hình ảnh so sánh với ngôn ngữ mộc mạc, cụ thể, rất nhà quê của anh nông dân lần đầu mặc áo lính, khiến người đọc dễ hình dung, dễ hiểu.

Ngôn ngữ kể chuyện: giản dị, hóm hỉnh mà cuốn hút, khiến câu chuyện diệt bốt Hoàn Đan trở nên hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Thỉnh thoảng, người đọc lại bật cười trước những cách diễn đạt của Vũ Xuân Tửu: cách lí giải về cái lệnh ông Phác cho phép nổ súng giết thằng Thiêm bán nước rất ngây thơ, hồn nhiên của “ông tôi” với bác Nhân: “Vì ông Phác là chồng bà Phác”; vụ mấy muỗng mắm muối của anh Chuột về chiến công “chạy thoát thằng Thiêm cùng bác Nhân” khi đi báo cáo thành tích; về lời anh Chuột nói với “thày tôi” về kinh nghiệm biết cô Bản thích thày tôi: “Thế này này, mày cứ thấy má nó đỏ au cả lên, mắt lúng la lúng liếng, lông mày dựng ngược, vú chổng lên thì phải lặn ngay như Yết Kiêu đấy nhá!”; cách lý giải vụ anh Chuột không dám miêu tả vụ chạy khỏi lũ chó nhà thằng Thiêm là vì: “Thày tôi bảo, nếu thày tôi mà được đi báo cáo điển hình, thì sẽ tả thêm cuộc đánh nhau với lũ chó ngao của nhà thằng Thiêm, nhưng sở dĩ anh Chuột không báo cáo điều đó vì anh sinh năm Tý, cầm tinh con chuột, anh hãi chó...”, chi tiết “thày tôi” “vội ngoái nhìn ra sông xem khẩu ba-zô-ka có nhảy ngược xuống sông như khẩu thần công của ông Phác không?”; chi tiết cả làng nói chuyện với ông Phác nghễnh ngãng: “Dân làng liền nghĩ ra cách lấy tay làm hiệu để trò chuyện với ông Phác, như kiểu cánh thủy thủ hay đánh tín hiệu cho nhau. Chuyện vắn mà đánh tay làm hiệu thì còn khỏe ra, chứ chuyện dài thì khối người bại cả cánh tay”.

Như vậy, với cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, đối thoại ngắn hòa trộn văn nói và văn viết, đan xen những hình ảnh so sánh đã làm nên sự phong phú, nhiều màu vẻ cho tác phẩm. Bên cạnh đó, cách kể chuyện không đầu không cuối, nhảy cóc sự kiện “rất dân gian” của Vũ Xuân Tửu khiến câu chuyện tưởng “đầu Ngô mình Sở” nhưng hóa ra rất lô gic khiến người đọc thú vị vì phát hiện ra tính cách của từng nhân vật. Vì Vũ Xuân Tửu cứ để cho nhân vật của mình được tự do nói năng, cư xử, thể hiện một cách tự nhiên như người ta vẫn vậy nên những trang viết của ông thực sự để lại ấn tượng rất sâu đậm cho người đọc.

Mặc dù mỗi chương tập trung miêu tả một đoạn trong cuộc đời những con người miền núi nhưng đặc sắc của Vũ Xuân Tửu là lối kể chuyện bằng giọng kể trần thuật tự nhiên, nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo với nhiều nhân vật khác nhau; giọng điệu kể chuyện độc đáo mà hết sức tự nhiên, tạo nên ấn tượng sâu sắc và sức hút mạnh mẽ với người đọc.

Là một phương diện của hình thức tự sự, giọng điệu trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng của tác phẩm văn chương. Cùng với các bình diện khác của nghệ thuật tự sự, nó góp phần tạo nên phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Vũ Xuân Tửu là một nhà văn tài năng đã có những thành công trong thể loại truyện ngắn cũng như tiểu thuyết, đặc biệt ở phương thức trần thuật. Qua những trang văn của Vũ Xuân Tửu, ta thấy tài năng văn chương của ông càng thêm được khẳng định.

Vũ Xuân Tửu đã sử dụng lối kể chuyện bằng giọng kể trần thuật rất tự nhiên, nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo với nhiều kiểu nhân vật khác nhau; giọng điệu kể chuyện phong phú. Ông đã kết hợp với cách chọn chi tiết đắt giá, giàu tầng lớp, đầy tính kịch, cách diễn đạt hóm hỉnh đến độ hài hước, nhiều lúc như đùa... Và trong những câu chuyện ấy luôn mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của người Tày. Tác giả cũng đã dùng những bút pháp nghệ thuật đặc sắc để tạo nên thành công cho tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc và có sức hút mạnh mẽ với người đọc.

B.T.M.A

Tin tức khác