Văn nghệ sĩ Tuyên Quang có thể khai thác sáng tác về chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ ba, ngày 07-05-2024, 09:24| 387 lượt xem

1. Vào thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ hầu hết các tác giả văn nghệ sĩ Tuyên Quang hiện tại còn ở tuổi thiếu niên. Với chiến dịch lịch sử này họ hoàn toàn không được trực tiếp tham gia, không có trải nghiệm. Họ chỉ biết về chiến dịch qua phương tiện truyền thông và các tác phẩm văn nghệ: Hoan hô chiến thắng Điện Biên - thơ; Qua miền Tây Bắc, Hò kéo pháo - nhạc; Người người lớp lớp, Cán cờ tre - tiểu thuyết...

Lực lượng văn nghệ Tuyên Quang xuất hiện vào khoảng những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Như mọi người làm công việc sáng tạo, văn nghệ sĩ Tuyên Quang đắm mình vào hiện thực nơi họ đang làm việc, sinh sống. Khi đó, Tuyên Quang cũng như cả miền Bắc vừa là hậu phương lớn của miền Nam, vừa là tiền tuyến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang. Ảnh TL

Sau khi đất nước thống nhất không bao lâu văn nghệ sĩ Tuyên Quang phải để tâm vào đề tài chiến tranh bảo vệ biên giới mà Tuyên Quang trong Hà Tuyên cùng các với Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu đều là mặt trận nóng bỏng, ác liệt.

Mãi khi tiếng súng của cuộc chiến ngừng hẳn, hai quốc gia láng giềng khôi phục quan hệ bình thường, hơn thế là đối tác chiến lược.Đến lúc này sáng tác về được ưu tiên.

Cả một quãng thời gian khá dài nói trên có ít sáng tác của văn nghệ sĩ Tuyên Quang về chiến dịch  Điện Biên Phủ. 

2. “Chẳng có gì của cuộc đời trôi qua mà không để lại dấu vết, không trở thành tài liệu văn học”- Pau tốp ski.

Thời gian giúp ta nhìn lịch sử từ nhiều phía, sâu sắc hơn, sống động hơn. Cũng như vậy, với thời gian ý nghĩa, tầm vóc, sức ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ ngày một lan tỏa trên không gian địa lý, sâu đậm nơi con tim, khối óc không riêng người Việt Nam mà còn nơi những người con của các dân tộc bị áp bức bởi ách thống trị thực dân.

3. Tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tư lệnh chiến dịch; lòng yêu nước nồng cháy, tinh thần chiến đấu bền gan, dũng cảm, sáng tạo, hi sinh của bộ đội dân công làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, hiển nhiên là cảm hứng sáng tác về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Song còn những con người, sự kiện góp phần vào thắng lợi của chiến dịch, trong đó có cả sự góp phần quan trọng diễn ra ở nơi cách xa mặt trận hàng trăm cây số.Những ngày này các phương tiện truyền thông nhắc đến chiến công đột nhập sân bay Cát Bi phá hủy hàng chục máy bay, đánh một đòn nặng vào đường tiếp vận chủ yếu cho tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ. Và vào thời điểm nói trên cách nay 70 năm, nhiều trận đánh trên khắp các chiến trường, chia lửa với mặt trận chính, buộc Pháp phân tán lực lượng để đối phó.

4. Tỉnh Tuyên Quang được xem là vùng “đất giữa” vì có một vị trí khá đặc biệt trên bản đồ Tổ quốc Việt Nam. Nằm giữa Tây Bắc và Việt Bắc, giáp ranh với 7 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, từ đây dễ dàng cơ động ra bốn phương tám hướng. Tổng hợp các yếu tố nhân hòa, thiên thời, địa lợi, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn Tuyên Quang làm trung tâm chỉ đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám và Kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ mái lá đơn sơ trong cánh rừng Khuôn Điển bên bờ sông Phó Đáy thuộc huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang, Bộ chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị - ngày đêm suy nghĩ về tình hình thế giới, trong nước,về so sánh lượng giữa ta và địch trên các phương diện, quân số, vũ khí, hậu cần phương tiện chiến tranh... để đi đến quyết định mở chiến dịch sẽ kết thúc cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường đi chiến dịch: “Tổng tư lệnh ra mặt trận,  tướng quân tại ngoại ! Trao cho chú toàn quyền. Trận này phải đánh cho thắng, không được bại, vì bại là hết vốn”.

 Ngày 20 tháng 11 năm 1953,Sau khi thị sát, đường tránh Đèo Khế, bến Bình Ca và có phà dự phòng. Cụ Đỗ Anh Tú Ngay sau khi địch đánh phá, không được sợ nguy hiểm chú phải có mặt ngay trên hiện trường để chỉ huy phá bom nổ chậm, lấp hố bom, dẫn đường cho xe ta qua nhanh nhất. Chú có làm được không?

Đỗ Anh Tú đáp dứt khoát: “Cháu nhất định làm được!” 

Cụ Hồ tự tay gắn huy hiệu của Người lên ngực áo trấn thủ người cán bộ đó.

Cũng từ Khuôn Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng sát sao dõi theo diễn biến chiến dịch chỉ đạo, động viên: Ngày 22 tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ra mặt trận, trao cho mỗi đại đoàn một lá cờ quyết chiến quyết thắng làm giải thưởng luân lưu.        

Đầu tháng 2 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị điện:

“Quyết định thay đổi cách đánh như vậy là hoàn toàn đúng”.

 Ngày 11 tháng 3 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến bộ đội:

Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất

Ngày 15 tháng 3 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng gửi điện đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu ở Điện Biên Phủ. Và nhắc nhở "phải cố gắng chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch”.

Ngày 19 tháng 4 năm 1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết: Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điên Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch.

Ngày 8 tháng 5 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu.

5. Bác sỹ Tôn Tùng, Đặng Văn Ngữ cùng sinh viên đại học y khoa vừa tốt nghiệp từ Tuyên Quang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng từ TuyênQuang, nhiều văn nghệ lên đường đi chiến dịch. Trong số đó cóhọa sĩ Tô Ngọc Vân. Đầu năm 1954, Cụ Hồ gặp họa sĩ chuẩn bị đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Thấy họa sĩ bị ho thúng thắng, Cụ tặng cho một chiếc áo chàm. Chiếc áo do đồng bào Mèo tặng Cụ. Họa sĩ Tô Ngọc Vân mặc chiếc áo này đi chiến dịch và hi sinh tại đèo Lũng Lô.

6. Tháng 10 năm 1952, nhằm phá hoại căn cứ kháng chiến, Pháp mở cuộc hành quân Lo-ren  đánh lên Phú Thọ, Yên Bái và Tuyên Quang. Cuộc hành quân với bảy trung đoàn bộ binh, pháo binh, công binh quân nhảy dù, một thiết đoàn, và hai thủy đội xung kích. Bộ đội địa phương Tuyên Quang chủ động cùng dân quân  bố trí nhiều trận phục kích tiêu hao sinh lực địch. Bị chặn đánh liên tục, bị cắt đứt đường tiếp vận, đến giữa tháng 11 năm 1952, Pháp buộc phải rút quân.  Đánh bại cuộc hành quân Lo-ren có ý nghĩa to lớn là bảo vệ căn cứ kháng chiến, nhất là vùng Yên Sơn, Yên Bình nơi con có đường huyết mạch lên Tây  Bắc. Trong chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954 Tuyên Quang thành lập “Hội đồng cung cấp tiền phương”, mở chiến dịch cầu đường, huy động trên một triệu ngày công, sửa chữa tuyến đường dài 168 km, thành lập hai đội sửa đường, thường xuyên làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông.

Làng Bắc Mục, huyện Hàm Yên là địa bàn trú quân, huấn luyện của Trung đoàn lựu pháo 105ly - trung đoàn lựu pháo đầu tiên của quân đội ta. Trung đoàn có 24 khẩu pháo, 3.600 viên đạn. Trung đoàn cũng là đơn vị nòng cốt tiến tới thành lập đại đoàn pháo binh 351. Bà con các dân tộc Hàm Yên tạo mọi điều kiện hậu cần tốt nhất cho Trung đoàn trong tình hình có thể. Địa phương thành lập “Đội dự bị” đảm nhận từ khâu nuôi quân đến khâu luyện tập và làm đường, đoạn từ Bắc Mục đến Chợ Ngọc (Yên Bái) để Trung đoàn đưa pháo ra trận.

Tuyên Quang cung cấp ra mặt trận hơn 6.500 tấn gạo, hơn 30 tấn thực phẩm các loại. Người Tuyên Quang bộ đội, dân công tham gia chiến dịch. Thanh niên Lê Văn Chiến, dân công Điện Biên Phủ, sau chiến dịch đã lập gia đình sinh con đặt tên là Lê Văn Điện, Lê Văn Biên. Lê Văn Chiến làm Chủ nhiệm hợp tác xã Ỷ La, làm nghĩa vụ lương thực, thực phẩm nhiều nhất Tuyên Quang trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Tuyên Quang là nơi giam giữ tù binh Pháp bị bắt tại Điện Biên Phủ, cả Đờ Cát cùng bộ chỉ huy. Các trạm tù binh đặt ở Chiêm Hóa và tổng trạm tù binh ở thị xã Tuyên Quang. Những cảnh đầu hàng trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” do đạo diễn Roman Karmen thực hiện chính là quay tại trạm tù binh ở Chiêm Hóa.

Quân dân Tuyên Quang đã có những đóng góp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.Dù là thế hệ sinh sau, song bằng vào sự thâm nhập, cảm nhận, tôn trọng lịch sử, văn nghệ sĩ Tuyên Quang vẫn có thể sáng tác về chiến dịch Điện Biên Phủ từ những dư địa nói trên./.

Phù Ninh

Tin tức khác