Muôn nẻo truân chuyên khi Tạp chí Tân Trào ra số đầu tiên

Thứ bẩy, ngày 17-06-2023, 10:47| 1.739 lượt xem

*** Tạ Bá Hương

Thường trực Hội và hội viên trao đổi nghiệp vụ hoạt động của tờ Tạp chí. Ảnh: Lê Cù Thuần

Năm 2019 và kéo sang cả năm 2020, nhiều tờ báo ở các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi mô hình hoạt động. Câu chuyện bắt đầu từ việc quy hoạch lại hệ thống báo chí toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, UBND các tỉnh, thành cũng có Kế hoạch để tổ chức thực hiện. Tuyên Quang cũng nằm trong số đó. Hồi đầu năm 2020, tôi chân ướt chân ráo chuyển từ Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang về Hội. Chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu, trong khi đó anh Đinh Công Thủy thì mới vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội, kiêm Phó Tổng Biên tập Báo Tân Trào. Tôi về làm phó cho anh Thủy. Nhưng phiền một nỗi là, cũng đúng dịp ấy tờ báo của Hội bắt đầu chuyển đổi sang tạp chí và Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc này.

Hai anh em chúng tôi đều mới, ít kinh nghiệm, nên không lường trước được sự phức tạp của quy trình chuyển đổi từ báo sang tạp chí. Anh Thủy giao việc này cho tôi xử lý. Tôi điện hỏi kinh nghiệm của lãnh đạo các Hội Văn nghệ trong cả nước, nhưng các anh chị ở những nơi đó cũng đang còn lúng túng như bên Tuyên Quang. Chỉ có điều, họ không lo lắng như chúng tôi, vì ở những nơi đó, UBND tỉnh chỉ ban hành kế hoạch là chuyển đổi tờ báo văn nghệ sang tạp chí văn nghệ trong năm 2020. Thậm chí có những tỉnh ra văn bản cho phép các tờ báo văn nghệ chuyển đổi sang tạp chí khi đủ điều kiện cần thiết. Còn theo Kế hoạch của UBND tỉnh Tuyên Quang, Báo Tân Trào bắt buộc phải chuyển đổi sang tạp chí Tân Trào ngay trong tháng 6 năm 2020. Nghĩa là, việc chuyển đổi không còn nhiều thời gian nữa để anh em chúng tôi chuẩn bị.

Việc chuyển đổi báo sang tạp chí với khó khăn, vướng mắc lớn nhất mà Hội VHNT Tuyên Quang và cả anh em chúng tôi gặp phải, đó là: Theo quy định của Ban Bí thư, tất cả các Tổng Biên tập của các cơ quan báo chí phải có bằng cao cấp lý luận chính trị. Xét ở tiêu chí này cả tôi và anh Đinh Công Thủy đều thiếu. Tôi đề xuất với anh Thủy: “Để giải quyết tình thế trước mắt, em nghĩ Hội cần có Tờ trình, trình UBND tỉnh xin đề nghị ra hạn việc chuyển đổi Báo Tân Trào vào dịp cuối năm”. Anh Thủy cười và bảo: “Việc ấy không khó, khó nhất là chức Phó Tổng Biên tập của anh cũng vừa hết hạn bổ nhiệm rồi. Cục Báo chí sẽ không nghe đâu”.

Tôi xuống làm việc với Cục về trường hợp anh Thủy, Cục lắc đầu. Tôi đưa hồ sơ xin bổ nhiệm vị trí Tổng, hoặc Phó Tổng Biên tập, nhưng cho nợ tiêu chí cao cấp lý luận chính trị một năm, Cục cũng lắc đầu. Tôi còn nhớ, hôm xuống gặp anh Minh là Trưởng phòng báo chí địa phương của Cục Báo chí. Anh ấy cũng có cảm tình với Tuyên Quang nên hứa là sẽ hỗ trợ tối đa, còn được hay không lại là việc khác. Sau rồi việc ấy cũng không thành. Tôi lại xuống gặp chị Giang, lúc ấy đang là Phó Cục trưởng Cục Báo chí. Chị ấy bảo: “Nếu các anh thiếu các tiêu chí khác, chúng tôi còn dễ xử lý. Còn tiêu chí cao cấp lý luận chính trị là theo quy định của Đảng đối với một lãnh đạo cơ quan báo chí, thế nên chúng tôi không giúp được gì cho các anh. Bắt buộc các anh phải cử người đi học cao cấp lý luận rồi”.

Đi lên, đi xuống mãi mà vẫn không giải quyết được việc gì. Trong khi thời hạn dừng xuất bản Báo Tân Trào đang đến rất gần. Các cánh cửa để thực hiện quy trình chuyển đổi, hoặc chí ít là giữ lại Báo Tân Trào đến cuối năm 2020 theo giải pháp tạm thời cũng đều khép lại. Mọi nỗ lực đều đổ sông, đổ bể cả. Nhớ lời chị Giang, Cục phó Cục Báo chí nói, tôi điện sang cho đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Lúc ấy chú Thắng đang là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Nghe tôi trình bày xong, chú Thắng bảo: “Chỉ còn nốt sáng mai, bắt buộc cháu phải hoàn thành hồ sơ gửi sang Ban Tổ chức, vì đầu giờ chiều chú đã đi nộp hồ sơ xuống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh rồi”.

Sáng ấy, tôi phải chạy đôn chạy đáo để kịp hoàn thiện hồ sơ xin học cao cấp, để gửi sang Ban. Chị Giang, Cục phó Cục Báo chí thấy chúng tôi vất vả quá, nên điện lên bảo: “Khi nào anh có giấy báo nhập học cao cấp thì gửi xuống cho tôi, chúng tôi sẽ làm việc với Vụ Báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, cố gắng nhờ các anh bên ấy ưu tiên cho văn nghệ Tuyên Quang”. Nhưng cuối cùng việc này bên Ban Tuyên giáo Trung ương cũng không đồng ý, với lý do: Đấy là giấy báo nhập học, nhỡ học nửa chừng rồi bỏ thì sao? Với lại, ưu tiên cho bên Tuyên Quang, còn các tỉnh khác họ tị thì làm thế nào? Biết tin này, tôi rất buồn, nhưng đành chấp nhận, vì đã là quy định của Đảng rồi, thành Nghị quyết rồi, cũng không thể khác được, không thể làm khó thêm cho các anh chị ở Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) hay bên Vụ Báo chí (Ban Tuyên giáo Trung ương). Tôi về xin ý kiến anh Đinh Công Thủy là xem có nên mượn tạm một đồng chí nào đó làm ở cơ quan báo chí trong tỉnh, đã có bằng cao cấp lý luận chính trị sang giúp đảm nhiệm vị trí Tổng Biên tập tạm thời cho đến khi tôi học xong lớp cao cấp, nếu không Báo Tân Trào bắt buộc phải dừng xuất bản vào tháng 6 năm 2020. Nhưng anh Thủy gạt đi ngay. Anh bảo: “Phức tạp lắm”.

Điều anh Thủy nói cũng có lý. Nhưng lúc ấy tôi chưa hình dung ra cái sự phức tạp của nó. Sau này tôi mới hiểu ra rằng, có những vấn đề mình làm chỉ là cảm tính, sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường về sau. Môi trường nào cũng có vấn đề phức tạp của nó. Nhưng môi trường văn nghệ dường như nó còn phức tạp hơn gấp nhiều lần. Vậy là tôi và anh Thủy, những người có trách nhiệm cao nhất ở Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang lúc bấy giờ đành chấp nhận để Báo Tân Trào tạm thời dừng xuất bản trong cả một năm trời. Việc này anh em trong cơ quan Hội cũng nặng trĩu ưu tư. Còn các hội viên thì có phần xao xác, vì tờ báo là diễn đàn văn nghệ, nơi các tác giả công bố tác phẩm của mình. Giờ bắt buộc dừng xuất bản, ai nấy đều bồi hồi, tiếc nuối. Ở đâu đó trong hội viên, chúng tôi nghe dị nghị những điều không hay, rằng là lãnh đạo Hội không biết làm việc nên mới để tờ Báo Tân Trào dừng xuất bản như thế. Nhưng chúng tôi nỗ lực hết sức rồi. Nếu có hội viên nào tài năng xuất chúng ngồi vào vị trí như anh em chúng tôi ở thời điểm đó, cũng đành bó tay chấp nhận thôi. Chứ ai muốn tờ báo bị dừng xuất bản đâu? Tôi và anh Thủy, những người có trách nhiệm lớn nhất trong việc này cũng rất buồn, rất nhiều nỗi ưu tư.

Tôi khăn gói về Hà Nội học liên tục một năm để lấy bằng cao cấp lý luận chính trị. Vừa học, vừa tạo mối quan hệ ở dưới đó. Cũng may, lớp cao cấp ấy hầu hết các học viên đều đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, trong đó có cả học viên đến từ Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, và đặc biệt là ở Bộ Thông tin và Truyền thông, phần nào cũng thuận lợi cho việc xin chuyển đổi Báo Tân Trào thành Tạp chí Tân Trào theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh. Thế nên, trong khi vừa thi tốt nghiệp xong, dẫu chưa có bằng cao cấp lý luận chính trị, tôi đã nhờ anh em trong lớp giúp đỡ để làm việc với Vụ báo chí và Cục báo chí. Rất may, mọi việc đều thuận lợi cả. Cục báo chí nhanh chóng thống nhất với Vụ báo chí, rồi chuyển hồ sơ sang Bộ Thông tin và Truyền thông. Anh bạn tôi bên Bộ trực tiếp chờ sẵn ở bộ phận văn thư của Bộ, rồi trực tiếp cầm lên trình Thứ trưởng ký Giấy phép xuất bản Tạp chí Tân Trào. Tôi và anh Đạo, lái xe của Hội chờ sẵn ở cổng Bộ để chờ anh bạn tôi mang tờ Giấy phép xuất bản ra.

Phải nói rằng, không thể có ngôn ngữ nào diễn tả nổi nỗi vui mừng của tôi khi đó. Chữ ký trên Giấy phép xuất bản tạp chí còn chưa ráo mực đã ở trên tay tôi. Tôi vội vã trở về Tuyên Quang để hoàn thiện các thủ tục còn lại cho việc ra đời số tạp chí đầu tiên. Trên đường về, tôi điện cho anh Thủy, anh ấy cũng vui mừng như tôi khi đó. Anh cười phe phé trong điện thoại và bảo: “Vậy là thuận quá rồi”. Trong khi đó, có những tờ báo văn nghệ của Hội VHNT tại một số tỉnh, thành trong nước bị vướng mắc như Tuyên Quang vẫn còn đang loay hoay chưa thể có Giấy phép xuất bản. Khi có được Giấy phép xuất bản rồi, việc đầu tiên là cả Ban Biên tập ngồi lại lựa chọn bài vở, thống nhất các chuyên mục cần thiết của tờ tạp chí và nhanh chóng lên trang. Như vậy, Báo Tân Trào mất đúng một năm dừng xuất bản, kể từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021, thì tờ Tạp chí Tân Trào mới ra được số đầu tiên.

Cầm trên tay tờ tạp chí còn non nớt về cách thức trình bày, cả Ban Biên tập đều phấn khởi, xúc động. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc từ Hà Nội điện lên cho tôi chúc mừng và gợi ý nên tổ chức ra mắt tạp chí. Tôi thấy ý kiến ấy hay nên bàn với anh Đinh Công Thủy. Anh bảo: “Việc này anh giao toàn quyền cho chú”. Tôi nhận nhiệm vụ, nhưng trong lòng còn phân vân, vì việc ra mắt tạp chí, ở Tuyên Quang chưa làm bao giờ, các tỉnh khác trong cả nước cũng chưa thấy làm. Nhưng tôi nghĩ, việc được giao rồi, đành cố gắng thôi. Chỉ có điều, cách thức làm như nào, quy mô ra sao để vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Tôi lên báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh. Rất bất ngờ, việc đề xuất tổ chức lễ ra mắt Tạp chí Tân Trào lại được lãnh đạo tỉnh ủng hộ cả về vật chất và tinh thần. Về cơ quan, tôi lên danh sách đại biểu mời dự, phân công bộ phận Văn phòng Hội và Ban Biên tập tạp chí xúm tay vào, mỗi người một việc. Cuối cùng, buổi lễ ra mắt cũng được diễn ra một cách ấm cúng, trang trọng. Hôm ấy, có cả lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố; một số doanh nghiệp đã đến dự, chia vui với Ban Biên tập. Rồi, đông đảo hội viên là các văn nghệ sĩ của tỉnh cũng đến, rộn ràng trong sắc hoa tươi thắm, những cái bắt tay nắm chặt, những nụ cười rạng rỡ khi nhìn thấy hình hài của tờ tạp chí số đầu tiên vừa kịp xuất bản.

Tạp chí Tân Trào của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đã chính thức xuất bản định kì mỗi tháng một số, với độ dày 68 trang/kì. Các chuyên trang, chuyên mục cụ thể, gắn với chủ đề của từng tháng đã được hình thành. Ngoài giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật, như: Văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, sân khấu, hội họa, âm nhạc… tạp chí còn duy trì các mục, như: Sự kiện bình luận, Đời có người như thế, Chân dung hội viên, Lý luận phê bình, Văn học dịch… Bước đầu, các chuyên mục này đều đã đáp ứng tốt việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gắn với nhiệm vụ và yêu cầu của độc giả hiện nay.

Như vậy, từ tờ báo Văn nghệ Hà Tuyên, rồi Báo Tân Trào, đã có được một thế hệ “vàng”, với những gương mặt tiêu biểu và có đóng góp xứng đáng với đời sống văn học, nghệ thuật của cả nước. Trong số này, về mảng văn học phải kể đến cố nhà báo, nhà văn Đinh Công Diệp; các nhà báo, nhà văn, như: Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Gia Dũng, Mai Liễu… Về mỹ thuật, phải kể đến họa sĩ Mạnh Đức, Văn Làn, Trần Thái, Mai Hùng; nhiếp ảnh có Hải Hà, Nông Tú Tường, Hồ Thăng, Nguyễn Chính… Về âm nhạc có Tân Điều, Vương Vình, Đinh Quang Minh, Đinh Tiến Bình v.v… Các tác giả tiếp tục được bổ sung vào lực lượng sáng tác. Thế nên, ở Tuyên Quang đã định hình tên tuổi nhiều gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu.

Tôi bồi hồi nhớ lại phát biểu của đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Lễ ra mắt Tạp chí Tân Trào hôm đó. Sau khi điểm lại quá trình hình thành và phát triển, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng: “Kế thừa sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên tờ Báo Văn nghệ Hà Tuyên, Báo Tân Trào, Tạp chí Tân Trào của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đang bắt đầu định hình một vóc dáng mới. Đây là một trong 3 cơ quan báo chí của tỉnh. Việc chuyển đổi mô hình báo sang tạp chí theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ cho tờ báo văn nghệ của tỉnh, trở thành nơi ươm mầm, bồi dưỡng, phát triển những tài năng văn học, nghệ thuật của tỉnh”.

Như vậy, việc ra đời Tạp chí Tân Trào là sự kế thừa những giá trị tốt đẹp mà các thế hệ nhà báo, các văn nghệ sĩ của tỉnh qua các thời kỳ đã gây dựng bằng tâm huyết và ý thức trách nhiệm với độc giả. Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ phóng viên, biên tập viên qua các thời kì gắn bó với tờ văn nghệ đã luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới để nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thể hiện.

Báo chí luôn có sự vận động, phát triển của nó. Sự vận động, phát triển để làm cho báo chí ngày một hay hơn, chất lượng hơn, kể cả sự thay đổi về măng - sét, khổ in. Tạp chí Tân Trào cũng nằm trong quỹ đạo của sự thay đổi này và đã hoàn thành trách nhiệm một cách vẻ vang với bạn đọc xa gần, để nhường chỗ cho một măng - sét khác, phù hợp hơn. Kết thúc năm 2022, nghĩa là số tháng 12 năm 2022, tạp chí Tân Trào đã chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, đổi tên thành tờ Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang. Tờ tạp chí mới này khổ in to hơn, bắt mắt hơn, khắc phục được nhược điểm là dễ bị nhầm lẫn với địa danh hành chính cấp xã, hay cấp huyện mà Tân Trào gặp phải. Dù tên gọi có thay đổi, nhưng chất lượng nội dung, hình thức thể hiện của Văn nghệ Tuyên Quang vẫn là tiêu chí quan trọng nhất mà tập thể anh chị em trong Ban Biên tập hướng tới.

Tin tức khác