Chiếc hộp gia bảo

Thứ ba, ngày 20-06-2023, 14:13| 1.037 lượt xem

Truyện ngắn của Trần Huy Vân

Minh họa của Tân Hà

 

Cứ lúc nào bức bối trong lòng, ông Giáo lại sang nhà ông Thạo để giãi bầy. Nhiều lần thành quen, thấy ông Giáo đến, ông Thạo biết ngay thế nào cũng có chuyện. Chiếu được trải, chè đã pha, chỉ chờ cho ngấm. Ông Giáo hỏi:

- Ông biết chuyện mấy đứa con bà Huề ở làng trên không?

- Có phải cái bà, chồng chết, để lại ba đứa con, hai trai một gái. Một tay tần tảo nuôi ba đứa con, hai thằng con trai đều có bằng đại học, có chức có quyền, có nhà cao cửa rộng ở trên tỉnh. Thay phiên nhau đón mẹ đi trông con, rồi làm lễ sinh nhật, đón thọ hốt tiền mừng của bằng hữu, những người quen biết, nhờ cậy, xong việc lại trả mẹ về cho cô em gái ở quê, chẳng được học hành gì nhiều. Với lời biện minh: Mẹ không quen ở chốn thị thành.

- Đúng bà ấy đấy.

- Nghe nói, bà Huề ốm liệt một năm nay. Hai anh con trai đá gà đá vịt về thăm được đôi lần, dặn em gái: Khi nào mẹ hấp hối điện cho bọn tao, kẻo mất việc. Lần này biết chắc mẹ không qua khỏi. Cô em gái điện cho hai anh. Sợ mang tiếng: Quyền cao chức trọng mà chi, mẹ ốm liệt không được nằm viện lấy một ngày. Hai người anh tức tốc đưa mẹ đi viện. Bác sĩ khám bảo:

 - Đưa đến quá muộn, chuẩn bị hậu sự là vừa.

Thấy hai người anh bàn nhau, chôn mẹ ở đâu cho có lợi nhất. Cô gái nghẹn ngào nói: Cả đời mẹ sống ở quê. Xin hai anh đưa mẹ về quê, chôn cất.

Người anh cả sẵng giọng: Chôn ở đâu là quyền của bọn tao, phận con gái biết gì. Cô gái gào lên: Đến nước này hai bác định thu lợi ngay cả cái chết của mẹ sao. Người anh thứ hai gầm lên: Có câm đi không. Chỉ cần cải táng đưa mẹ về là được chứ gì!

- Mẹ ơi! Sao mẹ khổ thế này. Cô gái gào khóc thảm thiết.

Được tin bà Huề chết, anh em, nội ngoại bà con lối xóm, hội bảo thọ chính quyền chuẩn bị phúng viếng, tang lễ. Chờ mãi không thấy thi hài bà Huề đưa về nhà. Mãi mới biết, hai đứa con trai đưa lên tỉnh làm tang chỗ anh con trai cả, ba ngày sau, cô út mang ảnh mẹ, viền khung đen về nhà. Dân làng chép miệng: Mang về quê tiền phúng viếng phỏng được bao nhiêu. Tính hơn thiệt ngay cả cái chết của mẹ. Thế mới biết họ tài tính toán. Giàu là phải.

Cúng bốn chín ngày xong. Hai anh con trai về, mời anh em họ mạc đến nhà. Người anh cả cao giọng: Có hai việc phải làm ngay, thứ nhất cái nhà và hai sào vườn. Nhà dành cho cô Nghĩa có công chăm sóc mẹ. Hai sào vườn phát mại, theo giá thị trường. Tiền bán được, chia ba, anh hai phần, chú hai một phần. Ưu tiên cho cô Nghĩa mua trước, phải trả tiền ngay. Cô Nghĩa có ý kiến gì không?

- Em không dám nhận cái nhà, lại không có ý định mua vườn. Vì phải chăm sóc mẹ nên ở lại đây, giờ mẹ đã mất xin trả lại cho các anh. Chồng em là thương binh, xã chia cho mảnh đất ở cuối làng, đủ làm căn nhà nhỏ. Vợ chồng em dựng tạm túp lều lên đó, đưa hai cháu về ở. Hai bác không phải bận tâm... Thấy cô em nói thế, anh cả cướp lời ngay: Cô nói thật lòng chứ?

- Thế trước linh hồn mẹ, em không dám nói sai.

- Tốt quá, phát mại toàn bộ khu đất này, càng dễ bán. Việc thứ nhất coi như xong. Còn việc thứ hai, là cái hộp gia bảo, của mẹ. Chiếc hộp nhỏ, làm bằng gỗ quý, mẹ luôn giữ bên mình, như một báu vật. Mẹ chưa từng cho ai xem bao giờ. Chiếc hộp quý, chỉ đựng những báu vật, vàng, ngọc, châu báu, đá quý. Khi mẹ ốm, anh có nhắc đến cái hộp, bảo mẹ: Nếu có của quý mẹ đưa cho con, kẻo mẹ có mệnh hệ gì, con lấy ra để trang trải.

Mẹ nhổ bãi nước bọt vào mặt anh, quay mặt đi. Không hiểu sao mẹ lại làm vậy. Chỉ có cô út được mẹ yêu quý, gần mẹ nhiều, được mẹ tin yêu, chắc đã nói cho cô biết chỗ cất. Nếu cô cố tình giấu, tôi lật tung cái nhà lên tìm cho bằng thấy, lúc ấy đừng trách anh không bảo trước. 

- Em biết mẹ có cái hộp ấy, chưa bao giờ hỏi trong đó đựng gì. Nếu có của quý, những năm đói khát, bố chết, tần tảo nuôi ba anh em, chịu bao cay đắng, tủi cực. Người tốt khen mẹ tài, người xấu bảo mẹ cậy có chút nhan sắc, chung chạ với bao người có máu mặt trong làng để kiếm miếng ăn. Rơi vào cảnh đó, mẹ đã bán đi để chi dùng, đời nào chịu nhục. Anh chẳng cần bới tung cái nhà này lên làm gì. Sau lần anh đón mẹ lên làm thọ tám mươi về, mẹ đưa cho em cái hòm khóa chuông, bảo cất lên gác, chiếc hộp gia bảo chắc để trong đó. Đến nay đã hơn ba năm, bắc thang lên lấy, anh xem kĩ ổ khóa, giấy niêm phong, xem có suy xuyển gì không. Em sợ lúc mở ra trong hòm không có gì, lại nghi vợ chồng em lấy trộm thì khổ lắm.

Người anh cả sốt sắng chui qua đám mạng nhện, sẽ sàng đưa cái hòm xuống. Một lớp bụi phủ dầy, lau mãi mới lộ lớp giấy niêm phong ra, ổ khóa đã rỉ. Không có chìa khóa để mở, người anh cả tìm búa để bổ chiếc hòm. Thấy vậy, ông chú họ đứng ra bảo:

- Khỏi phải bổ, mẹ các bác nhờ tôi cầm hộ chìa khóa, để tôi mở cho.

Chiếc hòm khóa chuông được mở, bên trong có chiếc hộp nhỏ, hình chữ nhật, sơn son, thếp vàng, giống như chiếc hộp đựng phú hí, gia phả các dòng họ. Hai người anh dán mắt nhìn vào chiếc hộp.

- Để cho khách quan, hai bác đứng lùi ra, để tôi mở chiếc hộp.

Ông chú họ khẽ khàng mở khóa, nắp hộp bật ra, trong hộp chỉ có cuộn giấy, viết xong cuộn lại, tịnh không có gì khác. Hai người con trai chụm đầu mở cuộn giấy ra đọc. Chẳng biết cuộn giấy viết gì, chỉ thấy hai người đọc đến đâu, chân tay run bắn, mồ hôi vã ra, mắt trợn ngược, mồm há hốc, rồi từ từ khuỵu xuống, môi mấp máy không nói thành lời.

Ông chú họ đỡ lấy cuộn giấy, chờ mọi người chấn tĩnh lại, ông nói:

- Bà mẹ hai bác xuất thân trong gia đình gia giáo. Đàn bà cả làng này, chỉ có bà là người đọc thông viết thạo, chữ Hán và chữ Quốc Ngữ. Vật đổi, sao rời thời cải cách ruộng đất, năm một chín năm lăm, mới lấy đến bố hai bác. Một người nghèo kiết xác, một chữ cắn đôi không biết, được chọn làm cán bộ nòng cốt, cất nhắc vào chính quyền mới.

Thiểu hồng phúc nên chết sớm. Cũng nhờ có ông bố là thành phần cơ bản, hai bác được cất nhắc dần mãi lên. Chẳng ai hiểu con bằng bố mẹ. Biết trước có ngày này, bà đã ghi chép tất cả, những ngày phải vắt kiệt sức, để nuôi hai bác ăn học. Hai bác nhận những gì, đáp đền lại những gì. Hai bác hiểu rõ nhất, có cần tôi đọc băng giấy bà mẹ hai bác ghi chép vào đây không. Riêng phần cháu Nghĩa bà viết thế này:

“Gia sản còn lại là ngôi nhà và hai sào vườn, được chia từ hồi cải cách ruộng đất, chẳng phải của tổ tiên để lại. Tôi dành cho cháu Nghĩa và con rể là Trần Trung. Vợ chồng cháu Nghĩa có công nhất với mẹ, cũng là người chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng nhất. Không ai được quyền tranh chấp, nếu ai có ý định đó, coi đây là lời di chúc của tôi, nhờ luật pháp phân xử, tôi xin gửi nắm xương tàn trên mảnh đất quê hương”. Đọc xong, ông chú hỏi:

- Hai bác có ý kiến gì không? Xin nói ngay trước đông đủ dòng tộc.

- Thế họ có ý kiến gì không? Ông Thạo hỏi ông Giáo.

- Còn nói gì nữa, câm như hến. Dân làng biết chuyện ai cũng bảo:

- Tưởng ngày xưa mới có chuyện cổ tích, bây giờ cũng có sao!

- Này, chồng bà Huề tên là Hai Chém phải không?

- Tên là Hai, còn Chém là dân làng thêm vào. Nhờ gia đình cốt cán, được cắt nhắc, kết nạp Đảng, học bổ túc biết đọc biết viết, được đề bạt làm xã đội trưởng, kiêm trưởng ban công an. Có chức có quyền càng làm càn, bất thân bất sơ, luôn mồm quát Chém nên dân làng gọi là Hai Chém. Dân vùng xuôi lên đây mua củ sắn, mớ rau, hắn bắt tuốt, ai nhìn thấy hắn cũng phải chờn.

- Có phải hắn bị dân buôn gỗ đường sông, lừa xuống bè đập chết, vứt xác xuống sông.

- Cũng đồn thế, không biết có phải không, hắn chết mất xác, ngày ấy dân làng kháo nhau: Chẳng chết thằng ấy chết thằng nào!

- Đúng là nòi nào giống ấy thật.

Nhâm nhi ly chè Thái, hai ông già bỗng cười vang. Chẳng biết là vui hay buồn, mà nghe tiếng cười muốn ứa nước mắt.

T.H.V

Tin tức khác