Vĩnh biệt Hồ Thăng

Thứ năm, ngày 17-08-2023, 10:05| 676 lượt xem

Tân Điều

 

Những ngày cuối tháng Bảy, dư âm của ngày Thương binh Liệt sĩ vẫn còn đang ám ảnh, thì sáng nay vừa mở Zalo đã thấy Tổ trưởng dân phố báo tin ông Hồ Viết Thạnh đã mất đêm hôm qua. Thế là Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hồ Thăng đã về với tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng.

Tuy biết việc ông ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian nhưng sao vẫn thấy sốc vô cùng, cứ như đó không phải là sự thật. Tôi biết cái van tim (đã thay) của ông trục trặc khá lâu rồi. Cũng đã đi tận Hà Nội để xem xét, xử lý nhưng không xong. Lý do chính không phải không có van để thay mà chính là cái tuổi gần 90 của ông. Cái tuổi ấy mổ xẻ vào chẳng bác sĩ nào dám đảm bảo, cả cô con gái của ông hiện đang là bác sĩ ở Hà Nội cũng đành nuốt nước mắt động viên ông quay về. Cái bệnh về đường thở chỉ cần thở được là bình thường ngay, ông cũng vậy. Chỉ có điều bây giờ ông phải gắn bó suốt đời với bình ôxy. Tuy không hăng hái được như trước nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy ông xuất hiện trên Zalo, phây-búc, tôi cứ nghĩ thế là ổn. Là hàng xóm nên trước đây hầu như ngày nào tôi cũng lướt qua nhà ông ngồi chơi chuyện trò. Từ ngày ông phải thở ôxy con trai ông đã đón ông về nhà mình để tiện chăm sóc, cách nhà tôi khá xa nên tôi ít gặp ông hơn. Cách đây không lâu tôi vào thăm ông, chờ gần hết buổi sáng mà ông vẫn còn ngủ. Nghe vợ con ông nói, dạo này ông toàn thức đêm, ngủ ngày. Để đảm bảo sức khỏe cho ông nên không ai nỡ thức ông dậy, thế là tôi đành quay về. Đây cũng là lần cuối cùng tôi đến thăm ông, mới hôm nào thôi, thế mà hôm nay ông đã ra đi rồi.

Tôi biết và quý mến NSNA Hồ Thăng từ thời còn bao cấp. Hồi ấy ông với cố NSNA Hải Hà là những người tôi rất ngưỡng mộ. Sau này tôi lại có duyên về sống cùng phố với ông, hai nhà đối diện nhau, chỉ chếch vài nhà. Thời trai trẻ tôi tung hoành khắp nơi, sau này có tuổi lại bệnh tật, nhất là từ khi nghỉ hưu phạm vi bạn bè của tôi cũng dần thu hẹp lại. Trừ những khi có việc còn lại hầu như hàng ngày tôi chỉ chơi với mấy ông bạn ở gần. Mà cũng lạ thật, nhà tôi ở trên đỉnh dốc, chỉ loanh quanh bán kính chưa đầy một cây số mà đi về bốn phía, phía nào cũng có nhà các văn nghệ sĩ tài danh mà tôi ngưỡng mộ. Về phía đông, gần Rạp tháng Tám là ông Dậu ghita nổi tiếng một thời. Sang phía Tây, phía phường Phan Thiết, ngay lưng chừng dốc là hoạ sĩ Mai Hùng, gần ngay đó là nhà nghiên cứu VHDG Tống Đại Hồng. Hướng phía Nam, rẽ theo lối Thủ công nghiệp là nhà văn Đinh Công Diệp, trước đó còn cả nhà thơ Mai Liễu. Hướng Tây Bắc, theo đường Tỉnh ủy là vào nhà ông nhà văn “Ma Làng”, Trịnh Thanh Phong. Thời gian trôi đi, sau khi nhà văn Đinh Công Diệp và ông Dậu ghita mất, nhà thơ Mai Liễu chuyển về Hà Nội rồi cũng mất thì phạm vi bạn bè của tôi cũng thu hẹp dần. Và người hàng xóm gần nhất mà tôi hay đến chính là NSNA Hồ Thăng, tên thường gọi là ông Thạnh.

Tôi với ông tuổi tác cách nhau khá xa, chính vì vậy mà mấy anh em con của ông bà, người thì gọi tôi bằng chú, người gọi bằng anh. Nhưng chúng tôi khá hợp chuyện nhau, hai anh em tào lao đủ thứ chuyện nhưng chuyện hợp nhau nhất vẫn là về văn học nghệ thuật, nhất là về mảng nhiếp ảnh của ông. Từ những cuộc “buôn dưa lê” đó, tôi cũng dần dần hiểu thêm về nhiếp ảnh. Tôi hiểu được thế nào là tỷ lệ một phần ba, cách chụp ngược sáng hay là tiền cảnh, hậu cảnh là như thế nào v.v…

Tôi không hay tò mò về chuyện đời tư, chỉ những gì ông tự kể ra thì tôi biết. Vì trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông cũng hay nhắc về những kỷ niệm xưa. Biết ông là quê gốc ở Thừa Thiên Huế nhưng lại sinh sống ở bên Thái Lan. Ông là lớp thanh niên yêu nước tình nguyện về quê hương từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Đang ở Hà Nội, do một duyên cớ đi chụp ảnh làm chứng minh thư cho công nhân các nông lâm trường theo đề nghị của Công an tỉnh Tuyên Quang mà ông gắn bó trọn đời với mảnh đất này. Trong câu chuyện của ông nhiều chuyện vất vả thời bao cấp, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Ông là người sống chân thành, không ham hố đua tranh, tất cả chỉ đắm đuối với nhiếp ảnh. Chuyện vui thì nhiều nhưng chuyện tiêu cực thì thời nào cũng có, chỉ nhiều hay ít mà thôi. Thỉnh thoảng ông hay nhắc lại câu: “Thẳng thắn, thật thà thì thua thiệt - Lươn lẹo, luồn lách lại lên lương”. Đó là những xì xào, bức xúc của anh em trong cơ quan về một nhân vật ABC nào đó vào thời của ông. Những lúc như vậy tôi thấy ông trầm ngâm suy nghĩ, có lẽ chỉ mình ông hiểu hết về những câu chuyện  này.

Ông thường nói: “Nhiếp ảnh không giống một số lĩnh vực khác, có khi ngồi ở nhà cũng sáng tác được. Nhiếp ảnh thì khác, sáng tác kiểu gì cũng phải đến tận nơi. Mà tốt nhất là nên đi một mình chứ đi nhiều người cùng đến một chỗ thì các ảnh chụp sẽ na ná giống nhau hết”. Vì vậy mà ông cứ một mình phóng xe đi khắp nơi, không phải chỉ một lần tai nạn đã xảy ra với ông. Nhưng lần nặng nhất có lẽ là lần ông len lỏi vào các thôn xóm trong xã Mỹ Bằng. Đường hẹp lại khuất tầm nhìn nên khi một con chó xồ ra, ông không phản ứng kịp nên ngã. Cú ngã ấy đã làm ông gãy một cái xương bả vai, phải điều trị khá lâu.

Về chuyện yêu nghề, xông xáo, sức sáng tạo của ông cả giới văn nghệ sĩ đều biết, đã có bài viết khá kỹ nên tôi không muốn nhắc lại. Chỉ có điều người viết bài này thấy nể phục ở một NSNA tuổi cao, bệnh tật như vậy mà cho đến những ngày cuối cùng (trước khi phải thở ôxy) ông vẫn tiếc “có mấy sự kiện ở ngay thành phố mà mình không đi chụp được”. Thậm chí có lần ông còn rủ tôi “Lúc nào cậu đưa tớ về Minh Thanh để tớ chụp mấy kiểu ảnh về Nha Công an”.

Còn biết bao hoài bão, biết bao dự định ở người nghệ sĩ già, bệnh tật. Số phận thật nghiệt ngã, ý chí là vậy nhưng cũng không cưỡng lại được số mệnh.

Xin vĩnh biệt ông! Người anh, người bạn già yêu kính của tôi.

Minh Xuân, ngày 28/7/2023

T.Đ

Tin tức khác