Một thoáng với Mai Liễu

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:34| 72 lượt xem

Vũ Công Định

 

 

 

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Lâm Bình là những ngọn núi đá cao sừng sững, là một phong trào làm du lịch đang nở rộ như hoa, là những bản làng mà đến hơn 90% số hộ làm Youtube, là những cánh rừng già nguyên sinh mà ở quê tôi và rất nhiều nơi khác chúng đã biến mất tự bao giờ. Nhưng chỉ đến khi một mình phóng xe máy trên đèo Ái Au thì mọi cảm nhận về Lâm Bình mới trở nên sống động.

Mười tám kilomet chiều dài của Ái Au thực sự đã gieo vào lòng tôi biết bao cảm xúc. Đường quanh co, cheo leo, gấp khúc khiến tôi liên tưởng đến một Đà Lạt mộng mơ. Chỉ khác là đường Đà Lạt thì quanh co bên gốc thông già, còn đường Ái Au thì quanh co bên những cánh rừng già. Những cánh rừng già thâm u mang bao huyền bí. Sự vắng vẻ đến lạ thường của cảnh vật trên đường khiến tôi rờn rợn đê mê như trôi trong cõi mộng. Và rồi, chẳng hiểu sao, những âm hưởng của một bài thơ còn rờn rợn, liêu trai hơn cả cõi mộng chợt ùa về. Vâng, tôi đang nói đến bài thơ Ảo ảnh liêu trai của cố nhà thơ Mai Liễu. Bài thơ này tôi vô tình đọc được trên Facebook của một người bạn của anh. Trước khi đăng bài thơ, anh Mai Liễu có tâm sự:

“Đêm ngày cũng có lúc ngơ ngẩn vì thơ. Có khi như ma nhập, lại có lúc tưởng gặp ma. Đành nghỉ làm thơ thôi. Cả đời làm thơ cũng chả nên cái trò trống gì. Chép lại bài thơ một lần ma dụ vậy. Rồi thôi. Ma đi đằng ma. Người về đằng người”.

Theo bạn của anh Mai Liễu, bài thơ này anh chia sẻ vào năm 2019, khoảng một năm trước khi anh về cõi vĩnh hằng. Đây là nguyên văn:

           Ảo ảnh liêu trai

 Chả là gì, chả bằng ai

Lại mê một mái tóc dài lưng eo

 Gặp nhau giữa một quãng đèo

Tán cây khuất mặt, gió heo hút lùa

 

 Gọi người núi vọng tiếng đưa

Mong trời đừng đổ cơn mưa ướt rừng

 Đất trời thì vẫn mông lung

Tóc dài bay giữa nửa chừng dốc cao

 Heo may xào xạc bờ lau

Rừng thăm thẳm thế, về đâu hỡi người

 Nguồn tuôn dòng nước tinh khôi

Cánh chim bạt gió chơi vơi lưng đèo

 

 Nơi này trời đất gặp nhau

Người đi đâu, lạnh gió vèo trong cây

 Biết là duyên nợ chi đây

Âm dương tìm đến chốn này lạ chưa?

 

 Tóc dài hong gió khô chưa?

Về thôi kẻo lại sắp mưa xuống rồi.

 

Tôi cũng đã đọc thơ Mai Liễu nhiều, và thơ anh cũng để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Nhưng thú thật, chỉ đến bài thơ này của anh mới làm tôi bị ám ảnh. Tôi đọc ngấu nghiến như một con hổ đói, và thuộc lòng bài thơ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Tôi là vậy, nếu bài thơ nào làm tôi say đắm, tôi sẽ thuộc lòng rất nhanh. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại đem bài thơ của anh ra mà nhấm nháp từng câu, từng chữ. Phải nói là rất hay (cảm nhận của riêng tôi). Lời thơ rất ám ảnh, rất liêu trai và rất nhuyễn (trừ hai từ “chưa” trùng nhau ở hai câu giáp cuối). Từng con chữ cứ găm vào da thịt trong mỗi lần tôi đọc. Rồi nhiều khi tôi còn cảm thấy mình cũng nằm mơ như anh Liễu, cũng vã mồ hôi hột như gặp cơn ác mộng. Vâng, tôi cũng chỉ biết nói tất cả những gì tôi cảm nhận được từ bài thơ vậy thôi, kiểu như cách nói mộc mạc của một nhà thơ “Chỉ cảm nhận được là hay mà không biết tại sao!” Còn những lời bình sâu sắc hơn, mổ xẻ hơn thì tôi không dám múa rìu qua mắt các cây đa, cây đề trong làng văn.

Và rồi một ngày cuối tháng Ba, khi rong ruổi trên đèo Ái Au thì tôi thực sự “sốc”. Cảnh sắc của Ái Au quá giống với bối cảnh trong bài thơ “Ảo Ảnh liêu trai” của anh Mai Liễu. Tôi bàng hoàng như đi trong cơn mê. Tôi mơ màng như đang nhìn thấy anh Liễu cùng người con gái “Tóc dài, lưng eo khuất mặt” kia đang chơi trò chốn tìm.

Sáng hôm sau, khi đi cùng đoàn văn nghệ sĩ Tuyên Quang trong khuôn khổ chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Lâm Bình. Khi chiếc xe 16 chỗ đi qua đèo Ái Au thì tôi không thể chịu nổi. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ “Ảo Ảnh liêu trai” cho mọi người cùng thưởng thức. Cảnh sắc và thời tiết Ái Au lúc ấy giống bối cảnh trong bài thơ đến lạ kỳ. Trời âm u, rừng âm u báo hiệu một cơn mưa rào sắp ập xuống. Tôi bèn nhắc lại một câu thơ của anh như một lời khẩn cầu “Mong trời đừng đổ cơn mưa ướt rừng”. Và mọi người trong đoàn cũng đều cầu nguyện như vậy, bởi cảnh và thơ chắc cũng đã ngấm vào tâm can họ, bởi nếu mưa xuống sẽ làm chuyến tham quan của chúng tôi trở nên vất vả cực kì. Nhưng rồi mưa cũng vẫn ập xuống. Một cơn mưa rào chào mùa hạ nhưng nức nở như trời đất cũng buồn thương cùng với lòng người.

Đêm hôm đó, nằm trong Homestay ở thị trấn Lăng Can, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Hình ảnh của cố nhà thơ Mai Liễu cứ hiển hiện trong tôi.

Tôi nhớ lại kỉ niệm đầu năm 1998, tôi viết truyện ngắn đầu tay có tựa là “Mua xe Cup”. Tôi liền gửi về Báo Tân Trào theo địa chỉ mà em trai tôi đã cho từ trước. Cứ nghĩ hứng lên thì gửi vậy chứ họ biết mình là ai đâu. Hi vọng gì, có khi họ còn chẳng thèm đọc bài của mình ý chứ. Nhưng thật bất ngờ, chục ngày sau tôi nhận được thư của anh Liễu. Nội dung như sau:

          “Kính gửi anh Vũ Công Định

Truyện ngắn “Mua xe Cúp” của anh viết ngắn gọn, hóm và có không khí. Chúng tôi sẽ sử dụng vào số báo gần đây. Mong anh tiếp tục cộng tác. Chúc anh và gia đình vui vẻ, hạnh phúc.

Tuyên Quang ngày...

Ký tên

Mai Liễu

(Tổng Biên tập Báo Tân Trào)

 

Bức thư đó hiện tôi vẫn còn giữ. Rồi tôi được Báo Tân Trào đăng thêm vài truyện ngắn và thơ nữa. Đến cuối tháng 8/1998, đích thân anh Liễu viết thư cho tôi bảo Hội bố trí cho tôi đi học tại Hà Nội một tháng để phát triển lâu dài. Hôm về Hội để nhận giấy nhập học, tôi khoác cái bao tải đựng quần áo len lén để vào phòng. Thấy thế, anh Liễu liền đưa cho tôi cái ca-táp bằng da rất xịn xò và sang trọng bảo “chú đựng quần áo vào đây này”. Sau đó anh cho tôi luôn chiếc cặp đó (Hiện tôi vẫn còn giữ nó như một báu vật). Rồi tôi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang ngay trong năm 1998. Sau đó anh Liễu chuyển về Hà Nội công tác, mang theo bao nỗi nhớ nhung của nhiều văn nghệ sĩ Tuyên Quang.

Nhà thơ Mai Liễu là vậy, luôn tình cảm, chân thành với anh em văn nghệ sĩ. Còn bao điều xúc động tôi muốn kể về một người anh thân thương, một người thầy đáng kính. Nhưng khuôn khổ bài viết có hạn, xin được dừng lời. Với tôi, bài viết này là một nén hương kính dâng lên hương hồn nhà thơ Mai Liễu. Mong anh an yên Miền Cực lạc.

Yên Lâm, 31/03/2024

V.C.Đ

Tin tức khác