Anh thương binh hai màu áo

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:32| 117 lượt xem

Đỗ Anh Mỹ

 

Minh họa của Tân Hà

 

Thấy anh trên sân khấu với chiếc micrô trên tay, mặt hồng hào, tóc không còn sợi đen, quân hàm Đại tá, màu áo An ninh đang say sưa hát như một ca sĩ chuyên nghiệp trong cuộc gặp mặt Cựu chiến binh Đoàn 305: “… Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa tận, đường ra trận mùa này đẹp lắm...”. Bài hát cách đây ngót nửa thế kỷ thời gian, các anh đã hát nóng bỏng cánh rừng Trường Sơn, sang chiến trường quốc tế Campuchia, về chiến trường B2 - Miền Đông, miền Tây Nam bộ, những năm cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước sang giai đoạn quyết liệt khiến tớ thầy Mỹ, đám ngụy quân tay sai bán nước, bè lũ phản động LonNol Siso Wath Sirick Matak phải khiếp sợ. Đợi anh bước xuống sân khấu, Bằng Lương chạy lại bắt tay:

- Quang! Có phải Đình Quang K25 đây không? - Hai cặp mắt nhìn nhau từ đầu đến chân, ngờ ngợ, ngạc nhiên.

- Bằng Lương! Tao nhớ rồi. Tao tưởng…! - Bốn con mắt nhận ra nhau tròn xoe, rơm rớm. Hai vòng tay không ai muốn buông ai ra.

- Tưởng tao nằm lại ở bốt Cầu Luông rồi chứ gì? Lính đặc công hơi bị khó chết đấy! Nhưng sao mày…? - Lương nhìn bộ cảnh phục trên người Quang, ngạc nhiên.

Chuyện dài lắm. Mày còn gặp bọn thằng… ở đâu không? Bọn nó cùng bị thương với tao và mày trong trận đụng độ với quân Mỹ ở bốt Cầu Luông, Kiến Tường. Thằng bị thương, tao bị sức ép. Có thằng đã ra đi. Bọn mình từ đấy, mỗi đứa một nơi.

- Bọn nó giờ thành chủ đồn điền, chủ doanh nghiệp, triệu phú, tỷ phú cả rồi!

Những ký ức xô về. Đình Quang hôm nay mang trên mình quân hàm Đại tá công an, nhưng vẫn tự hào, mình từng là người lính đặc công.

Bộ đội đặc công, bộ đội đặc biệt tinh nhuệ ra đời gần như sau cùng so với các binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, vào thời điểm cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn giằng co quyết liệt (19/3/1967), với lối đánh sở trường, theo tư tưởng chỉ đạo chiến thuật của binh chủng đặc biệt tinh nhuệ: “Bí mật, bất ngờ, luồn sâu, lót sẵn. Đánh đúng, đánh trúng, đánh đau, đánh hiểm. Đánh bồi, đánh nhồi, đánh nở hoa trong lòng địch!”.

Người lính đặc công luôn tự hào truyền thống, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho những chữ vàng, những lời dạy thân ái nhất, bài học đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Bác kính yêu: “Chính trị đặc biệt vững chắc. Tinh thần đặc biệt dũng cảm. Mưu trí đặc biệt linh hoạt. Kỹ thuật đặc biệt thuần thục. Kỷ luật đặc biệt nghiêm minh. Với Đảng, đặc biệt trung thành. Với nhân dân, đặc biệt thân ái. Quyết tâm đặc biệt cao. Nội bộ đặc biệt đoàn kết. Có khả năng lập chiến công đặc biệt to lớn trong mọi tình huống. Luôn xứng đáng là một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ!”.

Năm năm làm người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Đình Quang cùng đơn vị tham gia hàng chục trận đánh, có mặt trong nhiều chiến dịch quan trọng, thực hiện mọi lối đánh: Đánh theo binh chủng, binh chủng hiệp đồng, đánh phối hợp chiến thuật, đánh theo kế hoạch tác chiến chiến dịch; Đánh lấn, đánh chống lấn, đánh chống càn, đánh tiêu diệt cứ điểm; Diệt chốt, đánh lô cốt, đánh tiêu hao lực lượng, triệt phá kho hậu cần vũ khí, thiết bị kỹ thuật, phá hủy xe tăng, xe thiết giáp; Diệt địch trong bốt, trong chốt, trong lô cốt, trong trại lính ác ôn; Đánh địch nhảy dù, đánh địch đi càn... và đánh khi bất ngờ đụng nhau trong mọi tình huống, không kể ban ngày, ban đêm, quân Mỹ, quân Ngụy, lính Park Chung - hee, LonNol Siso Wath

Sirick Matak. Những trận đánh không bao giờ quên. Trận Làng Hai, làng Chín Chi khu Lộc Ninh, Bình Long, tháng 8/1970, vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường, bất ngờ đụng đầu lính Mỹ. Trận Bờ-rây Tơ-lưng Công-pông-chàm trên đất Campuchia tháng 12/1970. Trận diệt xe tăng, thiết giáp, pháo cao xạ địch bên Ka-rét, trên đất Campuchia, tháng 5/1971. Lại về diệt chốt Lộc Bình, Lộc Tấn, Khánh Hưng, Chi khu Lộc Ninh, Chi khu Bình Long tháng 3/1972. Tháng 5/1972, đánh Núi Gió Chi khu Lộc Ninh. Tháng 6/1972, tham gia diệt bốt Cần Lương, Kiến Tường. Tháng 11/1972 bốt Cầu Vuông Chi khu Cai Lậy. Tháng 11/1974, diệt chốt Quận Cũ, Tuyên Nhơn, Kiến Tường. Tháng 2/1975, tiêu diệt bốt Xóm Chùa Đức Huệ Long An. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chốt Ngã Tư Tân Tạo, Chi khu Bình Chánh, giằng co từ đêm 26 đến trưa ngày 30/4/1975 mới xóa được chốt.

Đụng đầu với quân Mỹ ở trên rừng, hay dưới đồng bằng là đụng đầu với xe tăng, xe thiết giáp Mỹ, đụng đầu với những cỗ xe M41 trang bị pháo 76 ly. Xe tăng M48 lắp pháo 90 ly bắn tầm xa, bắn cầu vồng, bắn thẳng. Thiết sa M113 bám đuôi chở lính. Nóc xe có đại liên 12,8 ly nhả đạn tự động. Những trận, xe tăng, xe thiết giáp Mỹ như những lô cốt di động tràn ra đông như cua say nắng bò lên bờ, lăn xả, chà xát vào trận địa của ta, làm lá chắn cho bộ binh tràn lên. Có chiến sĩ mới ra trận lần đầu, yếu bóng vía, nằm úp mặt xuống đất, nhắm mắt, nín thở. Xe tăng lăn xích sắt qua lúc nào không biết, tỉnh dậy hú vía, hết hồn.

Đụng đầu với Mỹ, cũng có nghĩa, đụng với sắt thép, bom đạn của một nước tiềm năng chiến tranh mạnh nhất thế giới, phương tiện chiến tranh hiện đại của nền văn minh Hoa Kỳ. Đụng với người Mỹ, dù đụng phải một căn cứ, một đội quân, hay một tên lính, coi như đụng phải tổ ong, đụng phải lối chơi lấy bom đạn, sắt thép đè người, sẵn sàng xắn tay áo xô đốt nhà táng. Trên trời, máy bay B52 rải thảm cả trăm tấn bom xuống bất cứ nơi nào nghi có cộng quân. Những phi đội tiêm kích thả bom phá, bom từ trường, bom tự tìm mục tiêu, tên lửa đối đất, đối không, pháo tầng thấp, tầng cao, có kỵ binh bay phối hợp hiệp đồng. Khu trục bay chở lính nhảy dù xuống mọi địa hình. Trực thăng bay sát ngọn cây. Từ trên máy bay nhìn rõ dấu dép cao su in trên mặt đất. Máy bay trực thăng đứng tại chỗ, quạt rẽ lá, thổi bay nóc hầm, thả thủ pháo vào hầm trú ẩn. Máy bay cánh quạt hai tầng chở xe tăng, pháo lớn, lô cốt bê-tông đổ xuống mọi địa hình. Máy bay L19, tầu càng cánh vuông bay chậm, bay thấp tìm mục tiêu di động, mục tiêu ẩn nấp, kiểm tỏa sóng vô tuyến K63 của ta. Mỗi điểm nghi ngờ, phi công bắn đạn sương mù chỉ điểm, lập tức từng tốp máy bay kéo đến, pháo từ các căn cứ dội sắt thép xuống như mưa, hủy diệt bất cứ nơi nào, người Mỹ muốn.

Mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, dù là lô cốt, bốt địch, trại lính, hay kho hậu cần, bộ đội đặc công đều phải tiến hành trinh sát, gọi điều nghiên. Mỗi chuyến điều nghiên căn cứ, thám thính đồn địch, dễ phí mạng nhất khi phải vượt qua hào chống tăng sâu hai ba mét, vượt qua những lớp bùng nhùng thép gai, và bao giờ ở đó cũng là đủ các loại mìn, pháo sáng, còn lo đụng độ phải lính đi tuần.

Đình Quang có biệt danh trạng quân khí. Trên đường điều nghiên hễ gặp mìn, hoặc lựu đạn, có Quang đi cùng, nhỡ ai đó giẫm phải mìn dưới chân, Quang có cách vô hiệu hóa, mìn không thể phát nổ. Gặp mìn định hướng claymore, Quang xoay càng về phía ngược lại 180 độ. Quả mìn trở thành cái gậy nhè vào lưng tên địch đã gài. Một lần đi trên đường, đồng đội giật mình lên tiếng:

- Dính mìn cóc dưới chân rồi!

- Đứng yên đấy! - Quang bình tĩnh hô.

Quang loay hoay, cài lại chốt an toàn, gài quả mìn lại như cũ, cho bọn biệt kích khỏi nghi ngờ có bộ đội đi qua. Gặp lính mới tò te giẫm phải mìn, giật mình nhấc chân lên, tích tắc, quả mìn nhảy lên ngang ngực, nổ, thế nào cũng có đồng đội đi cùng phải ra về bằng cáng. Trên đường, gặp mìn claymore, bộ đội vui như bắt được kẹo, tháo thuốc nổ chia nhau, đi đường nhấm nháp cho ngọt chân răng. Mỗi lần điều nghiên vào trại lính Mỹ, ai cũng mong kiếm được quả lựu đạn tròn, lựu đạn US. Loại này rút chốt ném đi, thể nào nó cũng đến được nơi cần nổ, không như lựu đạn mỏ vịt của ta. Có lần lính mới ra trận, địch đến gần, chỉ huy hô: lựu đạn! Anh lính lăng lựu đạn đi. Quả lựu đạn mắc trên cành cây, đung đưa một hồi, rơi ngay trước mặt. Hú vía! May mà, chàng ta chưa kịp rút chốt an toàn. Người Mỹ chơi loại mìn nhíp. Thứ này, địch luôn gài ba quả theo hình tam giác. Hễ đụng phải một quả, bị tiện một chân. Ngã ra, đít đụng quả thứ hai. Tay quờ, ăn nốt quả thứ ba. Mỹ còn có loại mìn lá, mỏng như cái lá, treo trên cành cây khó lòng phát hiện. Đụng phải là nổ. Ít khi chết người, nhưng vẫn sát thương. Người Mỹ cho mình văn minh, nhân quyền, hóa ra cũng lắm trò, lắm chuyện, chế tạo loại mìn US-Mini, nhỏ như cái nắp bút máy, cài túi rất xinh. Loại mìn này rút chốt, nổ tức thì. Người Mỹ phát cho lũ sĩ quan bỏ túi, phòng khi rơi vào tay cộng sản, thì lấy ra "tự sướng một mình".

Năm năm chiến đấu, anh bốn lần bị thương, lần sau cùng là trận, hôm ấy, đơn vị vừa diệt gọn bốt Cầu Luông - Kiến Tường (tháng 6/1972). Trên đường về, địch tình cờ phát hiện địa điểm tập kết của ta, liền đẩy lực lượng càn vào, bị lực lượng ta đánh không kịp nhặt xác. Nhưng ngay sau đó, chúng phản công bằng đủ các cỡ pháo lớn, pháo bé, máy bay đến ném bom xóa hết dấu vết thất bại của bọn quan thầy. Quang bị quả bom nổ ngay bên hông. Khi tỉnh lại, thấy mình đang nằm trên cáng bệnh viện Trung đoàn.

Bằng Lương nhắc lại từng cái tên, nhớ lại từng trận đánh, nhớ từng nấm mồ đồng đội được chôn cất ở đâu. Chia tay, Lương lưu luyến hỏi lại:

- Ông vẫn nợ tôi một câu hỏi!

- So với những gì năm năm ở binh chủng đặc công đánh Mỹ, thì những năm sau này không có gì đáng kể đâu. Tôi chuyển ngành, với bản chất anh bộ đội đặc công, được phân công phụ trách công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong ngành, và như bây giờ, ông thấy rồi đấy!

Trước mắt các anh trùng trùng những đoàn quân đeo lá ngụy trang đi dọc Trường Sơn. Những chiến sĩ bộ đội đặc công trát đầy mình bùn đất, trông như những hình nhân, ôm mìn xông lên phá lô cốt, dọn cửa mở, đưa bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn!

Đỗ Anh Mỹ

Tin tức khác