Mạ Héc - Dải lụa của Cham Chu

Thứ hai, ngày 20-11-2023, 09:47| 614 lượt xem

Dương Đình Lộc

 

Tôi lênCham Chu vào đúng dịp Tết Cơm Mới của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua cầu Tân Yên đẹp như tranh vẽ, cả một vùng non nước thanh bình tràn ngập màu xanh hiện ra trước mắt tôi, có cả màu của no ấm khi thóc lúa được phơi vàng óng khắp các con đường ngõ xóm của Phù Lưu, nơi được mệnh danh là thủ phủ cam sành của huyện Hàm Yên. Nhưng vào những ngày hè nóng nực thế này, tôi lên Phù Lưu không phải để viết về cam sành, thứ quả đặc sản xóa đói giảm nghèo năm xưa, nay để làm giàu nổi tiếng, mà là nỗi nhớ về một con thác thuộc về dãy núi Cham Chu huyền bí, có tên là Mạ Héc.

Mạ, tiếng dân tộc Tày có nghĩa là ngựa, bà con các dân tộc ở thôn Thôm Táu sống ngay gần chân thác vẫn thường bảo con thác Mạ Héc nó như một con ngựa trời khổng lồ của rừng già, quanh năm tung bọt trắng xóa, mạnh mẽ phi nước đại nhất là vào mùa hè. Con đường vào thôn Thôm Táu tương đối vòng vèo khó đi bởi! nằm trên địa hình đồi núi. Tìm đến nhà Trưởng thôn Vi Văn Thái lúc ấy khoảng 8 giờ sáng mà trời vẫn mù mịt sương, dãy núi Cham Chu sừng sững trải dài nhấp nhô ngay trước mặt, trông như một ông già quắc thước bởi những đám mây trắng bao phủ xung quanh các ngọn núi quanh năm dường như không bao giờ thấy đỉnh. Trưởng thôn Vi Văn Thái năm nay mới ba mươi mốt tuổi, dáng người trẻ trung năng động, anh niềm nở tiếp tôi ánh mắt sáng lên niềm hãnh diện tự hào khi được tôi giới thiệu và biết tôi lặn lội từ thành phố Tuyên Quang, vượt hơn sáu mươi cây số tới đây để tìm hiểu về con thác tuyệt đẹp, được nhân dân các dân tộc ở đây ví như dải lụa của Cham Chu.

Trước khi vào thăm thác, chúng tôi tản bộ dọc đường làng, nói chuyện về đời sống đồng bào các dân tộc đang đoàn kết sinh sống dựng xây tại Thôm Táu. Thôm Táu có trên dưới một trăm hai mươi hộ dân, đa phần là dân tộc Tày và Dao Đỏ, với bản sắc văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Sinh sống chủ yếu từ nghề trồng cam sành, trồng chè và trồng lúa, nay có thêm thâm canh cả cây chanh tứ thì cho quả quanh năm với sản lượng khá cao, tạo công ăn việc làm cũng như đem lại thu nhập rất tốt. Dọc con đường chúng tôi đi là những vườn chanh sai trĩu quả. Cam sành thì trồng ở trên đồi, từ đây tới đó khá xa. Trưởng thôn Vi Văn Thái chỉ tay cho tôi thấy những đồi cam xanh ngút ngàn trước mắt, thấp thoáng trong mây mù.

- Đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển cam từ trên các triền đồi ấy về cũng tương đối vất vả Trưởng thôn Thái nhỉ?

Tôi buột miệng hỏi và thầm tưởng tượng ra những gùi cam nặng trịch oằn trên đôi vai của những người nông dân một nắng hai sương, quanh năm chăm sóc cây trồng mong đợi đến mùa thu hoạch.

- Ầy, không phải cõng cam trên lưng đâu, nhà văn Dương Đình Lộc à.

Trưởng bản Vi Văn Thái vui vẻ kêu lên: Cũng cõng trên lưng nhưng mà là trên lưng ngựa. Ngựa nó khắc thồ cam về tận nhà cho mình mà.

- Ngựa thồ á?

Tôi tròn mắt ngạc nhiên trong tiếng cười giòn tan của người Trưởng thôn trẻ tuổi vui tính.

- Nhà văn đi theo em.

Tôi theo Trưởng thôn Vi Văn Thái qua cổng một nhà dân ven đường. Ngạc nhiên quá, tôi thấy có hai con ngựa bạch to lớn đang thong thả gặm cỏ trước sân.

- Giờ thôn Thôm Táu có nhiều nhà nuôi ngựa lắm, nhà văn à.

Trưởng thôn Vi Văn Thái hào hứng giải thích: Chỉ có sức ngựa mới lên đồi thồ cam về nhà được, nên người dân ở đây có rất nhiều hộ nuôi ngựa, hộ nhiều nuôi hai ba con, hộ ít nuôi một, hộ nào không có tới vụ cam mượn hộ có ngựa.

- Ồ, thì ra là vậy.

- Thế qua vụ cam, ngựa chắc chắn sẽ được thảnh thơi nghỉ ngơi vỗ béo, trưởng thôn nhỉ?

- Ầy, không hẳn thế, thanh niên trai bản ở đây họ rất yêu ngựa, qua vụ cam nó sẽ cùng sinh hoạt lên đồi lên nương thồ củi, thồ ngô với mọi người, và hơn cả, ngựa nó còn cùng làm du lịch nữa đấy.

Chúng tôi đi vào thăm con thác Mạ Héc, nhân vật chính của bút ký này. Con đường ẩm ướt và tương đối khó đi vì còn một số đoạn chưa được đổ bê tông.

- Xã cũng đang có chủ trương mời gọi các dự án đầu tư làm du lịch sinh thái tại thác Mạ Héc đó anh. Lúc ấy đường vào sẽ tốt lên.

Trưởng thôn Vi Văn Thái có vẻ ngượng ngập nói với tôi như vậy. Mạ Héc có ba thác tất cả, tới thác đầu tiên gọi là thác Một, tiếp nữa là thác Hai, và lên thác cao nhất là thác Ba, thác chính của Mạ Héc, cao tầm chừng bốn mươi mét ầm ầm đổ nước từ vách núi xuống. Tôi ngỡ ngàng nhìn con thác. Quả thật nó như một dải lụa khổng lồ của Cham Chu với màu trắng tinh khôi, đẹp không bút nào tả xiết. Đứng cách xa một quãng mà hơi nước từ chân thác phả ra vẫn đủ làm ướt hết cả quần áo.

- Đúng là... con ngựa trời, trưởng thôn nhỉ?

Tôi kinh ngạc thốt lên, cảm tưởng như mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ.

- Vâng anh... Đó là ngựa trời còn ngựa ở thôn em, mùa hè sẽ được đem vào đây cho du khách cưỡi ngựa chụp ảnh. -    Trưởng thôn Vi Văn Thái hào hứng, với khuôn mặt rạng ngời.

Tôi quay sang nhìn những vị khách du lịch gần đó. Họ cũng đang có một vẻ ngỡ ngàng ngơ ngẩn giống như tôi, trước một công trình thiên tạo kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Cham Chu cũng như người dân thôn Thôm Táu một tuyệt tác.

- Thế khách du lịch khắp nơi, họ chơi thác xong có ăn uống ngủ nghỉ lại thôn mình không hả Trưởng thôn Thái?

Tôi hỏi, lòng chợt thấy bồi hồi xúc động, tự hào yêu mến quê hương mình xiết bao. Đôi mắt vẫn không quên ngắm con thác Mạ Héc, lúc này sương đã dần tan, nắng lên cao lồng vào hơi nước tán ra đủ các sắc màu kỳ bí đẹp chưa từng thấy.

- Em xấu hổ quá nhà văn à.

- Cả thôn vẫn chưa có một cái Homestay nào. Sắp tới em và mấy người bạn sẽ cố gắng vay mượn cùng làm một cái nhà sàn thật kiên cố thật đẹp mắt. Để có chỗ cho du khách họ nghỉ lại, hướng tới làm văn hóa du lịch cộng đồng, anh thấy có được không? - Trưởng thôn Vi Văn Thái đỏ mặt bẽn lẽn.

- Ồ, thật là tuyệt vời đấy, Trưởng thôn Thái à.

Tôi vỗ vai người thanh niên trẻ tuổi, thân mật thốt lên:

- Khách du lịch, đặc biệt ở dưới xuôi lên họ họ rất thích các phong tục tập quán văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cao Tuyên Quang mình. Khi có chỗ nghỉ lại.  Trưởng thôn Thái có thể đốt lửa trại, lập Câu lạc bộ hát Then, hát Cọi, múa sạp phục vụ du khách.

- Vâng, cả vấn đề ẩm thực nữa, chúng em đã bàn bạc cặn kẽ và lên kế hoạch cả.

Ánh mắt Trưởng bản Vi Văn Thái ngời sáng, trong tiếng nước chảy ầm ầm của con thác hùng vĩ, giọng anh như bị lẫn vào đó, nhưng sự phấn chấn trong âm sắc vẫn nghe rõ mồn một:

- Tụi em biết, khách du lịch họ rất thích các món ăn dân dã như rau dớn xào tỏi, thịt lợn đen nướng, xôi ngũ sắc v.v...

- Đúng thế... - Tôi vội vàng hưởng ứng - Phải làm du lịch sao cho thật bài bản văn minh Trưởng bản Thái à. Giá cả mọi thứ phù hợp, đường làng đường thôn môi trường sạch sẽ trồng nhiều hoa, bán cả đồ lưu niệm thổ cẩm... Rồi vận động nhiều hộ trong thôn có nhà sàn đẹp cùng làm du lịch. Bởi Cham Chu đã cho Thôm Táu ta một kỳ quan, trưởng bản Thái em có nghĩ thế không?

- Vâng, em cảm ơn nhà văn.

Chúng tôi cùng nhau trở về nhà. Trưa hôm ấy, tôi được Trưởng thôn Vi Văn Thái mời cơm, uống rượu ngô thật say, ăn xôi nếp nương cùng cá chép ruộng nướng thật no bụng. Dãy núi Cham Chu với hàng trăm loài động thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ vẫn sừng sững trước mặt tôi qua song cửa sổ, trong sự bảo tồn canh giữ nghiêm ngặt của những người dân thật thà chất phác yêu thác yêu rừng như máu thịt nơi đây.

- Nếu lên tới đỉnh cao nhất của Cham Chu hơn một nghìn năm trăm mét nhìn xuống, Mạ Héc còn đẹp nữa anh ạ...

Trưởng bản Vi Văn Thái bật mí với tôi.

- Cậu đã từng lên tới đỉnh cao nhất của Cham Chu rồi à?

Tôi tò mò hỏi bằng tấm lòng cảm phục.

- Em lên nhiều lần rồi. Dự định tương lai sẽ dẫn các đoàn khách du lịch mạo hiểm lên đó nếu họ có nhu cầu.

- Chúc mừng em, chúc mừng Thôm Táu, chúc mừng Mạ Héc.

Đó là một dải lụa của dãy núi Cham Chu kỳ vĩ, quê hương Tuyên Quang tôi mà có lẽ, khi ra về thành phố rồi, tôi mãi mãi không bao giờ có thể quên được. Lòng thầm ước con đường từ thị trấn Hàm Yên xinh đẹp sẽ được trải nhựa thẳng băng vào Phù Lưu, đến tận thôn Thôm Táu, để hàng đoàn những khách du lịch, họ dễ dàng thuận tiện đến với Cham Chu, đến với Mạ Héc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của con thác, được ví như ngựa trời của rừng già, tung vó cao ngất tuôn nước trắng xóa quanh năm...

D.Đ.L

Tin tức khác