Lâm Nho - tiếng ca còn vọng mãi

Thứ hai, ngày 20-11-2023, 09:51| 537 lượt xem

Tân Điều

 

 

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lâm Nho về cõi vĩnh hằng, mấy lần tôi định viết về ông, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, vì trong đầu vẫn còn rất mung lung trống trải. Ông ra đi quá đột ngột, bất ngờ không chỉ với riêng tôi, mà đối với nhiều người. Mấy hôm nay, trên Phây-búc hay trên Zalo, thỉnh thoảng vẫn thấy người nọ người kia hỏi tin tức về ông. Mới đây thôi, ngày 19/9 ông còn nhắn tin, gọi Zalo cho tôi, vì lúc đó đang đi trên đường, nên về nhà tôi mới biết. Lại nghĩ đơn giản, chắc ông lại nhắc có bài hát mới thì gửi cho ông, nên định bụng hôm nào sẽ trực tiếp đến. Thế mà, chỉ mười ngày sau đã nhận được tin ông ra đi rồi.

Ngược thời gian về đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ học cấp I phổ thông. Có một ngày dân làng tôi được Đội văn công xung kích của tỉnh về biểu diễn phục vụ, nói chính xác hơn là về tuyên truyền cho công tác làm thủy lợi để chống hạn. Tối hôm ấy, tại sân kho hợp tác xã, dưới ánh đèn măng-sông rực sáng, chúng tôi được thưởng thức một chương trình văn nghệ tổng hợp. Tuyên truyền miệng kết hợp với diễn tiểu phẩm, biểu diễn ca nhạc. Có lẽ vì quá say mê văn nghệ mà chỉ từ buổi tối hôm ấy, một số anh chị văn công như: Lâm Nho, Thanh Liêm, Kim Dung, Kim Vọng... tôi còn nhớ tên mãi đến tận bây giờ.

 Sau này được nhiều lần xem các anh chị văn công tỉnh biểu diễn, tôi càng ngưỡng mộ các anh chị hơn. Trong đó, đương nhiên ca sĩ Lâm Nho là tôi ấn tượng nhất, với chất giọng nam cao trong sáng, với phong cách biểu diễn tự nhiên và đầy nội lực. Thời kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều bài hát hay trong đó có bài “Nổi trống lên rừng núi ơi” của Hoàng Vân. Đúng như nhà thơ Lê Na đã nói trong một bài viết, không biết ai đã đặt thêm lời Tày để ca sĩ Lâm Nho biểu diễn bài hát này quá hay, có thể nói là thành công ngoài mong đợi. Hồi ấy bà con ta xem văn nghệ còn rất ấu trĩ, thấy hay rất muốn được nghe ca sĩ biểu diễn lại nhưng lại chưa biết cách vỗ tay thật dài như bây giờ. Thậm chí còn không biết vỗ tay tán thưởng, nhất là bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết há hốc mồm ra nghe.

Ngoài các bài đơn ca thì tôi còn rất thích tiết mục song ca của hai ca sĩ Lâm Nho và Yến Nga, mỗi khi họ lên sân khấu là ở dưới im phăng phắc lắng nghe. Bài hát “Trước ngày hội bắn” của Trịnh Quý được hai ca sĩ thể hiện rất thành công. Quả thật, không biết diễn tả thế nào, hồi ấy tôi chỉ ngây thơ nghĩ rằng hình như họ sinh ra là để hát song ca với nhau vậy. Những năm sau đó, không hiểu vì lý do gì ca sĩ Yến Nga không còn ở đoàn văn công nữa. Sau này, nữ ca sĩ hay song ca với ca sĩ Lâm Nho tên là Quý cũng rất xuất sắc, nhưng tôi vẫn thích ca sĩ Yến Nga hơn.

Vì say mê nghệ thuật cộng với chút ít năng khiếu nên dù ban đầu tôi đi làm giáo viên thì cuối cùng cũng thành diễn viên văn công. Sau gần năm năm ở Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, tôi lại về Tuyên Quang cùng hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật với ông. Tuy không còn ca hát chuyên nghiệp, nhưng tôi vẫn thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn sự kiện. Tôi coi ông như người anh đi trước, hai anh em tôi nhiều lần cùng đứng trên sân khấu, tiết mục thành công và cũng ghi dấu ấn nhiều nhất với anh em tôi là bài “Bài ca biên giới” của Xuân Giao. Ban đầu, bài này biểu diễn tam ca nam gồm Lâm Nho, Quang Minh và Tân Điều. Sau đó tôi với ca sĩ Lâm Nho hay đi biểu diễn với nhau nhiều hơn, nên thành tiết mục song ca. Thường thì đoạn đầu do ca sĩ Lâm Nho lĩnh xướng, đến đoạn điệp khúc:

          “Cho quê hương ta mãi mãi đẹp tươi

           Cho máy reo trên công trường kiến thiết

           Ôi đất nước mẹ hiền có biết

           Có chúng tôi canh giữ ngày đêm”

Tôi mới bắt đầu vào hát cùng, nếu có hát bè thì tôi thường hát bè hai, làm nền cho ông. Phải nói là giọng tôi và giọng ông rất hòa nhau, ông giọng tenor1 (nam cao1) còn tôi giọng tenor2, cả hai đều chất giọng trong sáng, trữ tình. Tuy diễn với nhau không nhiều, nhưng đó là những kỷ niệm thật khó quên.

Sau này, tôi với ông còn thường xuyên gắn bó với nhau trên cương vị làm giám khảo cho các cuộc liên hoan, hội diễn. Con người ông vô cùng thật thà, đúng mực và khách quan, khi làm giám khảo cũng vậy. Có lần, khi xét kết quả chương trình của đoàn huyện Chiêm Hóa, có tiết mục của một diễn viên tôi đang phân vân và nghe đâu là cháu chắt “dây mơ rễ má” với ông, nên tôi ý tứ nhường ông phát biểu trước. Ông nhận xét rất công bằng, thẳng thắn không hề thiên vị làm tôi vô cùng cảm phục. Có lẽ chính vì uy tín cũng như sự vô tư khách quan ấy mà ông luôn được các Ban tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn tín nhiệm mời tham gia ban giám khảo. Không chỉ làm giám khảo trong tỉnh, tháng 8 năm 2010 tôi với ông còn được mời sang tận Trại giam Phú Sơn 4, bên Thái Nguyên, làm giám khảo cho Hội diễn nghệ thuật quần chúng Tổng cục VIII (Bộ Công an).

Ông là một ca sĩ thực thụ, theo nghiệp ca hát từ một chàng trai mới lớn, đến khi thành ông già tám mươi ông vẫn hát. Chừng ấy năm không hề ngơi nghỉ, cho dù cuộc sống khó khăn thế nào, cho dù cuộc đời thăng trầm thế nào ông vẫn lạc quan và vô tư để hát. Tiếng hát của ông là tiếng hát của lẽ sống, của cuộc đời, là niềm vui và cả nỗi buồn đau của ông. Dẫu vì nhiều lý do, ông được phong NSƯT khá muộn màng, nhưng đối với đa số người dân Tuyên Quang, ông đã trở thành NSƯT trong lòng họ từ lâu.

Chiều nay, chiều cuối thu se lạnh, một mình dạo bước trên đường phố. Tôi bồi hồi nhớ về một buổi chiều cách đây đã hơn mười năm, Đài TTV làm chương trình ca nhạc, nhân dịp thị xã Tuyên Quang lên thành phố. Tôi và ông cùng được mời tham gia, sau khi đã thu xong phần âm thanh, đạo diễn cho chúng tôi đi quay hình, lấy cảnh. Tôi cùng ông sánh bước trên đường phố, được ngồi trò chuyện với ông trên ghế đá bên bờ hồ và được nghe ông hát bài “Tuyên Quang một thời để nhớ”. Mặc dù chỉ cần diễn giả vờ để lấy hình mà ông vẫn nhập tâm hát như thật, giọng ông vẫn sang sảng, cao vút mặc dù lúc đó ông cũng đã gần tuổi bảy mươi rồi.

Hôm nay một mình lang thang trên đường phố Tuyên Quang, cảnh cũ vẫn đây mà người xưa ở đâu? Người không thấy nhưng tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát của ông.

“…Tuyên Quang ơi, Tuyên Quang!

                            Một thời ta để nhớ

 Một thời ta khó quên

Tuyên Quang! Ơi Tuyên Quang!…”

Bỗng dưng tôi lại muốn xin phép cố nhạc sĩ Thanh Phúc được thay lời bài hát của ông từ “Tuyên Quang” thành “Lâm Nho” để diễn tả nỗi lòng mình lúc này. Vì tôi muốn nói với người NSƯT ở nơi xa rằng: Dù thời gian có trôi đi thì một thời anh em mình đã gắn bó, một thời đầy ắp kỷ niệm và một thời để nhớ ấy mãi mãi không bao giờ quên được đâu, ơi anh Lâm Nho!

Tuyên Quang, ngày cuối Thu 2023

T.Đ

Tin tức khác