Gặp gỡ những nghệ sỹ tuổi mão

Thứ hai, ngày 27-02-2023, 09:09| 1.033 lượt xem

*** Bài viết của Điền Phương Thảo

Nhà viết kịch tài ba

Phạm Xuân Đặng sinh năm 1951, ông được bạn bè nhận xét là một người kiệm lời nhưng khi đã nói thì chắc chắn. Tính ông điềm đạm nhưng rất sôi nổi trong phân tích dàn dựng. Dòng chảy văn học, nghệ thuật trong ông dường như không bao giờ ngưng nghỉ, những con chữ được ấp ủ từ lâu vẫn lần lượt hiện ra dưới ngòi bút chắc khỏe, đầy cảm hứng của ông mỗi ngày, để cho ra đời những tác phẩm mới mang hơi thở cuộc sống, thấm đẫm tính nhân văn.

Đối với ông một vở kịch hay phải là lời đối thoại hay, ông thấu hiểu tường minh khi định dạng sân khấu là nghề diễn của diễn viên được mặc định trong sự chuyển ngữ từ tác phẩm văn học đặc thù là văn bản kịch, đến tác phẩm sân khấu. Cách viết kịch của Phạm Xuân Đặng đã đem đến cho các văn bản kịch của ông mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh tính thông tin nhạy bén. Ông có khả năng viết kịch rất đa dạng từ hài kịch đến bi kịch, từ kịch ngắn, kịch vừa, đến kịch dài. Những tác phẩm của ông tập trung vào ca ngợi đạo lý con người, chống phá rừng, chủ trương chính sách của Nhà nước, chuyện tình yêu đôi lứa, khơi gợi tình yêu thương giữa con người với con người... Điển hình như một số vở kịch: “Đứa con của tôi”, “Ông già chống AIDS”, “Sa ngã”... Phạm Xuân Đặng được đánh giá là một nhà viết kịch hàng đầu tại Tuyên Quang với hàng loạt những tác phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ với công chúng với nhiều vở kịch được dàn dựng và phát trên kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam như: “Ngôi nhà hướng Tây”, “Dòng sông dữ dội”, “Khúc hát của rừng”, “Cuộc đời của Nhặt” và gần đây nhất là vở “Ánh sáng và bóng tối” cùng 20 kịch ngắn khác, 6 kịch vừa được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Tuyên Quang, Yên Bái và nhà hát kịch Lam Sơn Thanh hóa đặt hàng, dàn dựng biểu diễn và phát trên truyền hình các tỉnh trên.

Ông chia sẻ: “Để có những tác phẩm hay tác giả phải hóa thân vào từng nhân vật, phải tưởng tượng, nắm bắt tâm lý nhân vật, phải đặt mình trong tâm lý và hoàn cảnh của nhân vật để tìm ngôn ngữ và hành động của nhân vật cho chính xác. Nghĩa là “Tác giả phải biết “chết” cho nhân vật sống”. Cũng như “Đạo diễn phải biết “chết” trong lòng diễn viên”. Chính tác giả phải có tư duy bao trùm, có tố chất của đạo diễn, diên viên, họa sĩ, nhạc sĩ, ánh sáng... Bởi nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật tổng hợp của các nghệ thuật.

Những vở kịch của ông liên tiếp được các giải thưởng trong ngoài tỉnh và Trung ương. Các giải chính mà ông đã đạt được: Huy chương Bạc hội diễn kịch ngắn kịch vui toàn quốc khu vực miền Bắc, giải Nhì kịch bản văn học toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, giải thưởng Tân Trào, giải nhất cuộc thi kịch ngắn Tuyên Quang 2019. Kịch bản của ông luôn đặt ra những vấn đề gai góc, thẳng thắn, quyết liệt. Cái tạo nên sự hấp dẫn của các vở kịch của ông không chỉ là những nhân vật kịch, tình huống kịch mà là những xung đột kịch, những tình tiết éo le, những tư tưởng đối lập của các nhân vật kịch, những sự biến, sự kiện kịch liên tiếp xảy ra thúc đẩy kịch phát triển đến cao trào và kết thúc một cách nhanh gọn. Qua đó làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật kịch cũng như  tính tư tưởng của vở kịch.

Dù có gặp trắc trở, chông gai trên con đường nghệ thuật, song ông vẫn luôn được khán thính giả ủng hộ và đón đợi bởi tính thức thời và những giá trị nhân văn mà nó mang lại. Ông kỳ vọng năm mới này bản thân vẫn có đủ sức khỏe, luôn giữ tinh thần lạc quan để tiếp tục sáng tạo trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn, có những tác phẩm mới hay hơn, mang hơi thở cuộc sống. Hiện ông đang cùng cộng sự hoàn thành vở chèo dài 6 cảnh “Đồng quê vẫy gọi” về đề tài nông thôn mới gửi cho các đoàn chèo. Hy vọng sẽ có đơn vị nghệ thuật dàn dựng đưa tác phẩm lên sân khấu.

 

Người giữ “hồn” dân tộc

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức sinh năm 1951 ra trong một gia đình người dân tộc Tày ở huyện vùng cao Na Hang. Ông lớn lên cùng những là điệu hát Then, làm bạn với chiếc đàn tính lâu dần nó ngấm vào máu ông như một chất men ngọt ngào.

Với giọng hát trầm ấm, truyền cảm, từng làn điệu Then được ông thể hiện bằng tình yêu và sự say mê với làn điệu dân tộc. Tiếng đàn tính rổn rảng, câu Then cất lên ngọt ngào. Tôi lắng nghe trong lời Then, cảm nhận thấy ở đó đong đầy niềm tự hào của đồng bào Tày qua cách ông thể hiện tình yêu của ông đối với Then. Tôi được biết ông là một trong những nghệ nhân rất chịu khó đi điền dã xuống những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa không chỉ để sưu tầm, sáng tác lời mới cho Then mà ông còn dịch và xuất bản những cuốn sách song ngữ về văn hóa Tày; sưu tầm, nghiên cứu, dịch nghĩa, viết sách về các cung Then cổ, hát Quan làng, hát Cọi… của dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh. Với tâm huyết và kiến thức phong phú của mình, ông được biết đến như người giữ “hồn Then” ở Tuyên Quang. Những cuốn sách của ông trở thành tài liệu quý góp phần bổ sung, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa truyền thống, giúp độc giả nắm bắt được toàn bộ thủ tục nghi lễ trong đám cưới của người Tày như mời nhà trai vào nhà, mời trầu, mời trà, mời rượu, xin dâu, nhận dâu, căn dặn dâu rể. Tất cả đều được thể hiện qua các bài thơ thất ngôn, với giai điệu mượt mà rung động lòng người. Nghệ nhân Ma Văn Đức được coi là những “hạt nhân” trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản Then Tày ở Tuyên Quang để thế hệ hôm nay và mai sau vẫn còn vang vọng lời ca của núi.

Hơn 30 năm ông giữ “hồn” văn hóa dân tộc Tày, ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm là làm sao gìn giữ được những làn điệu dân ca có từ lâu đời, vì nó là hơi thở, là lẽ sống và là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con các dân tộc. Khi ông được mời đến xã Khuôn Hà - Thượng Lâm truyền dạy lại các làn điệu dân ca cho những người yêu những làn điệu Then ông đã vô cùng hào hứng khi đến lớp trong đó có đủ mọi lứa tuổi từ những người trung tuổi cho đến những cháu nhỏ say sưa nghe ông truyền dạy về những làn điệu Then cổ, Then lời mới, các bài hát song ngữ do ông tự mình sáng tác, hát cọi giao duyên, hát văn quan làng... những điều đó càng làm ông yêu thêm những công việc mà mình đang làm.

Năm 2023 Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức mong muốn những giá trị truyền thống được lan tỏa đến cộng đồng nhiều hơn nữa, Then Tày trở thành một sản phẩm du lịch thu hút khách thập phương, nâng cao giá trị văn hóa giúp cho con người sống tốt hơn, các thế hệ thành viên trong gia đình được gắn bó. Ông cũng là một trong số ít những nghệ nhân được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm gia đình động viên khích lệ để ông có thêm động lực tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Ông nói: “Mặc dù tuổi đã cao nhưng năm tới tôi vẫn sẽ tiếp tục khám phá, sưu tầm, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, truyền dạy nhiều hơn nữa đến những thế hệ con cháu và những người yêu làn điệu Then Tày để những giá trị truyền thống tốt đẹp sống mãi với thời gian”.

 

Người nghệ sĩ cần mẫn

Phạm Thúy Mơ sinh năm 1951, bà là một trong những hội viên đã tham gia sinh hoạt tại Chi hội Văn học ngót 20 năm. Bà có niềm đam mê với văn học từ khi còn nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường. Những trang báo tường của lớp lúc nào cũng có tên của bà.

Thế nhưng sau này lớn lên bà gác đam mê để đi tham gia thanh niên xung phong trong chiến trường miền Nam nhiều năm. Ấy vậy mà sau khi hoàn thành nghĩa vụ bà về địa phương duyên cớ thế nào bà lại làm nghề kế toán, một công việc về những con số khô cứng chẳng liên quan gì đến chữ nghĩa văn chương. Mãi đến khi nghỉ hưu bà mới có nhiều thời gian sáng tác, sở trường của bà là sáng tác về mảng truyện ngắn, truyện ký và thơ. Những bài viết của bà xoay quanh những đề tài về những người thanh niên xung phong, nhưng câu chuyện dung dị đời thật diễn ra hàng ngày cũng được bà đưa vào tác phẩm một cách sống động, lối văn giản dị, mộc mạc, gần gũi. Bà khoe với tôi: “Bà có nhiều truyện ngắn và thơ được in ở các tờ báo Trung ương và địa phương đó cháu!”. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn miệt mài với công việc sáng tác, những lúc dảnh dỗi công việc yêu thích nhất của bà đó chính là đọc sách thơ, văn và yêu thích viết lách. Đến nay bà đã có 19 cuốn sách chung, 4 tập sách riêng và 2 tập thơ. Dự định sắp tới bà sẽ hoàn thiện nốt tập thơ và tập truyện ngắn trong năm Quý Mão. Năm mới bà mong muốn luôn có sức khỏe dồi dào và tiếp tục được cống hiến, sáng tác được nhiều tác phẩm văn học có giá trị cao.

Tin tức khác