Về thăm di tích cách mạng Lào

Thứ ba, ngày 17-10-2023, 09:36| 1.142 lượt xem

Bút ký dự thi của Lê Thu

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông.

 

Trong mùa Lễ hội Thành Tuyên năm nay, chúng tôi được đón các bạn của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) sang tỉnh Tuyên Quang, giao lưu và biểu diễn. Sau một chặng đường dài, từ tỉnh Xiêng Khoảng, qua cửa khẩu Nghệ An, rồi đến thành phố Tuyên Quang, nhưng bạn nào cũng vui tươi, thích thú khi thấy không khí tưng bừng của Thành Tuyên đang giữa mùa lễ hội.

Đợi cho phút nồng nhiệt lắng dần, tôi hỏi Onphachăn Malavon - cô gái đã sang đây biểu diễn, từ Lễ hội Thành Tuyên, năm 2014:

- Đường xa, chân có mỏi không em?

- Mỏi cái lưng thôi, chân thì xe đi hộ rồi. - Cô chắp tay trước ngực, rồi vui vẻ trả lời tôi bằng tiếng Việt.

Tôi thấy cô gái Lào vẫn giữ được những nét vô tư, tinh nghịch của ngày xưa.

Cô phiên dịch Pathana Peungnhothoung - hiện đang làm việc tại Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ Tuyên Quang, giúp chúng tôi thăm hỏi nhau, về những người bạn đã từng sang đây làm việc. Chúng tôi hẹn nhau để sáng mai sẽ vào thăm Di tích lịch sử Làng

Ngòi - một nơi đã trở thành thân thuộc trong tâm trí của các bạn Lào khi đã đến nơi này. Khu di tích chỉ nằm cách thành phố Tuyên Quang hơn hai mươi cây số.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến Làng Ngòi, khi mùa thu sang, tiết trời lành lạnh. Dạo bước trên con đường nhỏ dẫn vào làng, quanh đây chỉ thấy màu xanh của những đồi chè nhấp nhô, nối nhau xa dần. Trên thảm lá xanh tươi, non mướt ấy, có hàng triệu những hạt sương mai đang long lanh, chờ đón những tia nắng sớm. Trên đỉnh đồi chè, ánh ban mai từ từ tràn ra, phủ dần xuống chân đồi. Những chùm sáng xuyên qua những tán cây lác đác đứng trên đồi, bóng của chúng đổ dài, in lên tấm thảm chè xanh tốt. Cả không gian nơi đây bừng lên những mảng màu trắng - xanh, sáng - tối đan cài nhau sống động.

Những đám hơi sương mỏng mảnh bị ánh nắng đánh thức, bừng dậy và gọi nhau bay theo làn gió thoảng. Từng luống chè xếp thành những hàng dài đều đặn như những đứa trẻ mặc đồng phục màu lá đang chơi trò rồng, rắn đuổi bắt nhau vòng quanh, từ dưới lên trên, từ đồi này sang đồi khác. Những vòng tròn uốn lượn, điệu đà như những thiếu nữ Lào đang vui trong ngày tết Bunpimay với vũ điệu Lăm Vông duyên dáng, uyển chuyển và mềm mại.

- Làng Ngòi đẹp quá, anh Khonsamút Bunphengphăn trầm trồ khen, không cần phiên dịch.

Minh Phương liền phụ hoạ “Di tích này là điểm du lịch đẹp của tỉnh đấy anh ạ”, mọi người cùng cười vui vẻ. Minh Tuyết - cô gái hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh, trong trang phục áo dài duyên dáng, đưa chúng tôi vào tham quan di tích.

Chúng tôi lần lượt thắp những nén nhang thơm và cùng lặng im trước tấm bia tưởng niệm. Không gian chợt im ắng, chỉ có tiếng của Minh Tuyết và Pathana nhẹ nhàng trong không gian tĩnh mịch: “Cuối tháng 11 năm 1949 nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông đã rời căn cứ kháng chiến Sầm Nưa, vượt Trường Sơn sang Việt Nam, qua Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình. Cuối tháng 12 năm 1949, từ Ô Chợ Dừa (Hà Nội), Hoàng thân Xuphanuvông lên căn cứ Tân Trào...”. Cô giơ tay ra phía trước: “Đây là Di tích cách mạng Lào thôn Làng Ngòi. Khu di tích nằm trên đồi Gò Tre và vườn Tơ, thuộc thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang”. Dừng một lát, cô nói một mạch dài: “Khu vực này gồm hội trường Đại hội đại biểu Neo Lào Ítxala. Nơi ở và làm việc của của Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn

Phômvihản và đơn vị bộ đội Chămpa Sắc, từ tháng Sáu đến cuối năm 1950. Tại đây, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Tám năm 1950 đã diễn ra Đại hội đại biểu Mặt trận toàn quốc Neo Lào Ítxala. Dự Đại hội có hơn một trăm đại biểu, thay mặt cho nhân dân các dân tộc Lào. Đại hội đã bầu Hoàng thân

Xuphanuvông làm Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Lào... Đại hội thông qua Chương trình và Điều lệ của Mặt trận, Tuyên ngôn của Đại hội gửi nhân dân Lào và nhân dân thế giới...”.

Rồi cô gái dẫn chúng tôi đi xem từng di tích. Có những ngôi nhà xưa, nay đã được phục chế. Qua Pathana, Minh Tuyết

giảng giải thêm “Xưa kia, nơi này là khu rừng già, các ngôi nhà được làm dưới tán cây to để đảm bảo an toàn, bí mật. Chỗ này là Khu của Hoàng thân Xuphanuvông và người em chú PhuMa. Còn đây là hội trường, bếp và nhà ăn. Tất cả đều làm bằng cột gỗ, tre, vách nứa, mái lợp nứa hoặc cỏ gianh. Xung quanh có hệ thống hầm, hào được nối liền với nhau”. Chúng tôi cùng nhau đi theo những đoạn đường hào, xem lại căn hầm khi xưa kia mà Hoàng thân Xuphanuvông đã ở. Rồi cô chỉ cho chúng tôi xem “Kia là thửa ruộng nhỏ được dùng làm sân bóng đá, nơi buổi chiều Hoàng thân thường ra đá bóng cùng mọi người”. Tất cả cùng nhìn về phía trước, rồi quay lại nhìn nhau. Tôi  thấy trong những đôi mắt ấy, chứa đầy sự cảm phục và niềm tự hào về những người anh hùng của nhân dân Lào. Chắc hẳn, không những tôi mà tất cả những ai đã từng đến đây, cũng phải nghiêng mình khâm phục về ý chí kiên cường và niềm tin chiến thắng của Hoàng thân, trong những thời khắc vô cùng khó khăn, gian khổ. Tôi lại nhớ về quê hương cách mạng Tân Trào, nhớ đến dòng suối Lũng Tẩu ngày đêm rì rầm chảy từ trên đỉnh núi Hồng, nhớ đến căn lán nhỏ, chỉ thưng phên, mái lá nhưng cũng có một sân bóng chuyền nhỏ để cuối chiều Bác Hồ và các chiến sĩ cùng nhau luyện tập mà mỗi khi có dịp về thăm chiến khu cách mạng, niềm tự hào trong tôi lại được dịp thổn thức, dâng trào.

- Mời các anh sang nhà của bác Cayxỏn Phômvihản - Minh Tuyết khẽ gọi.

Theo hướng tay của cô hướng dẫn, chúng tôi vào nơi ở của bác Cayxỏn Phômvihản. Chỗ này chỉ cách nơi ở của Hoàng thân Xuphanuvông vài trăm bước chân và được nối liền nhau bởi một tràn ruộng. Ngôi nhà ba gian nhỏ của bác nằm dưới gốc cây thị. Vẫn là nhà cột gỗ, cả vách và mái cũng bằng thân cây nứa. Cách xa vài chục mét là nơi đóng quân của hơn hai trăm bộ đội Chămpa Sắc, đơn vị bảo vệ đoàn cán bộ cách mạng Lào. Phía bên ngoài là tiểu đội của bộ đội Việt Nam, cùng dân quân, du kích xã Mỹ Bằng để bảo vệ vòng ngoài. Tất cả đều đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đựng những khát vọng giành lấy tự do, độc lập cho nhân dân các bộ tộc Lào của những người anh hùng đã được khắc ghi vào lịch sử.

Rời Làng Ngòi, chúng tôi vào thôn Đá Bàn, con đường dẫn vào thôn nay đã được trải nhựa. Màu ngói đỏ, lớp tôn xanh trên mái của những ngôi nhà mới, nằm dọc hai bên trục đường, mang dáng dấp trẻ trung của chàng trai đô thị. Leo lên đỉnh con dốc là đến nơi đỗ xe. Trước mắt chúng tôi là dãy núi Là, những khu rừng nguyên sinh rậm rạp, nhiều tầng cây che phủ. Đỉnh núi Là cao gần một nghìn mét (so với mực nước biển), trải dài từ mạn Bắc của huyện Yên Sơn xuống tận xã Mỹ Bằng. Nếu ta đứng trên đỉnh ngọn núi này sẽ nhìn thấy thành phố Tuyên Quang ở ngay trước mặt. Dãy núi Là sừng sững, che chắn cả một vùng rộng lớn. Đứng đây ta mới thấy, đi về hướng Tây là dòng sông Chảy, sang Yên Bái để xuôi về Phú Thọ. Từ chỗ này, qua thành phố Tuyên Quang là dễ dàng về an toàn khu Sơn Dương - Chiêm Hóa. Tôi khẽ thốt lên “Đây  như dãy Trường Sơn thu nhỏ”.

Con đường mòn vào hang Hoàng thân chỉ rộng bằng một cái dang tay, nhưng sạch sẽ. Bác Tướng Văn Quân, chủ ngôi nhà nằm gần con đường đi vào hang, thấy chúng tôi liền vui vẻ lại gần, chào hỏi. Minh Tuyết giới thiệu với bác:

- Đây là Đoàn nghệ thuật của tỉnh Xiêng Khoảng, các bạn sang dự Lễ hội thành Tuyên, - cô quay sang nói với anh

KhonSaMút, - cứ mỗi lần vào đây, nếu ở nhà là bác lại ra chào mọi người, anh ạ.

Chúng tôi chào bác và rảo bước qua những thửa ruộng, rồi qua cây cầu nhỏ để vào khu di tích. Bên dưới suối, nước từ trên núi Là ào ạt chảy xuống, khi va phải những tảng đá lớn, tung lên không những đám bọt trắng xóa. Dừng lại bên tấm bia trước cửa hang, Pathana dịch chậm rãi theo lời Minh Tuyết:

Đây là nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông và bác Cayxỏn Phômvihản, cùng đơn vị bộ đội Lào từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1951. Sau khi Đại hội tại thôn Làng Ngòi thành công. Để đảm bảo bí mật, an toàn, đoàn cán bộ Lào đã chuyển vào khe núi Nhọn, dưới chân núi Là thuộc thôn Đá Bàn”. Cô chỉ tay vào những khối đá to lớn: “Trong này là hang đá rộng, cửa dưới được che chắn bởi những phiến đá lớn, phía trên cửa hang hẹp dần và thông với khu rừng già, chỗ này có cây cổ thụ lớn buông rễ phủ xuống hang nên rất an toàn và bí mật. Trước cửa hang là suối Đá Bàn, nguồn nước từ đỉnh núi Là chảy xuống, rất trong và mát. Lán làm trước cửa hang, cũng giống như nhà sàn của người địa phương, cột gỗ, vách nứa và mái lợp bằng lá đa. Bên kia bờ suối là lán của đơn vị bộ đội bảo vệ Chămpa Sắc”.

Cô chỉ sang bên suối rồi tiếp lời: “Trong thời gian hoạt động ở đây, Hoàng thân cùng các cán bộ Lào cùng ăn Tết Nguyên đán và đi chúc tết bà con địa phương. Đồng bào người Dao ở đây, rất quý mến Hoàng thân Xuphanuvông và đoàn cán bộ cách mạng Lào. Người dân đã giúp đỡ các vật dụng cần thiết và tặng lương thực, thực phẩm cho đoàn. Họ coi Hoàng thân và cán bộ Lào như anh em ruột thịt”.

Tiếng nước rào rào của con thác nhỏ trước cửa hang vẫn đang vô tư chảy. Tôi nghe trong giọng nói của Pathana bỗng nhiên lạc nhịp và nhỏ dần. Trong đôi mắt của các bạn Lào, có những con suối nhỏ đang lặng lẽ chảy, hòa vào dòng suối Đá Bàn đang rì rầm xuôi về dưới hạ nguồn.

Minh Tuyết đưa cho chúng tôi, mỗi người một chai nước khoáng Mỹ Lâm, anh KhonSaMút uống một ngụm rồi vã nước lên mặt và nói:

- Tuyên Quang nóng hơn Xiêng Khoảng đấy. - Mọi người cũng vội vã uống nước và làm như anh KhonSaMút. Rồi anh vỗ vai tôi: - Nhớ sang Xiêng Khoảng chơi nhé - tôi khẽ “dạ” và bắt chặt tay anh. Và tôi thấy một luồng hơi nóng, như cơn gió mùa khô từ cao nguyên Xiêng Khoảng tràn sang nơi tôi ở, trong những ngày rét mướt.

Ngừng một lát, Minh Tuyết lại tiếp tục “Cuối tháng 12 năm 1950, từ hang Bòng, xã Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam đến Đá Bàn để hội đàm với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào. Chiều hôm sau Bác lại trở về Tân Trào, đi theo bảo vệ Bác chỉ có hai người...”. Tôi cố mường tượng cung đường mà Bác đã đi từ hang Bòng đến Đá Bàn. Chắc là phải xuyên qua những cánh rừng già, rậm rạp, vượt qua con sông Lô nước xiết - nơi có bến Bình Ca lịch sử - dọc theo dòng Phó Đáy và cheo leo theo trên những núi cao, vực sâu của con đường cách mạng gập ghềnh, gian nan.

“Đến giữa năm 1951, đoàn cán bộ cách mạng Lào đã rời Mỹ Bằng về nước. Đội du kích gồm mười lăm người của xã Mỹ Bằng có nhiệm vụ gánh đồ dùng, vũ khí, tư trang cho Hoàng thân Xuphanuvông và đồng chí Cayxỏn Phômvihản, theo cung đường từ đây đi Nhữ Hán đến Đoan Hùng - Hòa Bình - Nho Quan (Ninh Bình) - Thanh Hóa - Nghệ An. Sau khoảng hai tháng, đến địa điểm cuối cùng, các du kích lại quay trở về địa phương”. Giọng cô gái vẫn nhẹ nhàng, đều đặn nhưng khắc sâu vào trong tâm khảm của mỗi người.

Anh KhonSaMút bảo tôi cùng dang tay ôm lấy tảng đá lớn rồi bảo: “Ở Xiêng Khoảng có chum to hơn thế này”. Thấy tôi lộ rõ vẻ ngạc nhiên, anh hào hứng:

- Cánh đồng Chum (Thồng Hảy Hỉn) là nơi có hơn hai nghìn chum đá lớn nhỏ, nằm rải rác trên cao nguyên Muaeng Phuang, nằm ở trên độ cao một nghìn hai trăm mét.

Tôi phải nhắc Pathana nói chậm lại để còn nhớ, rồi anh

lại nói:

- Chum có nhiều kích cỡ, cao từ một đến hai mét, nặng đến một tấn, cái cao nhất là hơn ba mét, cái nặng nhất là mười bốn tấn, - tôi tròn mắt rồi “ồ” lên một tiếng, - anh lại nói, - tất cả đều làm bằng đá, những cái chum giống như loại này, - nói rồi anh vỗ vào tảng đá bị nứt làm đôi. Tôi nhìn kỹ vào chỗ vỡ thì thấy, đó là loại đá trầm tích gra-nít.

- Em chỉ thấy những cánh đồng lúa, đồng ngô, hay đồng bông thôi, chưa thấy đồng chum bao giờ, lạ nhỉ? - tôi bày tỏ sự tò mò với anh. Anh khoát tay ra xa.

- Cánh đồng rộng lắm, lúc nào sang anh sẽ dẫn đi xem.

Rồi anh cho tôi xem những bức ảnh chụp ở Cánh đồng Chum. Thật kỳ lạ, cánh đồng thật rộng lớn, có nhiều chum đá nằm rải rác ở khắp nơi. Ai đã làm, mà để làm gì? đục đẽo chúng bằng cách nào? tại sao lại chở được những khối đá to lớn ấy đến đó?... Tôi dồn dập hỏi anh KhonSaMút, nhưng anh lắc đầu và nói:

- Hỏi hết người già rồi, nhưng không ai biết đâu.

Chúng tôi rời khỏi hang khi trời cũng gần đứng bóng. Trên đường ra, gặp mấy bác làm cỏ ruộng cũng đang trở về nhà. Nhìn thấy Minh Tuyết một bác nói:

- Hôm nay khách vào thăm Hoàng thân sớm nhỉ?

- Vâng, các bạn tỉnh Xiêng Khoảng mới sang bác ạ. - Tuyết nhanh nhảu trả lời:

Chúng tôi lên nhà sàn, chào bác Tướng Văn Quân để ra về. Khi chia tay, các bạn Xiêng Khoảng ai cũng lưu luyến cúi đầu chào bác. Mấy đứa trẻ vừa đi học về tíu tít chào khách lạ. Khi biết đó là người Lào, chúng reo lên và chỉ tay về phía hang đá:

- Ông Hoàng thân lại có người đến chơi - chúng ríu rít cười đùa cùng Minh Tuyết như người thân mới đi xa về.

Tiễn chúng tôi xuống chân cầu thang, bác Tướng Văn Quân dặn Tuyết thêm lần nữa:

- Lần sau, phải ở lại ăn cơm với bác đấy nhé. Tuyết “dạ” một tiếng rồi vẫy tay chào tụi trẻ “Pay đơ, la còn” - “Về nhé, tạm biệt”.

Dù thời gian đã lùi xa hơn bảy mươi năm, dù con người và cảnh vật cũng đã nhiều thay đổi, nhưng tôi thấy, những tình cảm của đồng bào người Dao nơi đây với những người bạn Lào vẫn nguyên vẹn như xưa. 

Khi ngang qua Suối khoáng Mỹ Lâm, tôi tranh thủ mua mấy ống cơm lam và mời các bạn nếm thử đặc sản ở đây, nhưng Onphachăn Malavon thật thà nói:

- Lần trước ăn rồi, không ngon bằng bên em đâu.

Thấy tôi hơi bối rối, Pathana cười và nói với tôi:

- Cơm ở Lào, lam bằng nếp Kay Nọi anh ạ.

- Anh chưa biết cơm lam Kay Nọi, cứ nghĩ ở đây là nhất

rồi. - Tôi lúng túng phân trần.

Về đến nhà khách, chúng tôi đã thấy các anh, chị đang chờ cơm trưa. Pathana Peungnhothoung ngại ngần thanh minh với anh Sỉvilay Sẻngchalơn - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng và chị Lê Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang:

- Ai cũng thích và muốn tìm hiểu kỹ, nên về muộn ạ.

Trong bữa cơm, chúng tôi được nghe các anh, chị cho biết thêm về những công việc đã hợp tác giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Xiêng Khoảng. Chị Lê Thị Thanh Trà vui vẻ nói:

- Chúng tôi rất mừng khi thấy các cháu sinh viên Lào đã và đang học tập tại Trường Đại học Tân Trào và Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang không những chăm chỉ, hiếu học mà còn rất khéo tay. Ngoài học chính khóa, nhà trường còn tổ chức các hoạt động vui chơi cho sinh viên Lào như thi tiếng Việt, giao lưu thể thao, du lịch, vui tết cổ truyền Bunpimay. Việc học tiếng Việt và chuyên ngành đào tạo của sinh viên Lào đạt kết quả rất tốt.

Anh Chănthavon Lắttanavilay - phiên dịch viên của đoàn Xiêng Khoảng nhanh chóng dịch lại. Và anh Sỉvilay Sẻngchalơn từ tốn đáp lời:

- Hơn mười năm qua, lãnh đạo hai tỉnh đã có những chuyến công tác tìm hiểu điều kiện thuận lợi và tương đồng giữa hai địa phương để hợp tác. Chúng tôi có các đoàn đại biểu sang tham dự và đưa Đoàn Nghệ thuật đến tham gia các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Thành Tuyên. Các cháu sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về nước đều có việc làm và đáp ứng các yêu cầu của công việc. Dừng một lát, anh lại nói:

- Tỉnh Tuyên Quang đã giúp chúng tôi triển khai dự án hỗ trợ bê giống tại bản Muôn và PhonXay của huyện Pẹc, tập huấn khoa học kỹ thuật, triển khai dự án trồng thử nghiệm giống chè mới năng suất cao, trồng cỏ voi nuôi bò… tại tỉnh Xiêng Khoảng. Mong muốn rằng hai tỉnh sẽ ngày càng gắn bó để hợp tác, phát triển toàn diện các lĩnh vực trong thời gian tới.

Chị Lê Thị Thanh Trà nắm tay chị Vũ Thị Minh Hạnh - Giám đốc Sở Ngoại vụ Tuyên Quang, như trao gửi:

- Sau lần này, Sở Ngoại vụ bận rộn lắm đấy nhé.

Anh Sỉvilay Sẻngchalơn xòe bàn tay của mình ra giữa bàn, tất cả chúng tôi cùng làm theo anh. Thật bất ngờ anh nói bằng tiếng Việt: “Hai hai… Tuyên Quang vui”. Tất cả cùng cười với nụ cười đẫm tình anh em ruột thịt.

Buổi tối, trên Quảng trường Nguyễn Tất Thành của thành phố Tuyên Quang, Onphachăn Malavon, Toukki Chiemkhanasa và các bạn diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Xiêng Khoảng cùng các cháu thiếu nhi Tuyên Quang múa, hát chào mừng đêm hội thành Tuyên trong vũ điệu “Tự hào sinh ra là người Lào”.

Đứng trên Quảng trường Nguyễn Tất Thành, tôi cứ thầm mong ước, nếu có dịp, nhất định tôi và các bạn của mình sẽ đi thăm lại con đường mà các chiến sĩ du kích của Làng Ngòi - Đá Bàn năm xưa đã đưa Hoàng thân trở về Lào. Tôi cũng mong được ngắm nhìn dãy Trường Sơn hùng vĩ, được sang thăm Căn cứ kháng chiến Sầm Nưa, nơi Hoàng thân Xuphanuvông đã vượt rừng Trường Sơn gian nguy, hiểm trở để tìm lên chiến khu cách mạng Tân Trào. Và tôi cũng ước ao được đến thăm Xiêng Khoảng, nơi có cánh đồng trên cao nguyên mênh mang, chứa đựng bao điều bí ẩn.

Thành Tuyên, 01/10/2023

L.T

Tin tức khác