Người Đại Lý và bông hoa hướng dương

Thứ ba, ngày 17-10-2023, 09:44| 1.017 lượt xem

Truyện ngắn của Dương Đình Lộc

Minh họa của Tân Hà

 

 

Chiều dần muộn, ánh hoàng hôn buông phủ một màu nhờ nhờ đỏ vương giả lên các mái đao đình lầu các. Phủ Thái sư gia đinh đi lại tấp nập giữa các khoảng sân rộng, người dọn dẹp, kẻ bê đồ khuân vác, quanh năm suốt tháng tấp nập phồn vinh như thế. Nhưng có một chỗ tựa hồ như im ắng hơn cả, trong khoảng sân vườn sau phủ, chỉ có mấy gia nhân đang mải mê tưới nước, chăm sóc những luống hoa quý, còn lại chỉ là tiếng chim rộn ràng trước một ngày sắp khép. Thái sư đang chắp hai tay sau lưng ngắm nhìn một loài hoa giữa ánh hoàng hôn cuối ngày, chăm chú nhìn những bông hoa đang dần khép cánh lại, giống hoa ấy như vầng mặt trời đang cụp những tia nắng lộng lẫy để đi ngủ. Đó là hoa hướng dương Thái sư thích nhất, loài hoa biểu tượng cho khí tiết người quân tử một lòng một dạ trung thành với các đấng quân vương, thủy chung với non sông xã tắc. Hồi sau mặt trời đã lặn, nhưng quang cảnh khu vườn vẫn còn sáng lắm, một chốc, tiếng chim vãn dần, những gót chân rồi cũng rời khỏi khu vườn, để mà chẳng mấy chốc sương đã bao phủ khắp nơi, lãng đãng, lãng đãng.

 - Dạ bẩm, theo lịch trình tối nay quan Tuần phủ Thái Nguyên xin được đến vấn an Thái sư ạ.

 - Tối nay ta bận rồi.

 - Dạ, còn sứ giả nước Ai Lao hẹn tối nay diện kiến Thái sư thì sao ạ?

 - Hôm nay là ngày rằm, nhằm những ngày 15 và mùng 1 âm lịch, tất cả những công việc dù quan trọng thế nào thì cũng phải gác lại, trừ trường hợp Hoàng thượng băng hà, ngươi hiểu chưa?

 - Dạ vâng ạ... Mời Thái sư dùng trà.

Trăng vừa gác lên trên các cành đa, khoảng sân rộng sau phủ Quốc sư tràn ngập sắc vàng trên các ngọn cỏ, tạo nên một thứ màu huyền bí quyện với hơi sương, rờn rợn ghê người một cách khó tả. Bỗng có tiếng hổ gầm làm cho những ai yếu bóng vía cũng phải nổi da gà. Giữa khoảng sân rộng ấy, thấy một con mãnh thú đang lồng lộn trong cái chuồng sắt, mắt vằn lên những tia lửa đỏ. Cách đó không xa lắm, một kẻ tội nhân đang hồn vía lên mây trên cái cọc gỗ, hai tay bị trói bẻ quặt ra đằng sau, nhưng thực ra nếu như không bị trói cả hai chân vào cái cọc gỗ thì đã đứng chẳng còn vững nữa rồi, toàn thân run rẩy chực ngã. Con hổ đói vẫn không ngớt gầm gừ chiếu những tia lửa về bữa tối sắp sửa được hưởng thụ. Chỉ chờ cửa lồng sắt mở ra, nó sẽ lao ngay đến xé toạc cổ họng kẻ xấu số, sợi dây xích to tổ chảng ở cổ nó không ngớt lắc lư mạnh theo những bước chân vờn chạy khắp chuồng, như những tiếng chuông rùng rợn của tử thần réo gọi trước giờ khai tử đầy man rợ.

Tay pháp sư người Đại Lý đứng bên ngoài cái chuồng sắt, tay bắt khuyết, mồm lẩm nhẩm những câu gì đó như niệm chú. Cách đó không xa lắm, một chiếc đỉnh trầm hương đặt trên cái kệ gỗ bách đang bốc khói ngào ngạt, cùng với ánh trăng, sương lãng đãng, tiếng hổ gầm, tạo nên một quang cảnh ghê rợn đầy thần bí tò mò, muốn đứng tim mà vẫn quyết chăm chú dõi xem. Bỗng có tiếng ra lệnh của một người đứng trong bóng tối dưới một tán cây tựa hồ như không nhìn rõ mặt: Hãy thả ra đi... Cùng với tiếng rít của hai cánh cửa sắt đang được mở rộng là tiếng chân cuồng loạn bất chợt của con mãnh thú, tiếng xích sắt trên cổ theo đà vọt đập xuống đất một tiếng kinh thiên động địa. Một lúc sau, chỉ còn ánh trăng và những vệt máu tươi loang lổ khắp sân, kết thúc một màn biểu diễn kinh hoàng chưa từng có. Con hổ đã được đưa đi đâu không biết, nhưng cái đỉnh trầm hương trên chiếc kệ thì vẫn còn ở đó, lành lạnh đung đưa khói.

- Dạ bẩm Quốc sư, người Đại Lý đã đến rồi đây ạ.

- Mọi việc vẫn bí mật cả chứ? Có ai biết hắn tới đây không?

- Dạ, chúng con đã cẩn thận lắm rồi, không để ra sơ sót gì, xin Quốc sư cứ yên tâm.

- Được rồi, hãy cho hắn vào đi.

- Vâng ạ.

Hai cánh cửa gỗ sơn son thếp vàng ngay lập tức được khép luôn lại, khi một bóng người vừa lanh lẹ bước qua. Đã quá nửa đêm, bốn bề im ắng như tờ, chỉ còn ánh nến vằng vặc cháy, soi rõ hai bóng người đang thì thầm to nhỏ trong căn phòng bí mật của một ngôi phủ nằm ở phía đông kinh thành.

- Nghe nói ngươi có phép thuật có thể biến người thành... hổ?

- Dạ, Quốc sư quá khen, đó chỉ là thứ bùa mê gây ảo giác trong vài khoảnh khắc, chứ kẻ hèn mọn này đâu có tài đến vậy.

- Và ta nghe nói trong phủ Thái sư, chủ của ngươi có nuôi nhốt vài con hổ?

- Dạ đúng là như vậy, thưa Quốc sư.

- Tại sao?

- Dạ vì Thái sư là người có tinh thần dũng mãnh, mưu trí hơn người, nên yêu quý nuôi nhốt những loài vật như vậy là điều cũng dễ hiểu thôi ạ.

- Vậy ngươi hãy xem đây.

- Ồ... ồ.

Có tiếng kêu đầy kinh ngạc của kẻ tham lam khi trông thấy những thứ gì đó cực kỳ quý hiếm.

- Tất cả sẽ là của người nếu như người giúp được ta một việc.

- Thưa Quốc sư...

- Hãy bình tĩnh và nghe ta bảo đây.

Giờ thì tiếng nói đã nhỏ đến nỗi tưởng như con muỗi bay vào cũng không nghe lọt được:

- Ta biết ngày mai cũng giống như hàng năm, Hoàng thượng sẽ ngự giá đến hồ Dâm Đàm xem bọn thuyền chài mở hội đánh bắt cá. Tất nhiên là Thái sư Lê Văn Thịnh sẽ có mặt hộ giá ở đấy. Vậy thì ngươi...

Lần này thì tiếng nói đã nhỏ hơn, không còn nghe thấy gì.

- Dạ được, việc này rất dễ thôi thưa Quốc sư. - Tiếng kẻ đối diện chợt hân hoan đầy phấn khởi. - Xin ngài cứ yên tâm, kẻ quê mùa này dù ngu dốt đến đâu vẫn thừa biết, dù thế nào thì Phật giáo và Nho giáo cũng không thể song hành tồn tại với nhau được, và Phật giáo của Quốc sư sẽ mãi mãi trường tồn cùng tuế nguyệt.

- Ngươi nói hay lắm.

Buổi nói chuyện hình như đã tới chiều kết thúc, cánh cửa phòng bí mật đã được mở cho vừa một người qua lọt, vừa lúc bóng trăng đêm vén mây ló ra giữa lưng chừng trời. Kẻ phản chủ quần áo chùng chình kỳ dị, khép nép bước ra, cúi lạy vào bên trong, chờ cho cánh cửa khép lại mới quay người bước vội xuống bậc tam cấp, không quên đưa mắt ngó ngang dọc khắp nơi. Người dẫn đường lúc nãy đã chờ sẵn từ lúc nào, đưa y qua một khoảng sân rộng vắng lặng không một bóng người tiến về phía cửa nhỏ sau phủ, rồi cả hai biến mất vào bóng đêm.

Bính Tý, tháng 3, mùa xuân năm 1096. Suốt mấy ngày nay, cả kinh thành náo loạn về việc Thái sư Lê Văn Thịnh âm mưu làm phản. Hôm đó vua Nhân Tông rời cung Hợp Loan ngự giá ra hồ Dâm Đàm xem bọn nhà chài đánh cá, đông vui không kể xiết, hò reo náo động cả một vùng. Gần chiều đoàn thuyền rồng rẽ làm hai ngả, Thái phi họ Phạm cùng các cung nữ nô nức đi về mạn Nam để hái sen rồi lên chùa Trấn Quốc vấn an đàm đạo với các vị trưởng lão hòa thượng. Còn vua Nhân Tông, nhân vui quá thể, ngài xuống một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, chỉ cho một thái giám trẻ theo hầu, cùng đoàn dân chài náo nức trống chiêng tiến ra giữa hồ. Lúc ấy, đến gần giữa hồ tự nhiên chiêng trống vụt im bặt, một đám mây mù chợt nổi lên giữa hồ che phủ khắp nơi, vua nhìn mãi chả thấy đám dân chài đâu, còn chưa hiểu chuyện gì, đột nhiên từ đám mây mù ấy thấy một chiếc thuyền nan lừng lững tiến ra đi thẳng về phía mình, trên thuyền có một con hổ dữ đang nhe nanh giơ vuốt. Vua cả sợ ngã ngồi xuống lòng thuyền, tên thái giám nhỏ tuổi nhát gan nhảy ùm xuống nước. Bỗng có tiếng quát đầy uy lực vang lên sau lưng làm vua sực tỉnh... - Hổ dữ, chớ làm hại nhà vua. Một chiếc thuyền chài từ đằng sau lao tới bên chiếc thuyền có con hổ. Người đứng trên thuyền vận khố, thân hình cường tráng, bám trụ hai chân trước mũi thuyền, quăng mạnh tấm lưới trùm lên chúa sơn lâm. Chợt đâu, sương cũng vừa tan, vua hoảng loạn định thần trấn tĩnh lại thì thấy trong lưới chẳng phải hổ mà lại là Thái sư Lê Văn Thịnh, quan lớn đầu triều, mặt cắt ra không có một hột máu, thần sắc bạc nhược như vừa bị yểm bùa. Tên thái giám trẻ lúc ấy mới dám lóp ngóp bò lên thuyền, vội vã đưa Hoàng thượng về cung, lúc ấy vua đã mê sảng, sốt rét đến nửa đêm vẫn chưa tỉnh.

Kẻ quăng lưới cứu giá tên là Mục Thận, nhà ở phía tả hồ Dâm Đàm, ông tổ ba đời làm nghề chài lưới. Thái hậu lệnh thưởng cho Thận tài vật không biết bao nhiêu mà kể, rồi ra lệnh tống Thái sư vào ngục. Khắp kinh thành bao phủ cả một màn tang tóc. Hôm sau, Thái hậu dâng hoa ở chùa Lãm Sơn, lập đàn cầu an cho nhà vua, cho thắp nến khắp bảy tòa tháp, quây vải lụa không cho gió thổi tắt, một trăm sư tụng kinh Phổ độ từ sáng tới chiều. Gần tối, Thái hậu về tới hoàng cung thì được tin vua đã tỉnh. Quan Hàn lâm học sĩ Mạc Hiển Tích chầu chực ở cửa cung Hợp Loan từ sáng, đợi vua tỉnh truyền mang ngay nước ấm vào. Bấy giờ, khắp tam cung lục viện mới bớt nỉ non tiếng khóc.

Đã quá tháng Tư, mưa xuân không còn lất phất trên những cây dã hương cổ thụ ở cổng Ngọ môn, đợi gió nồm về là vạn vật ẩm ướt. Thoắt sau đã sang hè, chim gõ kiến lại bay về mổ suốt ngày trên những cây xoan đào ở phường Thái Hòa. Bọn thợ thuyền làng giấy Yên Thái mờ sáng đã giã cối bồm bộp cho cả kinh thành tỉnh giấc, khắp nơi buôn bán sầm uất. Sáng nay triều đình mở phiên chầu luận tội Thái sư Lê Văn Thịnh mưu phản, đâu đâu trong kinh thành cũng thấy xôn xao bàn tán, cáo thị yết tại cổng Tây môn, ngay cạnh đền Voi Phục.

Mờ sáng, lúc ấy khoảng canh tư, Quốc sư Khổ Đầu đã dẫn đầu các văn võ bá quan tiến về điện Hội Long. Thiếu úy tri điện tiền Chư quân sự Hà Ư đã phụng chỉ chờ sẵn ở đấy từ lâu rồi. Được đúng một tháng sau khi thoát nạn ở hồ Dâm Đàm, vua Nhân Tông nay đã khỏe, giá lâm điện Hội Long cho các văn võ bá quan luận tội Thái sư Lê Văn Thịnh.

- Muôn tâu hoàng thượng...

Từ phía hàng quan bên hữu, phía sau Quốc sư ở hàng thứ ba tiến ra một người cung kính vái một lạy trước long ngai.

Vua Nhân Tông thần sắc đã khá lên rất nhiều, hai cung nữ đang kính cẩn nhè nhẹ quạt hầu hai bên cho dù thời tiết buổi sáng không có gì là oi nóng lắm, trước mặt ngài là một đỉnh hương đang hưu hưu tỏa khói trầm ngào ngạt.

- Quan Thị lang Lê Toàn Nghĩa có ý kiến gì à?

Tiếng nói của vua thong thả, nhẹ như gió thoảng, cũng vì trong điện tất cả đã im lặng trong một bầu không khí nghiêm cẩn đến tuyệt đối.

- Dạ bẩm... Người vừa được xướng tên vội vàng mau mắn... - Cũng giống như những gì Quốc sư và các quan đại thần khác vừa tâu, Lê Văn thịnh đúng là kẻ nuôi chí tà đạo, học những phép thuật kỳ dị của bọn ngoại quốc, để mưu phản, hại đến long nhan, chứng cứ đã rõ rành rành, vậy cúi xin bệ hạ cứ theo luật mà xử lăng trì, tru di tam tộc để làm gương cho kẻ khác.

- Ừ... Nhà vua khẽ khàng có vẻ miễn cưỡng, nhưng trên trán đã thấy một vài nếp nhăn co lại, như thể có điều gì khó nghĩ, rồi như chợt nhớ ra, ngài quay sang đám quan đang lố nhố đứng bên tả:

- Quan Hàn lâm học sĩ Mạc Hiển Tích có ý kiến gì không?

- Dạ, thưa hoàng thượng.

Người vừa được chỉ định đàng hoàng bước ra cúi đầu cung kính rồi ngẩng mặt lên, trán rộng mày cao mắt sáng, đúng là một học sĩ xưa nay hiếm:

- Dạ, nhớ năm xưa Thái sư tới trại Vũ Bình bàn việc nước, định biên giới, nhà Tống đã phải trả cho ta 6 huyện 3 động, thế mới thấy Thái sư quả là tài trí dũng mãnh hơn người.

- Quan Hàn lâm nói vậy là sai đề rồi? - Từ bên hữu, Quốc sư Khổ Đầu vội vàng bước lên một bước, chắp tay vái sang: - Hôm nay là ngày luận tội Thái sư tội mưu phản, chứ có phải là ngày kể công trạng của Thái sư đâu mà quan Hàn lâm ăn nói loanh quanh, hãy vào chủ đề chính đi, hà cớ phải kể những chuyện đó ra làm gì.

- Thưa. - Người đó cũng cung kính vái sang. - Tội trạng của Thái sư đã quá rõ ràng, có chết hàng trăm lần cũng chưa thỏa đáng, nhưng hiềm một nỗi, đêm qua Thái hậu đã truyền cho kẻ này vào hầu, bảo sáng nay phải tâu lên hoàng thượng những công trạng của Thái sư, thiết nghĩ kẻ nho sĩ này cũng chỉ biết tuân mệnh mà thôi.

- Vậy sao? Mặt nhà vua chợt dãn ra đôi chút, cũng chỉ vì nghe thấy có liên quan đến Thái hậu, vừa lúc văn võ bá quan hai hàng bên dưới đã quay tới quay lui xôn xao bàn tán.

- Thái hậu là người nhân đức, tin sùng đạo Phật... Quốc sư Khổ Đầu vội vàng khoát tay xuống bên dưới cho mọi người im lặng rồi thong dong hải hỏa: Điều đó thì ai cũng biết, nhưng phàm những kẻ nho sĩ tự cho mình có học vấn không ai bằng, có tài kinh bang tế thế lấp biển rời non, coi thường quân pháp, làm điều càn rỡ, học ở đâu thuật tà ma ngoại đạo để làm điều phản nghịch, trái với những luân lí nhân từ của nhà Phật. Vậy nên quốc có quốc pháp, kẻ phạm tội quan cũng như dân, tội trạng của Thái sư không thể tha thứ được, kính mong bệ hạ minh xét.

- Quốc sư nói vậy quả là chí phải... - Từ phía bên kia, quan Hàn lâm học sĩ cũng thong dong không kém. - Lê Văn Thịnh từ hồi đỗ trạng nguyên đến khi làm quan đầu triều cho đến nay, đã làm được không biết bao nhiêu việc lớn cho xã tắc, mà những kẻ tinh thông Phật pháp có kể một ngày cũng chưa chắc đã hết được. Chỉ hiềm cái tội không tin sùng đạo Phật, sùng bái những thế lực siêu nhiên trong cõi mơ hồ mộng tưởng mà chỉ tin sùng vào những việc làm thực tế, có ích cho bách gia trăm họ.

- Khoan đã. - Quốc sư Khổ Đầu vội vàng cắt ngang. - Quan học sĩ nói vậy là ý làm sao? Từ độ Đức Thái Tổ khai quốc đến nay, đã lấy đạo Phật làm Quốc giáo, chấn chỉnh giang sơn, mở rộng bờ cõi, trăm họ thuận hòa, no cơm ấm áo. Trước, lấy đất tổ Vua Hùng là cái gốc của muôn dân, sau, lấy Thăng Long làm nơi định đô cho muôn đời bền vững, đấy chẳng phải là cái phúc vô lượng vô biên của đức Phật hay sao?

- Đúng vậy. - Quan Hàn lâm học sĩ cũng thụng hai ống tay áo dài xuống rồi thủng thẳng nói. - Quyền năng của đức Phật quả là vô lượng vô biên điều đó thì ai cũng biết, không có điều gì phải bàn cãi. Nhưng lại nhớ mùa xuân Canh Thân 1080, cách đây có 16 năm thôi, khi ấy, đúc chuông cho chùa Diên Hựu xong sao chuông đánh mãi không kêu, mới đem vứt chỏng chơ ở bờ ruộng để cho rùa bò, vậy nên mới có tên là chuông Quy Điền. Quốc sư lý giải quyền năng của đức Phật ở điểm này là sao đây?

Tiếng mưa đá dội xuống khu nhà giam giữa đêm khuya rào rào làm phạm nhân giật mình tỉnh giấc, mở hai hốc mắt thâm quầng sâu trũng. Và rồi từ hai hốc mắt của tội nhân, những giọt nước mắt đột nhiên giàn giụa chảy xuống, mà nỗi lòng phải đau đớn khổ tâm cũng như căm phẫn oán hờn đến thế nào mới nghẹn ngào thế. Nước mưa đã giỏ long tong xuống đám rơm mục nát trong góc buồng giam bằng đá, bốn bề xung quanh, tịnh không một bóng người, chỉ còn ánh đèn cháy leo lét từ phía hai cây đuốc lớn cắm trên hai cái cột trụ cổng nhà ngục. Bỗng, có tiếng vó ngựa từ phía đằng xa phi về phía hai cây đuốc đang phập phùng trước gió như sắp hết dầu, cách một quãng rồi gần, gấp gáp trong đêm tối nghe rõ mồn một.

- Quan Thái sư chỉ bị đi đày lên Thao Giang thôi, mà thoát tội chết, gia quyến bình an, sáng mai đi sớm, nhà vua thật là nhân từ độ lượng.

Người vừa ghìm cương ngựa hổn hển với mấy tên lính canh đang vội vàng mở rộng hai cánh cổng cho ngựa dắt vào. Rồi cả bọn hấp tấp vào căn nhà đầu hồi, cách khu trại giam một quãng không xa lắm. Đèn dầu lạc đã được khêu lên sáng rõ, thấy cái bàn xập xệ thâm đen, bên trên đã để sẵn mấy bình rượu. Chợt, từ phía đằng đông, hắt lên một ánh lửa lớn như một đám cháy phập phồng trước gió. Trước đám cháy còn bé, sau lan rộng sáng rực cả một góc trời, trông xa như một dòng sông lửa. Nhìn kỹ đó là một rừng đuốc đến từ phía Tử Cấm Thành đi dọc sông Tô Lịch tới đây. Không ai báo cho biết đó là ai, tới đây để làm gì, chỉ biết dẫn đầu đoàn người ấy là một đoàn lính tráng khoảng chừng hai trăm người, giáo mác nai nịt gọn gàng, tay cầm đuốc. Theo sau khoảng 50 cung nữ tay cầm đèn lồng đôi, dẫn đường cho hai cỗ xe song mã có mấy tên lính hầu chạy trước dắt ngựa từ từ tiến bước. Sau nốt là một đoàn kỵ binh cưỡi ngựa khoảng 100 tên, nhìn cũng biết là những cung thủ tinh nhuệ theo sau hộ tống bảo vệ. Đã đến gần cổng nhà ngục, bốn bên lặng lẽ như tờ, rừng đuốc bao quanh lấy khoảng sân hẹp, cung nữ tập trung lại, đợi cho hai cỗ xe từ từ tiến vào. Từ cỗ xe thứ nhất, một cung nữ vội vàng chạy tới, vén bức ô loan bằng vải đỏ, đỡ một thái giám già râu tóc bạc phơ, lật khật bước xuống. Người này, xem chừng đã già lắm rồi, lưng đã hơi còng, bước chân đã hơi run, chậm chạp tiến về cỗ xe thứ hai. Một cung nữ khác đã chờ sẵn ở đó từ lúc nào, vén bức ô loan bằng vải vàng thêu kim tuyến lóng lánh rồng phượng, cho một người bước xuống. Người này chừng hơn sáu mươi tuổi, tóc đã điểm bạc, da trắng bóc, mắt phượng mày ngài, hiền hòa phúc hậu, đầu búi tó cài trâm ngọc, cổ đeo tràng hạt quý trên bộ trang phục bằng lụa vàng óng ánh kim sa. Người thái giám già vội vàng đưa tay lên đỡ cánh tay ngà ngọc cẩn thận bước xuống, bấy giờ một thái giám trẻ măng mới độ mười tám đôi mươi trông khôn ngoan lanh lẹ, không biết chạy từ đâu tới bên hai người, cung kính thưa bẩm điều gì đó. Đoàn kỵ binh cung thủ đã bao vây toàn bộ khu nhà, đèn đuốc vòng trong vòng ngoài sáng rực như ban ngày, để cho một tiếng người tấu lên nghe như sấm nổ:

- Hoàng thái hậu giá lâm.

Cửa phòng giam đã vội vàng được mở theo mệnh lệnh, nhanh chóng được quét dọn sạch sẽ, hàng loạt ngọn đuốc đã được thắp lên sáng rõ cả căn buồng giam bằng đá ong dột nát ẩm thấp. Tù nhân đã được thay quần áo mới, chải tóc gọn ghẽ, quỳ phủ phục giữa buồng đợi lệnh.

- Thái sư hãy đứng lên đi.

Hồi sau, đã thấy Thái hậu ngồi trước mặt từ lúc nào, trên một cái ghế mà quản ngục đã lẩy bẩy để sẵn.

- Trình Thái hậu...

Cả khuôn mặt tù nhân giàn giụa nước mắt, thân hình tiều tụy, hai tay không ngớt run rẩy làm sợ dây xích đeo ở đó kêu leng keng không dứt.

- Bao năm Thái sư cống hiến cho non sông cho xã tắc là để đến lúc thế này sao? Tại sao vậy?

Thái hậu cũng rưng rưng cùng với những tiếng nấc.

- Dạ... Sau khi đã được người thái giám già giàn giụa nước mắt dìu đứng lên, tù nhân nghẹn ngào đầy đau đớn: Kẻ tội đồ này dù có phải thịt nát xương tan cũng nguyện đem hết sức bình sinh phục vụ cho non nước này. Còn cái dã tâm hại vua để chiếm ngôi, thì thề có quỷ thần hai vai chứng giám, kẻ hèn này mà có cái dã tâm ấy thì khi chết sẽ bị đầy xuống chín tầng địa ngục. Con cháu sau này, nếu sinh con trai thì đời đời làm nô bộc, nếu sinh con gái thì đời đời làm kỹ nữ.

- Thôi, xin Thái sư đừng nói nữa. - Người thái giám già ngậm ngùi nói đỡ vào. - Thái hậu nhớ không. Hồi tháng ba năm ngoái, khi Thái hậu loan giá về đền Dạ Trạch dâng hương, thần cũng được vinh dự theo hầu. Còn nhớ, dưới ban thờ chính điện có một con hổ đá. Theo tập tục từ bao đời, con hổ nằm đó để trông coi ngôi đền, nhằm lúc thanh nhàn cho các đức Thánh cưỡi đi thăm thú giang sơn, du ngoạn sơn thủy. Còn nếu xét cho cùng, nếu Thái sư có dã tâm hại Hoàng thượng, sao nhiều dịp trước đó khi hộ giá Hoàng thượng đi phạt Chiêm sao không bày mưu hãm hại, hay nhằm những lúc quạt gió đề thơ trong Quốc Tử Giám không hóa thành rắn rết mà ra tay. Hà cớ gì mà phải chờ đến lúc hoàng thượng đi xem hội đánh cá ở hồ Dâm Đàm mới âm mưu phản nghịch, thần nhận thấy trong chuyện này chắc chắn có điều gì uẩn khúc chi đây.

- Ta biết. - Thái hậu ân cần đưa mắt nhìn tù nhân. - Thái sư là hộ quốc công thần đã có công phò tá, có lẽ đâu là loại người như vậy. Thiên hạ này, bao năm qua được thái bình thịnh trị cũng là nhờ có khanh cả, cũng vì thế mà ta mới mật chỉ cho quan Hàn lâm Mạc Hiển Tích bẩm với hoàng thượng tha tội chết cho ngươi. Sáng mai ngươi đi rồi, nay ta đến thăm người cũng là vì những gì người đã đóng góp cho xã tắc, cho non sông này. Nói đến đây, Thái hậu bùi ngùi đưa mắt về phía tên thái giám trẻ đang lom khom đứng gần đó, tên này vội vàng quay về phía bên ngoài, xướng lên:

- Ban thưởng.

Ngay lập tức, một cung nữ vội vàng bước vào buồng giam, trên tay là một lồng thức ăn bằng gỗ có màu sơn đỏ. Tù nhân vội vàng quỳ xuống rưng rưng nước mắt:

- Thái hậu đích thân đến đây đã là vinh dự cho kẻ hèn này lắm rồi, cái ơn này, xin kết cỏ ngậm vành, nguyện kiếp sau làm thân trâu ngựa để báo đền, nay lại còn được ban...

Tên thái giám trẻ đỡ ngay lấy lồng thức ăn, trang trọng mở ra hộp gỗ tròn xẻ làm năm cạnh như một bông hoa, để năm thức sơn hào hải vị bội quý. Thái hậu dịu dàng nói, mắt ngân ngấn nước:

- Ngươi ăn đi. Xét ra, ta cũng chỉ là một cô gái hái dâu thôi chứ không phải là đấng nam nhi toàn tài văn võ như ngươi. Nhớ năm xưa khi tiên đế thân chinh đi đánh giặc giữ an bờ cõi, có tin tưởng trao cho ta cái quyền điều hành đất nước. Vậy ta hỏi khanh câu này, nếu như lúc ấy khanh mà là ta thì khanh sẽ làm gì? Tù nhân đang cảm động ăn món gì đó, chợt ngẩng ngay lên, rồi đậy khay thức ăn lại, đưa cho người thái giám già tẩn mẩn để vào góc buồng:

- Thái hậu chắc là người rất thích xem hoa? Vì thần thấy vườn thượng uyển sau điện Thiên An có đến cả muôn loài.

- Đúng vậy... Thái hậu có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi vô thưởng vô phạt vừa rồi.

- Nhưng thần thấy, hình như vẫn còn thiếu một loài.

- Khanh...

- Xin hãy ban thêm cho thần một ít phẩm màu và một cây bút lông, để sáng mai thần sẽ trả lời câu hỏi đó của Thái hậu.

- Chuẩn tấu.

Năm giờ sáng, trời vẫn còn đẫm sương. Khi xa giá của vua Nhân Tông đến thì xe chở tù đã đi từ lâu rồi, chỉ còn một màn sương bàng bạc bao phủ khắp nơi, lãng đãng giữa chốn lao tù mục nát. Khoảng sân ngăn cách giữa khu giam giữ và dãy nhà của bọn giám trại trống trơn, một vài chum nước nứt vỡ để dưới gốc những cây hoa lê bị sương làm cho ướt sũng, thẫm lên màu nâu của đất nung. Bước qua khoảng sân ấy, đến cửa buồng, nhà vua bùi ngùi nhìn vào căn buồng nơi đã giam giữ vị Thái sư đầu triều và cũng là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt. Bút lông, phẩm màu còn vương vãi dưới đất, khung cảnh thật tàn tạ đìu hiu. Dù Quốc sư Khổ Đầu đã khuyên ngăn rất nhiều, nhưng sáng nay nhà vua vẫn quyết tới đây, cho quan Hàn lâm Mạc Hiển Tích đi theo tháp tùng. Ngài đứng đó, nhìn vào qua những song gỗ mục nát, bùi ngùi những suy tư của một bậc quân vương trước những được mất, thiện ác ở đời. Một lát sau, bình minh đã le lói ở phía đằng đông, cho sương lãng đãng tan dần.

- Dạ bẩm, hoàng thượng nhìn kìa.

Quan Hàn lâm Mạc Hiển Tích chợt chỉ tay về phía bức tường đá ẩm ướt, nứt vỡ những mảng vữa mật lâu ngày rỗ lỗ chỗ như tổ ong, sáng bừng lên ở đấy một bông hoa hướng dương, khỏe khoắn những cánh hoa như vừa mới nở đón ánh bình minh, rực rỡ thủy chung hướng về mặt trời. Vua Nhân Tông ầng ậng nước mắt, khi ấy cũng độ cây Mộc lan trước chùa Diên Hựu nở hoa.

D.Đ.L

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Minh họa của Tân Hà

Tin tức khác