Trên công trình thủy điện sông Lô

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 10:22| 479 lượt xem

Ghi chép của Thái Hòa

 

Trong số các con sông đổ vào tỉnh Tuyên Quang thì sông Lô được xem là lớn nhất. Con sông này bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhọc nhằn đổ nước xuôi dòng qua địa phận tỉnh Hà Giang rồi vào Tuyên Quang. Theo tài liệu ghi nhận thì con sông này có tổng chiều dài là trên hai trăm bảy mươi kilomet. Riêng đoạn chảy qua Tuyên Quang dài tới một trăm bốn mươi lăm kilomet và được coi là con số lớn thứ năm trong hệ thống các con sông ở miền Bắc. Lòng sông rộng, hiểm trở, nhất là vào những mùa mưa. Nhiều đoạn nước dâng cao, réo sôi phì phì. Nhưng vào những mùa khác trong năm, con sông lại trở nên hiền hòa, thơ mộng. Dọc hai bên lưu vực sông Lô là cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã cộng cư của đồng bào các dân tộc. Những lớp phù sa bồi đắp, khiến đất đai phía tả ngạn hay hữu ngạn sông Lô đều màu mỡ, phù hợp cho việc canh tác nông nghiệp -cũng như phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho người dân.

 

Trong mấy năm trở lại đây, sông Lô không chỉ là dòng sông văn hóa, dòng sông của những sản vật nông nghiệp đặc trưng từ nghề canh tác, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản của người dân Tuyên Quang sống trên hai bên lưu vực, mà nó còn mang đến nguồn lợi to lớn cho tỉnh. Đó là việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, tạo nên nguồn điện năng của đất nước. Công ty cổ phần và Thương mại Lam Sơn là doanh nghiệp đầu tiên tham gia khảo sát và xin đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện trên sông Lô ở Tuyên Quang. Trên cơ sở những điều kiện về nguồn nước, địa chất và nhu cầu bổ sung sự thiếu hụt điện năng hiện nay, ngay khi có chủ trương chấp thuận đầu tư của Chính phủ, Công ty đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai thực hiện dự án, mở màn cho những dự án thủy điện trên sông Lô sau này.

Năm 2018 được đánh dấu mốc quan trọng đối với cán bộ lãnh đạo, công nhân của Công ty. Hàng trăm kĩ sư xây dựng, những người có nhiều kinh nghiệm về dự án thủy điện, cùng công nhân trong đơn vị tiến hành khởi công công trình Nhà máy Thủy điện 8B trên sông Lô, đoạn chảy qua địa phận xã Tứ Quận và xã Đức Ninh của huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Thời điểm đó, những kĩ sư, công nhân của Công ty luôn có mặt trên công trường để thay ca nhau. Hệ thống máy móc, trang thiết bị được tập kết, liên tục hoạt động, khiến cả khúc sông Lô như vỡ ra những âm thanh náo nhiệt, hối hả. Dòng sông nhanh chóng được khuất phục bởi những đôi bàn tay, khối óc của những người đã gắn bó gần như cả đời mình với những công trình thủy điện trải dài trên khắp các vùng quê trong nước.

Với công trình Nhà máy Thủy điện 8B, do lần đầu tiên được triển khai xây dựng trên sông Lô, nên cán bộ lãnh đạo, các kĩ sư, công nhân của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn cũng không khỏi lo lắng. Mục tiêu của công ty là công trình xây dựng phải đảm bảo an toàn, bền vững và thời gian thi công ngắn nhất. Từ mục tiêu đó, những giải pháp kĩ thuật được đưa ra, đồng thời bố trí ca kíp cho phù hợp để dự án này sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do đó, chỉ sau hơn hai năm, kể từ khi công ty đặt những nhát cuốc đầu tiên vào đôi bờ sông Lô, những ngày cuối năm 2020, tổ máy đầu tiên đã chính thức phát điện, với công suất thiết kế 9 MW. Với thiết kế này, chỉ riêng tổ máy đầu tiên đã cho ra nguồn điện năng tương ứng 27 nghìn Kw/h. Ngay sau khi tổ máy đầu tiên tạo nên nguồn điện sáng, hai tổ máy còn lại của Nhà máy Thủy điện 8B cũng được đẩy nhanh tiến độ. Đến giữa năm 2021, toàn bộ hai tổ máy còn lại đã chính thức cung cấp nguồn điện, hòa vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất 27 nghìn MW.

Những ngày đầu năm 2024, giữa cái rét đổ về thấu xương, anh Trần Quốc Tuấn, người phụ trách quản lí Nhà máy Thủy điện 8B đã dẫn tôi thực mục sở thị nhà máy. Sông Lô mùa này nước trong leo lẻo, lặng lẽ đổ nước xuôi dòng. Bên đôi bờ sông là những bản làng trù phú, những mùa cây ăn trái đang bắt đầu ra hoa. Mùi hoa bám theo những làn gió thổi về ngào ngạt. Mùa xuân theo những cơn gió ấy rộ lên, như xua đi cái lạnh của thời tiết. Hỏi ra mới biết, anh Tuấn cũng là người con đồng bào dân tộc thiểu số của Tuyên Quang, gắn bó với Nhà máy này từ những ngày đầu tiên khi công trình được khởi công xây dựng. Trước mặt tôi là con đập bê tông khổng lồ, sừng sững chắn ngang đôi bờ sông Lô, tạo ra một vùng nước mênh mông từ chỗ con đập kéo lên phía thượng nguồn. Lúc đứng trên bờ đập công trình nhà máy, tự nhiên thấy mình trở nên bé nhỏ trước thiên nhiên và sức sáng tạo của con người. Bất giác tôi hỏi Tuấn:

- Để đầu tư công trình thủy điện này, có bao nhiêu hộ gia đình phải rời bỏ nhà cửa?

Tuấn cho rằng, do đây là công trình có qui mô nhỏ, nên việc số lượng các hộ gia đình buộc phải di dời nhà cửa là không nhiều. Nếu có ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng đến những diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân nằm sát với mực nước sông Lô. Trên thực tế, công trình Nhà máy Thủy điện 8B được thiết kế độ chênh giữa mặt nước tự nhiên của sông với mực nước dâng lên của bờ đập chỉ có vài mét. Do đó công trình không có tác động nhiều đến sự biến đổi của dòng chảy cũng như hệ sinh thái môi trường của dòng sông này. Con sông vẫn nhẫn nại, rù rì những đợt sóng bồi lắng trên dặm dài của hành trình đổ nước. Mùa này, dòng sông như xanh hơn, trong hơn, dịu dàng như cô thôn nữ miền sơn cước. Lúc cùng Tuấn luồn sâu xuống dưới bờ đập, chúng tôi nghe rõ những tiếng sóng reo ầm ào. Càng xuống sâu, tiếng nước chảy qua tuabin càng nghe to hơn. Những luồng nước hối hả chảy vào tuabin khổng lồ, réo ù ù, cứ như những tiếng vó ngựa phi nước đại. Bờ đập này được thiết kế gồm bốn tầng. Ngoài các tổ máy ra còn có hệ thống nhà làm việc cho cán bộ công nhân viên trực kĩ thuật liên tục bốn ca mỗi ngày. Đội ngũ cán bộ công nhân ở đây thường xuyên chia nhau trực, kịp thời xử lí những vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành, nhằm đảm bảo cho cả ba tổ máy hoạt động liên tục, ổn định.

 

Tôi đã gặp các anh công nhân trẻ đang trực trong nhà điều hành. Đó là dãy nhà nằm ở tầng bốn, tầng trên cùng của Nhà máy Thủy điện 8B. Họ còn khá trẻ, đều là con em đồng bào dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang cả. Công việc của họ diễn ra hàng ngày. Tuy không quá vất vả, nhưng nhàm tẻ. Lúc tôi hỏi một anh công nhân ở đây về cái sự nhàm tẻ của công việc mình đang làm, thì anh ấy nở nụ cười tươi rói:

- Quen rồi mà anh.

Quả thực, công việc nào cũng thế thôi, dù vất vả hay nhàm tẻ đến như thế nào đi chăng nữa thì khi mình đã lựa chọn nó thì đều có thể tìm thấy niềm vui cho mình. Từ vui từ công việc bởi mỗi người chúng ta đang góp sức mình cho sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước. Với các cán bộ, công nhân viên kĩ thuật ở Nhà máy Thủy điện 8B cũng thế. Dưới độ sâu mặt nước, hàng ngày chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng sóng réo sôi phì phì qua những vòng tuabin. Có lẽ họ đã nghe thấy đấy không phải là tiếng sóng réo sôi, mà đó là tiếng của dòng sông đang hát, khúc hát cất  lên trầm hùng và sâu lắng.

Từ thành công bước đầu trong xây dựng Nhà máy Thủy điện 8B, trên dòng sông Lô lịch sử, một dòng chảy văn hóa từ ngàn đời, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn tiếp tục xin chủ trương để lập dự án, tiến hành khảo sát địa chất trên tuyến sông Lô. Đó là tiền đề quan trọng để đơn vị có thể triển khai đầu tư vào những công trình tiếp theo. Chỉ thời gian sau, kể từ khi công trình Nhà máy Thủy điện 8B được khởi công, dự án Nhà máy Thủy điện 8A cũng đã chính thức được đầu tư xây dựng trên địa bàn thị trấn Tân Yên và xã Tân Thành của huyện Hàm Yên. Công trình này gồm ba tổ máy, có công suất thiết kế 36 MW, cao gần gấp hai lần công suất của Nhà máy Thủy điện 8B. Rồi cũng trên địa bàn hai xã Yên Phú và Minh Dân của huyện Hàm Yên, công trình Nhà máy thứ ba đã ra đời và đi vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia ngay trong những ngày đầu năm 2024, tạo nên sự kiện không chỉ đối với cán bộ, công nhân viên kĩ thuật của công ty, mà còn mang lại niềm vui chung cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hôm vừa rồi, tôi đã có dịp gặp lại anh Bàn Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lâm Sơn. Anh Giáp cũng còn khá trẻ, dân tộc Dao, quê ở xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. Anh Giáp thông tin với tôi rằng, đơn vị bên anh vừa tổ chức khánh thành công trình Nhà máy Thủy điện sông Lô 7. Là dự án thứ ba mà công ty trực tiếp đầu tư tại Tuyên Quang và cũng đều nằm trên lưu vực sông Lô. Đây là dự án cột nước thấp, sử dụng tuabin bóng đèn, với khối lượng xây lắp tương đối lớn, khoảng 120 nghìn m3 bê tông; gần 4 nghìn tấn thép xây dựng, 3 nghìn tấn thiết bị cơ điện nhập khẩu... Sau gần 2 năm thi công, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 đã hoàn thành và chính thức hòa vào dòng lưới điện quốc gia.

Theo thiết kế, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp nguồn điện khoảng 138 triệu KWh cho lưới điện quốc gia, đồng thời đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 25 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và tạo nhiều việc làm cho nhân dân tại địa phương. Ngoài ra, với diện tích mặt hồ lớn gần 300 ha, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 còn tạo điều kiện nuôi trồng thủy sản cho người dân địa phương và tạo cảnh quan môi trường để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch cho tỉnh.

 Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có tiềm năng phát triển các dự án thủy điện do trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông, suối khá dày đặc, độ dốc khá lớn, nguồn nước ổn định. Đó là điều kiện tốt để đầu tư phát triển ở lĩnh vực này. Riêng với Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, chỉ trong 5 năm trở lại đây đã đầu tư xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động ba công trình Nhà máy Thủy điện trên sông Lô. Cả ba Nhà máy này có tổng công suất 90 MW, đóng góp vào việc ổn định nguồn điện năng cho đất nước.

Sông Lô, một con sông lớn chảy dọc qua địa phận Tuyên Quang. Con sông oai hùng, dữ dội với những thách ghềnh chảy qua tháng năm, nơi gắn bó nhiều đời của người dân địa phương. Sự bồi lắng phù sa đã tạo nên dòng chảy văn hóa, dòng chảy lịch sử, là nơi nuôi sống biết bao nhiêu đời người bên đôi bờ sông Lô. Giờ đây, dòng sông này còn có thêm nhiệm vụ là tạo ra nguồn điện năng dồi dào, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh, cho Tổ quốc. Từ bàn tay, khối óc của mỗi cán bộ, nhân viên, kĩ thuật viên Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn đã chinh phục sông Lô bằng ba công trình Nhà máy Thủy điện có qui mô, hiện đại. Mùa xuân này, sông Lô lại hát tiếp bản tình ca ca ngợi vóc dáng đổi thay trên mảnh đất Tuyên Quang yêu dấu.

T.H

Tin tức khác