Một dạng thức khâm liệm độc đáo

Thứ tư, ngày 08-02-2023, 08:45| 1.158 lượt xem

Tuyên Quang là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ. Những cuộc khai quật khảo cổ học ở Tuyên Quang đã cung cấp một khối lượng phong phú tư liệu về văn hóa vật chất và tinh thần của người nguyên thủy trên đất Tuyên Quang. Trong đó đáng chú ý là di cốt người Phia Vài, phát hiện tại di chỉ hang Phia Vài, xã Xuân Tân, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Hiện bộ di cốt đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.

Theo Nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường - Viện Khảo cổ học Việt Nam, di cốt Phia Vài có niên đại khoảng trên 10.000 năm cách ngày nay và sọ Phia Vài là những bằng chứng đầu tiên về sự xuất hiện những sọ Monggoloid đầu tròn và ngắn. Đây là nhận thức hoàn toàn mới về cư dân văn hóa tiền sử Việt Nam, trong đó có chủ nhân văn hóa Hòa Bình. Đặc biệt, tài liệu mộ táng phát hiện được ở Phia Vài đã đem lại nhận thức mới về táng thức của người Hòa Bình, đây cũng là lần đầu tiên phát hiện táng tục khâm liệm chưa từng có ở khu vực Đông Nam Á.

Trong khi dùng chiếc kim nhỏ cậy từng tý đất ở hốc mắt bộ di cốt Phia Vài, Nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường đã phát hiện 2 con ốc Cyprea arabica (tên Việt Nam gọi là ốc loa hay ốc lợn) nằm gọn trong hốc mắt của người đàn bà. Đây là một phát hiện đặc biệt quan trọng và có giá trị khoa học cao. Con ốc nằm ngửa trong hốc mắt trái dài

27,61 mm, rộng 16 mm. Con ốc trong hốc mắt phải dài 21,61 mm, rộng 13,13 mm nằm hơi chúi đầu xuống phía dưới. Rải rác trong mộ 2 còn tìm được vài con ốc giống hệt 2 con ốc trên. Trong lúc khâm liệm, người ta đã đặt lên mỗi mắt một con ốc, để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tụt xuống hốc mắt như thay cho con ngươi của mắt. Dựa vào vị trí của xương tay, xương sườn, chậu hông và các đốt bàn tay, bàn chân, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là di cốt chôn nguyên dạng, không phải là bộ xương đã được cải táng.

Nhìn lại những sọ cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình đã được nghiên cứu như Mái Đá Điều, Mái Đá Nước (Thanh Hóa), Động Can, Hang Chim, Hang Muối (Hòa Bình) và Mái Đá Ngườm (Thái Nguyên), các nhà khảo cổ đều nhận định chưa hề gặp trường hợp táng tục nào như ở Phia Vài. Những sọ cổ có niên đại tương tự phát hiện được ở Đông Nam Á cũng không thấy cách khâm liệm đặt ốc vào hốc mắt.

Phải đến thời đại Kim khí ở Việt Nam mới thấy xuất hiện hình thức mai táng gần giống với cư dân Phia Vài, khi các nhà khảo cổ phát hiện và nghiên cứu một chiếc sọ cổ của một người đàn ông khoảng 50 đến 55 tuổi ở Nga Văn, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vào tháng 4 năm 2004. Nhưng người cổ Nga Sơn đặt vào hai hốc mắt người chết hai đồng tiền Ngũ Thù, chứ không phải là ốc.

Trên thế giới cũng đã phát hiện một số hộp sọ có cách cải táng tương tự như cư dân cổ Phia Vài, nhưng cũng ở thời gian muộn hơn. Đó là trường hợp đặt ốc Cyprea vào hốc mắt đã tìm thấy ở Jericho thuộc Jordani ở Cận Đông thuộc thời đại Đá mới có niên đại khoảng 7600 - 6300 BC. Tại địa điểm này còn tìm được một hộp sọ được nặn bằng đất sét và trên hai hốc mắt được gắn vào 2 con ngao. Ở Mêhicô, đã phát hiện được hai sọ cổ của người Aztec (thế kỷ 14 - 16) cũng thấy người xưa cố tình tạo hình trang trí hốc mắt khi cải táng. Có thể nói, đây là hai sọ cải táng vì ngang ở giữa trán, người ta có khoan các lỗ nhỏ có kích thước bằng nhau và cách nhau đều đặn.

Như vậy, có thể khẳng định, cách thức táng tục đặt ốc biển vào hốc mắt người quá cố của cư dân Phia Vài cho đến nay là phát hiện sớm nhất. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, về mặt tư duy, có thể người văn hóa Hòa Bình này đã có ý niệm khi chết tức là đã bước sang một "cuộc sống mới", người phụ nữ Phia Vài cũng cần có con mắt như những người khác. Hoặc cũng có thể thân nhân của người quá cố cho rằng: Đặt hai con ốc vào hốc mắt làm cho người quá cố đẹp hơn, sống hơn.

Một phát hiện mới nữa trong táng thức của người cổ Phia Vài là tục nhổ răng. Khi nghiên cứu bộ răng, các nhà khảo cổ phát hiện thấy thiếu toàn bộ răng cửa ở hàm trên; ở hàm dưới không những thiếu toàn bộ răng cửa, mà còn cả hai răng nanh, toàn bộ răng cối nhỏ bên trái và răng cối nhỏ thứ nhất bên phải. Theo ông Nguyễn Lân Cường có thể người ta đã nhổ những chiếc răng cửa của người quá cố như phong tục sau này của cư dân thời đại Kim khí thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở Mán Bạc, Xóm Rền, Đồng Đậu mà các nhà khảo cổ đã phát hiện và công bố. Những người khai quật hang Phia Vài đã sàng lọc rất kỹ phần đất khai quật, nên khả năng tất cả răng cửa bị mất khó xảy ra. Nếu đúng như vậy thì Phia Vài là di cốt người cổ sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam có phong tục nhổ răng cửa và phong tục này đã được manh nha từ thời đại đồ đá, mặc dù nó không phổ biến như người cổ của thời đại Đá mới ở Trung Quốc.

Qua phân tích trên cho thấy, một trong những giá trị nhận thức sử liệu quan trọng của di chỉ Phia Vài là đã đóng góp vào văn hóa tiền sử Việt Nam một dạng thức khâm liệm độc đáo, đem lại cho chúng ta nhận thức mới về táng thức của người Việt cổ ở Tuyên Quang.

Tin tức khác