Khi người lính trở về

Thứ tư, ngày 08-02-2023, 15:02| 1.249 lượt xem

Minh họa Tân Hà

Do tính chất công việc mà hơn chục năm nay tôi luôn gắn bó với những hộ nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa và đặc biệt gắn bó với những thương bệnh binh, nạn nhân chất dộc da cam. Không những chỉ vẻn vẹn trong địa bàn phường mà còn tới những nơi vùng sâu vùng xa còn gian khó. Công việc ngấm vào tôi lúc nào không biết. Niềm say mê, trách nhiệm làm tôi hay rong ruổi, không ngày nào chịu ngồi yên, mọi người hay nói đùa “Hoa chân nhiều hơn hoa tay”. Đến nỗi nhiều người biết tôi mà tôi không biết hết họ. Đặc biệt là nhiều người lính họ coi tôi như đồng đội, sẵn sàng sẻ chia, tâm sự mặc dù tôi chưa một lần mặc áo lính.

Và cũng như thường lệ, tôi lên xe cua một lượt, để lại đằng sau sự cằn nhằn của vợ:

- Về sớm còn ăn cơm nhé, lại đi! Điểm đến đầu tiên là nhà ông Trần Đăng Khoa, nhà trong ngõ thuộc địa bàn tổ 14, phường Phan Thiết, ngôi nhà xây đơn sơ nhưng thoáng mát rộng rãi, ấn tượng nhất đối với tôi là những dây trầu không xanh mướt, ôm chặt vào cây cau cạnh nhà, vươn mình lên thể hiện một sức sống mãnh liệt và cũng như tình cảm thủy chung của hai ông bà. Ra mở cửa đón tôi là vợ ông, một người phụ nữ đã ngoài sáu mươi, bà niềm nở nói:

- Chú vào nhà đi, đợi ông Khoa một lát, ông ấy vừa đi thăm hỏi người ốm gần đây thôi. Trong khi chờ ông Khoa, tôi liếc nhìn những tấm ảnh của cả gia đình ông và cá nhân ông, đặc biệt tấm ảnh ông mặc quân phục, đội mũ binh chủng tăng thiết giáp, được treo chỗ dễ nhìn nhất. Vợ ông vừa bê đĩa lạc rang và chai rượu nhỏ ra thì cũng đúng lúc đó, ông Khoa về đến nhà, chưa vào đến nhà vì đã nhận ra xe máy của tôi, ông cất tiếng chào to:

- Chú Sơn à đến lâu chưa, rồi bắt chặt tay tôi, cái nắm tay của người lính tăng thiết giáp năm nào. Chúng tôi vừa nhâm nhi chén rượu vừa chuyện trò râm ran. Tôi chỉ tay vào tấm ảnh của anh hồi còn trẻ mặc quân phục lính xe tăng hỏi:

- Anh đi bộ đội năm nào, hồi ấy trẻ, to khỏe đẹp trai nhỉ, đúng là lính tăng có khác.

Bà vợ ông Khoa góp chuyện:

- Ngày xưa ông ấy khỏe lắm, lẽ ra trúng tuyển phi công nhưng chỉ vì sâu mỗi cái răng mà bị loại, nhưng thôi không bay trên trời thì bò dưới đất vậy “Tàu bay tàu bò”, rồi cười.

Ông Khoa đùa:

- Chỉ được cái nói đúng. Khi khám trượt phi công, tôi đi bộ đội sau khi huấn luyện xong năm 1971, tôi được vào binh chủng tăng thiết giáp, rồi hành quân bằng xe tăng vào tận miền Đông Nam Bộ, thuộc Trung đoàn 25B hành quân sang Lào, rồi

Campuchia, đánh nhiều trận lắm như ở cao nguyên Bô-lô-ven, Pắc Xoòng. Còn bên Campuchia được dự đánh các trận ở tỉnh Xà Lua, Cà Chay Mi Mốt. Sau đó lại về Việt Nam đánh trận ở thị trấn Bầu Rốp, Lộc Tấn thuộc Thủ Dầu Một, rồi đánh Lộc Ninh, trước kia gọi là Hớn Quản, nay là tỉnh Bình Phước. Tới năm 1975 đánh trận Củ Chi mở màn cho chiến dịch lớn, rồi Bến Cát, Tây Ninh, Đồng Xoài. Đang kể chuyện chợt giọng ông trùng xuống - Trong trận đánh ở Củ Chi xe ông bị trúng đạn, 3 đồng đội của ông hy sinh, chỉ còn 2 người may mắn chỉ bị thương nhẹ. Thế đấy chú ạ, đạn nó không tránh một ai. Rồi khe khẽ hát:

Năm anh em trên một chiếc xe tăng

Như năm bông hoa nở cùng một cội…

Bài hát mà bất cứ người lính xe tăng nào cũng thuộc, cũng dồn hết tất cả tình cảm của mình vào đó, căng ngực lên mà hát.

Rồi anh kể tiếp: Năm 1975 sau giải phóng miền Nam, tôi ra quân về nhận công tác tại ủy ban nhân dân thị xã Tuyên Quang, lấy được vợ là cô giáo cấp hai Trường Bình Thuận nhé, rồi tủm tỉm cười đưa ánh mắt nhìn sang bà vợ.

Tôi đùa:

- Lúc đó anh đẹp trai, to khỏe lại vừa ra quân, chắc nhiều cô “xin chết” anh nhỉ?.

Bà vợ ông Khoa cười:

- Nào có ai, có biết tán tỉnh gì đâu. Đến nhà tôi chỉ ngồi cười là chính, được cái hiền lành chú ạ. Chả thế mà mãi đến năm 1978 tôi mới đồng ý đấy. Như để minh chứng cho điều ấy, bà mở tủ lấy giấy đăng ký kết hôn đen xì được cẩn thận ép plastic đàng hoàng.

- Lúc ấy tôi được phân một cái giường rẻ quạt, một ít thuốc lá, bánh kẹo, lại tổ chức cưới tập thể cũng vui, thế mà đã mấy chục năm rồi. Khi ông Khoa nhà tôi nghỉ chế độ mất sức yếu lắm, mỗi lần các vết thương hành hạ, ông cứ cắn răng chịu đau, thương lắm. Lại cộng với chất độc da cam trong người, nhiều khi cảm thấy ông ấy suy sụp. Có một chuyện thế này chú ạ: Tôi đẻ 3 đứa con cho ông ấy, mỗi lần đưa tôi đi đẻ ông đèo tôi đến viện xong biệt tích luôn. Khi có người báo đã mẹ tròn con vuông, ông ấy mới mò đến.

Ông cười:

- Đúng như vậy tôi lo lắm. Tôi biết mình bị chất độc da cam, chỉ sợ khi sinh ra con tôi bị dị tật mà thừa chỗ nọ, thiếu chỗ kia thì khổ cả đời tôi lẫn con tôi. Nhưng rất may mắn, cả ba đứa con tôi đều lành lặn, đầy đủ, không bị dị tật bẩm sinh mà lại ngoan, học giỏi, chịu thương chịu khó, lớn lên cả ba cháu đều qua đại học, công ăn việc làm tử tế, may quá.

Bà tiếp lời ông:

- Khi nghỉ chế độ xong, ông ấy chẳng chịu ngồi yên, tham gia các đoàn thể tích cực và trách nhiệm lắm.

Tôi hỏi: Anh làm Chi hội trưởng Chữ thập đỏ từ năm nào?.

- Từ năm hai lẻ năm chú ạ. Tính đến nay, cũng đã gần hai mươi năm rồi, vừa rồi tôi làm báo cáo thành tích để nhận Kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đấy.

Bà liếc mắt:

- Phụ cấp thì chẳng có đồng nào, nhưng ông ấy nhiều khi đi suốt, cứ nghe thấy hội viên ốm đau hoặc qua đời là có mặt luôn, ông ấy ưa hoạt động chẳng chịu ngồi yên một chỗ bao giờ, thế mà khỏe ra đấy, lạ thật.

Tôi hỏi ông: Vất vả thế không có phụ cấp mà anh vẫn nhiệt tình thế.

- Tôi từ bé đã khổ lại là người lính, khi nghĩ về những đồng đội ngã xuống, nghĩ về những đứa trẻ bị chất độc da cam, những người nghèo. Tự nhiên như có ai thúc giục tôi cố gắng. Tôi đi vận động kết nạp hội viên, cả tổ nhân dân nơi tôi cư trú, cả 100% các hộ đều là hội viên Chữ thập đỏ, khi nào có dịp tôi lại vận động quyên góp các nhà hảo tâm ủng hộ tiền để xây dựng quỹ, tham gia các hoạt động của phường, các buổi tập huấn lại thấy vui. Vất vả thật nhưng mình còn sức lực, còn làm chú ạ. Làm cho dân mình chứ cho ai đâu. Mình là người lính mà. Được cái bà nhà tôi và các cháu cũng động viên, tạo điều kiện cho tôi hoạt động, cũng quên hết bệnh tật, quên ốm đau.

Bà nói xen vào:

- Chẳng kể nắng hay mưa gì đâu chú à, có những năm tối ba mươi Tết còn cùng tổ nhân dân đi thăm hỏi, động viên tặng quà cho hộ nghèo gần giao thừa mới về đấy. Góp ý với ông ấy thì ông ấy nói:

- Người ta cũng như mình cả thôi, khi gặp  khó khăn được quan tâm giúp đỡ, ai mà chẳng muốn, một miếng khi đói bằng một gói khi no, các cụ đã dạy rồi, ông cười:

- Cứ nhớ những năm vợ chồng mình nuôi con ba đứa ăn học thì biết, bà làm bánh rán còn tôi đi giao, khổ thật. Tôi nói với các con tôi nếu các con không muốn phải làm bánh rán đi bán như bố mẹ, thì cố phải học giỏi, cũng may các cháu biết nghe lời, đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi, con lớn sáng đi học còn mang bánh rán đi giao cho mẹ, trưa về đưa tiền cho mẹ không thiếu một xu, mặc dù bụng đói meo nghĩ cứ thương chúng nó quá. ấy thế mà khi hai chị em thi đỗ đại học còn tranh thủ đi dạy thêm kiếm tiền Tết về còn mua được cho bố mẹ mỗi người cái nhẫn một chỉ vàng. Đến bây giờ nghĩ lại, thương chúng nó quá.

Ông lại rót rượu cụm ly với tôi giọng trầm trầm:

- Tôi đã trải qua chiến chinh bom rơi đạn nổ, trải qua những ngày cơ cực, cho nên tôi càng thấu hiểu cái đau của người lính, cái cơ hàn của người nghèo nên cố gắng thôi... Chú tưởng tôi không nhận được cái gì à, hơi bị nhiều đấy.

Tôi tò mò: - Bác nhận được cái gì mà nhiều?.

- Này nhé: Nhận được cái phúc, cái đức cho con, nhận được ánh mắt nụ cười của mọi người, sướng không?. Không phải ai cũng được vậy đâu nhé, kể cả những người có nhiều triệu, nhiều tỷ. Rồi ông cười hiền lành, trên khuôn mặt chất phác thật thà. Nếu người lạ chắc không ai tin rằng ông đã là một người lính xe tăng từng xông pha trận mạc, giữa cái sống và cái chết. Tôi nghĩ thú vị thật và cũng rất sâu xa, một người cựu chiến binh mang trong mình chất độc da cam, đã không hề gục ngã, vẫn tiếp tục cống hiến không ngại ngần, từ những việc nhỏ nhất mà nhiều người không muốn làm.

Tạm biệt ông với cái bắt tay thật chặt, như nhắc nhở, như trao gửi những điều sâu lắng, những điều mong muốn cho tôi.

***

Tôi phóng về đi tắt qua bờ hồ, ngắm cảnh thanh bình những cây phượng đã thôi không thắp lửa, tiếng ve cũng không còn, cánh bằng lăng cũng khép lại. Trả lại cho hồ một không gian yên tĩnh mát lành. Thấy còn sớm, lại gần nhà một ông bạn ở phường Tân Quang mà lâu không gặp nhau, tặc lưỡi một cái, tôi vít ga đi tiếp.

Nhà ông bạn tôi Hoàng Việt Phong, cùng học chung khóa phổ thông năm xưa, lại cùng học chuyên nghiệp, sau này mỗi thằng một nơi. Tôi công tác tại tỉnh nhà, còn Phong đi bộ đội sang đóng quân tận Campuchia rồi ra quân. Nhà Phong là nhà đặc biệt trong thành phố này. Đây nhé, ngôi nhà xây đơn sơ nằm trong khuôn viên của Thành nhà Mạc, gia đình thì bố là thương binh chống Pháp, mẹ là y tá quân đội, bản thân Phong là Cựu chiến binh, em trai Phong là liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên. Các cụ mất hết, Phong ở cùng vợ và 2 cô con gái đang tuổi ăn tuổi học. Mặc dù nhà gần chợ, trên bến dưới thuyền nhưng vợ chồng Phong không làm nghề buôn bán mà mở một cửa hàng may đo nhỏ. Trước còn thuê địa điểm xong cũng nhiều cái bất tiện lại chuyển về may tại nhà. Tuy vậy nhưng có tay nghề khá, nhiều người vẫn đến đặt cũng tàm tạm đủ sống nuôi con ăn học.

Phóng xe vào tới nhà Phong, thấy hắn đang lúi húi sửa chiếc quạt cho vợ, tôi cất tiếng chào nửa đùa nửa thật:

- Chào cán bộ, may quá hôm nay gặp ở nhà.

Chẳng là Phong hiện nay đang làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Tân Quang. Phong đon đả:

- ơ ông bạn, vào nhà đi đợi tôi một lát.

Tôi vào nhà, nhìn ra xem Phong đang lắp quạt, một con người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn mái tóc hoa râm được cắt gọn gàng. Tôi nghĩ:

- Đúng là vẫn tác phong người lính.

Phong rót nước tiếp tôi, tôi khéo léo gợi chuyện:

- Dạo này làm ăn thế nào?.

Phong chỉ vào những chiếc máy khâu, máy vắt sổ mà vợ Phong đang ngồi may nói:

- Cũng nhì nhằng ông ạ. Chủ yếu dựa vào vợ tôi, còn tôi bận cũng đi suốt ngày.

- Hai đứa trẻ chúng nó đi học à?.

- ừ, một đứa đang ôn thi đại học, còn một đứa sang năm vào cấp ba. Khổ thế đấy già rồi mà con vẫn còn nhỏ.

Tôi biết trước kia Phong cũng đã có một đời vợ, nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy nên đã bỏ nhau. Tôi động viên:

- Cố gắng ông ạ, đời người ai cũng vậy, quy luật cuộc sống mà, rồi gợi chuyện:

- Sắp đại hội Chi bộ chưa? Nhân sự có thay đổi không?.

- Tháng Tám mới đại hội Chi bộ ông ạ, vẫn không thay đổi được nhân sự. Tôi làm Bí thư, Tổ trưởng ngót nghét cũng chục năm rồi, công việc thì nhiều, địa bàn thì rộng, riêng triển khai các công việc, vận động trên một trăm hộ dân cũng không đơn giản, mà ông biết đấy chỗ tôi gần chợ đông đúc mà an ninh trật tự được đảm bảo thế này thì không phải dễ, nào là vận động tuyên truyền, nào là phối kết hợp với các lực lượng công an, bảo vệ dân phố, quân sự mới được thế này đấy. Còn về Chi bộ cũng đông đảng viên nhưng đều là hưu trí, có tuổi cả rồi, người thì ốm đau, người thì già quá, nên chuẩn bị nhân sự cũng không dễ chút nào. Biết là vất vả nhưng cũng phải cố gắng thôi. Nếu mọi người đều tính vì đồng tiền chắc sẽ không ai làm. Này nhé,

vài triệu đồng phụ cấp mình có phải chi hết cho

gia đình đâu. Tiền xăng xe, tiền điện thoại này,

các đám hiếu, đám hỷ cũng phải mất vài ba hôm, có đám giỗ 49 ngày, 100 ngày cũng mời cả Ban Công tác Mặt trận mà danh sách đầu tiên cũng là Bí thư, tổ trưởng, chẳng lẽ mình đến không à? rồi Phong cười.

Tóm lại là trận nào cũng có mặt, từ giờ tới cuối năm nhiều việc quá ông ạ. Đại hội Chi bộ, rồi lại chuẩn bị Trung thu cho các cháu, năm nay hết dịch mở cửa rồi, thành phố lại cho tổ chức Lễ hội đêm rằm, tổ nhân dân tôi đang nghiên cứu mô hình, rồi đi vận động các hộ chí ít cũng phải mất cả tháng, mà dân ở đây họ nhiệt tình lắm, họ bỏ kinh phí vật chất, bỏ thời gian ra làm mà không đòi hỏi gì, nhiều tối còn nấu cả cháo gà bồi dưỡng cho anh em nữa. Quanh quẩn thế thôi, cứ sau Trung thu thì thời gian đi nhanh lắm, lại chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Lúc đó chúng tôi lại xét những hộ khó khăn cần giúp đỡ như hộ nghèo, thương bệnh binh và đặc biệt chúng tôi chăm lo cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, để các cháu có điều kiện thêm để học tập. Ngoài ra còn bao nhiêu công việc thường nhật hàng ngày, bận như con mọn ông ạ. Tôi nói đùa:

- Vác tù và hàng tổng phải thế chứ, đã được Đảng và nhân dân tín nhiệm thì phải cố gắng. Phong cười:

- Hơn nữa mình là lính mà.

Đang chuyện trò sôi nổi, bỗng có điện thoại của Phong kêu reng reng. Phong mở máy, đầu bên kia có tiếng người phụ nữ:

- A lô, chú Phong ạ.

- ừ, chú đây có việc gì cháu?.

Tiếng nói đầu dây bên kia nghèn nghẹn, đầy xúc động:

- Chú ơi bố cháu mất rồi, vừa đưa từ Hà Nội về, chú đến giúp cháu với ạ.

- ừ, chú ra ngay, bình tĩnh cháu nhé, rồi Phong tắt máy.

Vợ Phong hỏi vọng vào:

- Lại có người mất à anh, anh ra ngay không họ mong, còn số hàng này em làm lúc nữa là xong.

Phong nhìn sang tôi:

- Ông thấy chưa ?

Chia tay Phong, ông bạn Cựu chiến binh, Bí thư, Tổ trưởng tôi ra về, đường bờ hồ mát rượi mà đầu óc tôi cứ nghĩ đâu đâu.

Rong ruổi một buổi sáng mà tôi đã gặp được hai nhân vật người thực, việc thực, họ là những người đã không tiếc máu xương, đã dành cả tuổi thanh xuân của mình, giành độc lập cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã cống hiến một phần xương máu, sức lực của mình mà không hề hối tiếc, trở về đời thường với những vết thương, với những dày vò đớn đau khi biết đang mang chất độc da cam trong mình. Còn biết bao nhiêu những thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, trên mọi miền Tổ quốc, mặc dù cuộc sống còn bộn bề gian khó, những lo toan đời thường, nhưng họ vẫn ngẩng cao đầu mà sống. Tiếp tục cống hiến, không hề so đo toan tính. Khi là người lính, họ là những anh hùng, trở về với đời thường họ là những bông hoa tô đẹp cho đời.

 

Ghi chép Đinh Minh Sơn

Tin tức khác