Lính tháng Tư lịch sử và hai đầu cuộc chiến

Thứ hai, ngày 22-04-2024, 09:28| 71 lượt xem

Bút ký của Nguyễn Quốc Trí

 

Minh họa của Tân Hà

 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Câu chuyện của đời người, của cả dân tộc đã được lịch sử cắt nghĩa. Trong ký ức của nhiều thế hệ đương thời, thời khắc lịch sử ấy vẫn luôn chói sáng và đem đến nhiều cảm xúc và suy tư mới.

Tuổi 20 của lứa chúng tôi nhập ngũ trong những ngày cuối cùng của tháng Tư lịch sử. Lúc đó báo, đài của ta dồn dập đưa tin thắng trận. Quân và dân cả nước như đang tiến bước cùng đại quân ta tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 đến 30 tháng 4). Trước đó là hai chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng đại thắng. Những tân binh chúng tôi tập trung ở Huyện đọi Yên Hưng, Quảng Ninh huấn luyện quân sự, có khi đi gặt lúa giúp dân.

Thật hạnh phúc khi mình được là người chứng kiến những giờ phút thiêng liêng của cả dân tộc. Đã chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên khắp quê hương đất nước. Sau những giờ phút hoan ca ấy, những người lính tháng Tư chúng tôi lại bắt đầu nhiệm vụ mới theo từng đơn vị của mình.

Những ngày hòa bình thật ngắn ngủi. Đất nước lại bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đến năm 1990 mới ngừng tiếng súng.

Một thoáng đời người đã nửa thế kỷ trôi qua. Tôi từ một chàng trai trẻ vừa rời ghế nhà trường, bất đắc dĩ, làm một chứng nhân nối hai cuộc chiến vĩ đại của dân tộc: chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Thời đi học, những bài học lịch sử từ thuở xa xưa đến cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, mà dân ta hay gọi là thời đánh Tây, luôn làm lũ học trò chúng tôi khá đau đầu, khó nhớ. Vì cảm giác những sự kiện ấy rất xa vời, mình chỉ như một đứa trẻ đứng xem bức tranh rộng lớn. Nhưng đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ tôi sinh ra và lớn lên, đi học dưới trời bom đạn giặc Mỹ thì cảm giác về cuộc chiến đã khác hẳn. Cùng với sự trưởng thành của bản thân, của nhận thức tôi mới thực sự thấu hiểu những trang sử về công cuộc dựng nước và giữ nước của muôn vàn thế hệ cha ông ta luôn sống động như nhịp tim, luôn liền mạch như mạch máu trong cơ thể sống, luôn xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại. Rồi tôi hiểu sâu hơn ý nghĩa tâm linh của cụm từ “hồn thiêng sông núi”. Đó là máu xương ngàn đời và sức sống ngàn đời. Từ bài học lịch sử đau đớn nơi thành Cổ Loa xưa, “nỏ thần trao tay giặc”, đến những tượng đài nữ tướng như: Bà Trưng, Bà Triệu. Từ bản Tuyên ngôn hào hùng của Lý Thường Kiệt đến ba cuộc kháng chiến có một không hai trong sử sách thế giới của Trần Hưng Đạo đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông. Rồi quân Minh, quân Thanh cũng bị quét sạch khỏi đất nước với những vị “vua sáng, tôi hiền”: Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cho đến bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Bác Hồ, rồi sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Liền kề thời Đổi mới của chúng ta là ngày non sông thống nhất sau những năm dài chia cắt và cuộc chiến giữ yên biên giới sau cả thập kỷ lửa đạn. 

Ngay sau giải phóng, đơn vị tôi ở thành phố Đà Lạt. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng khi lần đầu tiên cả tiểu đội được ở trong một vi-la dưới rừng thông. Phía ngoài, cách dăm chục mét là khu phố Chi Lăng khá đông vui, có bến xe lam, xe đò chạy ra trung tâm thành phố chừng dăm cây số và đi nhiều nơi khác. Có khá nhiều hàng quán, trong Nam gọi chung là tiệm. Về sau gắn bó nhất với cánh lính trẻ chúng tôi là tiệm chụp hình và tiệm bún bò giò heo của một chị khá mập, giờ tôi quên tên. Căn nhà tiểu đội tôi ở là một khu toàn vi-la và biệt thự dành cho sĩ quan trung cao cấp chế độ cũ làm công việc quản lý hành chính và giảng dạy ở đây. Tên gọi cũ của cơ sở này là Trường võ bị quốc gia Đà Lạt, gồm hai khu A lĩnh vực hành chính, hậu cần và khu B trường lớp học viên, chúng tôi thuộc khu A. Một cơ ngơi đồ sộ và rộng lớn. Ngay lập tức, Học viện Quân sự của ta ở Hà Nội vào tiếp quản, ngày nay gọi là Học viện Lục quân Đà Lạt. Giám đốc Học viện là Thiếu tướng Vũ Lăng, một vị tướng tài của quân đội ta. Đại đội vệ binh của tôi và một đại đội thông tin làm nhiệm vụ tuần tra, canh giữ và phục vụ nhiệm vụ học tập, sản xuất của Học viện. Anh em binh sĩ thuộc nhiều miền quê khác nhau, nhập ngũ khác nhau. Chủ yếu người Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái… Ngày ấy, có lúc chúng tôi được quán triệt  về việc “đánh tư sản”, tức là cải tạo công thương nghiệp rất mạnh tay, nếu cần chúng tôi có thể tham gia phục vụ.

Đà Lạt như một cô gái đẹp kiều diễm đã cuốn hút tâm hồn tuổi trẻ của tôi. Rất nhiều điều mới lạ, hấp dẫn và thú vị. Ngay từ khi đặt chân tới đất Lâm Đồng, lên Đà Lạt chúng tôi phải vượt đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha, theo tiếng địa phương là Krông Pha, tên con sông Pha dưới chân đèo, đi từ Ninh Thuận lên miền cao nguyên Lang Biang trên cao độ hàng nghìn mét. Tôi cố sức để thu vào tầm mắt tất cả những gì có thể quan sát được về vùng đất của ngàn thông, ngàn hoa, của sương mù và bốn mùa trong một ngày ở đây. Đặc biệt nhất và duy nhất ở nước ta là đường xe lửa vượt đèo bằng những bánh răng nhìn thật kì thú. Rồi một không khí mát mẻ đến se lạnh bao trùm. Đối với da thịt tuổi đôi mươi cái lạnh xứ này không hề hấn gì, chỉ như một sự mơn trớn là lạ mà thôi, càng thỏa cái háo hức tò mò bấy lâu của kẻ ưa thích phiêu du.

Khi công việc tập luyện đội ngũ và canh gác đã ổn định, chúng tôi dành ngày nghỉ đi khám phá các địa danh nổi tiếng ở Đà Lạt như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu, Đồi Cù, Nhà thờ Con Gà, Dinh Bảo Đại, chợ Hòa Bình, Vườn hoa Đà Lạt… Tôi thường đi xe lam ra Thư viện tỉnh đọc và mượn sách. Niềm đam mê đọc và viết của tôi đã có từ thời học sinh. Mỗi năm đơn vị dành ít thời gian luân phiên đi tăng gia sản xuất ở các nông trường của Học viện tại Di Linh, Đức Trọng, chủ yếu trồng ngô, lúa. Khi đó tôi thường được giao nhiệm vụ lập tổ săn thú rừng bảo vệ mùa màng. Rất nhiều lợn rừng và hươu nai thường tụ tập hàng đàn rất đông tàn phá ngô lúa. Có hôm tôi và Duy Tri bắn được lợn rừng mang về liền cắt một đùi xuống chợ đổi rượu về liên hoan. Cuộc sống khá vất vả, thiếu thốn, cơm ăn đã bớt độn bo bo, mì sợi, sắn, khoai so với trước đó, lại sẵn tinh thần lạc quan tếu nên chúng tôi vẫn tạm thời vui vẻ. Tuy nhiên, trong thâm tâm, anh nào cũng trăn trở về ngày mai của chính mình. Ra quân về nhà hay đi học tiếp một trường khác? Hoặc là đi học sĩ quan tiếp tục đời binh nghiệp...? Đôi lúc tụ tập liên hoan hay trà thuốc, nhóm bạn đồng cảm bọn tôi thường tọa đàm về chủ đề này. Bởi trước khi nhập ngũ chúng tôi là những học sinh, sinh viên các trường lâm nghiệp và một số là công nhân mỏ ở Uông Bí, Quảng Ninh.

Từ ngày Học viện thành lập Đội tuyên văn để tuyên truyền văn hóa văn nghệ cách mạng phục vụ đơn vị và nhân dân trong vùng lân cận, một số anh em trong tiểu đội và đại đội thường tụ tập đàn hát rôm rả. Anh Đễ công nhân mỏ là người rất giỏi đàn ghi-ta. Chính anh là người dạy bọn tôi những ngón đàn đầu tiên. Chúng tôi được nhạc sĩ Trọng Thủy ở Hội Văn nghệ tỉnh vào luyện hát. Anh là tác giả bài “Lá thư viết dở” khá nổi tiếng lúc đó và bài “Hồ Xuân Hương Đà Lạt” mà tôi hay hát cùng bài tủ đơn ca “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý. Chính ông nhạc sĩ này đã giúp tôi tự học xóa mù nhạc lý với cuốn sách “Tự học nhạc lý phổ thông” từ thời cấp 3. Tôi còn cao hứng sáng tác cả bài hát, viết kịch, hoạt cảnh cho đội văn nghệ biểu diễn. Đúng là khi người ta trẻ, tất cả đều có thể thử sức, để phát triển bản thân. Một hôm tôi ra cổng doanh trại mua thuốc lá bắt gặp mấy cháu nhỏ tuổi tin thập thò ngó xem các chú bộ đội hát hò. Một cháu lại gần ấp úng hỏi tôi mượn sổ bài hát về cho cô giáo dạy hát. Tôi liền chạy về lấy cho mượn ngay. Sổ hát toàn bài nhạc đỏ, cũng là cơ hội tuyên truyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tôi nghĩ thế. Thỉnh thoảng các cháu vẫn đến. Rồi bẵng đi một thời gian không thấy mặt cháu nào nữa. Hôm ấy ngồi đọc một tập truyện thiếu nhi thời tiền chiến của nhà văn Tô Hoài có tên là “O chuột”, trong Nam in, ngoài Bắc không có, hình như bị cấm, cảm giác buồn đến nao lòng. Tôi liền đi ra phố. Biết hướng nhà mấy cháu hay đến chơi, tôi thả bộ qua đó, không có ý gì. Bất ngờ cô bé kia từ một ngõ ngách chạy đến trước mặt tôi ra dấu lặng im, dừng lại và thì thầm­­­­: “Chú ơi, chúng con xin lỗi, vì ba con thu mất sổ hát của chú rồi. Khi nào xin lại được tụi con sẽ mang trả chú nha!”. Tôi bảo không sao, không sao, rồi quay lại. Từ ấy lòng còn trĩu nặng hơn. Lúc này tình hình xã hội có nhiều điều phức tạp. Có giáo viên dạy học ở Đức Trọng kể rằng bọn phản động và Fulro còn đến lớp cấm giáo viên dạy những bài cách mạng, có nơi chúng còn bắt cóc thầy cô giáo mang đi.

Dăm năm sống ở Đà Lạt, là một thời “tuổi trẻ hát ca và chiến đấu”, rất nhiều giá trị vật thể và phi vật thể đã dần ngấm vào máu thịt tôi. Để rồi nơi này trở thành một miền quê thương nhớ đúng nghĩa đen của nó. Nhớ như là nhớ nhà, nhớ bản quán, nhớ người yêu. Đó là quê của hồn tôi. Chính ở miền đất mộng mơ này, tôi đã nhận những cú sốc để đời, từ phía khác đến với tuổi thanh xuân nhiệt huyết của mình. Người yêu thời cấp ba đã từ bỏ tôi, vì em đi học sư phạm và không thể đợi được anh lính vô định. Nàng đã biến tôi thành kẻ thất tình. Sau những lá thư như suối chảy tôi gửi cho em, tôi chỉ nhận lại được một, hai thư và một câu cuối cùng “Anh tha lỗi cho em nhé... Anh vẫn mãi mãi là người yêu lý tưởng của em”. Rồi đột ngột cha tôi mất khi ông mới bốn mươi chín tuổi. Tôi biết tin qua lá thư của người em họ cách đó đã hơn hai tháng. Có bức điện của gia đình nhưng chỉ huy đại đội nghĩ là điện giả, bố mẹ muốn gọi con về chơi, nên giấu đi, không cho tôi biết. Cuối cùng là tôi xin đi học sĩ quan, quyết gắn bó suốt đời binh nghiệp. Lúc đó sau một năm sự kiện tháng 2-1979. Tôi đã trưởng thành hơn và rắn rỏi hơn khi trải qua biến cố, thử thách.

Đã bắt đầu một cuộc kháng chiến mới của cả dân tộc. Từ cuộc đánh Mỹ nối sang cuộc chiến tranh biên giới. Thân phận nhỏ bé như hạt cát trong sa mạc của một người lính vẫn phải dẹp bỏ tất cả để nhập cuộc cùng đất nước. Tôi và Phan cùng đơn vị đi học sĩ quan tại Trường Lục quân 2, ở Căn cứ Nước Trong, Đồng Nai. Đây là trường quân sự của chế độ cũ để lại. Học và rèn kinh khủng. Chưa ở đâu thực hiện 11 chế độ trong ngày của bộ đội chuẩn và zin như ở đây. Chủ yếu ăn bo bo và cá mắm. Tôi có niềm vui riêng là báo Quân Đội in một số bài thơ và mẩu chuyện của tôi, anh em truyền nhau đọc và chúc mừng. Nhiều đồng đội học viên của tôi là những người lính chiến từ Cam Pu Chia về. Tôi mới hiểu hơn bao gian truân và đau thương mà đất nước, nhân dân mình phải gánh chịu vì mưu đồ đen tối của kẻ thù địch. Mãi rồi cũng qua. Ra trường với lon Thiếu úy tôi được điều về Tỉnh đội Hà Bắc, sau đó vài năm tôi về Báo Quân khu Một ở Thái Nguyên đầu năm 1985. Rồi cuối năm 1987 chuyển ngành về Báo Hà Tuyên ở quê.

Lúc đó phía Đông Bắc, Tây Bắc đã tạm ngừng tiếng súng nhưng ở Vị Xuyên, Hà Tuyên (đương thời) vẫn là một điểm nóng chiến sự khốc liệt. Đặc biệt là ở khu vực Thanh Thủy, Minh Tân. Tôi nhận nhiệm vụ phóng viên chiến trường ở nơi đây. Trong mưa pháo triền miên, có lần vào chốt viết về chiến công trên Đồi A6 tôi bất ngờ gặp lại Tạ Bá Khiêm và Triệu Quốc Thu cùng học Lục quân 2 với nhau. Các anh ở Cam Pu Chia về học và bây giờ là chỉ huy đại đội chiến đấu ở đây. Vui vì gặp lại nhau nhưng khi trở về thì thấy nao lòng. Mãi sau này, lửa đạn đã dứt, tôi cũng không gặp lại.

Còn nhiều chuyện dài dài có thể kể lại lần tiếp sau. Xin tua lại một đoạn “phim” thời trẻ để thấy một công cuộc mới của dân tộc khi khép lại quá khứ, hướng về tương lai. Giã từ vũ khí ư? Không, có thể là khép lại những cuộc chiến và quá khứ. Tương lai nào cũng cần được xây dựng, giữ gìn và bảo vệ bằng mọi vũ khí thời đại vì thế giới hòa bình.

N.Q.T

 

 

Tin tức khác