Ngôi đền thiêng nơi địa đầu Tổ quốc

Thứ năm, ngày 29-06-2023, 10:18| 1.059 lượt xem

Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, tục thờ thánh thần từ lâu đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu ở mỗi phố nghề hay mỗi làng quê. Điều đó lý giải tại sao khi đến bất cứ địa phương nào, người ta cũng dễ dàng tìm thấy những ngôi đền, miếu mang đậm bản sắc tín ngưỡng dân gian của người Việt. Và sẽ đặc biệt ý nghĩa hơn khi ta biết rằng: có một ngôi đền thiêng như thế tọa lạc ngay tại vùng đất trọng yếu giữa biên cương Đông Bắc. Đó là Đền Xã Tắc.

Đền Xã Tắc nằm ở khu vực ngã ba Soáy Nguồn trên sông Ka Long, con sông biên giới giữa hai nước Việt – Trung. Vị trí của đền thuộc địa phận phường Ka Long, thành phố Móng Cái. Tại ngôi đền này, các vị thần được người dân địa phương nhiều đời nay thờ phụng với sự thành kính không kém gì sự thành kính đối với tổ tiên họ tộc của mình. Vào các ngày lễ, nhân dân Móng Cái và các phật tử đến rất đông. Đặc biệt vào dịp đầu xuân, du khách đến với Móng Cái không mấy ai quên vào dâng hương cầu phúc tại đền.

Đền Xã Tắc - Quảng Ninh.Nguồn Báo Quảng Ninh

Theo các tư liệu lịch sử và những tấm bia đá cổ còn lưu tại đền, Đền Xã Tắc được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ thứ XIII, vào thời nhà Trần. Về tên gọi của ngôi đền, có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng có duy nhất một cách giải thích hợp lý và thuyết phục nhất. Theo quan niệm dân gian cổ truyền, Xã là Đất, Tắc là Lúa. Thần Xã và Thần Tắc là hai vị thần tiêu biểu trong quan niệm của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước. Hai vị thần này luôn gắn bó và không tách rời nhau. Bởi vậy, nhân dân thường thờ chung 2 vị trong cùng một nơi thờ tự. Theo cách giải thích này, đền Xã Tắc là nơi thờ Thần Xã và Thần Tắc, người dân Móng Cái xưa gọi chung là Xã Tắc Đại Vương. Cách hiểu trên cũng đồng thời phù hợp với thực tế, vì theo như một số cụ già trong vùng cho biết, tên gọi ban đầu của địa điểm tâm linh này là Miếu Xã Tắc Đại Vương. Trong văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, miếu là nơi thờ thánh thần. Đối với người dân, miếu thờ là nơi linh thiêng. Miếu càng cổ càng thiêng, không ai dám cả gan mạo phạm. Cũng dựa trên cách giải thích trên, có ý kiến cho rằng nơi này xa xưa còn có tên gọi khác là Miếu Đàn Xã Tắc, tức là nơi thờ tự cũng đồng thời là nơi thực hiện các nghi lễ để tế Thần Đất, Thần Lúa, cầu cho dân chúng trong vùng được mùa, bội thu thóc lúa, cuộc sống an bình.

Theo tiến trình phát triển của lịch sử, nhân dân trong vùng tôn vinh và phối thờ tại đây các vị thần khác là Cao Sơn Đại Vương và Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, một vị là thần chủ về văn hóa nước Đại Việt, một vị là anh hùng dân tộc Triều đại nhà Trần, người có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược và 2 lần được vua Trần cắt cử ra trấn giữ biên ải vùng Đông Bắc. Có lẽ vì phối thờ như vậy dẫn đến việc chuyển cách gọi từ “miếu” thành “đền”. Như thế, sự hiện hữu một ngôi đền để thờ phụng các vị phúc thần theo quan niệm của dân gian ở vùng đất này cũng giống như sự hiện hữu của tất cả những ngôi đền khác trên khắp mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn cứ thấy băn khoăn mãi về cụm từ “xã tắc”. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi từng viết: “Xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới”; hay các cụ ta khi xưa vẫn thường dùng cụm từ “sơn hà xã tắc” khi muốn nói đến quốc gia. Do vậy, liệu ta có thể hiểu “xã tắc” theo nghĩa rộng chính là để chỉ non sông, đất nước? Tôi thử mang ý nghĩ đó kết hợp với sự liên tưởng về vị trí của ngôi đền. Đất Móng Cái rộng thế, có nhiều nơi bằng phẳng và thuận tiện thế, ngay cả ở những nơi tìm thấy dấu tích người Việt cổ từng sinh sống như Vạn Ninh, Hải Đông, Hải Tiến, người ta cũng không tìm thấy dấu tích của đền thờ hay miếu, đàn xã tắc. Thế mà ngôi đền này lại tọa lạc ngay tại một địa điểm trọng yếu của biên giới quốc gia. Đến đây, tôi chợt nhận ra rằng: ý nghĩa của tên gọi Đền Xã Tắc có lẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi là nơi thờ Thần Đất, Thần Lúa hay thờ các vị thánh thần theo sự tôn vinh riêng của người dân địa phương Móng Cái nữa. Nói cách khác, ngay từ những ngày xa xưa ấy, người dân Móng Cái dường như đã có chủ ý lập đền Xã Tắc là nơi thờ vị chủ thần gìn giữ đất đai, xã tắc, sơn hà. Và ngôi đền Xã Tắc tồn tại nơi đó cho đến tận ngày nay cũng không chỉ đơn thuần là một thiết chế tín ngưỡng thông thường, mà đã trở thành một cột mốc linh thiêng trấn giữ đất đai nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc.

Đã hơn 7 thế kỉ trôi qua, trải bao thời gian, mưa nắng xói mòn, trải bao lần mưa bom bão đạn, Đền Xã Tắc vẫn thường xuyên được nhân dân tôn tạo giữ gìn. Những chứng tích có giá trị vẫn còn được lưu giữ trên 3 tấm bia đá cổ thờ trong đền. Đến nay, đền đã trở thành một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất của vùng đất Móng Cái. Ngôi đền linh thiêng này cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Vào ngày mồng một, hôm rằm hàng tháng, nơi đây vẫn thường nhộn nhịp người đến dâng hương. Theo phong tục từ xưa, mỗi năm đền có 5 ngày lễ chính, đó là các ngày: 16/1, 02/5, 16/8, 16/12, 18/12 (âm lịch). Lễ đầu tiên trong năm là lễ cầu an. Lễ này được tổ chức rất linh đình. Vào ngày hôm đó, người ta thịt một con lợn, lấy lòng lợn nấu thành một vạc cháo to, còn thịt lợn được luộc lên dâng cúng Thần Xã Tắc. Người ta còn làm thuyền giấy, mua sắm nhiều đồ tế lễ như: vàng mã, hoa quả, bánh kẹo… để bày lên cúng suốt một ngày. Sau khi lễ xong, người dân mang thuyền thả xuống sông Ka Long để cầu bình an, tài lộc. Cháo và thịt sau đó được chia đều cho dân làng. 

Mang nhiều giá trị to lớn về vật chất và tinh thần, Đền Xã Tắc đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005. Đến năm 2009, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, UBND Thành phố Móng Cái đã lập dự án trùng tu tôn tạo lại đền và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Theo dự án, Đền Xã Tắc mới được xây dựng trên nền đất của đền cũ trong khuôn viên có tổng diện tích hơn 20.000 m2, bao gồm khu đền chính và một số công trình phụ trợ khác. Đền chính có diện tích là 308 m2, được thiết kế theo kiểu kiến trúc hình chữ Công (工). Vật liệu chủ yếu là gỗ lim. Hệ thống bao lam, cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án được trạm trổ với nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo và kì công theo các chủ đề truyền thống như: Ngũ Long chầu nguyệt, Tùng Cúc Trúc Mai, Xuân Hạ Thu Đông… Mái đền được lợp bằng ngói mũi hài. Trong đền hiện nay tôn thờ Tam vị Thánh tượng gồm: Xã Tắc Đại vương (Thần chủ giữ đất đai quốc gia xã tắc), Cao Sơn Đại Vương (Thần chủ về văn hóa nước Đại Việt) và Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (anh hùng dân tộc Triều đại nhà Trần, người có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược và 2 lần được vua Trần cắt cử ra trấn giữ biên ải vùng Đông Bắc). Cả 3 pho tượng đều được đúc bằng đồng nguyên khối. Tượng Xã Tắc Đại Vương được đặt ở chính điện có chiều cao 2,2m, tượng Cao Sơn Đại Vương và Hưng Nhượng Đại Vương được đặt hai bên và cùng có chiều cao1,8m. Các công trình phụ trợ quanh đền bao gồm: cổng nghi môn ngoại, cổng nghi môn nội, nhà Tả vu - Hữu vu; lầu chuông, lầu trống, bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh. Tất cả tạo nên một chỉnh thể thờ tự thống nhất. Được biết sau khi kết thúc trùng tu tôn tạo giai đoạn I do UBND Thành phố Móng Cái làm chủ đầu tư, giai đoạn II do Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư sẽ tiếp tục được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Dự kiến sau khi hoàn thành, di tích lịch sử Đền Xã Tắc sẽ trở thành một quần thể Văn hóa – tín ngưỡng Đền – Chùa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

 Chiều nay, tôi lại một lần nữa đến thăm Đền Xã Tắc. Khi vừa rẽ vào con đường mòn chạy dọc bờ sông biên giới, tôi đã thấy hình ảnh ngôi đền hiện lên thật vững chãi, uy nghi. Phải chăng chính cái thế đứng vững chãi uy nghi ấy đã khắc họa nên một biểu tượng về sự trường tồn của sức sống văn hóa Việt Nam? Phải chăng chính cái thế đứng vững chãi uy nghi ấy đã khiến cho ngôi đền trở thành một chứng tích không thể phủ nhận về chủ quyền lãnh thổ, dẫu cuộc sống có trải qua bao biến cố thăng trầm, dẫu các thế hệ con người cứ tiếp tục sinh ra rồi lại mất đi? Tôi chợt nhận ra rằng: Sự hiện hữu của ngôi đền ngay tại vùng đất biên cương trọng yếu này giống như một lời nhắc nhở mỗi người dân đất Việt ý thức hướng về cội nguồn, về quê cha đất tổ, về trách nhiệm của cá nhân đối với việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đối với việc xây dựng và bảo vệ nền văn hiến lâu đời, đậm đà bản sắc riêng của dân tộc Việt. Và đến tận lúc này, tôi mới thực sự hiểu vì sao trong tâm thức của người dân bao đời nay, Đền Xã Tắc lại có ý nghĩa lớn lao đến thế. Câu trả lời không thể khác hơn: ngôi đền thiêng này vừa là một khẳng định về sự độc lập văn hóa tinh thần, vừa là một cột mốc linh thiêng trấn yên bờ cõi, lặng thầm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Thắp nén tâm nhang trước hương án, tôi thấy trong lòng dâng lên một niềm tự hào khôn tả. Tự hào bởi bề dày dựng nước, giữ nước oai hùng của cha ông xưa, tự hào bởi truyền thống văn hóa được bảo tồn qua ngàn đời của dân tộc, tự hào bởi tinh thần bất khuất, kiên cường, độc lập, tự chủ của nhân dân ta. Và, giống như tất cả những du khách và phật tử đến đây, cũng giống như mọi người dân bao đời nay đã và đang gắn bó với mảnh đất phên dậu này, tôi cầu mong cho quốc thái dân an và gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng, bình yên và hạnh phúc.

Móng Cái, cuối đông 2012.

Đặng Thị Thúy

Tin tức khác