Khai mạc kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIX

Thứ ba, ngày 05-12-2023, 19:06| 522 lượt xem

Ngày 05/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh trọng thể khai mạc Kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đồng chí đại biểu dự kỳ họp

Dự kỳ họp có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Các đồng chí chủ tọa kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các đại biểu HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận sâu sắc, kỹ lưỡng về kết quả đạt được, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập, nguyên nhân khách quan và chủ quan, giải pháp khắc phục; xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và quyết định đúng đắn các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2024, gắn với thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp

Kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 40 dự thảo nghị quyết, trong đó 04 nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình và 36 dự thảo tờ trình, nghị quyết do UBND tỉnh trình. Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, có phạm vi tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp Nhân dân; đến các cấp, các ngành và địa phương.

Đồng chí đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá thấu đáo tính đồng bộ và sự phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi, tác động của chính sách, trước khi quyết nghị thông qua, để bảo đảm nghị quyết sau khi ban hành được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần thực hiện hiệu quả nghị quyết.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày báo cáo Kết quả công tác năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024. Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024.

Năm 2023, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, song dưới lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của HĐND; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sâu sát của UBND tỉnh; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của Nhân dân, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nổi bật là: Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 7,46% (xếp thứ 02/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, 01/11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố), có 18/20 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023. Triển khai quyết liệt các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, để lại dấu ấn tốt đẹp trong du khách và các tầng lớp Nhân dân...

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự điều hành tập trung, linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh; sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nên sức mạnh to lớn và đạt những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, kết quả ước thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) (giá so sánh 2010) tăng 7,46% so với năm 20221 (xếp thứ 02/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, 01/11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố); GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 56 triệu đồng/người/năm (kế hoạch 55,7 triệu đồng/người/năm); Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) tăng 9% (kế hoạch tăng 9%). Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng 15,7% so với năm 2022 (kế hoạch 15,4%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,6% so với năm 2022; sản lượng lương thực đạt trên 34,4 vạn tấn. Trồng rừng 11.570,5 ha, đạt 114,6% kế hoạch (rừng tập trung 11.063,4 ha, đạt 114,1% kế hoạch).Có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã2 ; lũy kế tổng số 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới. (8) Thu hút 2.650 nghìn lượt khách du lịch, đạt 106% kế hoạch; tổng thu từ khách du lịch 3.200 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 34.000 tỷ đồng, đạt 117,2% kế hoạch, tăng 12,8% so với năm 2022...

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày báo cáo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, khó khăn: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân và tiêu thụ một số nông sản còn gặp nhiều khó khăn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ,... còn thấp; việc duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn còn hạn chế, tiến độ lập hồ sơ đề nghị thẩm định, xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 còn chậm, mức độ hoàn thành tiêu chí đối với các xã mục tiêu năm 2023 còn thấp; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao, nhiều hợp tác xã hoạt động yếu kém nhưng chưa được xử lý.

Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội có mặt còn hạn chế; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; an ninh, trật tự có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng thuộc thẩm quyền còn chậm66 , kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; việc nắm tình hình cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp có việc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững gắn với công nghiệp chế biến, tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực hiện có của tỉnh. Nâng cao hiệu quả phát triển lâm nghiệp; tích cực thực hiện các giải pháp xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư vào các ngành nghề tỉnh có tiềm năng, lợi thế, đem lại giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường… huy động, lồng ghép, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chỉ đạo giải quyết hiệu quả các “điểm nghẽn”, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước, về phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh: Bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm có nhiều điểm sáng: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,46%, xếp thứ 02/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước. Nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao so với cùng kỳ. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 14.860 tỷ đồng, tăng 9,8% so năm 2022; vốn đầu tư công đạt trên 5.650 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022). Chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, mở rộng không gian, động lực, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh... Du lịch, dịch vụ tiếp tục phát triển; tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong Nhân dân và du khách. Đặc biệt là, các cấp, các ngành của tỉnh đã nỗ lực rất lớn để hoàn thiện và được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Dự báo trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong khi đó mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ giao trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là rất cao; Thảo luận, làm rõ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, dự toán thu ngân sách ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm đề ra. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, về vốn tín dụng và thị trường; về phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng..

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh có nhiệm vụ là thảo luận, quyết nghị các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước, Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và nhiều nội dung khác theo thẩm quyền. Đây là những nội dung rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí đề nghị các đại biểu phát huy trách nhiệm trước cử tri, thảo luận kỹ lưỡng, đảm bảo các nghị quyết, quyết định được thông qua đáp ứng với mong đợi của cử tri và Nhân dân. Ngay sau khi các nội dung được Kỳ họp thông qua, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong quá trình thực hiện phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để các cơ chế, chính sách được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của cử tri và các tầng lớp Nhân dân.

Cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh, HĐND các cấp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới. Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua, UBND tỉnh sớm giao Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán thu, chi ngân sách, Kế hoạch đầu tư công năm 2024 để thực hiện ngay từ đầu năm; phân cấp triệt để, giao nhiệm vụ cụ thể để các ngành và huyện chủ động, chịu trách toàn diện thực hiện nhiệm vụ.

Trong ngày hôm nay, HĐND tỉnh đã nghe 06 báo cáo thẩm tra của UBND tỉnh, các ngành, thông báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang: Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá - xã hội, chính sách tôn giáo năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa - xã hội, chính sách tôn giáo năm 2024; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về tình hình công tác dân tộc và kết quả thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hôi, đảm bảo quốc phòng - an ninh đối với vùng đồng bào dân tôc thiểu số trên địa bàn ̣6 tỉnh năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 (trong đó có nội dung thẩm tra 02 báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững năm 2023; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023); Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khoá XIX; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XIX; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa XIX; Báo cáo của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2022.

Tại kỳ họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình tờ trình của UBND tỉnh về miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Vũ Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (đã nghỉ hưu); bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Tô Hoàng Linh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với số phiếu nhất trí cao.

Ngày mai, 6/12, kỳ họp HĐND tỉnh tiếp tục làm việc thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024.

PV

Tin tức khác