Thành Long trên đường giảm nghèo

Thứ năm, ngày 29-02-2024, 09:40| 352 lượt xem

Ghi chép của Nguyễn Quốc Trí

 

 

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

 

 

Đến xã Thành Long hôm nay điều dễ nhận thấy nhất là màu xanh tươi của những cánh rừng trải dài như thành lũy mà không phải nơi nào cũng có. Cùng đó là màu sắc, kiểu dáng mới của những ngôi nhà xây hiện đại, kể cả nhà xây kiểu nhà sàn, nơi thôn bản và những con đường bê tông liên xã, liên thôn, ô tô hạng trung có thể qua lại. Được biết, con đường này đã có dự án nâng cấp mở rộng. Khu trung tâm xã khá nổi bật, manh nha về một khu phố sá đông vui. Đôi nơi, nói như lớp người trẻ là có những “viu” rất đẹp của cảnh sắc thiên nhiên ở vùng hồ đập và núi non trùng điệp. Mùa chớm đông, những chân ruộng lúa đã và đang bắt đầu vụ rau màu và cây vụ đông mới càng làm cho cảnh làng quê thêm sống động dưới cái nắng hanh vàng màu hổ phách.

Vùng đất nông lâm nghiệp có trên năm nghìn “héc” để sản xuất hàng hóa cây trồng này của 1.800 hộ dân với 8.000 nhân khẩu, thuộc phía hạ huyện Hàm Yên. Mặc dù trong huyện và trong tỉnh, Thành Long chưa phải là đơn vị tốp đầu về mọi mặt, nhưng những thành tựu của xã so với điểm xuất phát tới nay, trong công cuộc đổi mới, là những dấu mốc rất đáng kể và có tính lan tỏa. Trong câu chuyện chân tình, Chủ tịch xã Nguyễn Thị Tám nói với chúng tôi:

- Từ mong mỏi xóa đói, thoát nghèo của nhân dân trong xã mà cấp ủy, chính quyền địa phương tìm tòi giải pháp, xây dựng quyết tâm chung để thực hiện. Bước đầu xã cũng đã đạt một số kết quả đáng khích lệ trong mấy năm qua, nhưng vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, vướng cản trên nhiều mặt.

Rồi chị Tám - vị “nữ tướng” trẻ, mới tuổi bốn mươi - khái quát những nét chính trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương để chúng tôi đi sâu tìm hiểu thêm. Theo đó, Thành Long đã phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có của mình là đất rừng với hơn 4.000 ha sản xuất lâm nghiệp. Cùng với việc chọn giống mới, thâm canh tốt, kết hợp sơ chế biến gỗ, xây dựng nhãn hiệu, hiện nay xã đã có 2.500 ha rừng đạt tiêu chuẩn cấp chứng chỉ rừng Quốc tế. Ngoài rừng là cây chè, cây mía được chú trọng bên cạnh việc phát triển đàn trâu bò để tăng nguồn thu. Từ vài năm nay cây cà chua và dưa chuột đã khẳng định được vị thế cây rau màu thế mạnh khi sản phẩm này đã được cấp chứng chỉ OCOP ba sao. Xã còn tiếp tục vận động lao động trẻ khỏe đi lao động ở nước ngoài và trong nước.

Nghe Chủ tịch Tám nói vẻ hào hứng, chúng tôi đã hình dung được một động thái xã hội mới khá mạnh mẽ ở địa phương. Chị vui vẻ xác định: “Xã chúng tôi đã xóa đói từ năm năm trước đây. Bây giờ chỉ còn mười hai phần trăm số hộ nghèo”.

Lớp người trưởng thành trong thời bao cấp hiện đang sinh sống ở các xã lân cận Thành Long đều biết đến nơi này là địa bàn rừng núi chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Cao Lan… sinh sống. Đói nghèo ngự trị từ thời thuộc Pháp và còn bám rễ sâu trong suy nghĩ, cách làm qua thời đổi mới. Rừng hoang ruộng hóa với những lối mòn ẩn khuất. Cuộc sống tự cung tự cấp thiếu thốn đủ đường. Một người già kể rằng mới đây thôi những mặt hàng thiết yếu như dầu, muối, thuốc lào, chè khô hay cân đường, gói bánh kẹo… đều phải ra “đường cái”, tức là Quốc lộ 2 để tìm mua. Nếu không thì nhờ các tiểu thương len lỏi vào làng bản mang hàng đi đổi lấy thóc hoặc gà vịt, thậm chí là đổi lấy lúa non. Đại đa số gia đình sống trong những ngôi nhà tạm, phần lớn dột nát.

Cuộc sống ấy, những hình ảnh nghèo đói kia đã mất tích, nó chỉ còn neo lại chút ít trong ký ức người già. “Thực ra những chuyện kể ấy đến thế hệ chúng em cũng không hình dung ra được”. Anh Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch xã, thuộc thế hệ 8x nói với chúng tôi khi đang ngồi trò chuyện. Hôm nay anh Lý đang dự và chỉ đạo một lớp tập huấn về chăn nuôi trâu bò của xã. Tuy nhiên anh vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi cùng với hai Giám đốc Hợp tác xã.

Anh Hoàng Quốc Lập, cán bộ Lâm trường nghỉ hưu trước tuổi, hiện là Giám đốc Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp. Theo anh thì số ruộng 180 ha trồng lúa hai vụ đủ để đảm bảo lương thực cho bà con trong xã. Cũng trên chân ruộng này có khoảng 30 ha phân tán, bà con tham gia hợp tác xã trồng dưa chuột của anh Lập, tạo ra vụ thứ ba. Riêng giá trị thu nhập từ dưa chuột cao gấp 8 lần so với lúa. Sản phẩm bán trong nước khá ổn, theo giá thị trường từ 3 đến 13 nghìn đồng một kg. Có ngày bán được 30 tấn dưa. Từ đầu năm đến nay đã bán hàng nghìn tấn với giá bình quân 5.000 đồng một kg. Cùng đó là 180 ha chè sạch và 27 ha mía cũng là nguồn lợi khá. Nguồn thu đáng kể vẫn là từ sản xuất rừng, mỗi năm trên 2.000 khối gỗ, thu khoảng 2,4 tỉ đồng. Con số này có ý nghĩa lớn khi cùng với nhiều nguồn thu khác đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người mỗi năm toàn xã từ 18 triệu đồng năm 2020 lên 41 triệu năm 2022 và năm 2023 này ước đạt 42 triệu. Số hộ đói, thậm chí đứt bữa, đã được xóa từ dăm năm trước. Năm nay, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, xã đã xóa 57 nhà tạm. Tính cả 3 năm qua có tới 500 hộ xóa nhà tạm. Đó là những con số “chóng mặt”, con số biết nói về những điều vui ở vùng quê này.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Công Lý tâm sự rằng trong số những hộ nghèo có vài hộ do hoàn cảnh, tuổi tác, không còn khả năng lao động nên xác định họ sẽ còn nghèo lâu dài. Đó là một thực tế. Anh Lý có nhã ý mời chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi trâu bò, trồng rừng, cà chua và dưa chuột, tuy chưa lớn nhưng để hiểu rõ hơn về những việc làm khai thác tiềm năng thế mạnh cũng như ý chí quyết tâm thoát nghèo và làm giàu của đảng bộ và Nhân dân các dân tộc nơi đây. Anh Lý nói thêm:

- Điều quan trọng là xã chúng tôi đã và đang đẩy mạnh cuộc chuyển đổi tư duy trong làm kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa. Kiến thức kinh nghiệm là chưa đủ, cần có thêm kiến thức học vấn và cập nhật nhiều vấn đề mới của thời cuộc. Có như vậy mới phát triển bền vững được, phải không các nhà báo?

Rồi anh cười vui vẻ như biết mình đi hơi sâu vào lý luận. Anh gãi đầu xin phép đi dự họp để chúng tôi tiếp tục trao đổi. Thực ra trước đó chúng tôi đã lượn vòng qua mấy cánh rừng, đồng ruộng cây quả khá thích mắt trong xã. Nói chuyện về đàn trâu bò thương phẩm hàng trăm con của Hợp tác xã Chăn nuôi và kinh doanh thịt trâu bò Thành Long, Giám đốc trẻ Nguyễn Văn Dũng cho biết:

- Hiện tại thì việc chăn nuôi trâu bò đang trong giai đoạn thị trường và giá cả khá bấp bênh. Hướng tới của Hợp tác xã là vừa chăn nuôi sinh sản vừa vỗ béo, chuẩn bị tốt nguồn hàng cho nhu cầu thị trường.

Nói về việc tăng đàn trâu bò và mở rộng qui mô sản xuất chế biến kể cả dưa chuột, để có những hợp đồng lớn hơn thì các anh ở xã đều cho rằng không thể khả thi vì những điều kiện hạn chế địa lý, về bãi chăn thả cũng như năng lực sản xuất, quản lý hàng hóa thời hiện đại. Có thể đó chính là câu chuyện hiện thời người ta hay nói tới về “logistics” chăng?. Dường như có chiếc áo nào đó đã chật nhưng chưa có cách thay nó.

Chính điều này cũng được Giám đốc Hợp tác xã Cà chua Nguyễn Văn Bắc xác nhận khi chúng tôi về thôn Hưng Long, tới nhà anh trò chuyện. Nhưng trước tiên vẫn là vui với bà con nơi đây đã góp phần cùng toàn xã tạo ra những gia trị mới, đơn giản và thiết thực. Nhà anh Bắc cũng như nhiều nhà của cán bộ xã và nhân dân ở các thôn, đại đa số được xây cất khang trang, nhiều tiện nghi khá đầy đủ, nhất là các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Nhiều năm trước thôn này gọi là Mỏ Vàng. Khi đắp đập Ô Dô nước ngập đường đi người dân phải đi thuyền qua lại. Anh Bắc kể lúc đầu chỉ có vài ba nhà từ Yên Bái sang đây lập nghiệp cách nay chừng vài chục năm. Mấy hộ này là người ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Cái tên Hưng Long sau này là từ hai chữ cuối của Nghĩa Hưng và Thành Long ghép thành. Nơi này rừng núi hoang vắng. Dân quê đồng bằng quen trồng cà chua, rau màu nên phát triển những cây trồng này từ đó. Chăm chỉ kiếm sống, lập nghiệp dần dần có thêm hộ mới đến mà thành vùng quê tươi đẹp như ngày nay.

Đây là vùng đất hồ đập có suối chảy qua, mùa mưa ngập nước và cũng có nhiều phù sa. Xã đã chọn và chỉ đạo việc trồng cà chua để có sản phẩm OCOP và hợp tác xã ra đời từ đầu năm 2020. Được ngành chức năng giúp đỡ quảng bá sản phẩm và đã tạo được dòng chảy cà chua đạt tiêu chuẩn ba sao khá ổn. Hiện tại có 5 ha cà chua phân tán, trồng giống mới với 17 hộ tham gia. Theo anh Bắc thì một sào cà chua có sản lượng bằng 10 lần lúa, tính giá thấp trung bình cà chua cho thu nhập gấp 4 lần so với lúa. Nhưng sản phẩm cũng chỉ đạt tới ba sao như đã nói có nhiều điều kiện không thể đáp ứng và cũng chỉ trồng được một vụ.

Rồi anh Bắc cũng bày tỏ sự băn khoăn của bà con về đầu ra, giá cả của nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính ổn định không cao, khó phát triển thành vùng chuyên canh lớn… Hơn nữa lực lượng trẻ khỏe hiện đang “ly nông” bởi sự thu hút của các công ty trong và ngoài nước. Không thể không nói đến một một nguồn thu “ra tấm ra món” ở Thành Long từ các hộ có người đi lao động xuất khẩu và làm ở các công ty trong nước. Con số này là hàng nghìn người và mức lương trung bình tầm mười triệu đồng.

Ra đồng đi thăm các mô hình sản xuất, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Nguyện cùng vợ và con đang chăm sóc vườn cà chua, vườn dưa chuột đang thời kỳ leo giàn, sắp cho quả. Hỏi sao anh trồng cả hai loại, anh bảo mình bản tính nhà nông thấy cái lợi và có điều kiện thì dốc sức chăm chỉ trồng cấy, hợp tác nào cũng tham gia được. Nhà anh có 3 sào dưa và 3 sào cà chua, chăm tốt sau vài tháng, vị chi cũng thu được năm bảy chục triệu. Có lúc cà chua đầu vụ bán được giá 40.000 đồng một kg. Nhưng theo anh Nguyện, cái khó nhất vẫn là thời tiết không như ý. Nóng quá cũng mất ăn mà quá lạnh cũng thất thu.

Trước khi rời Thành Long chúng tôi kịp chụp vài bức ảnh hoàng hôn cùng núi Quẹ và núi Phượng Hoàng như một biểu tượng của Thành Long hôm nay đang thức dậy một tiềm năng hóa giải đói nghèo và làm giàu. Cốt lõi, như lời Phó Chủ tịch xã Nguyễn Công Lý nói, là xã có một đội ngũ lãnh đạo trẻ, khỏe có trình độ học vấn và quản lý tốt, có tư duy tương thích với kinh tế thị trường, nắm bắt được công nghệ và rất nhiệt huyết, luôn sát thực tế.

Trên cả nước đang diễn ra cuộc chuyển đổi số có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống. Chúng tôi thấy ở Thành Long, cùng đó là cuộc chuyển đổi tâm thức từng bước có hiệu quả nhãn tiền ngay trong mỗi ngôi nhà. Không có ngôi nhà đẹp nào chỉ xây trong một ngày. Với ý nghĩa đó chúng ta tin vào một Thành Long giàu đẹp trong một tương lai không xa.

N.Q.T

Tin tức khác