Nghĩa tình nơi cực bắc

Thứ hai, ngày 20-02-2023, 09:40| 1.068 lượt xem

*** Bút ký của Nguyễn Thanh Lương

Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang). Ảnh Huy Hoàng

Anh sinh năm 1961 trong một gia đình công nhân Nông trường Chè Tân Trào. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Kỹ thuật cơ khí năm 1982, anh về làm cơ khí tại Nông trường Chè. Năm 1984, thời điểm này -  là những ngày chiến tranh biên giới đang  khốc liệt nhất, sức trai trẻ hừng hực cùng trang lứa, các bạn lần lượt ra mặt trận. Một ngày anh quyết định từ bỏ công việc đang thuận lợi, nộp đơn lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, anh được bổ sung lên Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Cho đến năm 1986 anh xuất ngũ, trở về với công việc đang dang dở thủa xưa.

Tôi xoay xoay cốc café chờ những giọt đắng giọt từng giọt, chuyện bâng quơ với chủ quán về việc kinh doanh, về cuộc sống. Bàn bên bốn bạn trẻ đang thảo luận sôi nổi về một đề tài gì đó, các bạn bày máy tính, từng người đưa quan điểm về chủ đề. Lát sau, một bạn trẻ lên tiếng:

- Thôi, tốt nhất là vấn đề này nên hỏi anh chủ quán, anh thường xuyên tiếp xúc nên chắc chắn sẽ có ý tưởng hay hơn mình!

Cả tôi và chủ quán cùng nhìn về phía các bạn. Lớp người trẻ tuổi, là chủ tương lai của mọi lĩnh vực trong cuộc sống, thời nay họ thật xuất sắc, chứ lớp người như chúng tôi đã dần trở về với hai từ Người già mất rồi.

Đúng lúc này anh có mặt. Dáng hao gầy, đôi chân thoăn thoắt bước vào quán, anh chìa tay:

- Chào em! Đợi anh lâu chưa?

- Em cũng vừa đến thôi, anh bận nhiều công việc? Em lại làm mất thời gian của anh rồi!

- Anh vừa đi thị sát ngôi nhà bạn đồng ngũ, bạn đã mất còn lại bố mẹ già, vợ tai nạn đi lại khó khăn, ba đứa con thì đứa lớn nhất lại thiểu năng trí tuệ. Hai đứa còn nhỏ đang đi học. Ngôi nhà giột nát hết cả, anh đang kêu gọi mọi người chung tay sửa sang lại ngôi nhà cho gia đình.

Vừa nói anh vừa ngồi xuống cạnh tôi, gọi chủ quán một tách café đường không sữa. Bản nhạc Trịnh guitar không lời thánh thót, âm hưởng vừa đủ để khơi dậy những kỷ niệm trong ký ức ùa về. Dạo này anh gầy hơn và cũng đen hơn dạo tôi gặp anh trong ngày Giỗ trận. Ngày định mệnh 12 tháng 7 năm 1984 phủ kín đau thương tang tóc với hơn sáu trăm chiến sĩ đã hy sinh tại một địa điểm.

Nắng chiều mùa thu vàng óng ả, trong quán cóc đối diện Đài tưởng niệm, tôi hẹn gặp anh. Anh Nguyễn Hồng Thanh một cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên. Ý chí, nghị lực, tinh thần và lòng nhân ái của anh cần được lan tỏa trong cộng đồng. Anh trầm ngâm, đôi mắt xa xăm nhìn phía lòng hồ nơi có tượng đài sừng sững, nơi đó nhắc nhở mọi người không được phép quên những năm tháng gian khổ để có ngày hôm nay, có cuộc sống thanh bình, đầy đủ như thế này.

- Em gặp anh từ hôm Giỗ trận, cũng năm năm rồi nhỉ? - Tôi vào chuyện.

- Đúng rồi, khi đó đang hoàn thiện Đài hương 468 và con đường lên Đài hương.

Nhấp trên môi ngụm café đắng, anh im lặng rất lâu, dường như ký ức chậm rãi đưa anh trở về Vị Xuyên những năm 1984. Trong đôi mắt trào lên cảm xúc,  anh lắng giọng: “Đói... Rét... Gian khổ... Thiếu thốn... Hy sinh... Vất vả... Nói chung đến nay kể lại sẽ là câu chuyện cổ tích. Đừng bao giờ lặp lại một cuộc chiến tranh nào hết!”. Tôi không dám hỏi anh thêm về những người lính, đồng đội của anh và chi tiết những gì diễn ra tại thời điểm đó, thời điểm anh có mặt tại chiến trường... Nơi bom đạn “không phải trò đùa”.

Chiến tranh đã qua. Hãy ghi chép những mất mát thành cuốn sách quý, sau mỗi lần lật giở từng trang thì hãy gấp lại và đặt tại nơi trang trọng nhất lịch sử. Là một minh chứng, một linh hồn cho thế hệ mai sau.

Tôi chuyển câu chuyện sang trang mới, hỏi thăm anh về gia đình. Anh nói năm 1986, khi vừa xuất ngũ vào nơi làm việc của bố mẹ, thấy cô nàng hay hay, mau miệng, mái tóc dài lại rất duyên. Về hỏi mẹ, mẹ bảo: “Có thích không, mẹ đi hỏi cho” thế là nên duyên chồng vợ. Vợ chồng rồi mới bắt đầu yêu, càng sống cùng vợ càng thấy vợ anh là người phụ nữ thật tuyệt vời. Nhưng hamhj phúc chẳng tày gang, số phận con người thật nghiệt ngã. Năm 2001 vợ anh đột ngột ra đi, để lại cho anh cô con gái mười ba tuổi - Bé Vy Linh! Đúng vào thời điểm cháu cần có mẹ nhất... Một mình anh chơ vơ dắt theo con vào trong khu tập thể. Nhiều đêm anh thức trắng nói chuyện với chị theo làn khói thuốc, nuốt nỗi đau buồn khô khốc vào trong thì nghe con gái  cũng thút thít khóc, con bảo: “Con nằm mơ bị bạn bắt nạt”... Nhưng anh hiểu cả hai cha con có cùng một nỗi buồn nhưng không ai dám gọi tên. Hai cha con ôm chặt truyền hơi ấm cho nhau, cha cố ru con vào giấc ngủ. Bé Linh còn nhỏ nhưng  đã sớm hiểu chuyện, cháu rất ngoan ngoãn, tự giác học. Ở trường luôn  đứng tốp đầu của lớp, mang niềm vui từ trường về an ủi, động viên cha. Ở nhà, là đứa con rất ngoan ngoãn, lế phép, tự tay nấu cho cha những bữa cơm ngon và nhất mực thương yêu cha. Thời gian cứ dần qua, bé Linh ngày nào đã thi đỗ Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và trở thành cô Công an. Hiện tại cháu đang giữ chức Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh Tuyên Quang với tuổi còn rất trẻ, một gia đình ấm êm hạnh phúc với chồng cùng ngành và hai cậu con trai kháu khỉnh, hy vọng cháu sẽ còn tiến xa hơn bằng năng lực và chí ý không ngừng học hỏi của mình.

 Cuộc sống luôn có những điều may mắn và những điều không may mắn đan xen nhau. Thời điểm anh cảm thấy tuyệt vọng nhất, khó khăn nhất  và cũng là thời điểm anh suy sụp tinh thần nhất, đó là vào năm 2008, đi khám anh phát hiện mình bị mắc bệnh Ung thư trực tràng. Nghe thông tin từ bác sĩ, trái tim anh như vụn vỡ, ý nghĩ vụt lên đầu tiên là Vy Linh! Có lẽ nào con bé lại bơ vơ? Không, không thể! Ông Trời ơi! Anh kêu lên thành tiếng rồi ngồi bệt  xuống nền gạch sảnh bệnh viện, năm ngón tay run rẩy không giữ nổi phiếu kết quả, rơi rồi lại nhặt. Ngày hôm sau, anh nói với con về tình hình bệnh tật và phác đồ điều trị của bác sĩ. Anh phải thật bình tĩnh để lấy tinh thần cho con dựa vào mình, động viên con bằng ý chí và tinh thần lạc quan. Con đã học Đại học nên cũng ý thức được sự nguy hiểm của bệnh ung thư. Lại một lần nữa, cả hai cha con cùng chung một nỗi buồn nhưng không ai gọi đúng tên. Những ngày vào viện điều trị truyền hóa chất, bé Vy Linh như con thoi, sáng dậy sớm mua đồ ăn cho cha rồi tất tả đi học. Chiều lại từ trường học trở về, cả đêm ngồi trông chai truyền, lúc nào Vy Linh cũng nắm chặt bàn tay của cha như thể chỉ cần buông tay là cha sẽ chạy mất. Mở mắt thấy con gục trên cánh tay, nước mắt vẫn còn lăn trên gò má, mà lòng quặn đau như xát muối. Khi đó, anh chỉ biết thầm kêu cầu Trời Phật, cầu linh hồn những người bạn lính đã hy sinh phù hộ để mình được tai qua nạn khỏi, được sống để còn lo cho con... Rồi những lời thỉnh cầu, những lọ hóa chất cùng phác đồ điều trị của bệnh viện đã có tác dụng, dần dần bệnh được đẩy lùi, anh khỏe mạnh trở lại. Ba năm sau, bệnh đã được kiểm soát.

Năm 2012 sức khỏe đã ổn định gần như bình thường. Bé Vy Linh đã về công tác tại Công an tỉnh. Cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn, có điều kiện hơn, các anh quay lại “Chiến trường xưa”, nhìn mảnh đất đã hơn hai mươi năm qua đi vẫn hoang tàn, lạnh lẽo. Để bù đắp những mất mát hy sinh, an ủi đồng đội còn nằm lại chiến trường. Anh cùng các bạn lính trên mọi miền đất nước bắt tay xây dựng gắn kết những người lính đã từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên thành một khối đại đoàn kết với tên gọi “CLB - HÀ GIANG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ”. Huy động mọi nguồn lực xây dựng Đài Hương 468, làm tuyến đường từ của khẩu lên đến Đài hương. Đài hương  trang nghiêm, uy nghi sừng sững giữa đỉnh đồi nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất thủa xưa, Đài hương cũng là nơi để linh hồn đồng đội có chốn đi về, cùng hàn huyên chia sẻ. Hàng năm vào ngày Mười hai, tháng Bảy các anh đều tổ chức Đại lễ cầu siêu cho đồng đội tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên. Câu lạc bộ của các anh hoạt động rất tích cực, giúp đỡ được rất nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ cả những hoàn cảnh khó khăn ngoài lính.

Điển hình, trong năm 2018. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi mười một ngôi nhà của mười một hộ dân tại thôn Cóc Nẻ, Linh Phú, Vị Xuyên, Hà Giang, sau khi đến tận nơi thẩm định, các anh đã cùng nhau kêu gọi sự ủng từ mọi nguồn lực, hoàn thiện mười một căn nhà và mua sắm đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết giao lại cho chính quyền để tặng lại cho dân. Từ điểm xuất phát đầu tiên đó, đến nay các anh đã xây dựng, sửa sang làm mới lại gần chục ngôi nhà mang tên “NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI ở các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thanh Hóa... Đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Đặc biệt là các anh đã làm nhà và nhận chăm sóc cụ già neo đơn không nơi nương tựa.

Tại Tuyên Quang, cùng với Công ty “Sữa cho tương lai” nơi hiện tại anh đang công tác đã đỡ đầu cho Trường Tiểu học Phúc Ứng Sơn Dương. Hiện tại anh cùng chị Mỹ Lệ công tác tại Chi cục Thuế tỉnh Tuyên Quang phối hợp cùng chính quyền, địa phương  đang đứng lên kêu gọi chung tay giúp đỡ thi công sửa mới hoàn thiện ngôi nhà cho chị Nhung ở Ghềnh Gà, thị trấn Yên Sơn.

Anh cùng ba đồng đội thành lập NHÓM QUỐC KỲ. Vào mỗi dịp cuối năm, nhóm của anh lại mang những lá cờ đỏ, sao vàng tặng các điểm trường nơi biên cương Tổ quốc, tặng cho đồng bào dọc tuyến biên giới Việt - Trung.  Vào giữa năm 2022 các anh đã mang hai nghìn lá cờ đến tặng nhân dân huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi.

Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay tại đường biên nơi phân biệt địa danh của hai đất nước đã phần nào khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khẳng định tình yêu quê hương của người Việt Nam. Như một lời tuyên bố mảnh đất có Quốc kỳ tung bay là bất khả xâm phạm.

Tôi hỏi thăm về tình hình sức khỏe, anh bảo; Sức khỏe của anh chưa ổn vì mầm mống ung thư không thể tiêu diệt hoàn toàn, cứ một thời gian anh lại phải vào viện phẫu thuật Polits, khi có dấu hiệu xấu là lại truyền hóa chất... Mà thôi, còn khỏe ngày nào anh còn làm việc thiện ngày đó. Ngoài kia còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay của cả cộng đồng, cần những người có tâm giúp đỡ họ. Anh chỉ dừng lại khi nào không thể đi được nữa. Chỉ mong ước làm sao cho mọi người ai cũng bớt khó khăn, bớt khổ, bớt đói nghèo, cuộc sống ngày một tốt lên. Và mong ước lớn nhất của anh là có thật nhiều sức khỏe và giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh.

Chia tay anh nắng đã phai, gió bắt đầu se lạnh. Anh khoác vội chiếc áo vẫn dáng vẻ nhanh nhẹn của người lính, anh bảo: Anh phải đến chỗ thi công xem anh, em chở vật liệu về thế nào, đã đủ chưa còn giao cho bên thi công. Nhìn theo chiều bước của anh, lòng tôi dâng lên một nỗi niềm khó tả. Anh! một cựu chiến binh đã ngoài sáu mươi tuổi, đã nghỉ hưu lại mang trong mình mầm mống căn bệnh ung thư. Anh đủ điều kiện để nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống an lành vui cùng con cháu.

Nhưng anh chọn cuộc sống lao động. Hàng ngày anh vẫn lăn lộn, làm việc hết sức mình cho công ty “SỮA CHO TƯƠNG LAI” với 100% vốn nước ngoài, sức ép công việc không hề đơn giản đối với Doanh nghiệp. Sức lực, năng lượng còn lại trong cơ thể bao nhiêu anh lại dùng vào việc thiện, đem tình thương yêu lan tỏa tinh thần đến với những hoàn cảnh khó khăn, đến những địa chỉ cần giúp đỡ. Đôi chân của người lính đã đưa anh vượt qua bao núi đồi, bao nhiêu địa phương, bao nhiêu khó khăn thử thách để bền lòng, vững chí. Ý chí đó có chăng được hun đúc  trong trái tim của những người lính Cụ Hồ.

Bất chợt, tôi quay lại phía sau, bốn cô cậu ban đầu vẫn ngồi yên đó dường như các bạn trẻ yên lặng để nghe trọn vẹn câu chuyện của tôi với anh… Họ lần lượt đến bên tôi chào hỏi xã giao, một bạn trong số đó nói “Cô ơi, cô cho cháu xin số điện thoại của chú vừa nói chuyện với cô?” Tôi cười: “Để cô hỏi chú nếu chú đồng ý thì cô gửi cho”. - “Vâng ạ, cô cố gắng giúp chúng cháu nhé!”. Chia tay các bạn với những lời cảm ơn. Nhìn theo các bạn trẻ, tôi bỗng thấy vui đến lạ thường, tôi tin các bạn sau này trở thành những công dân tốt, tôi rất tin điều đó.

Dắt xe ra khỏi quán, đèn đường màu vàng đã buông tự khi nào, con đường hôm nay rất vắng vẻ, thênh thang. Trước khi về nhà, tôi ghé qua Quảng trường Nguyễn Tất Thành, dưới chân tượng đài một cuộc sống sinh động bắt đầu vào nhịp thở. Các bà, các chị đang say sưa với điệu nhảy Dân vũ chuẩn bị cho ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân” các cháu bé vừa đạp xe vừa chuyện trò cười đùa lanh lảnh. Tôi chọn một ghế đá để ngồi và quay chậm lại thước phim vừa mới quay.

Tin tức khác