Ký ức miền văn hóa

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 10:00| 389 lượt xem

Bút ký của Xuân Đặng

Minh họa của Ngọc Điền

 

 

Vào những năm cuối thập niên 1980 đất nước ta còn nghèo do sự cấm vận rất nghặt nghèo của Mỹ và các nước phương Tây, nguồn ngân sách chi cho các ngành duy trì hoạt động rất hạn chế, đặc biệt là các ngành hoạt động xã hội cộng đồng như Văn hóa, Thể thao, Y tế và một số ngành nghề khác. Lương cán bộ đã rất ít ỏi lại thường xuyên chậm trễ hoặc nợ lương hàng tháng diễn ra thường xuyên, liên tục. Trước tình hình đó Nhà nước có chủ trương “Chống quan liêu bao cấp”, “Chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường” kêu gọi các cơ quan nhà nước “Tự chủ”, nghĩa là “Tăng thu giảm chi”, hoặc là “Thu lấy mà chi”. Thu được nhiều thì chi nhiều, thu được ít thì chi ít, nếu thu ít quá không đủ trả lương cho cán bộ thì có thể giải thể. Vậy là một số ngành phải giải thể vì thu không đủ chi như ngành Công thương nghiệp, ngành Lương thực và một số ngành nghề khác. Trong bối cảnh đó ngành Văn hóa, Thể thao gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động nghiệp vụ. Ngay cả các đoàn văn công, các đội chiếu bóng là các đơn vị có thu ngay từ khi mới thành lập thì nay cũng rất khó hoạt động vì thu không đủ chi, càng đi phục vụ nhiều càng lỗ nên bị ngừng trệ, giải thể hoặc thu gọn khá nhiều. Ngành Văn hóa, đặc biệt là cấp huyện cùng lúc thực hiện hai giải pháp là “Tinh giảm biên chế” và sáp nhập với các cơ quan khác để giảm thiểu lãnh đạo tiết kiệm chi cho ngân sách. Cụ thể ngành Văn hóa sáp nhập với Thể thao, Y tế làm một. Tại sao có sự oái oăm vậy? Văn hóa, Thể thao có liên quan gì đến Y tế mà bắt ba anh này vào ở chung một nhà để rồi ông chẳng bà chuộc cãi nhau om tỏi còn làm ăn được gì. Nhưng các nhà tổ chức giải thích rằng: Ba anh này có chung mục đích là bảo vệ và chăm lo sức khỏe con người. Này nhé. Anh Văn hóa thì chăm lo cho cái tinh thần, tư tưởng của quần chúng nhân dân. Tinh thần, tư tưởng có tốt thì sức khỏe mới tốt để học tập và làm việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Anh Thể thao cũng chăm lo sức khỏe cho con người là rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe dẻo dai để lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Anh Y tế cũng chăm lo sức khỏe con người nhưng bằng cách khác. Đó là trị bệnh cứu người, đẩy lùi mọi bệnh tật ra khỏi đời sống của nhân dân với tinh thần “Một người khỏe là cả nước khỏe một phần” như lời Bác Hồ dạy. Đứng về khía cạnh nào đó thì cái lý của các nhà tổ chức cũng đúng. Thế là ba anh nọ dù muốn hay không cũng phải vào sống chung một nhà cho dù chả anh nào hiểu anh nào, chả anh nào hợp “rơ” với anh nào. Thế là mỗi đợt tổng kết cuối năm cãi nhau um củ tỏi, anh nào cũng cho rằng mình có công nhiều hơn, lập thành tích xuất sắc hơn. Rốt cuộc anh nào có người của ngành mình làm Giám đốc thì anh ấy thắng, mặc dù hai anh kia cũng có người đứng trong lãnh đạo nhưng chỉ là cấp phó nên dù có to mồm đến mấy cũng chịu đứng sau ông trưởng. Thế rồi cái bùng nhùng đó cũng sớm được tháo gỡ, chỉ vài năm tổ chức nhận ra điều bất cập ấy liền tách anh Y tế ra và để hai anh Văn hóa và Thể thao ở lại tiếp tục “Kết hôn” với nhau.

Trong bối cảnh đó Nhà văn hóa tỉnh (Sau đổi tên là Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Triển lãm tỉnh) do anh Nguyễn Việt Hưng làm Giám đốc. Các anh đã sáng tạo ra nhiều chương trình phục vụ có thu cho cơ quan và làm mẫu cho các nhà văn hóa huyện, thị, trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Thấy Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức biểu diễn có thu tốt, đặc biệt là tổ chức chiếu video tại Trung tâm hằng đêm phục vụ nhân dân trong và ngoại vi thị xã. Trung tâm Văn hóa Yên Sơn cũng học hỏi và làm theo. Trung tâm cũng xây dựng một chương trình ca, múa, nhạc, kịch. Để đi phục vụ có thu, tức là bán vé thu tiền. Phần ca nhạc gồm các “ca sĩ” của trung tâm và tuyển chọn các giọng hát hay của cơ sở lên. Phần kịch đã có sẵn của trung tâm, riêng ban nhạc gồm bộ trống Jazz và hai ghi-ta điện thì nhờ Trung tâm Văn hóa tỉnh giúp đỡ cả nhạc cụ và nhạc công. Nhạc cụ của Trung tâm Văn hóa Yên Sơn có Accordion, sáo, đàn bầu. Đêm biểu diễn đầu tiên chúng tôi tổ chức phục vụ tại xã Phú Lâm cách huyện lỵ chừng gần mười cây số. Cũng quảng cáo rầm rộ bằng cách dán áp phích và phát loa trên xe ô tô đi khắp xã để đồng bào biết đến xem. Cái quan trọng nhất là để đồng bào biết là chương trình có bán vé thu tiền mà chuẩn bị tiền từ nhà kẻo đồng bào đến xem không mang tiền thì rất khó xử lý cho chúng tôi. Hồi ấy Trung tâm Văn hóa Yên Sơn chưa có máy nổ, chúng tôi nhờ anh Sự là con trai của ông Tâm, ông Tâm là nhân viên chuyên tăng âm, ánh sáng của đoàn Chèo Tuyên Quang. Anh Sự chuẩn bị khá nhiều ác quy ô tô được nạp đầy điện, hơn chục bóng đèn chiếu sáng loại 12V. Chúng tôi rất e ngại vì có thể nguồn điện ác quy không đủ cung cấp cho nguồn ánh sáng và tăng âm để phục vụ đến hết buổi diễn nhưng anh Sự thề sống thề chết là đảm bảo cho buổi diễn suôn sẻ. Thế là buổi diễn vẫn được tiến hành. Khâu bảo vệ trật tự đã được Ủy ban nhân dân xã ủng hộ cử công an viên cùng dân quân ra giúp không lấy tiền công. Cuối buổi chiều hôm ấy tất cả anh em trong Trung tâm Văn hóa huyện kéo nhau vào xã Phú Lâm chuẩn bị cho buổi diễn. Người làm sân khấu, bố trí tăng âm ánh sáng, người chuẩn bị bàn bán vé, soát vé như một đoàn văn công thực thụ. Đến tối bà con kéo đến xem rất đông, mua vé rất trật tự, riêng trẻ dưới mười hai tuổi không thu tiền. Có điều không có sân khấu nổi, phải biểu diễn ngay trên mặt đất sân trường học, chỉ đóng cọc chăng dây quy định không gian sân khấu để khán giả biết mà ngồi tách biệt ra dành chỗ cho diễn viên biểu diễn. Buổi diễn bắt đầu khá suôn sẻ, tăng âm tốt, ánh sáng tuy yếu nhưng cũng tạm chấp nhận được. Bộ trống Jazz khá cồng kềnh gồm một trống cái, hai trống trung, một trống tum, hai xanh pan một đơn một kép, một mõ. Người đánh phải dùng cả hai chân hai tay và phải rất linh hoạt để giữ nhịp cho cả dàn nhạc và ca sĩ. Người điều khiển bộ trống là anh Nguyễn Vũ Phan. Anh đánh trống khá điêu luyện, cũng múa dùi, cũng đung đưa nhún nhẩy theo giai điệu bài hát. Khán giả xem rất trật tự, chăm chú theo dõi từng tiết mục ca nhạc như nuốt lấy từng lời. Khoảng ba mươi phút sau thì có sự mất trật tự bắt đầu, tiếng ồn ào nổi lên mỗi lúc một dữ dội hơn rồi trẻ em tràn lên sân khấu vây quanh bộ trống Jazz tỏ ý vô cùng ngưỡng mộ người nhạc công đánh trống mà bỏ mặc ca sĩ muốn hát gì thì hát. Đám đông trẻ em tràn lên sân khấu càng ngày càng đông choán gần hết sân khấu làm cho các ca sĩ không còn chỗ biểu diễn phải lui vào phía trong. Các bảo vệ viên cũng phải lên “dẹp loạn” rất vất vả vẫn không dẹp được đám hỗn quân hỗn quan ấy. Thế rồi cái gì phải đến đã đến. Tăng âm, ánh sáng yếu dần, yếu dần rồi tắt hẳn. Tất cả chìm trong màn đêm tối om chỉ còn những ánh đèn pin của khán giả quét qua quét lại đến lóa cả mắt. Chúng tôi đành phải cử một người to mồm nhất đứng ra đưa hai bàn tay chắp lại thành cái loa và nói như gào xuống khán giả xin lỗi và thông báo buổi biểu diễn phải dừng lại do sự cố “hết điện” mong bà con thông cảm, tối hôm sau chúng tôi sẽ diễn bù không bán vé thu tiền. Bà con la ó ầm ầm, đã có những lời tục tĩu văng ra. Tôi phải động viên anh em:

- Lỗi này là lỗi của chúng ta vì chúng ta không chuẩn bị kỹ càng, lại quá tin vào lời khẳng định như đinh đóng cột của “kỹ sư” ánh sáng nên tất cả phải im lặng, dù thế nào cũng không được phản ứng bất nhã với khán giả.

Ngày hôm sau chúng tôi về điều đình với đội chiếu bóng mượn cái máy nổ đem đi phục vụ biểu diễn. Có điều máy nổ của đội chiếu bóng là máy của Liên Xô chế tạo vừa to, vừa nặng lại có công suất nhỏ, có bảy trăm năm mươi Watt chỉ đủ thắp sáng cho bốn bóng điện loại một trăm Watt, số còn lại dành cho tăng âm. Được đội Chiếu bóng đồng ý, chúng tôi làm lại từ đầu, cho ô tô đi quảng cáo nói rõ cho bà con biết chúng tôi đã có máy phát điện khắc phục được sự cố “hết điện” không để xảy ra hỗn loạn như tối hôm qua nữa và không bán vé thu tiền. Bà con lại đi xem rất đông. Đêm biểu diễn hôm ấy thành công tốt đẹp. Sau buổi biểu diễn ông Trưởng ban Văn hóa xã khẩn khoản mời đoàn tối mai vào diễn ở địa điểm cuối xã cho bà con mấy thôn bản xa trung tâm xã được xem, chúng tôi nhận lời và về chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho buổi diễn. Rất may buổi diễn ấy rất suôn sẻ được bà con nhiệt liệt hoan nghênh.

Một lần khác Trung tâm Văn hóa Yên Sơn được Trung tâm Văn hóa tỉnh mời lên biểu diễn tại hội trường Trung tâm theo kế hoạch mỗi năm các Trung tâm Văn hóa huyện thị phải tổ chức biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh từ một đến hai lần. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này chúng tôi chuẩn bị kỹ càng hơn, dựng hẳn một vở hài kịch ngắn hơn ba mươi phút về đề tài chống tham nhũng, vở kịch có tên “Con chó bông vàng” do tôi sáng tác và đạo diễn. Rất may hồi ấy có anh Vũ Xuân Hớn là cán bộ văn hóa của huyện Vũ Thư - Thái Bình không biết vì lý do nào đó anh định xin chuyển công tác lên Trung tâm Văn hóa Yên Sơn. Anh vừa có giọng hát hay vừa diễn kịch  tốt, tôi nhắm anh vào vai nam chính trong nhân vật ông Giám đốc một xí nghiệp lớn của tỉnh. Số nhân vật còn lại tôi lấy tốp văn nghệ của Công ty Chè Sông Lô. Trong số ấy có cô Hồng Châu cũng vừa hát vừa kịch rất tốt, là cộng tác viên tích cực của Trung tâm Văn hóa huyện. Chương trình ca nhạc do các “ca sĩ” của Trung tâm và tuyển chọn một vài giọng hát hay ở cơ sở lên đảm nhiệm. Sau mười ngày luyện tập chương trình khá nhuần nhuyễn chúng tôi báo lên Trung tâm Văn hóa tỉnh ấn định đêm biểu diễn có thu. Địa điểm biểu diễn là hội trường của “Câu lạc bộ văn hóa” xưa để lại có diện tích khá khiêm tốn lại được kê ghế băng cho khán giả ngồi. Thường ngày Trung tâm Văn hóa tỉnh dùng làm nơi chiếu video phục vụ khán giả thì vừa đủ nhưng đây là buổi biểu diễn nghệ thuật, mặc dù ở cấp huyện lên nhưng mang tên “Đêm biểu diễn nghệ thuật: Ca, nhạc, kịch” nên có phần mới lạ đã thu hút được lượng lớn khán giả nơi trung tâm thị xã. Lúc đầu chúng tôi rất lo lắng không biết khán giả có đến xem không. Nhưng càng ngày càng đông đến nỗi phải tranh nhau mua vé vào xem, vào hội trường rồi lại tranh nhau chỗ ngồi gây ra vài cuộc cãi cọ nhau nho nhỏ.

Trước khi vào buổi diễn anh Đào Duy Hưng là Tổ trưởng tổ thể thao kiêm cố vấn ban lãnh đạo đi phát cho các đại biểu mời và một số khán giả số báo Tuyên Quang mới nhất có đăng bài giới thiệu về tôi, bài báo khá dài, kín một trang báo do phóng viên Kim Thu thực hiện. Sau đó buổi diễn bắt đầu bằng chương trình ca nhạc khá tốt đẹp, khán giả chăm chú đón xem và cổ vũ rất nhiệt tình. Thế nhưng đến phần biểu diễn hài kịch thì khác hẳn. Cái trật tự ban đầu không còn nữa, thay vào đó là những tràng cười khi khúc khích, khi rộ lên át cả lời thoại trên sân khấu bởi thời đó chưa có Micro cài cổ áo như bây giờ. Các đoàn nghệ thuật lớn thì dùng các loa nhỏ cỡ cái bát ăn cơm bọc vải treo lên làm Micro thu thanh qua máy tăng âm phát ra loa, các đoàn văn nghệ quần chúng chỉ có cách đặt mấy Micro thành một hàng phía trước hoặc diễn viên phải cầm tay. Cả hai cách này đều gây ra những sự bất tiện trên sân khấu. Cách để Micro một chỗ thì tiếng bập bõm lúc diễn viên đứng gần Micro thì rõ, đứng xa thì không thu được. Cách diễn viên cầm Micro thì dây rợ loằng ngoằng hạn chế rất nhiều đến hành động và biểu cảm của nhân vật. Rất may buổi diễn trong hội trường có mái che, tường kín nên chỉ cần khán giả trật tự và diễn viên nói to lên là được. Được cái câu chuyện kịch khá hấp dẫn, nội dung đề cập đến vấn đề chống tham nhũng đang rất hót, rất nóng hổi trong xã hội.

Vở hài kịch ngắn khép lại cũng là lúc kết thúc buổi biểu diễn, tất cả khán giả đứng lên vỗ tay ầm ầm rồi lục tục ra về trong tiếng xuýt xoa luyến tiếc.

Sáng hôm sau anh Thái Hòa là nhạc công ghi-ta và là nhân viên của Tung tâm Văn hóa tỉnh xuống trả một số dụng cụ sân khấu mượn của Trung tâm Văn hóa Yên Sơn, anh nói:

- Buổi diễn tối qua của Yên Sơn rất thành công, vở kịch đã đánh một đòn rất đúng và trúng vào tệ nạn tham nhũng trong xã hội hiện nay, chương trình rất xứng đáng đồng tiền bát gạo mà khán giả đã bỏ ra mua vé. Có điều trong phòng khán đài gẫy rất nhiều ghế, chiều nay cả trung tâm lại xúm vào dọn dẹp hội trường và đóng sửa lại những ghế đã gẫy để phục vụ cho buổi chiếu video tối nay.

Rất tiếc kế hoạch mỗi Trung tâm Văn hóa huyện thị trong tỉnh biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Triển lãm tỉnh một năm hai lần đã không thực hiện được vì lí do nào đó. Nếu duy trì được kế hoạch hoạt động này thì đây chính là đòn bẩy để thúc đẩy hoạt động văn hóa của tỉnh nhà lên một tầm cao mới, thực hiện được tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là “Tăng cường hoạt động văn hóa cơ sở, đưa văn hóa về với nhân dân, đặc biệt là nhân dân các dân tộc vùng sâu vùng xa”. Dù sao chương trình biểu diễn nghệ thuật ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và những người làm công tác Văn hóa tỉnh nhà.

X.Đ

Tin tức khác