Hương chè Khau Mút

Thứ năm, ngày 17-08-2023, 10:00| 717 lượt xem

Ghi chép của Hà Anh

 

Ai ơi lên đến Thổ Bình

Uống chè Khau Mút nghĩa tình người Dao.

 

Khau Mút là một vùng đồi núi cao trung bình khoảng 1.000 m so với mặt nước biển, thuộc xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình. Nơi đây xưa kia có khoảng 200 hộ bà con dân tộc Dao Đỏ sinh sống. Thực hiện đường lối định canh định cư xóa đói giảm nghèo bà con xuống định cư tại thôn Hạ Sơn, xã Thổ Bình. Đời sống bà con đã khá hơn nhiều và Khau Mút vẫn là nơi bà con làm nương, trồng và thu hái chè Shan tuyết trồng từ hàng trăm năm  trước. Trời cho một vùng  Khau Mút mát mẻ quanh năm và những cây chè Shan tuyết cổ thụ do bà con Dao Đỏ trồng là vốn quý có một không hai của Thổ Bình.

Cậu Tân người Thổ Bình chính gốc bảo tôi:

- Không biết ai nghĩ ra câu thơ ấy, cũng hay anh nhỉ. Người Dao sống tình cảm lắm. Anh lên Thổ Bình mà chưa lên Khau Mút là chưa biết Thổ Bình.

Từ lâu tôi đã nghe tiếng chè Khau Mút mà chưa một lần mục sở thị. Tôi đã từng thưởng thức chè Tân Cương Thái Nguyên, chè Lũng Phìn Hà Giang, chè Suối Giàng Yên Bái. Sinh ra từ vùng quê lúa Thái Bình, nơi chỉ thấy chè tươi, còn chè mạn quý lắm người ta biếu nhau từng lạng. Lớn lên theo chính sách của Đảng và Chính phủ, gia đình tôi lên khai hoang ở Tam Đa, Sơn Dương. Chè Sơn Dương ngon lắm. Chè mà  trồng trên đất đá ong, pha nước giếng đá ong vị ngọt đậm đà, không sao mà quên được, nhất là pha nước mưa thì thật là một tuyệt tác. Tôi đã  từng cuốc đồi trồng chè, dãy cỏ chè, hái từng búp non về xao khô trong chảo gang. Vì vậy tôi nghiện chè và nhớ hương chè ngào ngạt lúc xao xong đến nao lòng.

Lần này lên chơi Thổ Bình đúng vào mùa xuân, tôi hạ quyết tâm phải lên bằng được Khau Mút.

Buổi tối, cơm nước xong, cậu Tân pha chè. Tân bảo chè Khau Mút đấy, nhưng chỉ còn chè bồm thôi. Vừa pha xong đã thấy hương chè thơm lừng. Tôi bưng chén nhấp thử thấy vị ngọt lan ra từ đầu lưỡi, càng nhấp càng thấy ngọt, ngọt đư đứ trong miệng, vị ngọt rất riêng hình như chưa gặp bao gìờ. Tôi nghiêng nghiêng chén chè, nước chè sóng sánh vàng, nhấp vào ngọt ngọt nơi đầu lưỡi. Tôi rất sành uống chè, mà chè uống ngon nhất là sau bữa cơm có cá thịt tanh tanh, thích nhất là sau khi đã phê phê một vài chén rượu, mấy bạn bè ngồi mà nhẩn nha uống, chem chép miệng nó mới ngọt. Tôi đã từng nghe trà đạo Trung Hoa, Nhật Bản… nhưng cái anh chè  ta là khoái nhất. Sau bữa tiệc, nhất là sau khi đã tưng tửng mấy chén rượu rồi mà chiêu mấy ngụm chè đặc sản hỏi có gì bằng? Tôi nghĩ thầm chè bồm mà ngọt thế này chè xuân phải ngon biết chừng nào. Biết ý tôi, Tân bảo:

- Chè xuân có rồi đấy. Mai anh lên Khau Mút là gặp chè xuân. Tôi vỗ đùi:

- Hay rồi, quyết tâm lên Khau Mút nhé!

Sau mấy lần lỗi hẹn, lần này tôi quyết tâm đi bằng được. Bảy giờ ba mươi phút sáng, tôi, cậu Tân và Phùng Tiều

Thành - một thanh niên người Dao Đỏ thôn Hạ Sơn hăm hở lên đường sau khi đã làm một tô bún vào bụng. Sáng mùa xuân mát mẻ lòng người phới phới, chim hót ríu ran. Tôi lắng nghe tiếng chim câu gù ấm áp, tiếng tu rúc gõ vào vách đá, rồi tiếng chim sáo, chào mào, chích chòe, khiếu ríu rít. Đâu đó tiếng những con chim cổ trắng gọi nhau bay về phương Bắc. Đường lên Khau Mút, từ trung tâm xã Thổ Bình khoảng 10 km, nhưng phải leo lên độ cao  hơn 800 m. Chúng tôi đi theo lối mòn, có chỗ nước chảy trơ ra những tảng đá chắn ngay đường đi, phải vòng ra sau tảng đá mới đi được. Nhiều đoạn chỉ vừa lốt chân trâu. Thành bảo năm ngoái có con trâu rơi xuống khe đá không kéo lên được, dân làng phải hò nhau thịt, xả ra rồi khiêng xuống. Chúng tôi bắt kịp hai vợ chồng người Dao cũng lên nương, vừa thở vừa hỏi thăm, ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Một cây gì không rõ tên, lá đỏ trải đầy lối đi, tôi thốt lên:

- Đẹp quá, ngồi nghỉ một lát đã. Giữa rừng cây xanh lại có một cây lá màu đỏ hơi tím càng làm nổi bật vẻ đẹp con đường lên Khau Mút. Thành bảo trên kia có một tổ ong rừng, sâu trong khe đá, chỉ nghe thấy tiếng ù ù, bao nhiêu người cố tình lấy mà không được. Tiếp tục lên đường, tôi nhặt một cây gậy, bỏ áo ngoài đã ướt sũng vào ba lô, tiếp tục bám theo Tân và Thành. Chốc chốc  lại  phải nghỉ, có chỗ phải vịn vào cây bên đường mà kéo, hoặc bám vào gờ đá leo lên. Rừng càng ngày càng rậm, nhiều cây to đứng sừng sững ngay lối đi. Thành kể:

   - Bản cháu ngày xưa ở trên này, khổ lắm bác ạ, điện không có, đường cũng chỉ là đường mòn. Mùa mưa lũ không đi được. Mùa khô thì không có nước. Dân bản chủ yếu phá rừng làm nương, năm nào được mùa thì no, còn là đói lắm. Nhà nước vận động định cư tại thôn Hạ Sơn, cả bản xuống hết. Bây giờ bà con tiến bộ lắm. Nhà cháu có cả tivi, xe máy. Bà con đã thấy hết cái lợi của định canh định cư rồi không ai phá rừng nữa. Trên đó giờ không có ai ở cả, chè trồng lâu lắm rồi, giờ bỏ mọc tự nhiên, có dự án mới trồng thêm một ít, nhà cháu trồng được vài héc-ta. Trên đó bố mẹ cháu trông trại và hái chè thôi.

  Ngồi trên mỏm đá nghỉ chốc lát, tôi nhìn xuống đồng ruộng Thổ Bình thấp thoáng đẹp như tranh. Leo hai chập nữa, chừng như tôi đã hết kiên nhẫn thì cậu Tân kêu lên:

- Đến Khau Mút rồi đấy!

Không khí có vẻ mát hẳn lên. Thấp thoáng, tôi đã nhìn thấy những cây chè đang vươn lên. Thành bảo chè mới trồng đấy, chè Shan tuyết cũ còn ở mãi trên cao. Xuống dốc một quãng ngắn, tôi nhìn thấy một cái lán nhỏ, mấy con lợn chạy thụt vào bụi. Một con trâu đang dầm trong thửa ruộng trước mặt. Tân bảo:

- Trâu nhà ông Lượt đấy, thả ở đây quanh năm, mùa mới bắt về làm, còn mấy con của mấy nhà nữa.

Vào nhà rồi, Thành bảo:

-  Bố mẹ cháu chắc đi hái chè. Để cháu đun nước pha chè rồi nấu cơm, cá cháu nhốt sẵn rồi. Tôi  ngạc nhiên:

- Trên núi mà có cá à?

 Thành chỉ tủm tỉm cười - Cái cười hiền lành của người trai bản Dao

 - Có bác ạ.

Nước đã sôi sục trên bếp. Thành rửa sạch ấm chén rồi pha chè. Ôi có ngồi trên đỉnh Khau Mút, uống chè Khau Mút mới thấy hết thú vị của miền sơn cước. Chè này khi pha không phải tráng vì tuyệt nhiên không dùng một tí phân hay thuốc trừ sâu nào, chỉ có đất núi và hương trời Khau Mút. Hương chè lan tỏa trong gió xuân mơn man, vị chè ngòn ngọt xua tan đi bao mệt nhọc lúc đi đường. Mà sao chè Khau Mút được nước thế? Đến nước thứ ba vẫn ngọt đậm đà, hiếm có loại chè nào được như vậy. Trong lúc Tân đi lấy rau dớn, Thành lấy cá ngoài ruộng về, tôi men ra sau lán lên đồi. Ôi cơ man nào là chè: Chè trên đồi, chè ven ruộng, chè quanh những dấu nền nhà còn lại, chè thấp thoáng trong rừng. Tôi nhằm mấy cây chè to nhất. Thân cây to cỡ nồi cơm điện, thân mốc trắng loang lổ nấm mốc, địa y. Búp chè xanh mơn mởn vươn  lên trong nắng xuân. Búp chè to lắm, có búp to gần như đầu đũa, mập mạp hai lá, ba lá, phơn phớt trắng. Quay về lán đã thấy hai bố mẹ Thành vác hai bao chè vừa hái trên đồi về. Ông Tiều - bố Thành - lấy hai cái nong đổ ra, đầy hai nong. Những búp chè tươi nguyên, non như ngọn rau muống ngập lụt. Ông Tiều bảo ăn cơm đã, để chè ráo nước rồi xao suốt bác ạ. Cơm với cá nướng, rau dớn Khau Mút, thịt bò chúng tôi mang lên, sao mà ngon thế. Bao mệt nhọc leo dốc như tiêu tan hết. Sau bữa ăn ông Tiều bưng chén chè mời. Chén chè xuân sau bữa cơm cá, sau một cuộc leo núi đã đời,  giữa trời mây Khau Mút có lẽ là tuyệt đỉnh của thú vị miền núi. Tôi bảo:

- Đây là lần thứ ba uống chè Khau Mút. Cậu Tân nhanh mồm:

- Dân thành phố các anh, ngay cả dân Chiêm Hóa, Lâm Bình cũng ít được uống chè này lắm. Chè này càng uống vào  càng ngọt đậm, đến nước thứ ba vẫn ngọt, hiếm có loại chè nào được nước như thế, mà lại không hề phun tí thuốc sâu nào.

Nghỉ một  lát, ông Tiều bắt đầu quay chè. Bà con ở đây đã dùng lò quay kiểu mới lâu rồi không phải xao bằng chảo gang nữa. Tôi nhớ ngày còn bé, mùa hè mà xao bằng chảo gang được một cân chè quả là kì công và cực kì nóng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mà mùa hè chè mới nhiều, dân làm chè vất vả là thế.

Sau khi Thành đã nhóm lò nóng rực, ông Tiều cho chè vào quay. Vừa vò chè bà Tiều vừa bảo chúng em làm chả kịp bán, đến đâu hết đến đấy. Chè vò xong, đổ ra nong cho se nước, trông như rau muống non luộc, hương chè, hương trời như cuộn vào, cuộn vào trong búp chè. Mười lăm phút sau, Thành cho chè vào quay đều, quay liên tục đến khi khô thì mới thôi. Cả gian lán ngào ngạt hương chè, một không khí say say, thơm thơm, thơm đến nồng nàn. Nghe tiếng cọng chè roong roong trong lò, chừng như chè đã khô, ông Tiều đổ ra nong, tôi vụm bàn tay nâng vốc chè lên, từng cọng chè vẫn nóng hổi xoăn tít vào, ánh lên hơi mốc trắng, mười cọng như một. Đưa sát vào mũi, tưởng như hương chè, hương trời Khau Mút đọng cả trên tay. Trong lúc đó ông Tiều lại tiếp tục quay mẻ khác… Hương chè Shan tuyết thơm nồng cộng với rượu men lá và đi đường mệt mỏi khiến tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Lúc tôi bừng tỉnh dậy thì ông Tiều đã xao xong được đúng hai cân. Ông bảo:

- Người ta hẹn rồi nhưng bác lên tận đây để bác lấy trước, mai vợ chồng em lại đi hái tiếp.

Thành ở lại với bố mẹ để mai còn hái chè. Tôi với cậu Tân xuống núi. Trời đã vàng vàng. Tôi nhìn những cây chè vàng tươi trong nắng chiều xuân mà nghĩ đến mai sau, rừng chè Khau Mút sẽ bạt ngàn nơi đây. Chè Khau Mút sẽ thành thương hiệu nổi tiếng của Chiêm Hóa, của Tuyên Quang, của cả nước nữa chứ. Chè Khau Mút sẽ đem lại công ăn việc làm cho bà con người Dao, mang hương trời Khau Mút thấm đẫm tình cảm của bà con dân tộc Dao đến mọi miền Tổ quốc. Chè Khau Mút sẽ làm giàu, làm đẹp cho Thổ Bình, cho  Lâm Bình và cho cả Tuyên Quang nữa. Du lịch đang phát triển, trong tương lai sẽ hình thành tuyến đường khám phá, trải nghiệm Khau Mút. Tạm biệt ông bà Tiều, tạm biệt Khau Mút, chúng tôi bắt tay ông thật chặt, hẹn có ngày gặp lại.

H.A

Tin tức khác