Đình Thọ Vực - nơi tưởng nhớ ba vị thánh đế

Thứ sáu, ngày 24-03-2023, 09:49| 2.071 lượt xem

 

Đỗ Anh Mỹ

 

Tín ngưỡng là đức tin của con người đối với lực lượng thần bí, trong đó có thế giới tâm linh. Từ tín ngưỡng khác nhau, con người có những hoạt động tinh thần trở thành tục lệ khác nhau, thể hiện đức tin của mình. Nhân về lễ hội đình Thọ Vực, tưởng nhớ công đức tam vị đại vương thánh đế xin có đôi dòng bàn về tín ngưỡng và tục lệ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người có công của người Việt Nam.

 

Ngày nay, trong cuộc cạnh tranh văn hóa du lịch, dân tộc nào, miền đất nào, quốc gia nào đánh mất bản sắc văn hóa, coi như tự đánh mất mình. Tục lệ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người có công của người Việt có truyền thống hàng ngàn năm. Nhiều hoạt động lễ hội thờ cúng ở các địa phương được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia phi vật thể, trong đó có Lễ hội Đình Thọ Vực. Tùy theo phong tục, tập quán ở vùng miền khác nhau, cùng với điều kiện địa lý, thiên nhiên, thời tiết và năng lực giải thích thế giới tự nhiên của con người, mà con người có quan niệm, hay gọi là tín ngưỡng khác nhau. Các nước phương tây, nơi thời tiết hai mùa khắc nghiệt, thiên tai địch họa bất thường. Con người tin có chúa trời. Họ lập nhà thờ, thờ chúa, gọi là nhà chung, cầu cho lúc sống ở đời được chúa che chở, khi vãn hồi vô thường, linh hồn sẽ được đón về cưu mang trong vòng tay của chúa. Lại có bộ phận nhân loại tin có Đức phật từ bi độ trì cho kẻ yếu người hèn, cưu mang linh hồn người quá cố. Họ lập ra hệ thống nhà chùa, giáo phái, giáo pháp để tập hợp, giáo dục các tăng ni, phật tử, chân tu nỗ lực làm điều thiện, điều tâm phúc, tránh xa tội đồ, tránh xa dục vọng, tiền tài, tham muốn quyền lực để khi rời cõi vô thường, linh hồn được về ăn mày cửa phật, được các vị bồ tát giang tay che chở.

Một bộ phận đồng bào sinh sống ở nơi vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, du canh du cư, ít có điều kiện xây dựng ngôi nhà chung, thì mỗi năm, đến tiết thanh minh, con cháu đem lễ vật, dụng cụ canh tác, trâu bò gà lợn con giống đến bên phần mộ ông cha để cúng tế, gửi cho hương hồn ông cha, dù đã lên thiên đàng, hay còn dưới địa phủ có dụng cụ sản xuất để canh tác, có con giống để chăn nuôi, coi đó là việc làm báo hiếu đối với ông bà tổ tiên, ăn quả nhớ người trồng cây.

Nước Việt Nam ta, một dải đất dài hình chữ S, trải qua ngàn năm Bắc thuộc, hơn tám mươi năm đô hộ của chế độ thực dân đế quốc, nên văn hóa, tín ngưỡng có sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, giữa phương Bắc và phương Nam, giữa miền trong và miền ngoài, miền xuôi và miền ngược, bởi thế có đa dạng tín ngưỡng. Nhà thờ dựng lên bên cạnh nhà chùa; đền thờ, đình sở, am miếu bên cạnh nhà thờ họ. Đồng bào vùng châu thổ sông Hồng, xứ Mường cổ có chung tín ngưỡng, con người khi dời cõi thế, linh hồn sẽ về với tổ đường, bởi vậy có tục lệ thờ cúng tổ tiên, thờ người có công.

Người Việt Nam thờ cúng tổ tiên tại nhà thờ tổ, hoặc nhà từ đường của các cành họ, nơi con cháu du thực làm ăn sinh sống xa quê, nhờ phúc lộc, hồng phúc gia tiên, con cháu no đủ, đông đàn dài lũ, hàng năm không có điều kiện về bái yết tổ đường thì lập từ đường ở nơi quê mới, để con cháu hướng về gia tiên, coi đó là việc làm đại hiếu. Người Việt thờ các vị anh hùng dân tộc, đại nhân thánh đế, thờ người có công tại nơi đình sở, có khi lập đền thờ riêng, lập khu di tích, lập đài tưởng niệm, hoặc xây dựng nghĩa trang để bốn mùa hương khói.

Ngày nay, mỗi khu vực hành chính cấp xã trở lên, hoặc nơi diễn ra các trận đánh có tính lịch sử, có khi là nơi các vị anh hùng hạ trại dừng chân khi kéo quân ra trận, hoặc khi thắng trận trở về, được Nhà nước cho phép, Chính phủ đầu tư, nhân dân công đức xây dựng nhà thờ, đài tưởng niệm, khu di tích, hay nghĩa trang… để đời sau người người đến dâng hương, tưởng nhớ hương hồn các vị anh hùng, liệt sĩ, hương hồn đồng bào đã cống hiến, hi sinh cho độc lập, hòa bình của dân tộc.

Nhờ tục lệ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người có công, dân ta mới biết sử ta, con cháu mới biết tổ tiên ông bà. Nhờ có ngọc phả đình Thọ Vực, mà con dân Thọ Vực gần năm ngàn năm sau còn biết đến công đức của ba vị đại vương thánh đế thời vua Hùng Vương dựng nước. Xem trong “Bách Việt trùng cửu”, đọc “Ất Sơn thánh vương”, lần theo tư liệu của các nhà nghiên cứu từng dịch từ ngọc phả của các ngôi đình, từ đình Thọ Vực (xã Hồng Lạc), đình Quang Tất, Ất Sơn (xã Hào Phú), đến khu đình cổ, miếu thờ thôn An Lịch (Đông Lợi), xuôi xuống Lãng Sơn (Lập Thạch), xem trong ngọc phả đình, miếu cùng với tục lệ thờ cúng của hai làng An Đạo, Hùng Lô (Phú Thọ), đặc biệt, ngọc phả đình Vân Luông (Việt Trì), đã nhận ra chân dung ba vị thánh đế đại vương. Đại vương thánh đế đứng đầu 18 đời vua Hùng là Đế Minh, được thờ tại đình Vân Luông dưới tên Đột Ngột Cao Sơn. Tên đầy đủ ghi trong Ngọc phả là “Thái tổ Hùng Vương Nam Thiên thượng thánh Tiền hoàng đế khai quốc hồng đồ Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế thánh vương”. Ngọc phả đền Vân Luông còn cho biết: Đế Minh chính thống vạn bang chư hầu thiên hạ. (Đế Minh như thế là người đã khai thống thiên hạ). Bắt đầu từ Đế Minh, nước Nam có vua. Bước tiến lịch sử đầu tiên của người Việt cổ tính từ Thái tổ Hùng Vương Đế Minh, thời kỳ Hồng Bàng. Luận theo ngọc phả các ngôi đình, đại vương U Sơn, Ất Sơn đều là các bậc nhị đế vương, tam đế vương dựng nước. Các ngôi đền, đình sở thờ thánh đế Đột Ngột Cao Sơn có khắp từ Bắc vào Nam, phổ biến nhất ở vùng châu thổ sông Hồng, ngược lên phía Bắc. Đến đời vua Hùng Vương thứ 18, nước Nam có biến. Đầu dải đất hình chữ S lúc bấy giờ có hai tộc người Việt, là Âu Việt và Lạc Việt. Tộc Âu Việt do Thục Phán cầm đầu nổi loạn, thôn tính tộc Lạc Việt, lập nên nhà nước Âu Lạc, Nhà nước thứ hai trên dải đất Nam, đặt đô ở Cổ Loa, hiệu là Kinh Dương Vương. Hùng Duệ Vương, đời vua Hùng thứ 18 khi đó truyền ngôi cho con rể là Sơn tinh thánh, chấm dứt 18 đời vua Hùng.

Đình sở Thọ Vực, xưa là nơi ban bố sắc chỉ của triều đình, ý chỉ vua ban, là nơi hội bàn việc nước, việc làng của các bô lão, được vua Hùng Vương thứ 18, Hùng Duệ Vương ban chỉ làm nơi thờ Tam vị đại vương thánh đế có công lập lên Nhà nước Văn Lang, Nhà nước đầu tiên của người Việt. Lễ hội được tổ chức nhị kỳ trong năm (vào ngày 7 tháng Giêng và 11/11 ÂL). Gần hai thế kỷ thời gian, trải qua những năm đô hộ của nhà nước phong kiến phương Bắc, tiếp đến hơn tám mươi năm bị chèn ép bởi văn hóa tư sản phương Tây, nền văn hóa Châu Âu thực dụng, của người Pháp, đình sở Thọ Vực vẫn trầm mặc, rêu phong. Ngôi đình trải qua không biết bao nhiêu bàn tay của các bô lão trong làng trông coi, chăm sóc, tu bổ, giữ cho bốn mùa hương khói, giữ cho sự tồn tại tiếng thiêng của ngôi đình, tiếng thơm của Tam vị đại vương, để tiếng thiêng, cùng với tiếng thơm muôn thuở tồn tại trong lòng con dân Thọ Vực.

Thọ Vực, một phố nhỏ bên bờ sông Lô, nơi đóng bản doanh của chủ đồn điền người Pháp Roay-dơ-ba, không ai nhớ từng trải qua bao nhiêu lần thay đổi tên xã, tên làng. Từ xã Đồng Chương ở thế kỷ XIX, tách thành hai xã Đồng Văn, vùng Đông Thọ bây giờ, và Khổng Xuyên, lại đã tách đổi thành xã Hồng Lạc tự bao giờ. Cái tên thôn An Phúc sắp đi vào dĩ vãng, mà Thọ Vực vẫn nguyên Thọ Vực, với sắc phong còn tươi ấn triện triều đình, tươi tấn phong sắc chỉ vua ban.

Du khách về với Lễ hội đình Thọ Vực hôm nay ghi nhớ công lao của Ban Quản lý Di tích đình Thọ Vực, đặc biệt ghi nhận công lao của ông Vũ Tuấn Tú, thương binh xã Hồng Lạc, đã có công vận động công đức trùng tu mái đình, đặc biệt, có công phát hiện, sưu tầm ngọc phả, khôi phục di tích, tái hiện nghi thức lễ hội để “Lễ hội đình Thọ Vực” đến năm 2018 được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của dân làng Kim Xuyên. Lễ hội đình Thọ Vực giờ đây không chỉ làm giàu đời sống tinh thần cho bà con Thọ Vực, mà còn để du khách thập phương biết đến miền đất Kim Xuyên. 

Mỗi lần nghe tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ lễ hội đình Thọ Vực vang lên, lại thêm một lần được thấm vào trí nhớ công đức của ba vị Đại vương thánh đế (Cao Sơn, U Sơn, Ất Sơn), được đắm mình vào các trò chơi dân gian truyền thống: vật tự do, chọi gà, kéo co, đấu cờ v.v... lại bâng khuâng nhớ về các lễ hội truyền thống của dân làng An Phúc, đất Thọ Vực ngày xưa. Trước thời chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, các bô lão thôn An Phúc hàng năm thường tổ chức, vào dịp ngày ba tháng Tám, lễ hội xuống đồng, lễ hội rửa cày bừa, lễ hội treo hái, lễ rước thánh mẫu, rước kiệu nhất nương công chúa ngoạn du từ Đền Thượng ở cửa ngòi Khổng, về Đền Trung, đền nhị nương công chúa, tọa lạc ở gốc đa bến chợ, về Đền Hạ (Đền Phố) đền tam nương công chúa. Kiệu hoa, võng điều, cờ phướn dập dìu in bóng dưới dòng sông Lô. Các vãi, các cô vui nhảy đồng, đêm hát chầu văn đến khuya; Thanh niên nam nữ vui các trò chơi dưới nước: bơi trải, đi cầu phao, bắt vịt dưới sông... thu hút già trẻ, gái trai cả làng náo nức tham gia. Lại ước, những lễ hội truyền thống có bản sắc ấy, một ngày nào đó lại được các nhà văn hóa quê nhà tái hiện, phục vụ đời sống tinh thần của bà con quê hương, thu hút du khách về với Kim Xuyên.

Đ.A.M

 

Tin tức khác