Đá Chông nhớ Bác

Thứ năm, ngày 17-08-2023, 09:49| 753 lượt xem

Bút ký của Đỗ Anh Mỹ

Minh họa của Quảng Tâm

 

 

Tháng 8, nhớ ngày cách mạng mùa Thu, cả nước xuống đường theo lệnh tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Thấm thoát, gần tám mươi năm cách mạng thành công, tôi theo đoàn người về thăm Khu di tích Đá Chông, nơi nghe nói, có ngôi nhà sàn Bác Hồ từng đến ở và làm việc trong những năm Người cùng Trung ương Đảng và Bộ chính trị lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc, đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, vừa tìm con đường cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Không ngờ, dòng người đổ về Đá Chông đông thế!? Điều khiến ai cũng như tôi, không chỉ hiếu kỳ theo dấu chân Bác, mà còn tò mò, sau khi Ông Cụ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin, Người về nghỉ ngơi ở Đá Chông như thế nào?

Dưới tán rừng còn giữ vẻ nguyên sinh, con đường sỏi được chia thành khuôn bậc, rải sỏi trắng dẫn vào cánh rừng rậm rạp, những bóng cây, dây leo. Ai cũng nghĩ con đường sẽ dẫn đến một vùng núi hiểm trở, núi liền núi, hang liền hang, với những hang động bí ẩn những điều cổ tích, ít ra cũng như cánh rừng trên chiến khu Việt Bắc, hoặc hiểm trở như cái tên của đất, Đá Chông. Con đường càng vào sâu, cây rừng càng cổ thụ, không khí mát mẻ lạ thường. Gần lên đỉnh núi, gọi là núi, nhưng không cao, cũng không có những đoạn dốc đứng như ở Việt Bắc, con đường dẫn đến một hàng cây dâm bụt. Ngôi nhà sàn hiện ra giữa rừng như một cổ tích, giữa không gian phẳng lặng, núp dưới tán lá của những bóng cây, dây leo. Ngôi nhà in hệt một cổ tích ở trong rừng, nhưng lại giống ngôi nhà sàn Bác ở và làm việc tại Ba Đình.

Không khí trước ngôi nhà như nén lại. Không ai bảo ai, mọi người đều đi nhẹ, nói khẽ, sợ làm lay giấc ngủ của Người.

Hướng dẫn viên ở Đá Chông không ai là hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Anh chị em ngày xưa là cán bộ chiến sĩ đơn vị Cảnh vệ K9, đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ, thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế mà câu chuyện khách được nghe là những câu chuyện gia đình. Anh chị em hướng dẫn đoàn tham quan chia ra thành từng tốp nhỏ để mọi người ai cũng nghe được rõ, thấy được hết những gì tim mình đang khao khát.

Ngôi nhà sàn ở Đá Chông đã được dựng lên từ những năm đầu miền Bắc vào cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, được mô phỏng theo ngôi nhà sàn ở vườn hoa Ba Đình. Tuy nhiên, để phù hợp điều kiện sinh hoạt và làm việc nơi sơ tán, Bác yêu cầu sửa đổi một vài chi tiết: đường hành lang (hè) của ngôi nhà được mở rộng để ngôi nhà nằm ở giữa rừng sẽ ấm áp hơn vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hạ. Người cho mở rộng cây cầu thang lên nhà. Theo Người, để mỗi khi đón khách quý, Người có thể đi cùng với khách, mà không ai đi trước, đi sau. Người nhắc nhở, mọi đồ dùng trang bị trong phòng của Người phải giản dị; đồ dùng trong các phòng khách phải đẹp đẽ, lịch sự và bình đẳng như nhau. Bác yêu cầu bỏ bức tường hai bên phòng họp của Bộ Chính trị. Hai bức tường được thay thế, lắp ghép bằng những tấm ván cửa lùa, để khi phòng họp cần rộng, cần mát, thì mở cánh cửa lùa ra. Hoặc khi Bộ Chính trị họp mở rộng, những cánh cửa lùa sẽ được bắc làm ghế cho đại biểu ngồi. Hội trường tiết kiệm, không cần có nhiều ghế, lãng phí. Một đề nghị khác của Bác, làm ngạc nhiên nhiều giới chuyên môn, ấy là, Bác bảo rải sỏi trên đường đi và quanh ngôi nhà sàn. Quả thật, những viên sỏi trắng không bao giờ bị rêu mốc làm cho trơn. Mỗi sáng, Người cùng các chiến sĩ cảnh vệ chân đất tập thể dục, những viên sỏi bấm huyệt lên bàn chân thật khoan khoái. Nhưng điều có tính nghiệp vụ sâu sắc, khiến các chiến sĩ cảnh vệ nhìn nhau thán phục, đêm khuya thanh vắng, sỏi giúp các chiến sĩ cảnh vệ phát hiện tiếng chân người đi vào khu vực doanh trại.

Theo lời kể của các chú cảnh vệ, chủ nhà, ngôi nhà sàn của Bác ở Đá Chông do Bác trực tiếp định vị, cắm hướng, lấy mốc. Ngôi nhà dựng giữa không gian thủy mạc. Phía trước nhìn ra sông Đà; lưng tựa vào núi Tản; hữu ngạn có hồ nước trong xanh, có bãi trồng rau, có cầu câu cá. Lối vào có đủ đường bộ, đường thủy, đường không. Nhà đặt hướng chính Nam. Đoàn khách chợt ai đó đọc to câu nói của Người, “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi!”, “Đồng bào miền Nam có máu là máu Việt Nam, có thịt là thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”. Gian giữa ngôi nhà nhìn ra hòn non bộ, theo hướng trông của hướng đất. Đất có tên Đá Chông có phải vì bên sườn núi có ba pho tượng đá như hình mũi chông, cùng nhìn ra bờ sông, nhìn về đất tổ Hùng Vương. Ba pho tượng đá cao thấp đứng bên nhau, như ba thế hệ: cao, tằng, tổ khảo, hoặc như một gia đình có phu phụ mẫu tử. Mảnh đất gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, nơi núi Tản, sông Đà, nơi đặt đền thờ Chúa Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị thần tứ bất tử trong truyền thuyết Việt Nam. Đất linh dưỡng nhân kiệt!

Ngôi nhà sàn ở Đá Chông là nơi Bác Hồ từng đón khách quốc tế, là những bè bạn thân thiết, chí tình của nhân dân Việt Nam, trong đó có phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, khi bà sang thăm hữu nghị Việt Nam, và Anh hùng Liên Xô phi công vũ trụ Ghéc-man Ti-tốp, Chủ tịch Hội hữu nghị Xô-Việt, Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô sang thăm hữu nghị nước ta. Người cùng Ghéc-man Ti-tốp đi trên chiếc máy bay lên thẳng, hạ cánh xuống một gò đất phía sau ngôi nhà sàn. Nơi ấy, giờ được nâng cấp thành sân bay dã chiến. Bác đã cùng Anh hùng vũ trụ Liên Xô trồng cây vàng anh trước ngôi nhà sàn, bên cạnh hòn non bộ. Cây vàng anh có bộ lá bốn mùa xanh tươi. Theo Người, biểu trưng cho tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô mãi xanh tươi, đời đời bền vững!

Tại khu di tích, còn lưu giữ một xe hồng thập tự và hai xe công binh đã có công, khi Người đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin, ba cỗ xe đã từng nâng bước chân Người từ Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô về lễ đài ở Ba Đình để đồng bào cả nước dự lễ truy điệu, rồi đưa thi hài Người về nơi sơ tán Đá Chông, vào đêm 23, rạng sáng ngày 24/12/1969, năm Hà Nội chứng kiến một trận lụt thế kỷ. Và cuối cùng, năm 1975, ba cỗ xe tiếp tục đưa Người về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sống giữa lòng đồng bào cả nước và bè bạn năm châu.

Điều làm cho khách tham quan hết sức ngỡ ngàng, những ngày bảo vệ thi hài Bác ở Đá Chông, không có hầm sâu, không có hang động nào hết. Hàng ngày, Bác nghỉ ngơi trong ngôi nhà do các chiến sĩ công binh thiết kế, thi công gấp trong vòng trăm ngày, cuối năm 1969. Ngôi nhà như mọi ngôi nhà: bình dị, hướng Nam, chếch sau ngôi nhà sàn Người từng ở và làm việc. Phía bên cạnh là ngôi nhà kính, nơi nghỉ chân của khách lên thăm Người và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mỗi khi bí mật lên họp ở khu sơ tán Đá Chông. Còn có các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô (cũ) ở để giúp nhân dân ta giữ gìn lâu dài thi hài của Bác. Hôm nay, các chiến sĩ cảnh vệ K9 vẫn ngày ngày đứng gác bên ngôi nhà, canh giấc ngủ hương hồn của Bác. Hai cây thông già đứng đón mái ngôi nhà kính, là hai cây thông khi xây dựng ngôi nhà kính, Người đã yêu cầu giữ lại, khi san ủi mặt bằng xây dựng công trình, ngày đêm vẫn vi vu ru giấc ngủ cho Người. Từ ngày Bác về ở Ba Đình, về với đồng bào thủ đô, ngẫu nhiên hai ngọn cây thông đều nghiêng về phương Nam.

Gần trưa, những tia nắng xuyên qua lá rừng, đổ bóng tròn xuống con đường sỏi. Đoàn người bịn rịn dã từ ngôi nhà sàn, nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cùng với ngôi nhà Bác đã an nghỉ trước khi Người về với vườn hoa Ba Đình, nơi cách đây 78 năm Người long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Con đường hẹp tụt xuống sau núi, đi dưới hàng cây cổ thụ. Dưới chân núi, một hồ nước trong xanh, có cầu câu cá, có bậc rửa chân. Đoàn người bùi ngùi, lưu luyến, nghẹn ngào chia tay Đá Chông. Phía sau hiện ra bóng Ông Cụ áo nâu, túi vải lom khom cầm ô doa tưới lên những hàng cây xanh: “Vì lợi ích trăm năm, trồng người. Vì lợi ích mười năm, trồng cây!”.

 Đ.A.M

Tin tức khác