Tết thầy

Thứ hai, ngày 18-12-2023, 08:52| 504 lượt xem

Truyện ngắn của Dương Đình Lộc

 

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

 

Anh khóa Hiền đi đi lại lại hết mấy lần trong căn nhà ngói cũ ba gian trống trải gió lùa. Hẳn có điều gì khó nghĩ lắm, nên mới hằn lên nét mặt tuấn tú khôi ngô của anh nhiều ưu tư thế. Cha mẹ anh, ông bà Sự ngồi thừ người trên cái phản gỗ xoan mỏng, thi thoảng lại lặng lẽ thở dài nhìn nhau. Ông Sự chốc chốc lại với lấy cái điếu cày để dưới gầm phản, thông một hơi, nổ choanh choách như pháo Tết. Còn bà Sự, lặng lẽ têm trầu, chỉ còn vài ngày nữa là Tết mà bộ áo nâu trên người bà cũ đến nỗi vẫn chưa biết điều đó. Hôm nay đã là 28 Tết, theo thông lệ và cũng là truyền thống đạo học đã có từ ngàn năm của cái xứ sở văn hiến này, học trò dù con nhà giàu có hay nghèo hèn, cũng nên đến Tết thầy dạy học của mình sau một năm học tập. Anh khóa Hiền, cậu con trai duy nhất năm nay 18 tuổi của ông bà Sự, theo học cụ đồ Lục ở làng Kẻ Bái bên kia sông đã ngót ba, bốn năm nay. Cụ đồ nổi tiếng hay chữ và nghiêm khắc lắm với học trò, tính tình cụ rất mực hào sảng và coi thường vật chất, trong xã ngoài tổng, từ những bậc quan lại cho đến kẻ thường dân ai ai cũng đều thật là kính nể. Học trò của cụ, con nhà quyền quý với con nhà nông phu nghèo hèn đủ cả, cụ chưa bao giờ phân biệt một mảy may, anh nào có chí hướng học hành cụ cũng đều đón nhận. Các học trò của cụ tất cả đều ăn học ở tại nhà cụ, đủ 12 tháng kể cả ba tháng hè, chỉ có tháng Chạp, dịp gần Tết là được nghỉ tầm non nửa tháng, rồi vào những ngày 28 hoặc 29, các anh học trò sẽ thưa với cha mẹ chuẩn bị những món quà Tết có giá trị, để mang đến kính cẩn Tết thầy, người thầy đạo mạo quắc thước đã cả năm vất vả truyền dạy chữ nghĩa cũng như cái đạo làm người cho các trò ấy. Vậy nên, dù cụ đồ đã cấm và kiên quyết không nhận quà cáp, nhưng vào những ngày giáp Tết, cửa nhà cụ rộn ràng lắm, nào học trò cũ lẫn học trò mới, nào trò thành đạt đường quan lộ hay chỉ là anh phu cày, cũng đều nườm nượp đến nhà cụ đồ như trảy hội, vui mừng khôn xiết gặp lại người thầy mà đã giúp họ nên người vẻ vang với đời, mừng tuổi sớm bằng những thứ quà mà dân làng Kẻ Bái đều tấm tắc là cụ xứng đáng được nhận và còn hơn nữa bởi đức hạnh cũng như học vấn uyên thâm của cụ.

Anh khóa Hiền cũng đang là một trong những anh học trò như thế của cụ đồ Lục. Năm anh mười lăm tuổi, sau khi đã học đủ để viết một bài luận văn với thầy đồ ở làng, vì muốn con học cao hơn để còn thi thố nơi sân Trình cửa Khổng, ông bà Sự đã nhất định cho cậu con trai duy nhất theo học tiếp với cụ đồ Lục ở làng Kẻ Bái. Trong nhà, trên anh khóa còn bốn bà chị nữa, nhưng đều đã lấy chồng cả, chỉ còn anh là út ít trong nhà nên sự cưng chiều có phần dành cho anh mọi thứ kể cả vật chất cũng như cái sự về chữ nghĩa. Nhưng khốn nỗi, nhà ông bà Sự lại rất nghèo, mấy cô con gái lấy chồng cũng đều nghèo sốt. Nên cái sự học của anh khóa Hiền nơi nhà cụ đồ Lục kể cũng lắm gian nan vất vả. Trọ học ở đấy, mỗi tháng bà Sự đội lên cho anh nửa thúng gạo với một con gà sống thiến cũng như kèm theo các thức như mấy nải chuối, chục trứng gà cùng khoai, ngô, sắn, bỏng. Con gà ấy là bù vào tiền thức ăn mặn mà cả tháng anh đã ăn ở nhà thầy do bà đồ và cô con gái út của bà nấu cho các cậu học trò dùng bữa hàng ngày cơm canh tương cà đủ cả. Biết cái sự nhà anh vất vả nên cụ đồ Lục không lấy tiền công dạy học, chẳng những thế thấy anh tuy nhà nghèo mà sáng dạ học đâu biết đó, có ý chí vươn lên, cụ đồ càng yêu mến và có phần chăm chút hơn cả những cậu ấm con nhà quyền quý khác. Nên chỉ sau mấy năm học ở nhà cụ đồ, anh khóa Hiền đã mở mang tri thức cho mình được bội phần, từ điển cố văn chương cho đến địa tích lịch sử anh cũng đều thông thuộc cả. Mọi năm vào các dịp Tết, ông bà Sự cũng sắm được cho anh dăm cân gạo nếp cũng như đôi gà sống thiến để lên Tết thầy, nhưng năm nay, từ tháng Bảy đến giờ nhà anh xảy ra nhiều chuyện quá, nhất là cha anh, qua Trung thu vừa rồi ông đổ bệnh, phải đi chữa trị rất nhiều tiền cũng như phải đi vay lãi. Bệnh dai dẳng đến tận bây giờ mới đơ đỡ, thì mới có 23 Tết ông Công ông Táo vừa rồi, người ta đã đến lấy hết cả một đàn gà để trừ vào tiền lãi, may cái người ấy họ cũng thương tình, để lại cho một con gà sống thiến mào đỏ cho cả nhà còn có gà mà cúng tổ tiên lúc giao thừa. Thì kia con gà sống đang nhảy tưng tưng trong lồng kia, mẹ anh đã bắt để sẵn ở đấy bên cạnh một thúng gạo nếp nhơ nhỡ để sáng nay anh mang đến Tết thầy cho phải đạo học. Nhưng anh khóa Hiền đắn đo từ gà gáy sáng đến giờ nắng đã lên cao lắm rồi mà vẫn chưa quyết. Đem gà gạo đi Tết thầy rồi thì Tết này nhà anh lấy gà sống thiến đâu mà cúng giao thừa, gạo nếp đâu mà thổi xôi gấc, nên anh cứ lần chần mãi, khuôn mặt đỏ bừng lên mà chẳng hiểu tại sao. Anh ngồi xuống nói với mẹ, vẻ do dự:

- U ơi, hay năm nay con… con không Tết thầy con cũng được u ạ. Cụ đồ Lục có bao giờ đòi hỏi quà cáp Tết nhất gì đâu.

- Ấy chết, sao anh lại cả nghĩ thế?

Bà Sự chưa kịp nói thì ông Sự đã ngật người lên:

- Ra Giêng anh còn mặt mũi nào mà nhìn chúng bạn.

- Kệ chúng nó.

Anh khóa Hiền nói vẻ giận dỗi, mặt mỗi lúc càng đỏ thêm lên. Bà Sự dịu dàng bỏ con dao bổ cau xuống:

- Con cứ đem các thức đến Tết thầy cho phải đạo. Để mai u sang nhà bác cả hỏi xem thế nào.

- Hỏi, hỏi mãi. Nhà mình vay mượn nhà bác ấy cả năm nay rồi, giờ gần Tết lại đến phiền hà nữa sao.

Anh khóa Hiền nói xong nhìn lên cái bàn thờ gia tiên, nơi chỉ thấy có mỗi nải chuối xanh với mấy thẻ hương ở đó. Một người bạn thân thiết của ông Sự đã tặng ông trước đó một bộ tranh Đông Hồ, treo đỏ rực trên cái vách bên cạnh trông thật ấm cúng và trang trọng. Anh thương thầy anh quá, khắc khổ vì anh, cày sâu cuốc bẫm lo cho anh ăn học tới nơi tới chốn để mai sau làm ông nọ bà kia rạng rỡ tổ tông, mà cái chặng đường ấy còn xa vời lắm. Đôi khi như trong lúc này anh tự nghĩ thà mình cứ theo nghề nông còn tốt hơn, chứ cái sự học dài rằng dẵng vất vả để rồi đi tới chốn quan trường thi thố trở thành ông nghè cậu sĩ, thì tự anh nghĩ nó không hợp với gia cảnh nhà anh một tí nào. Nhưng thầy anh lại không nghĩ như vậy. Ông Sự lẳng lặng đứng dậy xỏ guốc đến bên cái bàn thờ châm ba nén hương, ông kỳ vọng nhiều lắm vào cậu con trai út trong nhà, mấy chị nó đã chẳng được học hành thì thôi, còn nó thì phải cố mà học, học không phải để đỗ đạt làm ông nọ bà kia, mà như ông nghĩ, học để mở mang tri thức, để đọc được một cuốn sách thánh hiền của các bậc văn nhân kim cổ mà ngẫm sự đời, mà trưởng thành, mà chín chắn, mà ra dáng con người có CHỮ, cái điều này mà đời ông cũng như cụ nội nó đã chưa bao giờ có được.

Mùi hương trầm thơm ngát bao trùm khắp gian nhà làm anh khóa Hiền thấy phập phồng mũi và trào dâng trong tâm trí anh một niềm xúc động thầm kín. Ngoài sân, con gà sống vẫn đang nhảy dựng trong lồng, cái mào đỏ như xôi gấc pha rượu, đôi mắt nó mới tinh anh sáng quắc làm sao.

- Ồ, hình như nhà mình vẫn còn một buồng cau chưa hái u nhỉ?

Anh khóa Hiền như chợt nhớ ra, mắt anh ánh lên một niềm vui cùng sự hi vọng chân thành gì đó làm khuôn mặt tươi tắn hẳn lên.

- Ừ, u để dành đến ngày kia 30 Tết đem ra chợ bán.

Bà Sự mỉm cười âu yếm nói với anh con trai bằng khuôn mặt trái xoan phúc hậu hơn bao giờ hết.

- Anh tính, định Tết thầy dạy học anh buồng cau chắc?

Ông Sự đã ngồi lại cái chỗ lúc nãy mình đã đứng lên đi thắp hương, vẻ mặt đã thấy dịu dịu đi phần nào.

- Vâng… Anh khóa Hiền khẳng khái: Con đem buồng cau đến Tết thầy cũng rất phải đạo, có phải thế không u?

- Thế, thế có được không hả ông?

Bà Sự vội hỏi chồng, ánh mắt đồng thời chợt trở nên chăm chú như chờ đợi sự quyết định của người chủ gia đình.

- Thế cũng được… Ông Sự gật gù: Tôi biết cụ đồ Lục là người trọng tình cảm chứ không trọng tiền bạc, vậy nên buồng cau tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng về mặt văn hóa truyền thống nó mang nhiều ý nghĩa lắm.

- Để, để con ra trèo hái xuống… Anh khóa Hiền vui sướng đứng luôn dậy.

- Trèo cẩn thận nhé con… Bà Sự cũng vui mừng không kém, tay không quên cho vào miệng một miếng trầu.

Anh khóa Hiền chọn mặc lấy cái áo the nào trông có vẻ còn mới nhất, rồi hân hoan chào thầy mẹ xách buồng cau đi ra khỏi nhà. Đi một quãng anh ngoái lại nhìn về mái bếp nhà mình đang tuôn khói lên trời, hẳn là u anh đã mới đun thêm rơm vào nồi sắn khoai hay nước vối gì đó, bất giác anh rơm rớm nước mắt rồi tần ngần bước chân đi. Nắng đẹp quá, ra khỏi cánh đồng làng là con đê xanh thẫm những hàng tre rơi lá bên sông, gió xuân lạnh làm anh khóa Hiền co cả người vào nhưng trong lòng anh thấy ấm áp vô cùng, cũng may anh có mang một chiếc khăn len quàng trên cổ nên cũng thấy đỡ rét. Trên đê, người đi chợ đông quá, anh chào hỏi người quen không ngớt, cả những cô gái mới lớn e thẹn bên trĩu trịt quang gánh đựng gà hay chuối hoặc cam làm anh đỏ cả mặt chỉ gật đầu một cái rồi nhanh chân rảo bước. Xuống đò, qua sông là tới làng nhà thầy dạy anh học. Con sông về mùa xuân nước như trong xanh hơn, đôi bờ hoa cải nở vàng rực, gái nhà ai phơi lụa mới dệt bay phất phơ trong gió như giục trời đất mở hội. Ra Giêng sẽ là hội làng, phía mái chùa kia kìa, anh sẽ cùng thầy u tới lễ Phật, rồi xem múa lân, hát chèo, đánh cờ người, múa rối nước ở thủy đình, chỉ nghĩ đến là anh đã thấy nao nao cả người.

Lúc anh khóa Hiền đến cổng nhà thầy thì cũng đã gần trưa, trán anh lấm tấm mồ hôi và thấm mệt, anh đặt buồng cau xuống một đám cỏ sạch rồi đứng nghỉ cũng bởi trong nhà cụ đồ Lục đang có tiếng xôn xao cười nói. Anh tính chưa vội vào nhà luôn mà hẵng đứng đợi cho khách về rồi mới vào, nhưng vì tò mò, anh tới bên hàng rào cúc tần kiễng chân nín thở ngó qua, anh thoáng thấy vài người bạn đồng môn của anh, con những nhà quyền quý trên tỉnh đang lễ phép thưa gửi ở trong nhà, tiếng trò Xuân vẳng ra nghe rõ mồn một:

- Dạ bẩm thầy, chả mấy khi Tết đến xuân về, cậu mợ con (trên tỉnh người ta thường gọi cha mẹ là cậu mợ) bảo con trân trọng mang đến Tết thầy một xấp lụa Vạn Phúc cùng một mâm chè Tân Cương Thái Nguyên thượng hạng ạ…

- Cậu mợ anh khách khí quá, tôi thầy đồ, sống đời thanh bạch đã quen, lại lúc nào cũng nhớ câu cổ nhân xưa đã dạy: Biết vừa nên chẳng cầu dư, nhà nghèo giữ đạo muối dưa thanh nhàn… Nên tôi làm sao dám nhận lễ to thế này.

Tiếng cụ đồ Lục sang sảng khẳng khái làm anh khóa Hiền chợt thấy chột dạ: Chết thật, bạn đồng môn Tết thầy to thế mà mình chỉ có mỗi một buồng cau, có ngại không đây. Nhưng chưa phải là đã hết, tiếng trò Trung, con một nhà buôn gạo giàu nức tiếng trên phố huyện còn dõng dạc hơn:

- Dạ bẩm thầy, thầy u con bảo năm nay mang đến Tết thầy hẳn năm con gà sống thiến, một bao gạo tám thơm Hải Hậu, cùng một vò rượu Làng Vân loại ngon đặc biệt quý hiếm, con mong thầy vì đã yêu thương dạy bảo con học hành bấy lâu nay mà nhận cho thầy u con vui lòng ạ.

Anh khóa Hiền nghe đến đây thì mồ hôi càng đầm đìa như tắm, tai anh bùng nhùng nghe cụ đồ Lục trả lời đáp lễ mà chả nhận ra từ nào. Chưa ra Giêng mà cây bưởi nhà cụ đồ Lục đã nở hoa từng chùm ngay sát chỗ anh đứng, hương thơm quá, một vài cơn gió làm những cánh hoa rơi lên mái tóc làm anh bâng khuâng ngước mắt lên nhìn, lòng đã trấn tĩnh được phần nào. Đợi một lúc cho mấy người bạn đồng môn ra về hết, anh mới rón rén bước vào. Qua chiếc cổng gạch thâm nâu cổ kính mà hồ vữa đã long tróc một vài chỗ là tới khoảng sân lát gạch Bát Tràng màu đỏ nhạt, gian nhà gỗ ba gian có mành treo trước cửa bức bàn viết ở giữa một chữ NHẪN khá lớn màu đỏ, trước thềm là hai cây mộc hương cao lớn đang nở hoa thơm ngát, một vài chum tương để ngay ngắn trước sân, tất cả đều tạo nên một vẻ gì đó về chủ nhân của căn nhà ấy là một người sống biết lấy sự thanh vắng để suy nghĩ sự đời, biết lấy sự thanh đạm mà trân trọng cỏ hoa…

- Ai thập thò gì ở ngoài sân đấy?

Tiếng cụ đồ Lục hỏi vọng ra làm anh khóa Hiền vội vàng thưa, cái tay xách buồng cau tự dưng run lên từng chập:

- Dạ con, khóa Hiền ở bên làng Gia Bình ạ.

- Ồ, khóa Hiền đấy à. Vào nhà đi con.

Đích thân cụ đồ Lục đi ra thân hành vén mành đón khách làm anh khóa Hiền thấy xúc động dạt dào. Anh run run bước vào nhà, thấy trên mặt bàn ở tràng kỷ cơ man nào là quà cáp toàn những thức sơn hào hải vị, anh run run nâng buồng cau lên bằng hai tay, mắt đỏ hoe:

- Tết đến xuân về, thầy u con chẳng có gì to tát, chỉ có mỗi  buồng cau bảo con hái mang đến Tết thầy ạ.

- Ồ, bà nó ơi…

Tiếng cụ đồ Lục mau mắn, ánh mắt tinh anh của cụ hấp háy dưới vầng trán rộng cùng mái tóc trắng như cước: Mau ra đỡ lấy buồng cau của trò Hiền để lên bàn thờ gia tiên hộ tôi. Mong cái buồng cau này mãi. Con ngồi đi.

- Dạ…

Anh khóa Hiền cảm động ngồi xuống sau khi đã kính cẩn cúi đầu chào bà đồ vừa vui vẻ từ trong buồng đi ra đón lấy buồng cau của anh, để vào một chiếc mâm bồng đỏ ối trang trọng đặt lên ban thờ nghi ngút khói kê ở chính giữa nhà có đôi câu đối đầy ý nghĩa hai bên.

- Con uống trà đi con.

Cụ đồ Lục âu yếm rót cho anh khóa Hiền một chén trà thơm ngát.

- Dạ, con cảm ơn thầy.

Anh khóa Hiền đón lấy chén trà, chưa vội uống, anh tần ngần rồi cũng can đảm hỏi người thầy đức độ khả kính: Dạ sao, sao thầy lại bảo mong mãi buồng cau của con ạ?

- Ha ha ha ha…

Cụ đồ Lục chợt cất lên một tràng cười sảng khoái, tay không quên vuốt bộ râu trắng dưới cằm làm bà đồ cũng tủm tỉm cười theo rồi mới đi xuống nhà dưới: Vì cái Tết này, thầy chẳng thiếu cái gì chỉ thiếu mỗi buồng cau của con thôi trò Hiền ạ…

Nói đến đây cụ đồ Lục lại vuốt râu cười làm anh khóa Hiền cảm thấy hân hoan quá đỗi trong lòng, anh chớp chớp mắt đưa chén trà lên môi uống rồi từ tốn đặt xuống bàn.

- Đấy… Cụ đồ Lục chỉ các thứ quý giá để la liệt quanh chỗ cụ ngồi: Của các trò bạn con, con những nhà quyền quý quan chức hay buôn bán máu mặt đấy. Nhưng có phải của chúng làm ra đâu, mà là của cha mẹ chúng, mà của cha mẹ chúng thì cũng hoặc từ quan chức tham nhũng mà có, hoặc từ buôn gian bán lận mà có, hoặc từ cho vay nặng lãi mà... ta chẳng thiết những của ấy làm gì, vậy nên ta chỉ thấy thiếu mỗi cái buồng cau chân chất cây nhà lá vườn của con là vì thế… Ha ha ha ha…

Bà đồ đã bước vào, trên tay bưng một đĩa khoai lang nóng hổi, trân quý để lên mặt bàn…

- Mật, bà rót một bát mật thật đầy cho hai thầy trò chúng tôi chấm khoai ăn trưa, đã quá Ngọ rồi đấy…

Cụ đồ Lục mau mắn với khuôn mặt hồng hào bừng sáng vẻ phúc hậu rồi nói với anh khóa Hiền: Con ăn khoai cùng thầy, mai sau, khi nào làm ra tiền nhớ mua một thúng khoai thật to đến Tết thầy nhé… Ha ha ha ha…

- Vâng… Anh khóa Hiền rơm rớm nước mắt rồi vâng lời cụ đồ hồ hởi chấm mật ăn khoai thấy ngon hơn bao giờ hết, mắt anh nhòe ướt, ngoài kia có tiếng hoa bưởi rụng rất khẽ trong vườn, trong cả trái tim anh…

D.Đ.L

Tin tức khác