Tản mạn về sách và văn hóa đọc

Thứ tư, ngày 12-04-2023, 15:23| 1.787 lượt xem

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là nguồn tài nguyên, của cải quý giá đối với xã hội con người. Tất cả những gì tinh túy nhất, những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và bài học cuộc sống của nhân loại đều được lưu giữ lại trên những trang sách. Dân gian ta có câu “Một kho vàng không bằng một nang sách”, đủ thấy các cụ đánh giá vai trò, giá trị của sách đáng quý như thế nào.

Là người thích đọc, đam mê đọc từ thở nhỏ, đối với tôi, sách chính là người thầy vĩ đại đồng thời cũng là người bạn thân thiết, tri kỷ và trung thành của tôi. Sách là người thầy vĩ đại bởi đó là một kho tàng tri thức khổng lồ được kết tinh lại trong quá trình phát triển của lịch sử, xã hội loài người. Tôi luôn tâm niệm câu nói “Điều chúng ta biết là một giọt nước, điều chúng ta chưa biết là cả một đại dương”. Sách chính là cái đại dương mênh mông ấy. Sách cho tôi những kiến thức đa dạng, chính xác, bổ ích về mọi mặt trong cuộc sống, từ chính trị, pháp luật, khoa học, lịch sử, địa lý, văn học, triết học, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tâm lý, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan… Sách bồi đắp cho tôi về mặt cảm xúc và nhân cách sống, đúng như đại thi hào Nga M.Gorki đã nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”, mỗi khi tôi mở ra một cuốn sách hay thì đấy chính là lúc tôi mở ra một thế giới mới đầy hấp dẫn, cuốn hút đối với mình. Sách là người bạn thân thiết, tri kỷ và trung thành của tôi bởi sách luôn hiện hữu bên tôi bất cứ lúc nào: dù buồn hay vui, dù khó khăn hay thuận lợi, thành công hay thất bại, tôi luôn tìm thấy ở trong sách những lời khuyên, bài học bổ ích và lý thú giúp tôi sống tốt hơn. Sách còn là sợi dây kết nối, gắn kết tôi với mọi người và cộng đồng, xã hội, vượt qua mọi rào cản về vị trí địa lý, không gian, thời gian.

Nhiều đầu sách của Hội VHNT tỉnh được độc giả yêu thích

Tôi thích sách từ khi bắt đầu biết đọc, khởi đầu là những cuốn sách in chữ to đùng, mỗi trang chỉ có vài dòng thơ thuộc thể thơ bốn chữ, năm chữ, viết về những đồ vật thân thuộc xung quanh đối với trẻ em, kèm tranh vẽ minh họa đen trắng nhưng rất ngộ nghĩnh. Tôi duy trì việc đọc sách thường xuyên nhưng không cố định về giờ giấc. Bất cứ lúc nào cần thông tin, có hứng đọc, cần đọc hay bất chợt bắt gặp một cuốn sách hay khiến mình chú ý là tôi để tâm đọc. Cũng có khi căng thẳng vì công việc hay rảnh rỗi muốn giải trí, thư giãn… tôi đều có thể tìm thấy niềm vui khi đọc sách.

Hồi nhỏ, tôi từng đọc rất nhiều sách. Ngày đó rất khó khăn, không thể có tiền để thường xuyên mua sách mới. Còn nhớ, chúng tôi thường rủ nhau đi thuê sách, truyện theo ngày, lúc đầu 200 đồng, sau tăng lên 500 đồng rồi 1000 đồng mỗi ngày. Tiền thuê sách truyện là tiền ăn sáng, tiền bán ve chai, lông gà, lông vịt, dép nhựa cũ. Nhịn ăn sách để lấy tiền đọc sách là chuyện thường xuyên. Khi thuê được truyện, mõi đứa đọc nhanh cho xong cuốn của mình, rồi mang đổi chéo cho nhau để đọc những cuốn mà đứa khác thuê. Như thế, mình chỉ phải bỏ tiền đi thuê một cuốn mà đọc được hẳn mấy cuốn. Sách đã được thuê không nằm rỗi bao giờ. Chúng tôi tranh thủ đọc mọi lúc, mọi nơi có thể: khi trông em, khi đi vệ sinh, khi nấu cơm, khi ngồi cời bếp trông nồi cám lợn, giờ ra chơi ở trường, thậm chí đọc trộm thầy cô cả khi đang trong giờ học. Thế nên, chuyện trông em mà em bị ngã luôn xoành xoạch, rồi cơm khê cám cháy hay bị thầy cô bất quả tang đọc truyện trong giờ học thường xuyên xảy ra. Nhưng thầy cô và bố mẹ cũng không nỡ phạt nặng vì cái tội mải đọc ấy. 

Nói về các loại sách mà chúng tôi đọc thì rất nhiều, không thể nhớ hết nổi. Hồi đó cứ có sách là đọc thôi, làm gì có nhiều lựa chọn phong phú như bây giờ. Nhưng tôi có một cái mẹo vặt tự đúc kết sau một thời gian đọc truyện đi thuê, là cứ vào thư viện của nhà trường hoặc ra nhà cho thuê sách, tìm trên giá, cuốn nào nhàu nát kiểu bị lật giở nhiều thì thuê trước, y như rằng đó quả là những cuốn khá hay. Hoặc hỏi cô thủ thư hoặc người chủ cửa hàng trước, xem cuốn nào dịp này đang được thuê nhiều mà hiện tại không có mặt trên giá sách thì dặn cô: nếu người ta đem trả thì cô giữ lại, nhắn cháu ra. Được cái ngày nào tôi cũng lượn qua cửa thư viện hoặc qua nhà cho thuê truyện, nên cứ dặn là các cô giữ phần cho.

Trong rất nhiều loại sách tôi từng đọc, ấn tượng nhất vẫn là những bộ sách tôi đọc trong giai đoạn từ 10 đến 18 tuổi như: Tiểu thuyết chương hồi rất hot mà sau này người ta xếp vào "Tứ đại danh tác" (gồm Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng); tiểu thuyết trinh thám như Thám tử Sherlock Holmes, Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên, Tuổi thơ dữ dội; những tiểu thuyết nước ngoài như Alice ở xứ sở thần tiên, Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Ruồi trâu, Những người khốn khổ, Ba chàng lính ngự lâm, Nanh trắng, Bá tước Monte Cristo... Tất cả những cuốn sách đó đều là những cuốn kinh điển, bestseller qua mọi thời đại.

Tôi có nhiều kỷ niệm nhất là đối với những tiểu thuyết trinh thám, phiêu lưu. Những cuốn sách ấy luôn khiến bọn trẻ con chúng tôi dán mắt vào trang sách khó dứt ra được nếu đang đọc dở. Chúng vô cùng hấp dẫn, kích thích trí tò mò, tư duy logic và khám phá đến tột độ. Đến nỗi sau khi cùng đọc loạt truyện ấy, chúng tôi còn sáng kiến tổ chức hẳn trò chơi tình báo, gián điệp. Mấy chục đứa trẻ trong xóm chia hai phe, mỗi phe có 1 đứa cầm đầu, phân công nhiệm vụ cho tất cả những đứa còn lại, đứa làm liên lạc, đứa làm mật thám, đứa làm công an chìm, đứa làm cảnh vệ... Chúng tôi còn nghĩ ra được cả các trò như giấu thư, tài liệu bí mật, trao đổi thông tin bằng ám hiệu, ký hiệu, mật khẩu, liên lạc bằng dây nối các ống bơ từ nhà nọ sang nhà kia, khi có báo động rung một phát là tất cả cùng biết và tập hợp. Thiết quân luật nghiêm lắm, đến nỗi đang nấu cơm, quét nhà dở nghe báo động cũng bỏ đấy chạy đi, đứa nào làm lộ thông tin hay phản bội thì bị mang ra xử, nặng nhất là “phát xít hít le”, nghĩa là cạch mặt, không chơi nữa. Đến nước ấy thì chỉ có mà đóng cửa tự kỷ trong nhà, giương mắt nhìn chúng nó chơi còn mình thì bơ vơ, vừa buồn vừa uất mà không làm gì được. Rồi thì xin lỗi để làm hòa, đưuọc tha thứ để quay lại và nỗ lực lấy công chuộc tội, hoặc bị chiêu hồi sang đội khác. Tuy nhiên, dù ở đội nào thì cũng bắt buộc phải làm theo đúng quy tắc, tuân thủ quy định, luật lệ của tổ chức mà mình tham gia nếu không muốn bị “phát xít hít le” lần nữa hoặc vĩnh viễn.

Sách đem đến cho tuổi thơ của chúng tôi những kỷ niệm vô giá như thế đấy. Sách và những điều đọc được trong sách đã dạy chúng tôi kỹ năng sống, khả năng thích nghi, cách ứng xử với nhau như thế, để từ đấy chúng tôi dần lớn lên, hoàn thiện nhân cách của mình. Bởi thế mới nói, ngoài việc cung cấp, trang bị cho chúng ta nhiều tri thức, vốn sống, vốn kinh nghiệm quý báu, sách rèn cho ta sự điềm đạm, kiên trì, nhẫn nại, cho ta sự hướng thiện, hướng đến nhiều điều tốt đẹp và cao cả trong cuộc sống, bồi đắp cho ta cảm xúc, tình cảm và một nhân cách sống tốt hơn.

Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, tình yêu, niềm say mê đọc sách của giới trẻ không còn được như trước, không ít người băn khoăn: Dường như các bạn trẻ đang xa dần với thói quen đọc sách?

Cá nhân tôi cho rằng, băn khoăn đó là đúng với thực tế. Hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ khiến việc tiếp cận thông tin nói chung rất dễ dàng, nhanh chóng và đa dạng. Cộng với nhịp sống hối hả, nhiều áp lực cũng khiến thói quen đọc sách giảm đi ở nhiều nơi, nhiều người. Nhưng nhìn kỹ lại, thực chất thói quen đọc sách chỉ là có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế mà thôi. Bằng chứng là lâu nay, vẫn có nhiều thư viện hoạt động rất hiệu quả, nhiều cuốn sách, bộ sách best seller, phát hành hàng vạn bản và nối bản, tái bản nhiều lần. Rất nhiều ngày hội sách, hội thảo sách, ra mắt sách thu hút đông đảo mọi người đến hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, trong đó có khá đông người trẻ. Thời đại công nghệ số với sự ra đời của nhiều thiết bị và trang điện tử, phần mềm ứng dụng thông minh, cung cấp cho người đọc nhiều lựa chọn, nhiều phương cách để tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng khác nhau. Chúng ta không nhất thiết phải ngồi một chỗ yên tĩnh, cầm một cuốn sách chăm chú dán mắt vào đấy thì mới có thể đọc hoặc gọi là đọc. Mà ta có thể đọc bất cứ lúc nào, bất cứ đâu chỉ cần với một thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet. Thậm chí nếu không muốn dùng mắt đọc thì ta có thể nghe từ sách nói, sách điện tử, từ các Podcast/netcast. Chỉ cần vài cái click chuột hoặc nhấn vào nàm hình cảm ứng, không khó để ta có thể tìm được các nội dung phù hợp với sở thích, phong cách của mình để lắng nghe. Thậm chí ta có thể tải những tệp âm thanh này về laptop, máy tính bảng, điện thoại hoặc các thiết bị điện tử thông minh để có thể nghe chúng ở bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu mà không cần kết nối internet. Trải nghiệm với sách nói, Podcast/netcast qua giọng đọc đầy lôi cuốn và hấp dẫn, người nghe sẽ thưởng thức trọn vẹn cái hay, cái đẹp của ngôn từ, của nội dung cuốn sách, truyện, vẫn cho ta đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của việc đọc sách mà không cần cặm cụi đọc từng câu chữ như cách đọc sách in truyền thống. Tuy nhiên, ở mặt khác mà nói, dù cuộc sống hối hả, bận rộn như vậy, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều người giữ cho mình thói quen đọc sách in thường xuyên, để sống chậm lại một chút, cảm nhận rõ rệt hơn sự thư giãn, thú vị riêng của những giây phút tĩnh tại với sách.

Nói về thị trường sách hiện nay, cả sách in, sách điện tử cũng như các trang thông tin thì cũng còn nhiều điều phải bàn về chất lượng, nội dung của chúng. Bên cạnh những cuốn sách có nội dung bổ ích, lành mạnh, vẫn còn có những cuốn sách được xuất bản vội vàng, kém chất lượng, tính ứng dụng, giáo dục không cao, thậm chí là có những cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng chứa đựng nội dung không lành mạnh, không phù hợp với trẻ. Đấy là một thực tế mà chúng ta ai cũng thấy và buộc phải chấp nhận. Bởi trong sự vận hành của cơ chế thị trường, sách cũng là hàng hóa, cũng phải chịu quy luật cung cầu, cũng bị chi phối, chịu áp lực và chạy theo lợi nhuận. Những cuốn sách kém chất lượng, không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, đi ngược lại với giá trị đạo đạo đức, thuần phong mỹ tục sẽ ảnh hưởng xấu đến sự hiểu biết, thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng, thị hiếu, thẩm mỹ và sự phát triển nhân cách của con người. Việc kiểm soát, hạn chế các mặt tiêu cực của chúng phần lớn trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý. Là người đọc, người nghe, người dùng, chúng ta chỉ có cách duy nhất là tự kiểm duyệt, tự đề kháng và giúp người thân của mình nâng cao sức đề kháng với những tác động hạn chế, tiêu cực đó. Mỗi khi muốn đọc, nghe, ta phải có sự chọn lọc. Chọn lọc nhà xuất bản, công ty phát hành sách, kênh thông tin, kênh phát hành online uy tín, được cấp phép và có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Cần nhân rộng các hoạt động định hướng về thị hiếu cho độc giả. Trong gia đình và ở nhà trường, ông bà, cha mẹ, thầy cô cần đồng hành cùng trẻ để biết, hiểu, chia sẻ và làm bạn đọc cùng con. Như thế sẽ có thể bảo vệ trẻ trước những cuốn sách có nội dung không lành mạnh, hạn chế phần nào những tác động xấu ở trên đã nói.

Giá trị của sách là điều đã được khẳng định qua năm tháng. Nhưng làm thế nào để lan tỏa tình yêu đối với sách, để khơi dậy niềm say mê đọc sách, khuyến khích thói quen, phong trào đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ để việc đọc sách có hiệu quả, văn hóa đọc được duy trì và ngày càng được nâng cao? Đó là điều cần sự chung tay, góp sức của tất cả chúng ta, từ mối cá nhân, gia đình, nhà trường, thư viện và các tổ chức xã hội. Trước hết, gia đình và nhà trường cần tạo không gian, khuyến khích bồi đắp sở thích, thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm. Đồng thời cần duy trì, kích thích, cổ vũ cho sở thích, thói quen ấy bằng việc chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu tọa đàm sách, gặp gỡ giao lưu tác giả viết sách, các ngày hội sách, các cuộc thi liên quan đến sách….

Ý nghĩa của việc đọc sách đối với đời sống là rất lớn. Để trở thành một người có thói quen đọc sách thường xuyên không phải là dễ. Để việc đọc sách trở thành sở thích và đam mê cá nhân lại càng khó hơn, bởi nó đòi hỏi phải trải qua cả một quá trình bồi đắp và rèn giữa, từ bản thân, môi trường gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó một phần trách nhiệm thuộc về những người cầm bút. Nếu các tác giả sách, nhà văn, nhà thơ sáng tạo, nghiên cứu, sưu tầm và xuát bản được nhiều tác phẩm hay, có ý nghĩa, có giá trị thì “hữu xạ tự nhiên hương”, người đọc sẽ quan tâm và tìm đọc. Đó là một trong những điều mình luôn thường xuyên tự nhắc mỗi khi đặt bút viết ra tác phẩm của mình.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, xin chia sẻ tản mạn đôi điều về vai trò, ý nghĩa của sách trong đời sống và một số vấn đề liên quan. Hy vọng bài viết này đem đến cho bạn đọc vài góc nhìn thực tế nhất định về sách và văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Đặng Thị Thúy

Tin tức khác