Những chuyện cảm động về Bác Hồ qua lời kể của thành viên nhóm tình báo Con Nai ở Tân Trào

Thứ năm, ngày 25-05-2023, 14:02| 1.491 lượt xem

Thạc sĩ Ngôn ngữ học, Thạc sĩ Hoa Kỳ học Nguyễn Thị Minh Phương hiện giảng dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Massachusetts, thành phố Boston. Chị có may mắn được tiếp xúc với ông Henry Prunier, là một trong bảy thành viên của nhóm tình báo Con Nai thuộc lực lượng OSS, Hoa Kỳ, được ông cho biết nhiều chuyện cảm động về Bác Hồ ở Tân Trào, tháng 7 năm 1945. Chị kể:

Chúng tôi đến thăm hai ông bà Henry Albert Prunier và Maria  Prunier vào một buổi sáng mưa lạnh ở vùng New England. Ông Henry Prunier rất vui khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu, tham vấn ông để làm một cuốn sách liên quan đến thời kỳ đó.

Đầu tháng 7/1945, theo đề nghị của Bác Hồ, quân Đồng Minh cử nhóm Con Nai (Deer Team) nhảy dù xuống Tân Trào để giúp đỡ Việt Minh đánh Nhật. Những thành viên của nhóm Con Nai đã hỗ trợ vũ khí, huấn luyện các chiến sĩ Việt Minh sử dụng vũ khí và khi trở về Mỹ đã hết sức nhiệt tình chuyển giúp thư của Bác Hồ đến Tổng thống Tru-man, đề nghị Chính phủ Mỹ công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Khi đến Tân Trào, ông Henry Prunier mới 24 tuổi, làm phiên dịch cho nhóm. Chỉ chưa đầy một tháng được tiếp xúc với Bác Hồ, với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ Việt Minh, nhưng đã để lại trong ông những ký ức và kỷ niệm khó quên. Ông nhớ rõ từng chi tiết khi nhảy dù xuống Tân Trào. Nhóm Con Nai đóng quân cách thôn Tân Lập khoảng 3 km, trước đó đây là nơi dành cho các lớp bồi dưỡng chính trị, nay thành thao trường huấn luyện của Việt Minh. Nhóm Con Nai mỗi người mỗi việc, như sĩ quan chỉ huy, các sĩ quan huấn luyện sử dụng vũ khí, phiên dịch, thông tin viên, bác sĩ, hậu cần. Chính vị bác sĩ của nhóm đã tham gia chữa bệnh cho Bác Hồ khi Người bị ốm. Vũ khí, thuốc men, thực phẩm của họ đều được tiếp tế bằng máy bay bay đến từ Côn Minh. Tuy nhiên, cả nhóm vẫn dùng thực phẩm của địa phương như cơm, cháo bẹ, măng rừng, rau xanh và thịt gà. Ông nhớ nhất là hình ảnh Mr. Hồ, một ông cụ của lực lượng Việt Minh, dáng người nhanh nhẹn, luôn mặc áo chàm, để râu dài, tóc đã đốm bạc, hai ống chân gày khẳng khiu làm cho chiếc quần soóc càng rộng; duy chỉ đôi mắt vẫn tinh anh, sáng như sao. Ông cụ không lúc nào nghỉ ngơi, luôn cặm cụi với công việc. Khi đọc báo cáo, tài liệu, lúc đánh máy thảo văn bản, chỉ thị, khi họp bàn với cán bộ, đoàn thể, lúc thăm bộ đội, nhà dân, tăng gia sản xuất.

Tiếp đó là những ngày hành quân bộ về Hà Nội cùng một đơn vị bộ đội Việt Minh dưới sự chỉ huy của ông Đàm Quang Trung. Qua Thái Nguyên, nhóm Con Nai còn tham gia chiến đấu tiêu diệt tàn quân Nhật. Các ông về đến Hà Nội ngày 9/9/1945. Ông được gặp lại Bác Hồ, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, với cảm giác ngỡ ngàng vì trước đó một tháng ông chỉ biết đó là “Mr. Hồ”. Con người giản dị đó giờ đây đã trở thành người đứng đầu một đất nước vừa thoát khỏi ách thuộc địa. Ông ở Hà Nội một thời gian ngắn rồi sang Côn Minh, tháng 1/1946 trở về Mỹ. Sau khi giải ngũ, ông học đại học rồi làm việc ở Công ty gia đình J.S. Prunier and Sons.

Bước vào nhà ông, vật đầu tiên gây ấn tượng là bức tranh lụa khổ 1,5 x 0,6 mét thêu một nhân vật trong lịch sử, lồng trong khung kính treo trang trọng trong phòng khách. Đó là món quà của Bác Hồ tặng ông từ năm 1945, được ông trân trọng lưu giữ đến tận bây giờ. Ông đưa chúng tôi vào căn phòng nhỏ, nơi lưu giữ những tập hồ sơ, nhật ký về hoạt động của đội Con Nai và Việt Minh ở Tân Trào; những băng ghi hình về Bác Hồ của Đài BBC, của kênh truyền hình History Channel; những băng cối ghi âm các cuộc phỏng vấn ông khi làm phim về Bác Hồ; những cuốn sách về Bác Hồ, về Việt Nam, về đội Con Nai và OSS trong thời gian ở Đông Dương. Những cuốn sách của các tác giả là thành viên đội Con Nai như Charlse Fen, Archimedes Patti, và các nhà nghiên cứu về Việt Nam sau này như Wiliam Duiker, Dixee R. Bartholomew Feis,... Đặc biệt nhất là những tấm ảnh đen trắng ông được chụp chung với Bác Hồ, với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ Việt Minh. Nhiều tấm ảnh gốc đã được in trên các tạp chí nổi tiếng như Life Magazine của Hoa Kỳ (1978), Paris Match của Pháp (1968) và trong nhiều phim tài liệu về lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ năm 1945. Đề tài ông thích nhất là nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông trân trọng giới thiệu từng bài viết về Bác Hồ, được cắt ra từ các báo, tạp chí - những bài báo đã ngả màu thời gian nhưng dường như chúng vẫn mang hơi thở của thời điểm ra đời. Ông có thể ngồi hàng giờ nói chuyện về những kỷ niệm không bao giờ quên trong thời gian hơn ba tuần ở Tân Trào được tiếp xúc, làm việc với Bác. Mặc dù ông làm phiên dịch tiếng Việt nhưng Bác Hồ nói tiếng Pháp, tiếng Anh rất thạo, thường trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh, khiến ông gần như thất nghiệp. Biết ông là người Massachusetts, Bác thường nhắc lại kỷ niệm về những ngày Bác sống và làm việc ở Boston và New York. Ông nhấn mạnh ấn tượng về Bác Hồ: Một con người rất giản dị nhưng có chí khí mãnh liệt, một con người rất Việt nhưng mang trong mình mọi tính cách của thành viên thuộc cộng đồng thế giới. Ông mỉm cười khi nói đến hình ảnh ông nhớ nhất về Bác Hồ: Bác luôn mặc áo cánh, quần soóc khi ở Tân Trào, cả khi về Hà Nội trên cương vị Chủ tịch nước, Bác vẫn mặc giản dị như thế khi tiếp đón các thành viên OSS tại Phủ Chủ tịch. Bác chiêu đãi, tặng quà và cảm ơn các thành viên trong nhóm. Người không hề tỏ ra mình là nhân vật quan trọng, khi mà trên thực tế lúc đó Bác là người vô cùng quan trọng. Khi chia tay, Hồ Chí Minh mời chúng tôi trở lại Việt Nam bất cứ lúc nào, thế mà phải 50 năm sau tôi mới có dịp trở lại.

 Năm 1995, ông Henry Prunier đã cùng ông Allison K.Thomas, nguyên trưởng nhóm Con Nai, trở lại Hà Nội gặp gỡ các cựu chiến sĩ Việt Minh mà hai ông đã có dịp cùng sống, làm việc tại Tân Trào. Cuộc gặp mặt sau 50 năm được tổ chức theo sáng kiến của Hội Hữu nghị Việt - Mỹ, do Quỹ Ford tài trợ. Năm 1997, ông tham dự cuộc gặp mặt những cựu thành viên OSS và các cựu chiến sĩ Việt Minh tại New York.

Theo ông Henry Prunier, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng lịch sử không quên những ngày tháng 7/1945, những ngày rất đẹp của quan hệ giữa hai nước khi Việt Nam và Hoa Kỳ từng là bạn, đặc biệt những kỷ niệm về Bác Hồ trong ký ức những người bạn Mỹ, sẽ còn lung linh tỏa sáng mãi mãi.

Nguyễn Phi Khanh

Tin tức khác