Một thời trẻ trâu

Thứ ba, ngày 20-06-2023, 14:28| 1.134 lượt xem

Truyện ngắn của Đinh Minh Sơn

Minh họa của Quảng Tâm

 

Ở đâu cũng vậy, bất kỳ vùng núi hay miền xuôi, trẻ con đứa nào chẳng nghịch, thế mới gọi là: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Thôi thì bắn chim, chơi khăng, đánh đáo, bơi lội, trộm hoa quả đủ cả. Để mà thống kê những trò nghịch ngợm của lũ trẻ trâu thì có mà cả ngày cũng không hết.

Thằng Đồng cầm đầu một lũ trẻ mười ba, mười bốn tuổi ở cái xóm ấy, một cái xóm chủ yếu là dân lao động, nhà toàn tranh tre nứa lá, tường được trát từ bùn với rơm. Những ngấn nước còn in trên tường, đánh dấu những trận lũ lụt hàng năm. Chỉ có một số ít nhà được lợp bằng ngói, như đánh dấu sự khá giả của gia chủ. Ban ngày người lớn đi làm cả, cũng là cả một quãng thời gian, cho bọn trẻ nghịch ngợm, nhất là vào những dịp chúng được nghỉ hè. Không phải là vùng nông thôn nên ruộng và trâu bò không có, chỉ là những ruộng rau muống, những cái hồ rộng mênh mông. Nhà nào cũng có những hàng rào dứa, những cây ổi mỡ, ổi đào, những cây mít, cây na đều là tài nguyên cho lũ trẻ khai thác, không ban ngày thì cũng vào ban đêm, chúng nghịch ngợm và quan sát, rồi có thời cơ thuận lợi là a lê hấp, đã có chiến lợi phẩm lại tụ tập nhau, những quả đã chín, xanh, ương đều gửi vào ông anh ruột hết.

Mới chín giờ sáng mà cái nóng mùa hè đã đổ xuống, như mọi khi đã xong công việc mà bố mẹ nó trước khi đi làm giao cho, thằng Đồng ra cổng, gọi là cổng nhưng thực ra cũng là tre nứa, nó cho hai ngón tay vào miệng huýt một cái. Một lát sau phía nhà thằng Việt, nhà thằng Lưu, nhà thằng Ngự và nhiều chỗ khác đều có tiếng huýt trả lời. Chẳng cần đợi lâu, một lúc sau chúng đã tề tựu đông đủ, thằng nào thằng ấy da đều cháy nắng, gầy khẳng khiu, trên cổ thằng nào cũng đeo lủng lẳng một súng cao su, trong túi quần phồng căng chẳng phải bánh kẹo gì, chỉ toàn viên đá, viên sỏi được lựa chọn kỹ càng. Thằng Việt lên tiếng hỏi nhỏ:

- Hôm nay đi chơi chỗ nào?.

- À phía đồi nhà bà Lén nhé, tao thấy cây ổi đào mấy hôm nay chín lắm, bọn chào mào về rất nhiều, thằng Đồng trả lời.

- Nhưng nhà ấy có con chó vện sủa ác lắm, mà bà Lén mà phát hiện thì chửi cho cả ngày chứ chẳng chơi.

- Khó thì mới thích chứ, sợ gì. Tao phân công thế này nhé:

- Thằng Lưu, thằng Ngự ngồi sau bụi dứa cảnh giới, cứ chuẩn bị súng cao su, con vện có sủa, có mò ra thì nã cho nó một phát. Tao trèo lên cây hái, thằng Việt, thằng Hướng ở dưới đỡ quả. Rồi cả bọn kéo nhau đi, tới địa điểm đã định chúng cúi người thấp lom khom theo hàng dứa. Thằng Việt nhanh tay đã bẻ được mấy quả dứa xanh để vào một chỗ. Đồng ngẩng đầu lên quan sát nhà bà Lén, cũng là một nhà khá giả trong vùng. Nhà được lợp bằng ngói, tường toóc xi quét vôi trắng toát, lưng nhà tựa vào quả đồi, cửa nhà hướng về phía trước, nơi có cái ao khá to, lúc nào cũng thả đủ các loại cá. Bên cạnh cái bể, ở góc sân là hai cây cau cao vút,  cây mít cũng sai lúc lỉu. Bà Lén ở nhà với hai đứa cháu, con trai và con dâu nhà bà đã đi làm từ sớm. Con trai bà Lén là Hiếu làm ở ty lương thực, vợ là Yến Nhi làm giáo viên. Hai đứa cháu của bà cái Mai mười hai tuổi,  em nó là Tuấn lên mười. Vì là con nhà khá giả, chúng chỉ quanh quẩn ở nhà học bài, học xong hai chị em chơi ô ăn quan hoặc đánh tam cúc, chứ không tham gia chơi với lũ trẻ trâu.

Quan sát một hồi thấy không có động tĩnh gì, thằng Đồng khoát tay cho cả bọn, đúng như sự phân công, đứa nào đứa ấy vào vị trí cứ như đánh trận vậy. Đồng lom khom mò tới gốc cây ổi đào, nó trèo thoăn thoắt như vượn. Trời ơi! những quả ổi đào đang vào vụ chín thơm làm sao, mới hấp dẫn làm sao, nó với tay hái từng quả, thả xuống cho thằng Việt. Những quả ở xa không hái được, nó cầm cành rung rung mạnh, những quả ổi chín rụng xuống bãi cỏ bồm bộp, thấy đã được kha khá nó tụt xuống, nhưng gần tới đất vô tình đạp phải cành ổi khô, cành ổi gãy nghe rắc một cái. Con vện nhà bà Lén đang lim dim ngủ ở đầu hè, thấy động vùng dậy lao lên đồi sủa ông ổng. Thằng Lưu nhằm con vện bắn một phát trúng chân, con vện khập khiễng quay đầu chạy, vừa chạy vừa kêu ăng ẳng. Thằng Ngự nhỏm dậy bắn đuổi theo không trúng, mà lại rơi viên sỏi vào mái ngói kêu lách cách. Bà Lén đang ngồi nhặt rau thấy động chạy ra ngó lên đồi, lũ trẻ thấy vậy vơ vội ổi, dứa vào áo chạy bán sống bán chết. Lúc này gai dứa có cào, có cắm vào những đôi chân khẳng khiu kia cũng không còn ý nghĩa gì hết. Bà Lén bắt đầu lên tiếng, lúc đầu nghe rất ngọt ngào:

- Nào cháu nào ăn trộm ổi, trộm dứa, trộm gà nhà bà thì nhận đi bà tha cho, nếu không bà chửi đây này. Nghỉ một lát bà lại lên tiếng:

- Nào, có cháu nào nhận không?.

Đúng là người già và trẻ con mà hình như ở đâu cũng vậy, lũ trẻ thì đã xa chạy cao bay, đang ngồi một chỗ vừa cười vừa thở hổn hển, thưởng thức chiến lợi phẩm vừa thu hoạch, không thấy có đứa nào trả lời. Bà Lén bắt đầu chửi, bà chửi có bài, có bản hẳn hoi, như đã được đào tạo ở đâu ấy. Nhưng bà đôi khi cũng quên và lâu không chửi nên bà chửi hơi lắp một chút:

- Quả ổi, quả na, quả mít nhà bà nó ngon, nó thơm, người mua ăn vào ấm thân, ấm cật, ăn vào đến đâu nó bổ tim bổ gan đến đấy. Còn chúng mày lũ ăn cắp của bà, ăn vào nó chỉ có tắc đít, ăn vào chỉ có nôn có ọe…

Chửi hết bài trộm quả ổi quả na, bà quay ra chửi bài ăn trộm gà.

- Con gà nó ở nhà tao, nó là công là phượng, nó là gà kê gà thuốc, nó chữa bách bệnh… Chúng mày trộm gà nhà tao, gà thành con cú, con cáo… Bà chửi hăng lắm, càng chửi bà càng nhớ bà không chửi vấp, chửi lắp nữa, bà càng muốn thể hiện lúc trầm, lúc bổng, lúc véo von… Còn lũ trẻ ngồi dưới lùm cây lúp xúp trên đồi, vừa ăn vừa nghe chửi, cười khúc khích với nhau.

Cũng như bao chiều hè khác, ba giờ trời vẫn nắng chói chang, cháy da, cháy thịt. Lũ trẻ đã tụ tập đông đủ, hôm nay còn có thêm mấy đứa con gái trong xóm nữa, đứa mang rổ, đứa mang chậu, mang giỏ. Còn thằng Đồng vác một cái giậm, một cái chậu nhôm to. Cả lũ kéo nhau ra hồ, hồ rất rộng, chỗ nông, chỗ sâu, chúng đều thuộc như lòng bàn tay. Trước kia hồ do thủy sản thị xã quản lý thả cá, nhưng do lũ lụt nhiều năm nay bỏ hoang. Cũng nhờ những trận lũ lụt tràn vào hồ mà hồ thành một kho tôm, cua, ốc, ếch, cá các loại, lại còn đám rong đuôi chó mà mọi người vớt về băm cho lợn, cho gà, thật là một nơi lý tưởng cho người dân cải thiện bữa ăn và cũng là nơi vui đùa, bơi lội của lũ trẻ, chả thế mà chẳng có ai dạy nhưng chúng đều bơi lặn như rái cá. Bắt cá, bắt cua, bơi lội, nghịch ngợm đến lúc mở mắt cứ thấy mờ mờ như sương mới chịu thôi.

Cái Hồng, cái Thùy và mấy đứa con gái vừa mò ốc vừa lấy rong cho lợn. Mấy thằng khác hì hục đạp, đạp, gạt chân xuống bùn rồi lặn, rồi ngụp, hóa ra chúng bắt con trai. Những con trai to bằng ba, bốn ngón tay đen xì, loại này mùa hè làm bát canh chua hay cháo trai thì chỉ có nhất. Còn những con ốc nhồi, ốc vặn nhìn đã thấy béo ngậy bắt mắt. Đồng có bài riêng của nó, nó dùng giậm để đánh cua mà không cần đến bàn đạp, nó cứ nhằm những đám rong đuôi chó do bị lội nhiều nên cuộn tròn lại, Đồng dùng giậm bổ xuống sát mặt bùn dưới đáy rồi kéo lên cả rong, rồi nhặt giũ rong vứt đi, còn trơ lại hàng chục con cua, to có, nhỏ có. Hóa ra nó đã nghiên cứu kỹ, khi trời nóng lũ cua thường nằm tránh nóng dưới những đám rong. Chẳng mấy chốc cái chậu nhôm đã gần đầy, nó gọi mấy đứa con gái mang chậu, mang giỏ đến đánh cua cho chúng nó. Xẩm tối chúng mới về, đứa cho lợn, đứa cho gà ăn, rồi ngâm chai, ngâm ốc vào chậu, xong việc mới ra giếng dội ào ào, nước giếng mát lạnh. Chúng gội đầu bằng xà phòng bánh 72 của Liên Xô, thời buổi ấy đã là hãnh diện lắm rồi.

Một hôm thằng Việt thì thầm với cả bọn:

- Này, cây bưởi chua nhà bà Lén to lắm rồi, nhưng khó lấy lắm, bây giờ bà ấy buộc gai tre quanh gốc không trèo được đâu.

- Sợ bưởi còn he lắm chắc gì ăn được.

Cái Loan nói xen vào:

- He một tý cũng chẳng sao, chấm muối ớt vẫn ngon tuyệt cú mèo.

Thằng Hướng góp chuyện:

- Nhưng lấy bằng cách nào, trèo thì không được mà bắn súng cao su cũng không xong.

Cả bọn trầm ngâm một lúc lâu, Đồng bỗng thốt lên:

- Tao có cách rồi.

Nó chạy xuống bếp lấy lên một cây hóp nhỏ, ở trên đầu ngọn hóp có buộc một đoạn thép nhọn hoắt dài chừng gần ba mét:

- Đây rồi chúng mày theo tao, còn mấy đứa con gái ở nhà rang ngô đi nhé, bọn tao đi một lát rồi về, cả mấy thằng nữa ở nhà, đi đông quá không tốt. Để tao, thằng Hướng, thằng Việt, thằng Lưu đi.

Thế là bốn thằng chúng lại luồn qua những hàng dứa, tiến về phía quả đồi, vẫn phương án như cũ. Thằng Đồng cầm sào hóp có đinh nhọn ở đầu, chọn những quả to chọc từ dưới lên, cái đinh nhọn cắm vào quả bưởi nó chỉ cần nhấc nhẹ xuống mà không gây tiếng động nào. Thằng Hướng đỡ quả bưởi rút ra, chỉ một lát sau đã được gần chục quả, thấy đã đủ chúng không chọc nữa mà tỏa đi các hàng dứa, tìm dứa chín.

Bà Lén ngồi nhặt rau vừa kể chuyện cho hai cháu nghe, nào chuyện cổ tích Tấm Cám, Phù Đổng thiên vương, rồi lại chuyển sang kể những vụ lụt lớn từ những năm nảo năm nào, như nước lụt Cám Hếnh. Ông

Cám Hếnh người Hoa buôn đất đèn, ngày đó chưa có điện, đất đèn bị ngập nước ông soi đèn bị nổ thùng

ông thiệt mạng, nên người ta đặt tên là nước Cám Hếnh. Rồi nước lụt Phán Hoan, là một ông Phán bị nước lụt ngập Cầu Chả, ông bị chết trôi tại Cầu Chả nên gọi là nước Phán Hoan. Rồi đến những nước lụt sáu chín, lụt bẩy mốt tại Tuyên Quang và chỉ cho chúng những ngấn nước còn in dấu trên tường. Hai đứa cứ trợn tròn mắt nghe. Rồi đến chuyện một thằng Tây, không biết nói tiếng Việt, phân công làm việc thì gộp cả ba thứ tiếng vào:

- Lục cu ly chan chát, Bát cu ly phầm phập. Hai đứa chẳng hiểu gì cả, bà giải thích:

Này nhé:

- Lục và bát là tiếng Trung Quốc, còn Cu ly là tiếng Pháp, Chan chát, Phầm phập là tiếng Việt của ta. Nội dung thằng Tây phân công là thế này: Sáu công nhân đi chặt cây, tám công nhân đi cuốc đất hiểu chưa. Hai đứa cười ngặt nghẽo chuyện bà chúng vừa kể. Vừa lúc rổ rau cũng nhặt xong, bà Lén xuống bếp chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Cái Mai cầm chổi ra quét dọn ngoài hè. Thằng Tuấn chẳng biết thế nào lại mò ra cầu ao rửa chân, chỉ kịp kêu ối một tiếng đã lăn tòm xuống nước, nước ao sâu lại không biết bơi, nên nó nhấp nhô giã gạo, cái Mai hô thất thanh:

- Bà ơi, em Tuấn ngã xuống ao.

Mai vội vứt cái chổi lao về phía cái ao, nó thấy em nó đang chới với dưới ao gần bờ, liền thò tay định kéo em nó lên nhưng không ngờ lại ngã theo. Bà Lén nghe tiếng cháu gọi vội chạy ra thấy cả hai đứa đang giã gạo, vội gào lên:

- Có ai không, cứu cháu tôi với, cứu cháu tôi với!. Cháu tôi bị ngã xuống ao rồi.

Đồng đang mải mê tìm dây xâu mấy quả bưởi vừa lấy được, nghe tiếng bà Lén kêu thất thanh, nó đứng dậy khoát tay ra hiệu cho ba thằng còn lại, rồi nhảy ào qua mấy hàng dứa chạy về phía nhà bà Lén, cả ba thằng cùng lao theo. Đang chạy thằng Đồng thấy nhói đau ở bàn chân, nó cắn răng chịu đau. Khi cả bọn đã chạy tới nơi, con vện mọi khi ác là thế mà hôm nay chỉ đứng nhìn, bà Lén ú ớ chẳng nói được gì, chỉ tay ra ao.

Cả bọn không đứa nào bảo đứa nào, đều lao xuống nước. Đồng lặn một hơi tới chỗ cái Mai, nó bơi vòng ra sau một tay túm tóc và lật ngửa Mai ra dựa vào vai mình, bơi vào bờ. Thằng Hướng bơi bên cạnh hỗ trợ cho Đồng, vừa bơi vừa đẩy hai đứa. Còn Việt bơi về phía thằng Tuấn đang chới với sắp chìm, Việt vội túm tóc Tuấn định nhấc lên, không ngờ bị thằng Tuấn ôm chặt, nó giơ thẳng hai tay lên trời rồi lặn xuống, Tuấn buông thả Việt ra, Việt ngoi lên. Sau đó Việt bơi và ôm ngang người Tuấn đưa vào bờ, lúc này cả bọn đã thấm mệt. Cái Mai mặt tái mét ngồi khóc, còn thằng em nó bị uống đầy một bụng nước lả đi. Việt là đứa to khỏe nhất trong bọn, nhấc hai chân Tuấn lên vai với sự trợ giúp của Lưu, dốc ngược thằng Tuấn xuống chạy vòng quanh sân, nước trong bụng thằng Tuấn ộc ra, Việt đặt Tuấn nằm xuống hà hơi thổi ngạt, đúng cái bài nó được học ở nhà trường. Chỉ một lát thằng Tuấn đã tỉnh, Việt đỡ nó dậy dìu vào nhà.

Đồng lúc này mới thấy chân càng lúc càng đau, nó đã đạp phải một mảnh chai vỡ khi chạy trên đồi xuống, máu chảy ra nhiều, thằng Hướng vội cởi cái áo may ô thủng lỗ chỗ băng cho Đồng xong, nó cố gắng đứng dậy nhưng không đứng nổi, chắc vừa mệt vừa đau. Việt cúi xuống cõng Đồng, rồi cả bọn chẳng chào hỏi gì, kéo nhau ra về.

Bà Lén đã hoàn hồn trở lại, quay ra sân thì chẳng thấy bọn trẻ đâu, chỉ thấy những vệt máu còn đọng lại ngoài sân.

Đồng phải nằm viện gần một tuần, hết tiêm lại uống thuốc, vết thương cũng mau lành, nhưng người gầy rộc hẳn đi, nó buồn vì nhớ nhà, nhớ bọn bạn. Còn các bạn ở nhà cũng không khá hơn là bao, cũng buồn thỉu buồn thiu, chẳng đứa nào nghĩ đến trò quậy phá nữa, chỉ chăm chú làm việc nhà, lấy rau lợn, mò cua, bắt ốc.

Cái ngày Đồng được ra viện, cả bọn rủ nhau đến thăm đông như hội, thấy Đồng vẫn còn phải băng ở chân, cái Hồng, cái Thùy và mấy đứa con gái cứ xuýt xoa, thút thít khóc, chúng đưa cho Đồng một túi ổi to tướng thơm lừng. Thằng Việt trêu:

- Thôi cũng may, còn xa ruột chán, chân này đã đi lại được chưa ?.

- Tao đi cà nhắc được rồi, nhưng vẫn phải băng để tránh nhiễm trùng và cho lên da non, chắc vài ngày nữa là ổn, - Đồng đáp.

Ông bà Hải, bố mẹ thằng Đồng rải chiếu ra giữa nhà mời cả bọn ngồi xuống, rồi thì dứa, ổi, mít được mang ra. Cả bọn chẳng khách sáo xà xuống mồm năm miệng mười trêu nhau chí chóe. Đang vui bỗng có tiếng gọi ngoài cổng, ông Hải đi ra đón khách, nghe tiếng chào hỏi bên ngoài, bọn trẻ cũng đoán được đấy là cô Yến Nhi, chú Hiếu con bà Lén, bọn trẻ định đứng dậy rút lui thì chú Hiếu đã lên tiếng:

- Các cháu từ từ hãy về, hôm nay cô chú đến thăm cháu Đồng và cũng là cảm ơn các cháu đây. Sau khi hỏi thăm Đồng xong chú Hiếu mới nói:

- Bác Hải và các cháu ạ, việc các cháu dũng cảm cứu con cô chú, cô chú và cả gia đình mãi không quên. Tối hôm nay mời hai bác và các cháu sang bên nhà tôi, bà cụ nhà tôi muốn gặp các cháu, đồng thời các bác ở Ủy ban xã cũng vào đấy.

Tối hôm ấy, ông Hải cùng một số bố mẹ chúng đưa hơn mười đứa có mặt tại nhà bà Lén. Tới nơi đã thấy bác Chủ tịch và mấy người nữa ở xã đã có mặt. Do đông người nên các bác, các chú ngồi trên ghế uống nước, còn lũ trẻ ngồi dưới chiếu. Đồng bây giờ mới có dịp quan sát trong nhà. Căn nhà gọn gàng sạch sẽ, chiếc Ra-đi-ô COHATA được đặt trên bàn, hai chiếc xe đạp bóng loáng có biển số hẳn hoi được dựng ngay ngắn, giường tủ, bàn ghế đầy đủ, đặc biệt cái bàn học ngăn nắp gọn gàng. Bàn thờ được để ở gian chính giữa, có ảnh một người dàn ông mặc quân phục bộ đội, mũ cối đan lưới, bên cạnh là Bằng Tổ quốc ghi công, được đặt một cách trang trọng. Sau cả bọn mới biết người ấy là chồng bà Lén, đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Đợi mọi người yên vị, chú Hiếu mới đứng dậy, giới thiệu các bác, các chú Ủy ban xã, rồi giới thiệu mọi người ở xóm đang có mặt và đặc biệt nhấn mạnh tới cả bọn trẻ. Yêu cầu từng đứa đứng lên giới thiệu tên mình cho mọi người biết. Sau đó xúc động cảm ơn mọi người. Bác Chủ tịch xã đứng lên nói:

Kính thưa các đồng chí, các bác và toàn thể gia đình.

Vừa qua nghe tin vụ đuối nước tại nhà cụ Lén đây may mắn đã có các cháu trong xóm dũng cảm xuống cứu, thay mặt UBND xã tôi nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận hành động dũng cảm của bốn cháu.

Mọi người vỗ tay rào rào. Còn thằng Đồng, Hướng, Việt, Lưu cúi đầu ngượng ngùng vì thường khi chúng chỉ được nhận những lời trách mắng, hôm nay lại được khen, được cảm ơn từ gia đình, từ bác Chủ tịch xã thì ngượng ngùng là đúng thôi.

- Để kịp thời ghi nhận hành động dũng cảm đó của bốn cháu Đồng, Hướng, Việt, Lưu. Ủy ban nhân dân xã đã quyết định tặng Giấy khen cho bốn cháu. Đồng thời, Ủy ban nhân dân xã đã lập tờ trình, đề nghị UBND huyện khen thưởng. Đề nghị bốn cháu: Đồng, Hướng, Việt, Lưu bước lên đây.

Bác Chủ tịch trực tiếp trao Giấy khen và quà cho bốn đứa. Lại còn bắt tay từng đứa một, rất trịnh trọng như bắt tay người lớn. Đối với người lớn việc bắt tay nhau là chuyện thường tình, nhưng với lũ trẻ trâu mà được Chủ tịch trao Giấy khen, được Chủ tịch bắt tay thì quả là việc tày đình.

Trao thưởng xong một chú ở Ủy ban xã đứng lên nói:

Kính thưa các bác, các cháu, lẽ ra phần khen thưởng này phải tổ chức ở xã, nhưng vì xã ta năm ngoái bị ngập lụt, nhà cửa hỏng hết đang phải sửa chữa ngổn ngang và theo đề nghị của cụ Lén và gia đình, cho nên chúng tôi tổ chức ngay tại nhà cụ Lén. Rồi bánh kẹo, hoa quả được bê ra. Chao ôi những chiếc kẹo dồi, kẹo bột, bánh xốp mới ngon làm sao, thơm làm sao, hàng ngày chỉ nhắc đến là đã ứa nước miếng ra rồi. Hoa quả thì được xếp rất đẹp từng đĩa một. Bà Lén cứ xuýt xoa sờ tay từng đứa một, lấy bánh kẹo cho chúng ăn, rồi gọi hai đứa cháu đứng lên chào các anh, các chị, bà nói:

- Thế này nhé, từ mai lúc nào rảnh các cháu cứ đến nhà bà chơi, đừng ngại toàn hàng xóm với nhau cả, bà là bà quý các cháu lắm.

Cô Yến Nhi lên tiếng:

- Thưa các bác, các anh, các chị và các cháu, tôi là giáo viên cũng đang chuẩn bị được nghỉ hè, cũng có thời gian rảnh rỗi, tôi muốn cứ mỗi buổi tối được phù đạo cho các em, ôn lại kiến thức năm cũ chuẩn bị bước sang năm học mới sẽ có nhiều tiến bộ hơn. Mọi người đều nhất trí, bác Chủ tịch xã khích lệ động viên rất nhiều, làm mọi người càng thêm phấn khởi.

Thế rồi, kể từ ngày đó nhà bà Lén là địa chỉ mà bọn trẻ trâu hay đến, ban ngày chúng đến chơi, nghe bà kể chuyện hoặc giúp bà việc này việc khác. Tối đến tập trung nghe cô Yến Nhi giảng bài, ôn lại kiến thức. Khi thì mớ cua, mớ ốc biếu bà Lén, khi thì giúp bà Lén hái quả trong vườn. Những trò trẻ trâu cũng dần dần biến mất, chúng chăm chỉ làm việc giúp đỡ bố mẹ, chăm chỉ học hành.

Khi kết thúc kỳ nghỉ hè, chúng dường như chững chạc hẳn lên. Nhà trường và cô giáo chủ nhiệm cũng ngạc nhiên về lực học của bọn chúng.

Giờ đây lũ trẻ trâu ấy đều đã trưởng thành, có đứa đã lên ông, lên bà. Nhiều người trong xóm nhỏ ấy đã là người thiên cổ, cái xóm nhỏ ấy đã trở thành một phố đông vui nhộn nhịp. Còn cái hồ thủy sản năm xưa, nay đã thành cái hồ rất đẹp, cho mọi người thể dục vào mỗi sớm và đi dạo mát mỗi buổi chiều, buổi tối. Duy nhất những kỷ niệm của một thời trẻ trâu cực nhọc, vất vả nhưng vui nhộn, mãi mãi còn nằm trong tiềm thức của mỗi người.

Đ.M.S

Tin tức khác