Đêm dông

Thứ ba, ngày 28-02-2023, 09:29| 1.776 lượt xem

*** Truyện ngắn của Đỗ Anh Mỹ

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

Hai tay thằng Nghĩa gồng lên ôm đầu tránh những cú đòn bố nhè vào gáy, vào tai, lúc gồng lưng đỡ cú đòn tay, đòn gối bố bốc lửa tung ra giữ hai mạng sườn. Nghĩa nghe chuyện ông Trạng ngày xưa, hễ ông thấy bố đi tìm gậy, ông Trạng cắm cổ chạy. Bố Trạng sấm sét gầm lên, thì Trạng cãi, là Trạng cốt giữ chữ hiếu! Ông nội hỏi Trạng, tại làm sao? Trạng thưa:

- Ông ơi! Nếu cháu đứng đấy cho bố đánh, nhỡ bố đánh cháu chết, sau này ai nuôi bố cháu ạ!

Ở nhà ông Trạng thế thì được, đằng này thằng Nghĩa mà cãi, liệu thần hồn! Ông Tám đánh con không bao giờ gầm. Không biết để ông giữ cái thể diện của ông, hay thể diện cho thằng Nghĩa? Có khi ông không nghĩ sâu xa thế. Người ta nói ông độn khẩu. Ông đánh con, cứ ra lệnh bằng tay. Ông chỉ cái roi vào đâu, thằng Nghĩa phải đứng vào đó. Ông chỉ lên giường, có nghĩa thằng bé phải lên giường nằm sấp. Ông ghét đứa nào chưa đánh đã khóc. Hễ khóc, ông ra đòn mạnh hơn, mau hơn, trận đòn khốc liệt hơn. Nếu không kịp gồng đỡ, tối mẹ nặn mật gấu mấy ngày chưa chắc đã tan.

Ông Tám đánh con thế thôi, lúc nào ông cũng lo cho thằng bé. Ông có mình nó là trai. Ông đi nhiều nơi, giờ chả ai đẻ nhiều. Đẻ ít thì phải dạy cho nó nên người, sau này mới được nhờ. Ông muốn con sau này thế nào, thì đặt tên cho nó thế ấy: Tăng Hiếu Nghĩa. Ông nhìn gương bên nhà hàng xóm, bố mẹ chiều con, muốn gì được nấy. Thành thử con cái, đứa bỏ học, đứa lêu lổng, trộm cắp khắp nơi. Ngữ ấy chả mấy mà dây vào ma tuý. Nghĩ thế, bởi vậy, ông phải dạy theo nền nếp nhà ông, thương cho vọt, ghét cho chơi! Ông luôn nhắc vợ phải nghe lời ông.

Hôm nay, bà Hoa không có nhà. Bà ở nhà, bà đã la lên rồi. Bà biết tính ông, hễ điên lên là ông khùng. Người ta bực tức mà nói ra được mấy câu, tuy chả câu nào dễ nghe, nhưng cũng bớt được tý nhiệt trên đầu. Đằng này ông không nói ra được, ông cho toả nhiệt bằng tay, bằng những cú ra đòn tấp nập. Rồi sau, chính ông lại ân hận. Bà Hoa những lần thấy đức ông khùng, kiếm cớ đuổi thằng Nghĩa chạy đi. Khi bà chắp tay van xin. Chạy trốn, van xin không xong, bà lăn vào cứu con. Có lần bà bị ông cho dính đòn. Can không được, bà dùng phép la. La cho cả xóm biết. Thế là ông thua. Nhưng cái đó có lần đã thành chuyện để hai ông bà giận nhau, bỏ cơm. Ông gầm lên trong cổ họng:

- Con hư tại mẹ…! Một người nói, một người…! - Ông lúng búng, không thoát thêm được câu gì.

- Thế ông đã dạy nó những gì? Có bao giờ tôi thấy ông nói cho nó biết, ông đánh nó về tội gì đâu. Chỉ thấy gân cốt ông nổi lên…! - Bà cố chọc vào điểm yếu của chồng.

- Phải… Bà dạy con kiểu ấy,… đến bố nó… chả nghe được…, nữa là... là...!

- Thế tôi hỏi ông, tôi nói sai điều gì?

- Đúng!… Đúng tất!… Suốt ngày ra rả như cái đài tâm lý chiến ấy!

Điều này ông Tám không quá lời. Thường thì, ông Tám nể cái nết của vợ. Trong làng, ngoài phố, cả ở cơ quan, bà chưa để mất lòng ai. Với chồng con, bà tìm cách lựa lời. Thằng Nghĩa đi học về muộn, bà để cả buổi giảng giải. Nào là, ngoài đường giờ tai nạn chả trừ ai. Con lang thang về muộn, bố mẹ ngồi nhà lo mỏi mắt. Nào là, học trò bây giờ nghịch hơn cả quỷ, cả ma…! Những đứa hút hít mà biết con nhà có tiền, nó gạ gẫm, theo bám. Con mất cảnh giác, nó lừa cho hút hít vài lần, rồi lợi dụng moi tiền bố mẹ cho chúng tiêm trích, điện tử, chát chủng… Tất tật. Còn nữa. Dài lắm, rất đầy đủ. Lần bà dạy con phải học những nhân vật trong phim. Sang nước Mỹ, Châu Âu, nước Nhật, nước Nga... mà học con người ta. Cuối cùng, bà chốt một câu thiết thực:

- Con thấy đấy. Người đi không bực bằng người trực nồi cơm! - Một câu không ai cãi vào đâu được.

Chợt bà thấy mặt thằng Nghĩa tái dần, vàng cả hai mắt. Mâm cơm giữa nhà đã nguội tanh. Ông Tám nghe đủ, lên giường nằm co, ngáy khò khò. Thế là bà tức chồng, giận con, bê mâm xuống bếp, xách túi, dắt xe đi làm. Thằng Nghĩa nhếch mép, chờ mẹ đi rồi, xuống bếp lục nồi. Nó không chịu được đói!

Ông Tám thường nghiến răng nghe vợ dạy thằng Nghĩa học. Tối dọn mâm bát xong là bà lên kèm bên bàn học của con. Bà kiểm tra từ vở chép bài. Cái chữ phải ngay ngắn. Cái lề phải thẳng hàng. Tranh thủ mươi lăm phút, bà giáo huấn về tư cách. Nhớ ngày xưa bà ngoại dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn!”. Bây giờ, bà truyền cho con. Xong phần tư cách, bà kiểm tra những gì thằng Nghĩa chép trong vở. Kiến thức bây giờ bà bó tay. Bà quay ra dạy con, làm thế nào để vở sạch, chữ đẹp. Bà kể ngày xưa đi học, thầy cô luôn lấy vở của bà ra làm mẫu cho cả lớp. Khi nói mỏi quai hàm, bà ngồi giám sát con làm bài. Nghĩa ngủ gật ngay từ lúc bà say sưa phần giáo lý tư cách. Sáng hôm sau, Nghĩa không thuộc bài, không làm hết bài tập, bị thầy giáo cho điểm xấu. Vậy là, bố lại có cớ thượng đòn tay, hạ đòn chân.

Nghĩa không hiểu nổi, bố mẹ sinh ra nó để làm gì? Những khi một mình, mặt thằng bé thườn thượt, rầu rĩ, không khóc mà nước mắt vẫn chảy. Nghĩa thương bố mẹ vất vả, không dám giận ai. Chỉ tức, mẹ cả ngày rót vào tai nó những gì mẹ muốn, đổ lên đầu nó những chuyện đâu đâu. Bố bảo mẹ là cái đài tâm lý chiến. Thằng Nghĩa thì nghĩ, ai đổ lên đầu mẹ những điều mẹ đã đổ lên đầu nó như thế, chắc mẹ đã phải nhập viện tâm thần. Bố không nói, bố dạy con bằng đòn. Lớn lên, Nghĩa đã quen với những bài ca của mẹ, cú đòn của bố. Hễ kiếm đâu được tiền là cu cậu kéo bạn đi chọc bi-a, rủ bạn trốn học đi chơi pích-ních.

Một lần, thằng Nghĩa xé bỏ trang sổ liên lạc gia đình, về giấu bố mẹ không dám nói. Thầy giáo gọi lên dọa đuổi học. Nghĩa gặp bố để xin lỗi. Ông Tám bị sốc, sợ hàng xóm biết chuyện, gọi con vào buồng, khóa trái, dạy cho một hồi gẫy cái gậy. Mệt, ông ngồi thở. Rồi bố khóc, con khóc. Bà Hoa tối về, lên xin với thầy cô:

- Từ nay, cháu có sai gì, xin thầy cô nói với tôi. Tôi về bảo ban cháu. Nói với bố cháu...! - Bà không dám nói thật.

Từ đấy, thằng Nghĩa thường được nghe những đoạn băng dài cả buổi. Sang năm nay, Nghĩa không mấy khi bị ăn đòn. Hàng xóm khen, thằng bé càng lớn càng ngoan. Ngày, Nghĩa đóng cửa ở trong nhà, không để bố mẹ phải giục đi học. Đi học về, Nghĩa lăng xăng giúp mẹ dọn dẹp việc nọ việc kia, khi nhóm lò, quạt than, nhặt rau, lau nhà. Rảnh rỗi, lại lân la gần mẹ chuyện nhỏ, chuyện to. Ông Tám, bà Hoa vui ra mặt, khoe với ông nội, bà ngoại. Từ dạo con chị đi học chuyên nghiệp xa nhà, bà Hoa đưa tiền cho thằng Nghĩa, để nó học đi chợ. Một hôm, bà tái mặt hỏi chồng:

- Tiền cơ quan tôi để ở túi áo, ông có cất không?

- Tôi cất tiền của bà làm gì!?

- Chả nhẽ nó không có cánh mà bay!

- Sao không cất vào tủ, lai để đấy..., mất còn kêu ai! - Ông lủng bủng nói mấy câu bâng quơ.

- Tủ hay túi áo thì cũng ở trong cái nhà này!

Nghe bố mẹ cãi nhau, Nghĩa lẳng lặng lên gác. Bà Hoa nhớ dần ra, không phải hôm nay, mà mấy tháng nay rồi, tiền ăn bà để trong ngăn kéo cứ bị thâm hụt. Bà nghĩ ông Tám lấy đi công tác, hay mua quà gửi về dưới quê. Có lần bà cũng nghi cho thằng Nghĩa. Ở nhà, chỉ còn có nó biết chỗ để chìa khoá. Nhưng bà lại sợ ông Tám khùng, đánh thằng bé, nên đành để bụng.

Vừa lúc, bên ngoài có tiếng gõ cửa. Bà Hoa chột dạ, giật mình bước ra. Cửa mở, hai cái mũ bằng chắn ngay trước nhà, một người lên tiếng:

- Xin hỏi! Đây có phải là nhà ông Tăng Văn Tám…?

- Đúng,… Phải ạ! - Bà Hoa ấp úng - Các anh… tìm nhà tôi có việc gì ạ?

- Công an phường yêu cầu ông bà, đúng tám giờ sáng mai, đưa anh Nghĩa, Tăng Hiếu Nghĩa, đến Công an phường để kiểm tra chất ma tuý!

- Dạ! Dạ! Hôm nay cháu không có nhà ạ! - Tự nhiên bà buột miệng!

- Ngày mai cơ! Đề nghị bà ký vào sổ hẹn ạ!

Bà Hoa cầm bút, tay run không viết nổi tên mình. Hai cái mũ bằng vừa ra khỏi nhà, bà ngã vật xuống ghế, mắt trắng dần. Ông Tám thấy bóng công an, vội nấp sau cửa bếp, bủn rủn chân tay. Hai anh công an đi khuất, ông thập thò đi ra, vừa lúc bà Hoa đổ sụp. Ông hớt hải chạy lại đỡ vợ, thấy chân tay bà lạnh toát. Hốt hoảng, ông ú ớ kêu ầm hàng xóm. Bà con hai dãy kéo sang. Mọi người vào nhà thì bà Hoa kịp tỉnh. Bà bối rối nói với mọi người:

- Tôi hơi chóng mặt, không làm sao đâu. Tôi xin phép đi nằm.

Ông Tám chưa hết bàng hoàng, bối rối. Hàng xóm thấy chuyện khác thường, chả ai muốn thóc mách, lần lượt ra về.

Thằng Nghĩa thấy công an đến nhà, trèo qua cửa sổ, tụt sang nhà hàng xóm, chui vào đống rơm. Chiều hôm ấy, bếp nhà bà Hoa không nổi lửa. Hai ông bà mỗi người một giường, trùm chăn. Bà Hoa cả chiều không nói, nước mắt chảy tràn. Ông Tám im như thóc, miệng đắng như cắn phải bồ hòn, không dám chia sẻ với ai.

Tối lặn mặt trời, Nghĩa chui ra khỏi đống rơm, trùm khăn, bịt mặt, lom khom đi về phía cuối đê. Mây đen ùn ùn kéo về, gió nổi từng cơn, quật ngang quật ngửa hàng cây bên đường. Chớp nổi lên loang loáng.

Bà Hoa giật mình mở mắt, hấp tấp chạy vào phòng học của con. Ngọn đèn vẫn sáng. Quyển sách bỏ ngỏ. Không thấy thằng Nghĩa, bà hớt hải gọi chồng. Ông Tám giật mình thảng thốt, quỳ dưới chân vợ van xin. Ông thấy trước mặt không phải là bà Hoa, mà là hai anh cảnh sát. Khi nghe rõ tiếng bà Hoa hét vào tai, ông sực tỉnh. Bà Hoa nói không ra hơi, nhưng ông Tám đã hiểu, thằng Nghĩa nhà ông đã bỏ nhà đi. Đến lượt ông Tám ngã vật xuống giường:

- Thế là hết!… Bà đã sướng chưa?! - Ông Tám nghẹn ngào trong cổ.

- Nó cũng thoát cái đấm cái đá của ông! - Bà Hoa xót con không kém.

- Từ nay bà cất ngay cái đài tâm lý của bà đi! - Ông Tám tắc trong cổ, khục khục đẩy ra mấy câu cho đỡ tức - Bà không tìm được thằng bé về, thì bà cũng đi theo nó luôn đi. Đừng có về… cái nhà này nữa!

- Từ giờ ông cũng khỏi phải khùng! - Bà Hoa lau nước mắt, cố cãi một câu.

Ngoài sân, trời mưa to. Gió hắt những giọt mưa nặng hạt qua cửa sổ. Ông Tám ngồi thu lu trên giường, mắt tròn xoe. trân trân nhìn ra cổng. Ngoài ấy, chỉ còn bóng tối xen ánh chớp. Bà Hoa run như lên cơn sốt, ngồi trùm chăn, im lặng nhìn chồng. Bỗng bà tung chăn, chạy tìm áo mưa, vo tròn thêm một cái, bất thần lao ra đường.

Thằng Nghĩa ra đến bờ đê, trời đổ mưa. Những giọt nước lạnh quất vào mặt, vào mắt. Cái rét đánh thức cái đói. Nghĩa lom khom bước đi trong tiếng gió gầm gào. Mắt Nghĩa nhạt nhoà, vừa đi vừa nghĩ:

- Thế là hết! Những gì lâu nay mình tưởng yên chí, giờ công an biết hết cả rồi!

Nghĩa không sợ những gì nó sắp phải trả giá. Nó sợ từ nay bố mẹ không ai chấp nhận nó nữa. Liệu mẹ có chịu nổi cơn sốc này không? Ngày trước nó oán mẹ, trách bố, từ độ dây vào thứ này, nó ân hận. Nó đã nhận ra những trận đòn khốc liệt mà bố từng dành cho nó, những đoạn băng tâm lý mẹ phát da dả cả ngày, chẳng qua để nó tránh xa con đường nó mắc hôm nay. Nghĩa thầm trách bố, oán mẹ. Người ta muốn con nên người có thiếu gì cách. Nghĩa thèm một gia đình ấm áp, mọi người tôn trọng lẫn nhau; thèm bữa cơm đạm bạc, nhưng ấm cúng, thèm cảnh nhà mấy đứa bạn, ngày sinh nhật của chị, của em, của bố mẹ, cả ngày cưới của bố mẹ ngày xưa, luôn đầy ắp tiếng cười, đầy ắp những câu chuyện vui, để rồi ai đi xa vẫn nhớ về gia đình. Nó mong, dù đi đâu về đâu, nó mắc phải lỗi gì, thì gia đình phải là nơi nó dám nói ra lỗi lầm trước nhất. Mắc lỗi mà nói ra được, dễ sửa chữa bao nhiêu. Đằng này, Nghĩa sợ những cú đòn, sợ những đoạn băng tâm lý, đành giữ kín trong bụng, bí mật như bưng, để mấy đứa cứ bám theo ép, doạ báo nhà trường, doạ mách bố mẹ. Đời nó giờ ra nông nỗi này! Nghĩa khóc thầm nhớ mẹ. Nó nghĩ, các bà ai cũng thế, bụng muốn giữ chồng, giữ con ở nhà, nhưng miệng cứ xơn xớt đuổi đi. Nghĩa có lần đã ghi nhật ký: “Các bà mẹ bớt đi được nửa cái miệng, thế giới hạnh phúc gấp đôi!”

Một tia chớp rạch xuống cây đa. Những vệt sáng xanh liên tiếp từ trên trời phóng xuống mặt đất, kéo theo những tiếng sét xé trời. Thằng Nghĩa hú hồn, bán mình chạy vào ngôi điếm dưới gốc đa. Những tia chớp ngoằn ngoèo soi vào trong điếm. Chớp lóe lên, kéo theo những tiếng sét xé tai. Nghĩa quỳ gối, chắp tay, lẩm bẩm cầu xin thần cây đa, thần đê che chở! Một tiếng sét nổ gần, khước từ lời cầu xin. Nghĩa hốt hoảng vái như tế sao, bằng cả tiếng nói từ trong lồng ngực.

- Con sẽ về với bố mẹ. Con hứa sẽ đi cai nghiện ma tuý!

Sấm chớp bắt đầu dời xa cây đa. Thằng Nghĩa thu mình nhớ mẹ. Không biết giờ này mẹ đã ngủ chưa? Nó biết mẹ nó khó mà chịu nổi cái tin sét đánh ban chiều. Nó cầu cho ông trời chỉ trừng phạt một mình nó thôi. Mẹ nó không có lỗi gì đâu. Nó có thể chết hai lần để bố mẹ được an lành. Nhưng ngày mai, nếu nó phải đi làm xét nghiệm...! Ôi! Đừng ai bắt nó phải đi làm cái việc ấy được không? Nó sẽ tự giác đi cai nghiện, nhưng đừng bắt nó phải đi xét nghiệm HIV. Bốn thằng bạn tiêm chích cùng nhau, ba đứa hoá thân đi rồi. Giờ, thằng Nghĩa đã sáng mắt ra. Nghĩa có thể chấp nhận tất cả, chỉ để khỏi phải nghe hai chữ “dương tính”!  Bố mẹ Nghĩa nghe hai chữ này, chắc không chịu nổi. Nghĩa rùng mình, toàn thân run lên. Giá lúc này có bố ở đây đánh cho nó một trận nhừ đòn, nó còn thấy sung sướng hơn phải ngồi cô đơn trong điếm, giữa mưa giông bão táp. Chiều mai, còn phải nghe câu kết luận “dương tính”! Nghĩa khao khát sự tha thứ, tình yêu thương của bố, của mẹ, của thầy cô giáo. Hai hàng nước mắt tràn xuống má. Mắt thằng Nghĩa nhòa dần.

Bỗng Nghĩa giật mình, nghe có tiếng gọi thất thanh, yếu ớt trong mưa. Giọng ai nghe quen, rót vào tim nó. Nghĩa bật dậy, lao lên mặt đê. Một cái bóng nghiêng ngả, chập chờn trong ánh chớp. Nghĩa lao về phía cái bóng. Hai cái bóng đói rét, kiệt sức ôm nhau ngã xuống chân đê. Mưa xối xả, gió vẫn rít từng hồi. Bốn con mắt nhận ra nhau lóe sáng. Thằng Nghĩa dìu mẹ về điếm. Hai mẹ con ôm nhau đầm đìa nước mắt. Nước mắt của mẹ vừa tức giận, thương con, xót xa ân hận. Nước mắt thằng Nghĩa ăn năn hối lỗi. Bà Hoa đưa tay vuốt má con. Dưới ánh chớp lập loè hiện lên khuôn mặt thằng con trai mới hôm qua nhìn hiền lành dễ thương, mà đêm nay, lạnh giá, ốm yếu. Bà ôm con vào lòng. Bốn cái vai rung lên. Không biết vai thằng Nghĩa rung lên vì rét, vì đói, hay nó khóc vì sự hối hận. Bà Hoa lúc này sực nhớ, lấy tấm áo mưa quàng lên người con. Nghĩa ấm dần, khoẻ lại. Hai mẹ con lên đê, dựa vào nhau đi về làng.

Từ lúc bà Hoa trùm áo mưa tất tưởi chạy đi, khuất vào trong đêm mưa sấm chớp, ông Tám vẫn ngồi thu mình trên giường. Lúc ông lại đau đáu nhìn ra cửa. Không biết ông đang nghĩ gì? Ông xấu hổ, hay tức giận vì có thằng con đã dây vào ma túy? Ông lo, danh dự của ông ở cơ quan, ở xóm phố thế là hết. Ông sợ đời ông từ nay cô đơn. Mất thằng Nghĩa, ông mất chỗ dựa khi tuổi già. Có lúc nào ông thấy sốt ruột, lo cho mẹ con thằng Nghĩa lặn lội tìm nhau trong đêm mưa rét thế này? Liệu ông có nhớ những trận đòn roi ông “Thương cho vọt, ghét cho chơi”?

Nửa đêm, mưa ngớt dần. Ngoài sân có tiếng chân người. Ông Tám tròn mắt nhìn ra cổng. Hai bóng đen quen thuộc đi vào. Ông Tám nhảng hai bước lên giường, lại trùm chăn kín đầu, nghĩ: - Phải thế này mẹ con nó mới sợ!

Hôm sau thức dậy, Nghĩa xin bố mẹ ký vào lá đơn tình nguyện xin đi cai nghiện ma túy tại Công trường 06. Chữ Nghĩa hôm nay thật ngay ngắn, thẳng hàng. Bà Hoa lau nước mắt, nghĩ thằng Nghĩa đã quyết tâm thật rồi. Bà đọc đến nửa chừng, trang giấy nhoè dần. Cái nhoè nhắc bà từ nay quên những đoạn băng tâm lý của bà đi. Bà đặt bút, cẩn thận ký một chữ, cũng thật ngay ngắn, rồi chuyển tờ giấy cho chồng. Ông Tám đọc đi đọc lại tờ đơn. Mắt ông lúc ngầu đỏ, lúc lại long lanh, vội nhìn đi đằng khác. Ông tức vợ, giận con. Nhưng hôm nay, ông không khùng. Tay ông run run ký tên mình vào góc tờ giấy, bên cạnh chữ ký của vợ.

Ba tháng, Tăng Hiếu Nghĩa khoác ba lô trở về. Vừa về đến cổng, Nghĩa ùa vào ôm cổ mẹ, nói thầm một câu mà nó ấp ủ, thổn thức mấy đêm:

- Mẹ! Con đã được xét nghiệm lại rồi, mọi cái đều âm tính!

Mắt Nghĩa lăn ra hai giọt nước, rơi xuống vai áo mẹ. Hai mẹ con ôm nhau mừng tủi. Ông Tám trong nhà đi ra, vừa nhìn thấy con, môi méo dần. Nụ cười méo theo. Tay lóng ngóng không biết để vào đâu.

Bà Hoa đứng xào rau lúc khóc, lúc cười. Nghĩa quét nhà, vừa quét, vừa huýt sáo. Ông Tám không biết hai mẹ con cười gì, khóc gì. Nhưng linh tính báo cho ông điềm lành. Ông đạp xe ra phố. Khi về, xách theo một can bia. Bữa cơm, Nghĩa kể chuyện đi cai nghiện ma túy. Khổ thế, mà thằng bé vừa kể, vừa cười. Sắp say rồi, ông Tám mới chịu nói theo giọt nước mắt, lần đầu trong đời, trước cả vợ con:

- Bố biết… bố sai rồi!

Cả nhà không khóc, mà ai cũng rơi nước mắt theo ông. Bữa cơm hôm nay mẹ nấu mấy món ngon, lại có bia, ba người ăn vèo cái đã hết!

Tin tức khác