"ChatGPT với báo chí truyền thông - cơ hội thách thức"

Thứ tư, ngày 01-03-2023, 20:52| 1.068 lượt xem

Chiều 1/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Chat GPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và thách thức”. Hội thảo do Báo Tuyên Quang phối hợp với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trương Văn Chuyển, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ; PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; Thạc sĩ Mai Đức Thông, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.

Dự hội thảo có các diễn giả: PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Trần Quang Diệu, Phó Giám đốc điều hành, Trung tâm Truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ; Thạc sỹ Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; nhà báo Ngô Trần Thịnh, phụ trách nội dung Kinh tế - Công nghệ - Trung tâm tin tức Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin, báo chí - truyền thông của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tin tức Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh…

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: PV

Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Đức Thông - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Tổng biên tập báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết, trong thời đại số hoá hiện nay, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến công chúng. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các hệ thống chatbot, như ChatGPT cũng đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, việc ứng dụng ChatGPT đặt ra nhiều thách thức và cơ hội, nhất là với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí. Theo ông, cơ hội của việc sử dụng ChatGPT trong báo chí truyền thông có thể kể đến như: Tự động hoá việc sản xuất nội dung: ChatGPT có thể giúp tạo ra nội dung tự động một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí; Tăng cường tương tác với khách hàng: ChatGPT có thể giúp tăng tương tác với khách hàng thông qua các kênh như mạng xã hội, email. Song, việc sử dụng ChatGPT trong truyền thông cũng mang nhiều thách thức. Ở chỗ ChatGPT vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ tự nhiên và có thể dẫn đến những lỗi thông tin hoặc thông tin không chính xác. Việc sử dụng ChatGPT cũng đặt ra các vấn đề riêng tư thông tin cá nhân của người dùng. 

Tại hội thảo, các diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông, các chuyên gia công nghệ thông tin đã phát biểu tham luận, trong đó tập trung vào các nội dung: “Chat GPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông- từ khía cạnh bản quyền và sở hữu trí tuệ”, “ChatGPT với báo chí truyền thông - từ góc nhìn công nghệ và an ninh truyền thông”, “Sự phát triển của công nghệ truyền thông và những cơ hội, thách thức đối với nghề báo”, “ChatGPT và Nhà báo - sử dụng trong sự cẩn trọng", "Báo cáo và chia sẻ kết quả thử nghiệm ứng dụng ChatGPT ở Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trước hết, nếu bạn là một nhà báo, ChatGPT có thể hỗ trợ bạn trong việc thu thập thông tin và phân tích dữ liệu. Với khả năng xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên của con người, ChatGPT có thể giúp bạn tìm kiếm thông tin liên quan đến một chủ đề cụ thể, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau và tạo ra các câu trả lời tự động cho các câu hỏi từ người dùng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ và không thể thay thế được sự tinh tế và khả năng suy luận của con người trong việc đánh giá và phân tích thông tin. Vì vậy, bạn vẫn cần phải kiểm tra và xác nhận thông tin một cách cẩn thận trước khi sử dụng nó trong bài viết của mình. PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh nhận định: Một tin tức báo chí do nhà báo viết thường được viết bởi một người có kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực báo chí, họ có thể đã thực hiện nhiều nghiên cứu, phỏng vấn, thu thập thông tin và kiểm tra sự chính xác của các thông tin trước khi đưa ra bài viết. Họ còn phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và nguyên tắc báo chí để đảm bảo tính chính xác và khách quan của tin tức. Họ là người bằng trực giác có thể kiểm định độ chính xác của thông tin mà máy không thể thay thế được. 

TS.Trần Quang Diệu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về ChatGPT với báo chí truyền thông từ góc nhìn an ninh truyền thông, ông cho biết: Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực đã được ngành công nghệ thông tin nghiên cứu từ rất sớm. Tuy nhiên trong bối cảnh cách mạng công nghệ bùng nổ, thì các AI được nhắc đến và bàn bạc nhiều hơn bao giờ hết. Một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất là báo chí, truyền thông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn thông tin. Chuyển đổi số dưới tác động của cách mạng công nghiệp đã tạo ra một xã hội ảo, là ánh xạ của xã hội thực, chính vì thế bản thân nó cũng có những mặt đối lập, có mặt tích cực và có mặt tiêu cực. TS.Trần Quang Diệu cho biết: Các sản phẩm thông minh nhân tạo đang từng bước được ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, các sản phẩm thông minh nhân tạo này cũng đặt chúng ta trước với các hoạt động an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng như: sự tấn công của các thế lực thù địch, của các hacker vào các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia; sự tấn công bằng lây nhiễm, cài cắm mã độc nhằm chiếm đoạt, đánh cắp thông tin cá nhân; tấn công thu thập dữ liệu để sử dụng chống phá, can thiệp vào hoạt động chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và thậm chí cả vào các tiến trình, kết quả bầu cử ở một số quốc gia, các thông tin thất thiệt hay dựng chuyện, bịa chuyện trong khi sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo. Theo ông, Nhà nước phải xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật quy định bắt buộc tất cả các đối tượng đều phải tuân thủ khi thực hiện thông tin trên mạng. Trên cơ sở đó có cơ chế phối hợp và tận dụng sức mạnh toàn dân trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền và truyền thông an toàn, an ninh thông tin đối với các chủ thể hoạt động thông tin trên môi trường internet, đặc biệt là chủ thể trên mạng xã hội...

Khẳng định về sự siêu việt của ChatGPT tuy nhiên đưa ra lời khuyên cần sử dụng nó một cách có cân nhắc. Ths. Vũ Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các toà soạn, nhà báo nên tận dụng ChatGPT ở những công việc, công đoạn sáng tạo tác phẩm báo chí giản đơn, không đòi hỏi phức tạp, thậm chí là viết những tin cơ bản, đơn giản. Song song với đó, vừa để khẳng định vị trí không thể thay thế của nhà báo nói riêng và báo chí nói chung, cho dù ChatGPT hay bất kỳ công cụ “học máy” nào phát triển đến đâu, vừa để đảm bảo chất lượng báo chí và nâng cao độ uy tín của báo chí, các toà soạn và nhà báo cần đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào sản xuất các sản phẩm báo chí có chất lượng, là thương hiệu của tờ báo và của phóng viên. Điển hình là những tác phẩm báo chí điều tra, phân tích, bình luận có chất lượng. Những tác phẩm này, ChatGPT hầu như khó thay thế được vai trò của nhà báo. Ngoài chất lượng, thì “sự sáng tạo” trong từng tác phẩm báo chí sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự khác biệt và vượt trội của nhà báo so với ChatGPT hay bất cứ công nghệ tương tự.

Theo góc nhìn của TS. Khổng Quốc Minh - Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ bàn về ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông-từ khí cạnh quyền sở hữu trí tuệ; ChatGPT và AI vừa là cơ hội vừa là thách thức. Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm báo chí phù hợp. Ở khía cạnh quyền SHTT, việc sử dụng nội dung được tạo ra bởi ChatGPT và ứng dụng AI có nguy cơ xâm phạm quyền SHTT, nhất là quyền tác giả của người khác và dẫn đến các hậu quả pháp lý. Bản thân Công ty OpenAI cũng tuyên bố, người dùng phải tuân theo giấy phép và điều khoản sử dụng của OpenAI nên khi xảy ra vi phạm quyền SHTT, người sử dụng nội dung là bên chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình.

Tiếp theo đó, các nhà báo và đại biểu dự hội thảo cùng chia sẻ những vấn đề xung quanh việc sử dụng ChatGPT vào công việc làm báo như: Cách sử dụng ChatGPT để tạo ra nội dung truyền thông tự động, việc tăng tương tác với công chúng báo chí thông qua ChatGPT và cách tạo ra trải nghiệm người dùng tốt hơn; những vấn đề liên quan đến độ tin cậy của ChatGPT và tác động của việc sử dụng Chat GPT đến quyền riêng tư của người dùng, cách tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà báo trong bối cảnh có ChatGPT, những lưu ý đối với biên tập viên khi biên tập tác phẩm báo chí trong bối cảnh ứng dụng ChatGPT... 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Trương Văn Chuyển - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ cho rằng, hội thảo đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần, trách nhiệm cao và hết sức tâm huyết, tại cuộc hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia có ý nghĩa quan trọng, chỉ ra được những thực trạng của vấn đề về ChatGPT với nhà báo, nghề báo; những cơ hội cũng như thách thức mà ChatGPT đem lại. Do đó để làm chủ và sử dụng được ChatGPT cũng như các công cụ trí tuệ nhân tạo khác, mỗi nhà báo chúng ta càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ.

PV

Tin tức khác