Thuở bé, tôi thường ốm đau quặt quẹo, người gầy nhẳng, da dẻ xanh xao như tàu lá chuối. Thêm, tôi còi cọc nhất trong đám cháu nữa, lại chết hụt mấy lần, có thế chăng tôi được bà ngoại cưng chiều hết cỡ.
Nói về vụ hút chết, lần đầu khi tôi mới chập chững biết đi, bước hụt cầu thang, rơi từ sàn cao xuống, mẹ kể. May sao đầu tôi cắm thẳng vào xô nước rửa chân phía dưới nên sức va đập giảm đi nhiều. Nhìn tôi máu me đỏ lòm cả đầu cả mặt, cả nhà tưởng nguy to rồi, may sao sự cố ấy chỉ lưu lại bên mé trái đầu tôi vết sẹo to trắng hếu.
Lần thứ hai suýt chút nữa tôi thành oan hồn dưới thủy cung. Khi ấy, tôi chừng sáu tuổi, một mình giữa trưa nắng lặn lội sang nhà bác để chơi cùng các anh chị bên đó. Muốn đến nhà bác phải đi qua một con suối khá rộng. Lội đến giữa suối, tôi bị thụt xuống hố cát nước ngập cả đầu. Giữa trưa vắng không người, tôi một mình vật lộn với nước, cảm giác gần tắt thở. May sao uống no bụng nước tôi trồi lên được, lóp ngóp bò vào bờ thoát chết.
Nói tới chuyện nuôi tôi hồi bé, ông bà và các bác tôi đều lắc đầu… ngao ngán, bởi chẳng đứa trẻ nào lại khó nuôi như vậy cả. Tôi hết ngã đau lại sài đẹn lở loét khắp người, sốt cao như hòn than là chuyện thường ngày. Thế nên trong mắt cả họ ngoại, tôi là đứa ốm yếu, dặt dẹo. Cứ nhìn thấy tôi là các bác, các anh chị lại nhắng:
- Cỡ này cố học mà làm cán bộ, cho Nhà nước nuôi chứ sức đâu cầm lấy cái cuốc!
Để tẩm bổ cho cháu gái yêu, bà ngoại tôi cẩn thận lấy từ trong chiếc hòm gỗ ra một gói nhỏ, có màu nâu đen nấu cho tôi nồi cháo.
- Mà chin cháo lục lình lan ới! (Lại ăn cháo huyết lình đi cháu!) - ngoại gọi tôi.
Tôi đỡ bát cháo nóng hổi từ tay bà ngoại. Cháo được ninh từ gạo lứt xay, tới khi nhuyễn thì bà cạo một ít huyết lình vào bát để trộn. Bát cháo có màu nâu đen, mùi tanh tanh xộc lên mũi khiến tôi nhăn mặt. Ban đầu tôi ngỡ nuốt không trôi bởi mùi vị khó chịu ấy, thế rồi mấy câu chuyện hấp dẫn về loài khỉ của bà cuốn hút làm tôi ăn bát cháo hết vèo.
Bà kể, đối với người Tày, huyết lình trộn lộn nhau thai, máu đẻ, hành kinh của loài khỉ là một vị thuốc vô cùng quý, dùng để chữa bệnh hậu sản và các chứng bệnh do khí huyết. Ngày xưa rừng núi còn ít bóng người, loài khỉ sống thành bầy đàn đông lắm. Khỉ là loài tinh khôn, khi mang thai, khỉ cái biết tìm hái các loài thảo dược ăn để bồi bổ, vậy nên dược tính vẫn còn được giữ lại trong lớp huyết lình đọng ở các mỏm núi đá.
Vào mùa hè là mùa khỉ đẻ, bà con đến các nơi núi đá khỉ hay ở và đi lại, tìm những mỏm đá là nơi khỉ hay ngồi sau khi đẻ để cạo lấy đám huyết đã khô đen, đem phơi nắng hay sấy khô, gói kín để chỗ khô ráo. Huyết lình có màu như màu bã cà phê, mùi tanh. Người dùng thường tán nhỏ để ngâm rượu uống hay cho vào cháo mà ăn.
Sau vài bận ăn cháo huyết lình, tôi dần khỏe lại, da dẻ hồng hào hơn, lòng bàn chân và bàn tay ấm áp chứ không lạnh ngắt như trước. Không riêng cháo huyết lình, bà còn nấu cháo trứng, cháo gà lá ngải, cháo củ mài, cháo nếp.
Cháo trứng cũng nấu như cháo huyết lình, chỉ cần ninh nhừ gạo, đến khi múc ra bát đập quả trứng vào, cho thêm ít lá hành thái nhỏ là được. Phía trước nhà bà luôn có mấy cái máng tre trồng giống hành lá khổng lồ, lá to bằng ngón tay người lớn, chỉ cần một lá thôi bát cháo cũng đủ dậy mùi thơm phức. Món cháo gà kỳ công hơn, phải chọn con gà chừng 4 - 5 lạng, mổ sạch, cho vào nồi ninh cùng nắm gạo và rau ngải tía. Khi cháo nhừ, mùi thơm và vị đăng đắng của rau ngải quyện với vị ngọt của thịt gà tạo nên một hương vị thơm ngon khó tả.
Hầu hết các món cháo bà tôi nêm bằng muối, riêng cháo củ mài và cháo nếp là món cháo ngọt. Thời điểm đào củ mài thường vào dịp tháng Giêng, khí trời rất lạnh. Củ đào về được bà bóc vỏ, rửa sạch, thái miếng rồi bỏ vào nồi ninh cùng ít gạo nếp, tới khi cả gạo và củ nhuyễn ngoại cho mật mía vào khuấy cùng. Món cháo nếp cũng được nấu tương tự, chỉ cần lưng bát con gạo nếp hoặc thêm ít đỗ quê, thêm mật là thành món cháo thơm ngon hết sảy. Trời lạnh cóng, được ăn bát cháo của bà nấu là tôi ấm lòng, ấm dạ suốt cả ngày.
Ơn bà chăm chút, nhất là bằng những nồi cháo tuyệt vời ấy, tôi từ con bé gầy trơ xương, suốt ngày ốm yếu đã có da có thịt, khỏe mạnh hơn. Sau này tôi được đi nhiều nơi, ăn nhiều loại cháo, trong đó có những món cháo đặc sản trứ danh như cháo ấu tẩu, cháo lươn, cháo cá lóc, cháo yến… nhưng dường như hương vị vẫn không bì được các nồi cháo dân dã thôn quê do ngoại nấu thuở hàn vi. Nhớ bà, mấy hôm rảnh rỗi tôi kiếm đủ nguyên liệu tự nấu những nồi cháo theo công thức của bà trước đây, mà chưa một lần nấu được đúng vị. Cháo còn thiếu hương vị tình yêu thương vô bờ của ngoại - có lẽ.
Thèn Hương