Ký ức về vùng đất Thanh Thủy - Vị Xuyên

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 15:40| 2.307 lượt xem

Bút ký dự thi của Cao Xuân Thái

Trung tuần tháng 8/2022, tôi ngược Hà Giang dự Lễ kỷ niệm ba mươi năm hình thành và phát triển Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và thăm lại cơ quan cũ. Hôm sau, tôi sang Tòa soạn Báo Hà Giang gặp gỡ một số anh em quen biết, may mắn được Tổng Biên tập báo, Chủ tịch Hội Nhà báo cùng một số anh chị em phóng viên, biên tập viên tiếp đón chân tình. Tôi có nguyện vọng ra cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Tổng Biên tập Báo Nguyễn Trung Thu, cử ngay nhà báo trẻ Lò An Dương, dùng xe riêng đưa tôi đi... Lúc đứng trước Quốc môn và nhìn ngắm đầu nguồn dòng sông Lô, biết bao kỉ niệm thức lại trong tôi...

 

Minh họa của Tân Hà

 

Nhắc đến Thanh Thủy (Vị Xuyên - Hà Giang) là người ta nghĩ ngay đến vùng đất hùng vĩ, êm đềm, tươi đẹp, giàu tiềm năng đang được đánh thức. Nơi có dòng sông Lô lịch sử phát nguyên từ Vân Nam (Trung Quốc) ở độ cao hơn ba nghìn mét so với mặt nước biển chảy về ở phần đất Thiên Bảo, rồi đổ vào Thanh Thủy... Quốc lộ 2 men theo bờ hữu ngạn, mặt đường hai làn xe chạy, cầu cống thông thương, tiện lợi. Bờ bãi bên sông được phù sa bồi đắp đã hình thành nên nhiều làng bản, đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông... Đã bao đời tần tảo, lam lũ để tạo dựng bền vững những vùng văn hóa thuần khiết. Dòng sông còn là dòng chảy lịch sử xuyên qua thời gian, không gian với những địa danh, sự kiện còn vang dội đến giờ.

Ngày động thổ xây dựng Quốc môn (hay còn gọi là cổng lớn quốc gia) tôi đã khấp khởi mừng thầm, rồi đây Thanh Thủy sẽ được nâng lên thành cửa khẩu quốc tế, có điều kiện giao thương, buôn bán làm ăn với Vân Nam (Trung Quốc). Sau đó phía bạn cũng đã khởi công xây dựng Quốc môn đối diện với ta. Con suối nhỏ từ phía Lao Chải đổ ra sông Lô là điểm phân chia biên giới, phía trên có cây cầu cứng dài chừng năm chục mét. Ở phần đất của ta, đầu cầu bên trái còn một bụi tre độc ngộc rậm rịt, còn khóm tre ngà bên phải vì lí do mở rộng khu vực biên giới mà người là chặt hạ nó lâu rồi.

Có lần bâng khuâng trước cảnh sắc nơi đây, tôi đã viết bài thơ bốn câu về khóm tre ngà này: “Tự bao giờ khóm tre ngà đứng đó/Mang nét quê mềm mại Việt Nam mình/Và nếu cần không thể nào khác được/Tre hóa thành gậy sắt đuổi giặc Ân". Bài thơ vẻn vẹn bốn dòng nhưng nó chứa dụng cả không gian lẫn thời gian, sâu sắc hơn nó là dấu ấn của một thời, một thế hệ và mỗi lần nhắc lại thì niềm xúc động trong tôi cứ trào dâng khó tả.

Kỉ niệm rất có thể sẽ trở nên nhạt nhòa và rơi vào quên lãng, nếu vừa rồi Nhà văn Trịnh Thanh Phong không nhắc lại với tôi về những chuyện cũ... Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước - tháng 10/1976, tôi với anh Phong được chuyển về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên để làm thủ tục ra quân. Chúng tôi được đưa đến xã Phương Độ và ở nhờ một gia đình người Tày thôn Tha. Anh Nguyễn Văn Tùy chủ hộ có vợ và sáu con cùng mẹ già hơn bảy mươi tuổi là một trong những gia đình khá giả của thôn. Ngôi nhà sàn ba gian hai chái thoáng mát, ngăn nắp, tựa lưng vào một cánh rừng già dưới chân núi Đán Đeng, nước máng lần từ đầu nguồn trong vắt được dẫn về tận chân cầu thang chín bậc. Phía dưới là ao cá, toàn một loại cá bỗng, giống cá cao cấp, thịt ngon như cá chép. Gia đình anh Tùy quý chúng tôi như những người ruột thịt. Bữa nào có miếng ăn ngon mà chúng tôi đi vắng thì gia đình đều cất phần chu đáo. Ở nhà anh Tùy tuy được vài tháng, song có thể nói đây là ngã rẽ rất quan trọng trong đời chúng tôi, từ đây chúng tôi càng hiểu tình cảm của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là vùng đất biên giới của Tổ quốc... Cũng từ đây mà tôi hiểu thêm về vùng quê thuần Tày, đúng hơn là vùng Tày cổ, sách xưa gọi là đất “Ba Phương" gồm, Phương Độ, Phương Tiến, Phương Thiện. Vốn cổ đầu tiên được nhắc đến là y phục, đồ trang sức của phụ nữ, đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được ba mươi sáu làn điệu Then độc đáo mà nổi trội nhất là Lẩu Then (Uống rượu và hát Then) diễn tấu bên bếp lửa và hát thâu đêm. Hát có nghi thức, những thiếu nữ trong trắng vận y phục cổ truyền lộng lẫy, lễ phép vừa hát, vừa mời rượu cả làng. Tiếng đàn, lời ca ngọt ngào, hòa quyện với dòng chảy rì rào của con suối Tha, suối Lúc, giá trị văn hóa cổ truyền “hồn vía của một dân tộc” lại như bếp lửa ủ giữ để truyền lại ấm nóng từ đời này sang đời sau, điều ấy là không khác được.

Rồi cuối tháng 4/1984 có một sự kiẹn, đoàn Nhà văn Liên Xô gồm: Nhà văn Mariancachep, Anandop (tùy viên văn hóa Đại sứ quán Liên Xô) cùng dịch giả Thái Hà (Hội Nhà văn Việt Nam) đi trên chiếc xe Rumani cũ mèm đầy bụi đất từ thị xã Tuyên Quang lên Vị Xuyên rồi ra Thanh Thủy. Từ thị xã Hà Giang đi Thanh Thủy là hai mươi tư cây số mà bao nhiêu khê, thách thức, nhọc nhằn. Hoàng hôn Thanh Thủy im vắng đến nghi ngại, nắng còn kịp lóe lên trên cao điểm 1509 rồi tắt hẳn. Hoa gạo rụng triền miên bên đường đỏ bầm như huyết. Phía Lao Chải, điểm cuối dải Tây Côn Lĩnh chạy về, rừng đại ngàn nghiêng xuống màu lá sẫm tối, hơi sương bốc lên nghi ngút. Dải núi bắt đầu thấp dần, tiếp đó là những vạt rừng khoanh nuôi, nương chè, nương ngô tràn xuống thung lũng, cánh đồng Phương Tiến, Phương Độ màu lúa chiêm xuân xanh non ngan ngát. Bên phải con lộ là những đồi cọ trải dài đến tận Minh Tân.  Chúng tôi còn đến được một số địa danh Làng Lò, hang Dơi, đồi Đài, đồi Cô Ích, Làng Pinh, Cốc Nghè... Thanh Thủy thời kì này được coi là nơi đầu sóng ngọn gió cả nước hướng lên…

Tôi đã có may mắn đến được một số cửa khẩu: Lào Cai, Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh) thì sự quy mô, sầm uất, nhộn nhịp thật  đáng nói. Còn Thanh Thủy (Hà Giang) cũng là cửa khẩu quốc tế nhưng nhỏ bé, chậm phát triển.

Các anh lãnh đạo tỉnh cho tôi biết: Để nền kinh tế, xã hội tỉnh Hà Giang phát triển năng động và bền vững, tạo nguồn thu ổn định cho tỉnh, sẽ đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế cửa khẩu là một thế mạnh mà Thanh Thủy là địa chỉ rất đáng quan tâm, vừa bằng nội lực, vừa kêu gọi đối tác. Vấn đề là tạo cơ chế thông thoáng, ưu tiên cho Thanh Thủy xứng tầm. Thanh Thủy còn là đầu mối giao thông quốc gia nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng đối với vùng biên giới phía Bắc Tổ quốc, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc của Hà Giang.

Đã có một số đối tác của Trung Quốc, Malaysia và một số đối tác khác: Đài Loan, Australia, Mỹ...  đầu tư vào Thanh Thủy. Song hiện giờ quy mô Thanh Thủy còn nhỏ. Tỉnh Hà Giang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng để tiện lợi cho ta và phía bạn làm ăn kinh doanh. Về quy mô Thanh Thủy phấn đấu đạt số dân là ba vạn người, hình thành thị trấn thuộc tỉnh, bao gồm khu dân cư, khu mậu dịch tự do, khu đại diện thương mại quốc tế, khu vui chơi giải trí, khu triển lãm hội chợ, khu quá cảnh, chuyển khẩu, xuất khẩu, khu liên doanh lắp ráp ô tô vận tải hạng nhẹ, khu công nghệ cao... Do vậy Thanh Thủy phải mở rộng toàn bộ khu vực lòng chảo ba trăm sáu mươi héc ta, dọc theo Quốc lộ 2 đến hết địa phận xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Ai đến Thanh Thủy mùa này đều cảm nhận được không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp. Những triền đồi đỏ au màu đất san ủi, tiếng máy nặng nhọc san mặt bằng, đổ móng. Bóng dáng công nhân áo đẫm mồ hôi khẩn trương trên công trường. Những trụ thép vươn lên trời lực lưỡng... Và sẽ có hai cây cầu cứng vươn sang Minh Tân tạo thêm hình ảnh tươi mới cho một đô thị trẻ.

Khi ghé thăm Đoàn Kinh tế quốc phòng 313  đứng chân tại Thanh Thủy, điều làm tôi bất ngờ nhất là con đường nối từ Quốc lộ 2 dẫn vào đơn vị đã trải bê tông rộng rãi, hàng cây hai bên đường gồm keo, mỡ tỏa bóng râm mát, diện tích màu mỡ ven con suối Làng Lò là khu vực trồng rau xanh của đơn vị rộng trên một nghìn hai trăm mét xanh tốt. Mới có mấy năm mà cơ ngơi của các anh đã có nhiều đổi mới. Từ khu đoàn bộ, đến doanh trại chiến sĩ, hội trường, nhà ăn đều được xây dựng kiên cố. Tủ sách, trạm thu phát lại truyền hình... Chứng tỏ đời sống vật chất, tinh thần người lính đã được cải thiện rất nhiều. Bao quanh đơn vị là vườn cây ăn quả: Xoài, hồng, lê đã cho trái. Trước cửa và trong khuôn viên của đơn vị có hàng trăm chậu cây cảnh đủ các loại, như là một cơ sở tạo dáng kinh doanh nghệ thuật bon sai.

 Ngoài chức năng của một đơn vị kinh tế, nhiệm vụ quan trọng nhất của các anh là giải phóng tiềm năng đất đai trên một vùng rộng lớn từ Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Minh Tân đem lại màu xanh, sức sống mới cho Thanh Thủy.

Chiến tranh đã lùi quá xa rồi, nhưng cái chết vẫn còn lẩn khuất, im lìm nấp dưới lớp đất màu mỡ kia, chờ cơ hội là phát nổ, gây thương vong chết chóc cho con người và gia súc. Lau lách, cỏ dại, sim mua ngút ngàn, cái tiềm năng đất đai vô biên ấy không được giải phóng, khiến lòng tôi và bao người không khỏi day dứt. Gặp những chiến sĩ trẻ măng, áo đẫm mồ hôi, gương mặt xạm đen dưới nắng trời chói gắt, chăng dây, kẻ ô, thận trọng trong từng chi tiết nhằm hóa giải tội ác đang giấu mặt, để trả lại nụ cười, tiếng hát, công trình cho ngày mai mọc lên và mùa màng bội thu... Tôi nghĩ có ai đó đã định nghĩa đất đai như người mẹ nặng lòng sinh hạ kể cũng đúng, và hình ảnh người lính áo xanh đang làm nhiệm vụ đặc biệt ấy chính là hình ảnh đẹp nhất mà tôi từng gặp. Các anh còn vận động đồng bào các dân tộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng rừng, trồng thảo quả, đoàn kết dân tộc, không nghe lời kẻ xấu, giúp đỡ đồng bào hạ sơn. Đặc biệt cách đây vài năm, đoàn đã nghiệm thu, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng hai công trình thủy nông: Nặm Ngặt (Thanh Thủy), Bản Phùng 2 (Lao Chải) với tổng chiều dài hai nghìn bốn trăm mét đảm bảo tưới tiêu cho 30 ha lúa 2 vụ và 2 công trình cấp nước cho Xín Chải 3 và Bản Phùng 1 với chiều dài ba nghìn hai trăm mét đảm bảo tưới tiêu cho sáu mươi héc ta canh tác thuộc địa bàn.

Khi đứng trước ngôi nhà nhỏ của đồng bào ở bản Pa Hán, kỉ niệm của mấy chục năm trước lại hiện về...  tôi  im lặng,  ngắm nhìn sông nước, núi non, trời mây mà bồi hồi với bao nhiêu ý nghĩ... Ngoài những địa danh đã nêu, có hai địa danh làm tôi xúc động hơn cả đó là: Cửa Tử và Lò nung vôi thế kỉ. Có thể nói đây là những gì mà chiến tranh đã bộc lộ rõ nét nhất, không giấu giếm... Như vậy tôi đã chạm vào phần nhạy cảm nhất rồi. Chẳng có ý nghĩ nào hơn bởi tôi là người trong cuộc, đi qua năm tháng ấy và chứng kiến sự lớn lên của một vùng biên giới Tổ quốc...

Dạo một vòng quanh Thanh Thủy, trở về thành phố, tôi lại gặp sông Lô dào dạt về xuôi, sương khói bời bời trên mặt sóng, bông lau trắng bạc rủ xuống bờ đá phơ phất trong gió như là có ai dắt díu mời gọi. Tôi đã băng rừng vượt suối để đứng trước bến đò Phong Quang, bồi hồi lặng ngắm hoàng hôn tím biếc trùm lên bản làng, núi đồi, con đò cũ kỹ cắm sào đợi khách, người lái đò trung tuổi ngồi ở mũi thuyền thong thả xòe lửa hút thuốc lào, mắt lơ đãng nhìn về xa xăm.

Thời gian đã lùi quá xa về một kỉ niệm. Con đò ngày ấy, bến sông ngày ấy giờ đã khác... Nhưng nghĩa tình thì không đổi và cứ qua năm tháng lại sâu thêm.  Các em ơi! Mười cô gái Tày chèo đò đưa bộ đội lên cao điểm ngày nào giờ ở đâu? Tôi đã nhiều lần tìm kiếm mà vẫn chưa gặp được một ai, khiến mỗi lần gặp sông Lô tâm tưởng tôi lại mang nặng cảm giác nợ nần, mắc lỗi... Dù câu thơ có nặng lòng bao nhiêu cũng không thể khỏa lấp trống vắng, nghĩa tình: Chiều nay tôi trở lại/Bến sông xưa tìm người/Nắng tắt con đò vắng/Nhớ tím dòng nước trôi...

Dòng sông thì về xuôi, còn nhớ thương lên ngược. Bởi nơi ấy có tuổi trẻ của tôi, của bạn, của bao người, một vùng đất nước đang chuyển mình... Trong đó có Thanh Thủy, vùng đất mở - đô thị vàng trong tương lai...

C.X.T

Tin tức khác