Ngược xứ Nà

Thứ năm, ngày 27-04-2023, 09:32| 1.187 lượt xem

Bút kí dự thi của Đỗ Anh Mỹ

 

Minh họa của Tân Hà

 

Xe lên đỉnh Kéo Khà (Đèo Gà), sừng sững giữa trời, cây cột điện đồ sộ trụ trên sườn núi, trông như anh chàng siêu nhân dang tay giữ những sợi cáp vắt qua ngọn núi cao chênh vênh. Ông nội cao hứng bấm những dải mây phất phơ trên đầu cột, thầm cảm phục những con người kỳ diệu. Hàng trăm, hàng trăm cây cột thép trung thế, mỗi cây là mấy chục thanh giằng, bao nhiêu tấn sắt; còn xi-măng, cát, sỏi. Mỗi thanh giằng một người vác nặng, hai người khiêng nhẹ. Nhưng nặng hay nhẹ, có ai khiêng lên được đâu. Sườn núi chênh vênh, cheo leo dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, khúc qua suối, khúc xuyên rừng, hai người khiêng đi làm sao, chưa kể hàng trăm cây cột bê tông kéo lên núi, hàng chục tấn xi-măng, đường dây hạ thế đi về các bản? Dẫu sao, công việc dựng cột trên đỉnh núi nhọc nhằn, nhưng con kiến tha lâu sẽ đầy tổ. Điều thấy huyền thoại, không biết những tấm lưng anh thợ đường dây đã cõng những cuộn cáp cao thế nặng hàng tấn qua những khe núi như thế nào, còn giăng từ cột này sang cột kia, qua bao nhiêu ngọn núi, rồi khoác lên vai các siêu nhân, kéo cho thật căng. Mỗi sợi cáp trùng, người thợ không chỉ lo cho dòng điện mất an toàn, các nhà kỹ thuật lo tiết kiệm từng mét cáp trên vùng cao.

Nhìn đôi tay thằng cháu hôm nay nhẹ nhàng múa trên vô lăng, bẻ đầu xe bon bon chạy trên con đường áp-phan êm như ru, ông nội lại nhớ bác lái xe ngày trước, mỗi lần đưa ông đi công tác qua đây, cũng trên con đường này, tay bác ôm vô lăng mà gân cốt nổi lên, vặn đầu xe sang bên này, sang bên kia, đánh vật với từng đám ổ gà, từ sáng đến trưa xe mới lên đến Na Hang. Mồ hôi không lúc nào khô. Xe của thằng cháu chạy chưa đầy hai giờ, đã lên đỉnh khúc cua cao quặt cánh gà. Ông đột ngột lên tiếng:

- Dừng xe!

Hà ngơ ngác, nhìn ông mỉm cười, chưa kịp lên tiếng, ông lại giục:

- Thằng này! Ông bảo dừng lại đã mà!

- Ông làm cháu giật mình. - Hà tủm

tỉm - Sao nãy ông bảo, việc gì phải làm đều không nên làm mà ông?

- Ai dạy mày thế?

- Ông nội vừa nói lúc qua Đèo Gà mà!

- Tao nói thế bao giờ? Thằng này!

Hà lại mỉm cười, nhìn ông nội đang bối rối, nhắc lại:

 - Lúc cháu thấy ông xem tấm ảnh đồi hoa. Cháu chả bảo ông nhất định phải lên xem đồi hoa ấy một lần mà.

Ông im lặng, vô tình bấm mở tấm ảnh đồi hoa trên màn hình chờ điện thoại. Hà liếc thấy, cố tình chọc tiếp:

- Quả này cháu mà mách bà, ông đừng hòng chối cãi!

Hà định ra mở cửa để ông xuống xe. Ông bình thản như không có gì xảy ra, nói:

- Lùi lại! Đỗ đúng đỉnh dốc. Mày biết đây là đâu không?

- Đèo Cổ Yểng mà ông. Cháu lên làm du lịch ở đây mấy năm còn gì!

- Thế có biết, tại sao gọi là đèo Cổ

Yểng không?

- Cháu chỉ biết, Na Hang là kho truyện cổ dân gian. Nhưng giờ bọn trẻ chúng cháu, tiếng mẹ đẻ còn không biết, thì ai kể cho mà nghe ạ.

- Từ nay, cháu phải tự học lấy mà

hỏi. - Mặt ông nội thoáng buồn. Mắt ông hiện ra những khuôn mặt thầy cô những năm cuối thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước. Tốt nghiệp Sư phạm 7+2 ra trường, các thầy cô đeo ba lô đem cái chữ lên vùng sơn cước. Mỗi kỳ hè kéo nhau từ các xã, gần chục thầy cô về huyện xếp hàng mua vé ô tô. Chen nhau hết vé, cả lũ kéo đi bộ. Trăm rưởi cây số từ Na Hang về Kim Xuyên, già nửa tuần lễ bàn chân phồng, bụng lép. Nghĩ đến ngày hết hè phải về trường, mồ hôi lại toát ra. Ngày ấy, người qua đây, dù xuôi hay ngược đều dừng chân trên đỉnh đèo, trước cái giếng sâu bằng cái nón để ngửa, nước trong vắt, mắt lạnh, chảy tràn trề, hái cái lá rừng cuốn bù đài múc nước uống, rồi rửa mặt, hết khát, mát tỉnh người lại lên đường. Người trong bản kể, có khách qua đây vô tình không dừng chân, không để mắt nhìn giếng, tự nhiên đi lạc vào bản, hỏi thăm mãi mới tìm được đường ra. Qua năm tháng, cái giếng nhỏ được khách qua đèo truyền nhau, gọi Đèo Giếng. Tiếng địa phương gọi Kéo Giếng. Lâu ngày thất bản, biến thành đèo Cổ Yểng.

- Cháu có nghe sự tích đèo Cổ Yểng. Cơ mà, người kể chỉ biết bập bõm thôi ạ.

- Cháu thấy chưa? Tiếng mẹ đẻ có người còn quên, nói gì cổ tích.

Hà cao hứng đưa ông nội lên bãi Phiêng Bung. Con đường nhựa dốc ngược dốc xuôi, quanh co, quá đát. Mưa rừng bóc lên từng đám ổ gà. Cái để lại trong ông nội sự tò mò, vẫn còn là ẩn số, bí ẩn về bãi Phiêng Bung, một vùng đất ba-zan giữa đại ngàn, tọa lạc trên đỉnh núi, một thảm cỏ mênh mông, bạt ngàn cây thuốc quý, giữa bốn bề trập trùng núi, trập trùng mây, nối tiếp những ngọn núi đá vùng sơn cước, nơi có câu chuyện cổ, chín cô tiên trên mường trời, mùa xuân mải du mây đã lạc đến chốn này. Phiêng Bung có từ bao giờ? Vì yêu mến cảnh sắc, nết người nơi đây, nàng tiên thứ chín đã xin với Ngọc Hoàng ở lại Phiêng Bung mượn đất kén chồng, ra lời cầu hôn, để rồi, cảm kích trước tình yêu của Chú Khách, cùng với trí thông minh và lòng dũng cảm của chàng, nàng vô tình vi phạm luật cầu hôn, để rồi cùng Chú Khách hóa đá, treo trên vách núi. Đời sau có người gắn câu chuyện cổ dân gian với cảnh đẹp thần tiên Phiêng Bung, mới đặt thành sự tích núi Cô Tiên Chú Khách.

Hà vui vẻ khoe với ông:

- Phiêng Bung, nơi chín cô tiên lạc về trong cổ tích, giờ huyện giao cho đoàn thanh niên chúng cháu khai thác phục vụ du lịch, ông ạ. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội phô diễn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.

- Được đấy! Được lắm! Du lịch cứ

phải thế.

Ngồi thưởng thức li trà hoa sâm bố chính, ông nội ngắm mấy cánh hoa gật gù. Hà lại được thể khoe:

- Ông còn nhớ Bản Bung xã Thanh Tương không ông?

- Sao không nhớ. Bà nội cháu ngày xưa dạy học ở đấy, một vùng đất duy nhất chỉ có núi đất ở Na Hang đấy.

- Xã đang lên quy hoạch xây dựng Bản Bung trở thành nông thôn mới kiểu mẫu, ông ạ. Bà con vừa đưa cây sâm bố chính này về trồng thử, thành công. Giờ đang tính vận động nhau nhân ra diện rộng, chế biến đăng ký sản phẩm trà Ocop đấy ạ. Thứ này bổ dưỡng mà ông!

- Hương vị trà cũng khá đặc biệt đấy chứ. - Ông nội nhấp môi mấy lần, ngẫm nghĩ, nhìn li trà gật gù, nói tiếp: - Màu trà tím quý phái, thơm ngan ngát, mát ngọt tận trong cổ, khác hẳn trà hoa hồng các bà, các cô đang tìm như tìm tôm tươi chăm sóc sức khỏe làn da. Ông thấy trên mạng, sâm bố chính chế biến từ củ sâm cũng đặc biệt tốt cho sức khỏe người cao tuổi, trị được cả chứng cao huyết áp nữa đấy.

Hai ông cháu về bến du lịch. Du thuyền nêm chật bến, du khách nêm chật trời. Ông nội chạnh lòng nhớ chuyện ngày xưa, mỗi lần xếp hàng mua vé ô - tô về hè. Khách du lịch lòng hồ thủy điện giờ chắc còn thua khách du lịch vịnh Hạ Long.

Chợt ông như người thất thần, mắt đỏ dần, tay chắp trước ngực. Mắt ông chập chờn hiện ra hình bóng những người xưa ngược xuôi chở gạo muối, dầu thắp lên xứ Nà, người đưa lâm thổ sản về xuôi đổi lấy hàng hóa, tai nạn sông nước hồn bơ vơ. Lại nhớ chuyện thần gió hang ở Đức Xuân. Hàng năm tiết thu, gió nóng sinh ra tích tụ trong lòng núi, sôi lên những âm thanh huyền bí. Người già nghe những âm thanh ù ù từ trong lòng núi vọng ra, giục con cháu chống cửa chống nhà. Bất chợt, gió tràn ra mặt sông tác oai lật thuyền lật bè. Gió tràn vào thôn bản tác quái, làm đổ cửa đổ nhà. Có năm, gió nhấc ngôi nhà ngói bốn gian đặt ra sau vườn, cho quay đi hướng khác. Gió thiêu đốt màu xanh thiên nhiên, tràn ra đồng, kéo lên nương làm cho hạt thóc chín ép, hạt đậu, hạt bắp chưa kịp vào chắc đã khô. Những ngọn núi đá bị gió nóng thiêu đốt năm này qua năm khác, nứt ra từng mảng. Bà con gọi hiện tượng gió nóng thần bí ở Đức Xuân là thần gió hang. Hàng năm dân làng góp lễ vật tế lễ ở đền Bắc Giòn cho thần gió bớt hung dữ.

Ngày thực dân Pháp sang xâm lược, một bác sỹ người Pháp mộ phu từ Ninh Bình, Nam Định lên phá đất đai, mở đồn điền nông sản. Thần gió nóng ra tay tác quái. Nông phu bị ngã nước, sốt rét bỏ về. Chủ đồn điền người Pháp đành bỏ của chạy lấy người. Từ ngày đắp đập ngăn sông làm thủy điện, nước sông dâng lên, tràn vào hang núi, thần gió nóng không thấy xuất hiện tác quái nữa. Lại nhớ câu chuyện dân gian về ông tượng ở đền Bắc Giòn đã hành ba kẻ đem ông ra đục bụng tìm vàng, kẻ đặt ông lên bếp mà đốt, người thứ ba ném ông trôi sông. Ba kẻ chịu ba số phận thần bí. Sau những phút tĩnh lặng suy tư, ông nội rỉ tai thằng cháu đích tôn, bảo:

- Cháu tin không? Tâm linh thì thần bí. Nhưng hoạt động tâm linh bao giờ chả bộc lộ ra bằng hoạt động vật chất.

- Ông nội nói gì, cháu chưa hiểu ạ!

- Ta đang nhớ lại những gì mắt thấy, tai nghe trong vùng lòng hồ. Nhưng sao từ đấy, vẫn còn có những di tích chưa được quan tâm?

- Là ông định nói di tích nào ạ?

- Ngôi đền Bắc Giòn trên phố Bắc Giòn chẳng hạn. Bắc Giòn tuy nhỏ, chỉ có mấy chục hộ dân, nhưng trên bến dưới thuyền, nhà cửa san sát từ thời Pháp thuộc đấy, là nơi giao thương giữa thương lái dưới xuôi lên trao đổi hàng hóa với miền ngược, giờ im lìm chìm dưới lòng hồ. Cũng nên có một di tích nào đó, có thể là dựng lại ngôi đền Bắc Giòn ở đâu đó, để đời sau du khách đến đây, lên đền thắp nén hương, tưởng nhớ, biết ơn những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn, quyền lợi riêng tư đi định cư nơi khác, để hôm nay có dòng điện sáng và khu du lịch Na Hang. Rồi có thể dựng tấm bia, ghi lại câu chuyện cổ có thật “thần gió hang” để du khách biết đến một hiện tượng tự nhiên thần bí từng hoạt động bao nhiêu năm trên vùng sơn cước. Biết đâu đời sau, dựa vào định vị tấm bia, các nhà kinh tế tìm ra một mỏ khí đốt tự nhiên nào đó phục vụ phát triển kinh tế, giống như mỏ nước suối khoáng Mỹ Lâm chẳng hạn.

- Ông đúng là nhà sử học ạ! - Hà tán tỉnh ông.

- Lịch sử, chính trị, kinh tế, hay du lịch gì cũng phục vụ du khách cả. Cháu bảo, du khách họ bỏ ra ngần ấy tiền, ngần ấy thời gian du thuyền lên chỉ để xem con cá rỉa chân, rồi chụp mấy cái ảnh Cọc Vài, chả biết thêm điều gì, thì có đáng không? Ông chưa kể, bà con Đức Xuân, Thúy Loa có ngày quay về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, họ chả còn gì để thấy, để nhớ, có bõ công họ bỏ làng đi định canh, định cư nơi khác không?

- Ông nói đúng ạ. Nhưng giá thử được dự án từ đầu cơ thì dễ hơn, ông nhỉ.

- Ông không nói chuyện ấy. Ông chỉ nghĩ, làm du lịch cũng nghĩ đến chính trị, lịch sử, văn hóa, thậm chí, an ninh quốc phòng nữa kia. Tại cháu ông làm ngành du lịch, người nhà ông mới nói thôi. Hà hà.

- Ông ơi! Hôm nay ông định đi đâu nữa ạ? - Hà chờ, ông sẽ nói đồi hoa.

- Cháu cho ông đi đâu, ông đi đấy. Ông có tự đi được đâu.

- Vậy cháu sẽ đưa ông đến cùng trời, cuối đất để tìm người ta ạ.

- Tìm ai? Thằng nỡm!

- Cháu tưởng ông muốn tìm người trồng hoa trên đồi ạ?

- Trước mặt bà mà mày nói câu này thì mày ăn đòn.

- Hì hì…! Cháu biết rồi ạ!

- Mày biết gì mà biết! - Ông nội vờ như không để ý thằng cháu nói gì.

Xe vun vút lao qua những khúc quanh co, lăn bánh trên đường 279. Đường

áp phan êm như ru. Nhìn tay thằng cháu nhịp nhàng múa trên vô lăng, ông nội nhớ lại con đường lên Khu C hồi còn chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ giờ nằm bẹp dưới lòng hồ thủy điện. Mấy chục cây số từ Na Hang lên Đà Vị, ra bến ngồi chờ, đứng đợi xếp hàng cả buổi, chen nhau mướt mồ hôi, cầm được tấm vé trên tay, mắt sáng như bắt được vàng, có khi hoa lên vì đói mệt. Bác tài xế ôm vô lăng mà gân cốt nổi lên, bẻ đầu xe sang bên này, sang bên kia qua từng mỏm đá, qua từng ổ gà. Con đường rải đá bong lên từng mảng. Xe xóc ngược, lắc xuôi cả buổi mới tới Đà Vị. Xe hôm nay chạy máy điều hòa, bon bon chưa đầy một tiếng đã qua Sơn Phú. Cây cầu bê tông dài bắc qua hai sườn núi nối sang Đà Vị, Khu C. Du thuyền đón khách từ Ba Bể sang du lịch Na Hang đợi khách xuôi dọc sông Năng. Sông có nước ngầm thông sang hồ Ba bể bốn mùa trong xanh.

Những đoạn­­­­ - đường bê tông nông thôn nối tiếp con đường áp phan 279 dẫn vào thôn bản. Những ngôi nhà mái ngói, mái bê tông của các khu định cư mới theo quy hoạch Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới mọc lên từng chòm từng xóm đủ cơ sở dân sinh: điện, đường, trường, trạm. Qua Phia Phoong, những cánh rừng hoa lê trắng ngần, những con đường thẳng tắp hai hàng lê mới trồng kéo đến tận chân mây. Cây lê tháng này nhường mầu trắng tinh khôi của những cánh hoa cho những chùm lê thơm đơm trái. Màu xanh mơn mởn núi rừng. Chân núi, sườn đồi ngan ngát hương thơm tỏa ra từ những búp chè non Shan tuyết Hồng Thái.

Ông nội ra đứng một mình giữa ngã ba, bâng khuâng không tìm lại những con đường xưa đi vào các bản. Những con đường ngày xưa các thầy cô đi vận động, đưa đón học trò. Con đường rậm rạp bốn bàn chân khó tránh nổi nhau; um tùm cả ngày không thấy ánh mặt trời. Ngày ấy, ông nội đang là chàng trai hai mươi sung sức, vừa tốt nghiệp sư phạm ra trường, đem sức trẻ lên Na Hang cùng dân bản lên rừng đẵn gỗ, làm đường, dựng trường, mở lớp, đón thanh niên, nam nữ, trẻ em đi học cái chữ của Chính phủ. Giờ đã thành những lão tám mươi, mà sao đôi mắt ấy, đôi môi kia, cả đôi gò má thơm như quả mận Hồng Thái chín cây của cô học trò hơn ông mấy tuổi vẫn hiển hiện như mặt trời vẫn mọc ở đằng Đông.

Cái tên Mãn Thị Ly, cô học trò hơn thầy mấy tuổi, nửa thế kỷ thời gian qua rồi, ông chả ghi vào đâu vẫn nhớ như in đến hôm nay. Hôm ấy, đến lượt thầy trò lớp thầy làm chủ nhiệm lên rừng hái củi nộp cho nhà bếp, mỗi người một vác củi to. Đường trơn, Ly bị trượt chân, ngã giãn dây chằng. Nhờ bài thuốc cụ nội truyền cho, sau mấy nắm lá bó xương, thầy chủ nhiệm giúp cô học trò đi lại bình thường. Nhưng từ đấy, điều gì đã khiến mỗi lần đứng trên bục giảng, mắt thầy đụng phải đôi mắt đen lay láy ấy bốc lửa nhìn vào mắt thầy, khiến thầy bối rối. Rồi một ngày, từ đấy không ai còn thấy Mãn Thị Ly đến lớp nữa. Thầy chủ nhiệm kéo học sinh đi tìm khắp nơi, hỏi đến nhà Ly, Ly không về nhà. Bỗng một hôm, thầy thấy một tờ giấy gập tư gài bên cửa sổ. Nét chữ đã quen: “Nếu đời còn gặp lại, Ly sẽ trả ơn một đồi hoa tím”! Có những đêm, nước mắt thầy thấm vào trang giấy. Ngực thầy đau thắt. Thầy không hiểu, đó có phải là tình yêu không nữa. Nhưng trang giấy, thầy còn giữ trong tim. 

Chợt cụ bà diện bộ đồ truyền thống Dao Tiền đến từ phía sau, giọng run run:

- Em chào thầy Lê! Thầy mới lên!

- Cụ là ai, lại biết tên tôi?

- Thầy không nhớ em cũng phải. Sáu mươi mấy năm mới gặp lại thầy mà.

- Cụ... Bà...? - Tôi có lỗi. Tôi chưa nhận ra thật ạ!

- Bà cụ là bà nội của cô gái trồng đồi hoa tím này, ông ạ! - Hà từ phía sau kịp nói với ông.

- Thưa thầy! Em là Bàn Thị Hoa. Ngày học ở trường bổ túc, em ngồi cùng bàn với Mãn Thị Ly. Thầy nhớ ra chưa?

- Xin lỗi bà! Tôi nhớ ra rồi. Đây là cháu nội tôi, bà ạ.

- Cháu thầy ăn cơm nhà em rồi. Cậu này hướng dẫn cháu em trồng hoa du lịch đấy. Không có đồi hoa này cho khách lên chụp ảnh kỷ niệm thì nhà em vẫn nghèo như ngày xưa đấy, thầy ạ!

- Bà cho tôi hỏi thăm bà Mãn Thị Ly đi. - Ông nội đã sốt ruột thật.

- Chuyện này dài. Để về nhà ăn cơm xong, em kể cho hai ông cháu nghe.

Hà đánh xe đến bên ông từ lúc nào, đón hai ông bà lên xe, đi giữa hai hàng lê xanh mát mắt. Bà cụ nhớ lại chuyện ngày xưa, kể:

- Ngày ấy, con bé yêu thầy thật mà. Phụ nữ Dao đã yêu là không bỏ được đâu. Nhưng một gã khốn ngoài làng đã lừa cho Mãn Thị Ly có thai. Cái bụng nó ngày một to ra. Con bé sợ liên lụy đến thầy, nó đành bỏ trốn.

- Cô Ly có nói với bà chuyện ấy à?

- Ngày ấy, có hai đứa con gái đi học, cùng ngồi một bàn, không giấu nhau chuyện gì. Bà Ly cũng không lấy người đàn ông khốn kiếp kia đâu. Hai người hai bản, hai ngành Dao khác nhau không lấy nhau được.

Người Dao có câu chuyện cổ từ cố hương: “Ngày xửa ngày xưa, hai làng Dao cách nhau một con sông. Nước sông bốn mùa sôi ngùn ngụt. Bên này là làng Dao Tiền, bên kia là làng Dao yêu quái. Trai gái hai làng không bao giờ qua lại với nhau. Một hôm, Tam miếu thánh vương làng Dao Tiền nghe con trai con gái làng Dao yêu quái có giọng hát màng Páo dung chía đáo rất hay. Tam miếu thánh vương liền nhờ gửi con gái làng Dao Tiền sang để học hát. Nhưng bao nhiêu cô gái xinh đẹp bên làng Dao Tiền sang học, đều bị mất tích, không ai trở về.

Rồi năm ấy, cô gái mồ côi bên làng Dao Tiền được Tam miếu thánh vương gửi sang nhờ một mụ già bên làng Dao yêu quái dạy cho. Nhà mụ có cô con gái rất xinh, hát màng Páo dung chía đáo cũng rất hay. Cô gái mồ côi học hành chăm chỉ. Giọng hát cũng được mẹ con mụ già rất khen.

Rồi đêm ấy, cô gái mồ côi học đến bài hát cuối cùng, ngày mai sẽ trở về làng. Tình cờ bữa tối, cô gái thấy mụ già đưa cho con gái chiếc vòng bạc, bảo đeo vào cổ. Cô gái mồ côi đứng ngắm, rồi xin bạn cho đeo thử chiếc vòng một canh giờ, kỷ niệm ngày mai chia tay. Nửa đêm, mụ già vào buồng, nghe hai tiếng ngáy đều đều, mụ liền tắt đèn, vào sờ cổ cô gái không đeo vòng bạc, hút máu cho đến khi quả tim khô đi, Mụ đem xác vứt xuống sông. Cô gái mồ côi sợ hãi vội bỏ trốn, nhảy xuống sông bơi về. Cô gái đeo vòng bạc bơi đến đâu, nước sông nguội đi đến đó. Cuối cùng, cô gái mồ côi đã đem được giọng hát màng Páo dung chía đáo về dạy cho làng Dao Tiền.

Một năm sau, cô gái mồ côi học được giọng hát màng Páo dung chía đáo về dạy cho con trai con gái làng Dao Tiền nằm nghĩ lại, ân hận, liền sang nhà mụ già kể lại mọi chuyện, rồi xin mụ tha thứ. Dân làng mới nói cho cô biết, mụ già chính là mụ phù thủy chuyên hút máu người. Mụ không biết con gái mụ đi đâu mất tích, nhưng khi nghe cô gái mồ côi thú nhận, mụ không oán trách, còn nói, đó là mẹ con mụ bị báo ứng, vì đã truyền cho làng Dao Tiền giọng hát màng Páo dung chía đáo. Cô gái mồ côi cảm động, xin ở lại làm con nuôi. Từ đó, con trai con gái hai làng mới cùng nhau hát màng Páo dung, nhưng chuyện kết hôn giữa hai làng thì còn cấm kỵ”.

- Thế giờ, bà Ly ở đâu, hả bà?

- Mãi sau này em mới biết, bạn Ly đã qua đời cùng đứa con đẻ thiếu tháng, thầy ạ. Bạn ấy nhờ người dặn lại em, đến một ngày giúp bà ấy trồng một đồi hoa tím ở ngã ba tỉnh này, để trả lại tình yêu cho thầy. Trời xui thế nào, cháu em lại gặp cháu thầy. Hai đứa trồng đồi hoa này đấy!

 

Tin tức khác