Tuyên Quang… tắc đường

Thứ tư, ngày 15-05-2024, 09:00| 1.408 lượt xem

Tân Trào

Hoàng hôn trong lòng thành phố. Ảnh của Nguyễn Cường

 

 

 

Ông lão có vẻ đang bực mình vì đầu giờ chiều, bà lão nói là đi chợ, nhưng gần trưa rồi mà vẫn chả thấy bà lão đâu. Nhà chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau, các con thì công tác xa, mỗi đứa một nơi nên cũng ít về. Mà có về thì cũng chỉ nháo nhào rồi lại tất tả đi ngay. Cũng chả trách chúng nó được. Các con của ông bà đều bận công tác cả. Căn nhà trở nên vắng vẻ, hai mái đầu tóc bạc trắng như cước nương tựa vào nhau lúc tuổi già đang ập đến. Thế nên mỗi khi bà lão ra khỏi nhà, ông thấy buồn, cô đơn và bất an vô cùng. Mấy năm nay, ông đau yếu nhiều nên cũng chả mấy khi đi đâu. Bà lão thì mỗi ngày đôi lần xách làn đi chợ, ấy là thói quen. Nhưng thói quen ấy cũng chỉ một phần nhỏ thôi, điều quan trọng là bà rất thương ông, muốn trực tiếp đi chợ lựa những thực phẩm tươi ngon về nấu cho ông lão bữa cơm ngon nhất. Mọi bận, bà lão tranh thủ đi chợ rồi về ngay. Sao hôm nay bà lão đi từ sớm mà gần trưa rồi vẫn chưa thấy tiếng lách cách phát ra từ chiếc xe đạp nơi đầu ngõ. Âm thanh ấy quen thuộc quá. Bao năm nay ông lão đã quen với thứ âm thanh đời thường, dung dị ấy.

Chiều muộn mới thấy bà lão về. Ông lão có vẻ bực mình, liền hắng giọng:

- Bà đi chợ gì mà lâu thế?

- Bị tắc đường ông ạ.

- Ở Tuyên Quang thì làm gì có tắc đường bao giờ?

- Dịp này là có đấy ông.

Ông lão có vẻ ngạc nhiên. Sống mấy chục năm, từ lúc lọt lòng mẹ đến khi tóc bạc da mồi, ông lão đã thấy nơi phố núi này bị tắc đường bao giờ đâu.

Thấy ông lão có vẻ nghi hoặc, bà lão vội vàng giải thích:

- Này nhé, mấy hôm nay tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nên người ở đâu đổ về đông kinh khủng. Ngay từ trước hôm diễn ra Lễ hội Khinh khí cầu, rồi tổ chức Năm du lịch Tuyên Quang tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, người ta biết, người ta đến tham dự. Không chỉ có người trong tỉnh đâu mà còn có cả khách du lịch trong nước, quốc tế cũng đổ về Tuyên Quang đấy.

Nghe bà lão nói vậy, ông lão dường như hối hận trước hành vi không phải của mình với bà lão. Ừ, mấy hôm nay ông lão đọc báo, nghe đài thấy người ta tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động văn hóa tại tỉnh nhà. Ông lão nghe vậy, biết vậy chưa có lúc nào được chứng kiến đâu. Giờ già rồi, yếu rồi, ông lão hàng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, tổ chức đánh cờ tướng với mấy ông bạn già trong khu phố. Tự nhiên khi tuổi già ập đến, đâm ra ông lão cũng ngại ra đường, để hòa mình vào với các hoạt động xã hội của thành phố bên đôi bờ sông Lô.

Bà lão lại nói thêm: không biết người ở đâu mà lắm thế. Các tuyến phố ở thành phố Tuyên Quang dẫn về Quảng trường Nguyễn Tất Thành, khi chiều xuống, dòng người chen chân nhau, các phương tiện tham gia giao thông cũng ùn ùn kéo đến. Nhiều đoạn trở nên kẹt cứng, người và phương tiện tham gia giao thông phải nhích lên từng tí một. Cảnh tượng ấy bà lão đã từng chứng kiến từ mấy năm nay. Như vậy là việc phát triển kinh tế du lịch, coi đó là một trong ba khâu đột phá của tỉnh đang dần trở nên hiện thực hơn bao giờ hết.

Cũng phải công nhận rằng, trong mấy năm trở lại đây du lịch Tuyên Quang đã phát triển nhanh chóng, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế đổ về Tuyên Quang. Nhiều người ví von rằng, du lịch nơi đây giống như một cô gái đẹp, nhuận sắc, đang trong giấc ngủ vùi. Cần có các giải pháp để đánh thức “cô gái” xinh đẹp ấy thức giấc và tỏa sáng giữa đời thường. Nhờ xác định rõ mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành quan trọng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ. Nhiều cơ chế chính sách của tỉnh được ban hành, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.

Ở Tuyên Quang hiện nay có ba lĩnh vực trọng điểm, đó là du lịch lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thiên nhiên đã ban tặng cho Tuyên Quang nhiều lợi thế mới. Cả một vùng núi non hùng vĩ, nơi tụ về của hai mươi hai dân tộc anh em cùng sinh sống. Các nét văn hóa truyền thống của đồng bào đã được gìn giữ và phát triển qua hàng trăm năm vỡ đất lập làng, giờ vẫn được bảo tồn theo nguyên bản gốc. Cùng với đó là ẩm thực của mỗi cộng đồng dân tộc đều mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa. Tỉnh cũng khuyến khích và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân trong mỗi làng bản cùng tham gia làm du lịch với những nét độc đáo riêng có. Chả thế mà trong mấy năm trở lại đây, hệ thống dịch vụ đã phát triển vượt bậc. Các nhà hàng, khách sạn, các homestay được mọc ra, đáp ứng cơ bản điều kiện lưu trú cho du khách. Các sản phẩm du lịch mới cũng được hình thành, phát triển.

Câu chuyện bà lão đi chợ mà mãi mới về được đến nhà do tắc đường khiến ông lão phải suy nghĩ nhiều lắm. Ông lão đã hồ đồ khi chưa biết rõ ngọn ngành những gì đang diễn ra tại Tuyên Quang. Ngay buổi tối hôm đó, lúc ăn cơm tối xong, ngồi xem ti vi ông lão mới giật mình trước sự hoành tráng, quy mô đồ sộ tại lễ khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2024. Sáng hôm sau, mấy ông bạn già đánh cờ tướng trong khu phố đến chơi nhà ông lão, cũng háo hức kể về việc tắc đường ở thành phố, khi du khách các nơi đổ về quá đông.

Mấy ông bạn kể, dịp này vui nhất là việc tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ 3 tại tỉnh nhà, với sự tham gia của 22 khinh khí cầu tiêu chuẩn quốc tế, do các phi công quốc tế dày dặn kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Tây Ban Nha, Nga, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam điều khiển. Ngay sau lễ khai mạc, nhân dân, du khách được thưởng thức chương trình văn nghệ chào mừng lễ; đồng thời tham quan, trải nghiệm những đường bay ấn tượng của khinh khí cầu tại thành phố Tuyên Quang. Qua đó, tỉnh kích cầu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế cùng các nhà đầu tư đến Tuyên Quang, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chỉ tính riêng trong mấy ngày diễn ra lễ hội vào đúng dịp nghỉ lễ, Tuyên Quang đã đón gần 154 nghìn lượt khách.

Câu chuyện về phát triển du lịch, xây dựng thêm những sản phẩm du lịch độc đáo khiến ông lão vui lắm. Lòng ông chợt nghĩ: đó là tầm nhìn mới của tỉnh, gắn với cách làm sáng tạo, quyết tâm bứt phá đi lên, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025, đưa du lịch Tuyên Quang có bước phát triển ấn tượng trong những năm tới, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh. Ông lão cười khà khà với bà lão:

- Tôi lại muốn Tuyên Quang liên tục tắc đường như vậy bà ạ.

Bà lão nghe vậy thì cười, nụ cười tươi rói.

T.T

Tin tức khác