Nghề báo

Thứ ba, ngày 18-06-2024, 09:24| 1.129 lượt xem

Tân Trào

 

Anh bạn tôi có đứa con gái đầu lòng. Năm nay cháu đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và bắt đầu hướng đến ngưỡng cửa trường đại học. Với anh bạn tôi, cả đời chỉ tất bật chạy ngược, chạy xuôi buôn bán chứ chả mê đắm về văn chương, báo chí gì sất. Thế nhưng anh lại muốn hướng con gái của mình thi vào đại học báo chí, bởi anh luôn suy nghĩ đơn giản rằng: báo chí là một nghề được cả xã hội tôn trọng. Có thể là anh bạn tôi nói cũng có phần đúng, nhưng điều đó không phải là tất cả. Nghề nào cũng có giá trị của nó, dù là chị lao công đến những người ngồi trong phòng lạnh cũng đều đáng được tôn trọng khi học đã góp phần nhỏ bé của mình đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, dân tộc.

Có lần anh bạn tôi hỏi:

- Con gái năm nay chuẩn bị vào đại học, tôi muốn cháu thi vào báo chí ông ạ.

- Ông muốn thế hay con gái muốn thế?

- Ấy là tôi muốn thế. Con gái tôi cháu chưa chịu, chỉ muốn thi vào đại học Thương mại. Có gì ông khuyên bảo cháu cho tôi.

Tôi vặc lại:

- Ông buồn cười thật! Ông phải tôn trọng ý thích và sở trường của cháu chứ.

Anh bạn tôi có vẻ thất vọng:

- Nói như ông thì nói làm gì.

Câu chuyện này sau tôi cũng quên đi, chả nhớ đến. Bỗng một ngày con bé sang nhà tôi chơi, nó có vẻ buồn, ít nói, không còn sôi nổi như mọi bận. Thấy vậy, tôi đâm lo lắng, cứ nghĩ cháu ốm nên mới thế. Gặng hỏi mãi cháu mới thổ lộ:

- Bố cháu cứ bắt cháu thi vào báo chí.

Tôi sững người. Ơ, hôm nọ tôi đã phải bác việc này rồi cơ mà. Anh bạn tôi lại cố chấp đến thế. Đó chỉ là ý thích chủ quan của người lớn, nhưng lại không biết xem con cái của mình có đủ yếu tố để trở thành một nhà báo không. Con bé này như tôi được biết thì cháu học khá giỏi những môn tự nhiên, còn với môn xã hội xem ra cháu cũng bình thường, không có gì nổi trội cả. Ngày xưa bố tôi cũng từng không cho tôi theo học báo chí, văn chương, vì ông cho rằng, đó là nghề khá vất vả. Nhưng ngay từ bé, tôi đã có chút năng khiếu và đam mê nó. Do vậy, bất chấp sự phản đối của bố, tôi cuối cùng cũng thỏa cái niềm mơ ước ấy và trở thành nhà báo, làm việc trong một cơ quan báo chí nơi tỉnh lẻ. Do vậy, tôi rất đồng cảm với con bé nhà anh bạn tôi. Nếu áp đặt suy nghĩ của người lớn, trong khi cháu không có đam mê, không có khát vọng đeo đuổi một nghề mà cháu không yêu thích thì cuối cùng sẽ chả đi đến đâu cả. Hãy cứ để con bé lựa chọn con đường đi cho tương lai sau này của cháu thì tốt hơn. Một khi việc lựa chọn đúng nghề theo sở trường, thì ắt hẳn con người ta sẽ phát huy được tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình cho sự phát triển chung của đất nước.

Việc của con bé, sau này tôi đã nhiều lần gặp gỡ với anh bạn để nói lên nỗi lòng của con bé. Anh bạn tôi mới đầu vẫn cương quyết lắm, nhưng sau thấm dần ra, cuối cùng đành để con bé thi vào đại học Thương mại. Kì thi đó, con bé gần đạt điểm thủ khoa, khiến cả nhà mừng lắm. Suốt bốn năm trên giảng đường đại học, năm nào cháu cũng có học lực gần như đứng đầu cả lớp. Ngày ra trường, cháu trở về quê và được nhận vào làm việc ở một cơ quan cấp tỉnh. Lúc đầu cháu muốn ở lại Hà Nội để phát huy hết năng lực của mình, nhưng tôi khuyên cháu là hãy trở về quê mà đóng góp cho quê hương. Con bé nghe lời tôi mà chấp nhận quay về. Nếu ai học chuyên nghiệp xong cũng muốn ở lại các thành phố lớn thì quê hương sẽ ra sao? Người giỏi không có cơ hội hay điều kiện để đóng góp cho quê nhà thì ai sẽ làm việc ấy sau này?

Con đường đi của con bé khá suôn sẻ. Công việc thuận lợi, môi trường tốt để cháu phấn đấu, cống hiến. Mới đây tôi thấy con bé bắt đầu viết báo. Tuy là nghề tay trái, nhưng mỗi bài báo của cháu đăng tải trên báo trung ương, địa phương đều thể hiện sự sắc sảo, có nghề. Hỏi thì con bé chỉ cười. Nó bảo:

- Cháu học chú đấy. Viết báo để rèn luyện, bồi bổ thêm kiến thức cho mình thôi, chứ cháu không đam mê.

Trên thực tế, có một dạo, nghề báo được nhiều người chú ý đến. Việc chú ý này chỉ đơn giản là nghề báo luôn được đi đây, đi đó, gặp gỡ người nọ, người kia. Mỗi địa phương khi có tin nhà báo về tìm hiểu, viết bài thì được chính quyền và người dân nơi đó đón tiếp khá nồng hậu. Nhiều người nghĩ nghề báo là nghề “hót”, người làm báo không phải lao động chân tay, được ngồi trong phòng máy lạnh, lướt mạng rà thông tin, tay gõ lên bàn phím máy vi tính mà viết nên những bài báo, trở thành nhà báo thành đạt như hào quang chói lọi. Nếu có những tác phẩm báo chí hay, tác động làm thay đổi cuộc sống, nhiều tác phẩm đoạt giải cao, bút danh nhà báo đi vào lòng bạn đọc thì thật sự rất vinh quang.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, nghề này không còn là nghề “hót” để nhiều phụ huynh hoặc các sĩ tử để mắt tới. Bởi với người làm báo, việc đối diện với khó khăn, thử thách, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng là điều không tránh khỏi. Dấn thân vào thực tế, đeo bám, phanh phui các vụ việc tiêu cực trước công luận... sẽ khiến nhà báo gặp rất nhiều bất lợi. Phổ biến là việc nhà báo bị cản trở trong quá trình tác nghiệp, như bị thu giữ hoặc bị làm hư hỏng phương tiện, bị quấy rối, bị tấn công gây thương tích… Bởi thế, dù ở thời bình hay thời chiến, nghề báo chí vẫn được xếp vào top mười nghề nguy hiểm nhất trên thế giới.

Trở lại với câu chuyện con bé gái nhà anh bạn tôi. Giờ cháu đang có công việc ổn định, cơ hội phát triển và đóng góp nhiều hơn cho tỉnh. Từ công việc, cháu đã tích cóp mua được nhà, lấy chồng với một mái ấm hạnh phúc. Hôm vừa rồi, gặp lại anh bạn tôi, nhắc lại câu chuyện xưa, anh bạn tôi cười ngượng ngùng:

- Ông nói đúng. Ngày ấy không nghe lời khuyên của ông thì giờ chả biết như thế nào. Mình là bậc làm cha làm mẹ, nhiều khi cứ áp đặt ý thích của mình lên con cái sẽ chả mang lại điều gì tốt đẹp cả. Hãy cứ để các cháu phát huy đúng sở trường, sở đoạn của mình.

Áp đặt là một tính xấu. Ví dụ như trong tình yêu, ngày xưa con cái bắt đầu lớn lên, các cụ tự đi hỏi cưới cho con cái mình. Các cụ cũng hay áp đặt lấy người nọ, người kia, thế nên hạnh phúc mà thế hệ cha mẹ chúng ta chả bao giờ có. Sống với nhau, gắn bó với nhau cuối cùng chỉ là cái nghĩa với nhau, có muốn bỏ nhau cũng chả được. Nó là danh dự và còn biết bao nhiêu yếu tố khác buộc chặt lại với nhau, khiến những mảnh đời như gá vào nhau, cùng song hành tồn tại.

Nó chả khác gì việc lựa chọn nghề bây giờ. Riêng với báo chí, đó được xem là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải luôn năng động, sáng tạo và cần sự trải nghiệm không ngừng trong công việc. Để trở thành một nhà báo thực thụ, đòi hỏi người theo nghề phải có năng khiếu, có phông kiến thức nền sâu rộng, lòng đam mê, sự năng động, óc tư duy liên tục, sự bền bỉ, sự dấn thân với nghề và cả sự chấp nhận những nguy hiểm luôn hiện hữu với mình.

T.T

Tin tức khác