Tân Trào
Bế mạc Trại sáng tác VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Tuyên Quang năm 2023. Ảnh của Phương Thảo
Người ta vẫn hay hỏi nhau: “Ông/bà lại đi trại à?”.
Ở đây, “đi trại” có nhiều nghĩa, nhưng nó lại có chung nghĩa và khác nghĩa.
Nghĩa chung nhất thì việc “đi trại” đều là những người được ăn cơm Nhà nước nuôi trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Nhưng nó lại khác nhau về đối tượng. Có đối tượng buộc phải đi trại, “bị” ăn cơm Nhà nước để cải tạo tốt khi họ vi phạm pháp luật. Ở chiều ngược lại, có những người lại mong mỏi được “đi trại”. Họ được Nhà nước nuôi để tập trung sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật do một đơn vị hoặc cá nhân nào đó đứng ra tổ chức.
“Đi trại” là cụm từ được rút gọn, một cách đùa vui vẻ của giới văn nghệ sĩ mỗi khi họ nhận được giấy mời tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật. Các trại sáng tác như thế này được mở ra sẽ tùy điều kiện kinh phí và nhu cầu cần thiết của các Hội Văn học Nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương để quyết định số lượng người tham gia, địa điểm và quy mô tổ chức. Thường thì mỗi trại sáng tác mở ra kéo dài khoảng 10 đến 15 ngày, với số lượng tham gia cũng tương ứng với số ngày như vậy.
Riêng với Tuyên Quang, năm nào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng tổ chức từ một đến hai trại sáng tác cho các tác giả trong tỉnh. Đặc biệt, trong những ngày tháng 10 đương cữ tiết thu, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác không chỉ dành cho tác giả trong tỉnh mà còn có hai mươi tác giả đến từ mười tỉnh miền núi phía Bắc. Trại này được mở ra từ ý tưởng và đề xuất của Hội Văn nghệ Tuyên Quang và được lãnh đạo Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp cho tiến hành thử nghiệm từ nguồn kinh phí của Trung ương.
Mười tỉnh bao gồm: Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thuộc 3 chuyên ngành: Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn học. Trong thời gian bảy ngày dự Trại, các văn nghệ sĩ được tham gia những chuyến đi thực tế chủ yếu ở địa bàn hai huyện là Yên Sơn và Chiêm Hóa. Ngoài ra, mỗi tác giả cũng tự tổ chức cho riêng mình những chuyến trải nghiệm về mảnh đất, con người Tuyên Quang ở những địa phương khác trong tỉnh.
Với Tuyên Quang, mảnh đất có những đặc trưng cho không gian sáng tác. Đó là các giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp. Qua theo dõi toàn bộ quá trình hoạt động của các trại viên tham gia trại sáng tác mới thấy, tất cả đều rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng tác phẩm. Họ đã hình thành nên các nhóm thơ, nhạc, chụp ảnh… khiến không khí trại rất sôi động và ấm cúng. Kết quả thật đáng mừng khi đã có 80 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, chuyên ngành khác nhau được các trại viên hoàn thành trong thời gian ngắn nhất: Bảy ngày.
Cứ nhìn vào con số cụ thể để nhận ra sức làm việc và khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ thì chúng ta mới hình dung được một cách rõ nét nhất. Về nhiếp ảnh: 08 tác phẩm của 02 tác giả; Văn học: 63 tác phẩm của 12 tác giả, tập trung vào hai thể loại chính: thơ và truyện ngắn; Âm nhạc: 09 tác phẩm của 4 nhạc sĩ… Trong số này có trên 50% tác phẩm viết về Tuyên Quang trong các chuyến đi thực tế do Ban tổ chức trại bố trí.
Hôm bế mạc, nhà văn Vũ Xuân Tửu, thành viên Hội đồng thẩm định tác phẩm của trại đã nhận xét: Tác phẩm có nội dung phong phú về các lĩnh vực đời sống, văn hóa, kinh tế - xã hội. Phù hợp miêu tả tâm lý, tính cách của người miền núi, dân tộc. Hầu hết các bản thảo về truyện ngắn, thơ, kí. Đa phần các cây bút đều thể hiện có nghề, bút pháp vững vàng.
Còn nhạc sĩ Tân Điều thì cho rằng, các nhạc sĩ của trại đã sáng tác ra được ca khúc với nhiều đề tài hay. Một số tác phẩm âm nhạc ngắn gọn, dễ thuộc, dễ hát. Có ca khúc với giai điệu vui tươi, tiết tấu hơi nhanh, đưa người nghe đến một vùng quê thơ mộng. Có ca khúc lại có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, khúc thức gọn gàng. Một số bài hát gợi ra những hình ảnh đặc sắc của Tuyên Quang như: Ánh điện sáng từ thủy điện trên núi rừng Na Hang, cam sành Hàm Yên nhuộm vàng trong nắng, chè Yên Sơn hương thơm ngào ngạt. Cuộc sống mới đang hối hả trên thành phố trẻ Tuyên Quang, trên Khu công nghiệp An Hòa...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Minh sau khi thẩm định các tác phẩm về nhiếp ảnh đã nói đại ý như thế này: Các tác phẩm của các nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác rất đều tay, có nội dung tốt, bám sát cuộc sống, thể hiện được cảnh vật, thiên nhiên, phản ánh những hoạt động con người dân tộc, miền núi của Tuyên Quang. Bên cạnh đó, Trại sáng tác giúp các nghệ sĩ có thể giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, góp phần nâng cao tay nghề, thúc đẩy chuyên ngành nhiếp ảnh nghệ thuật trong khu vực vươn lên hơn nữa.
Bảy ngày ở trại sáng tác văn học, nghệ thuật là khoảng thời gian chưa đủ dài cho những ý tưởng của tác giả được vụt sáng. Có những tác giả nhiều lần đến với Tuyên Quang, song cũng có những tác giả lần đầu tiên đặt chân lên rẻo đất này. Thế nên họ không đủ thời gian để thâm nhập thật sâu, thật kĩ để khai thác các khía cạnh trong đời sống xã hội ở Tuyên Quang. Tuy vậy, vấn đề thời gian không còn quá quan trọng nữa, điều quan trọng là ở tài năng, sự quan sát, sự sáng tạo của người nghệ sĩ cho những đứa con tinh thần của mình.
Vấn đề đặt ra cho Hội Văn học Nghệ thuật địa phương và Hội chuyên ngành Trung ương là các trại sáng tác được mở ra phải có giải pháp như thế nào để nó thực chất nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất. Việc đánh giá sự thành công của mỗi trại sáng tác không nằm ở số lượng tác giả tham gia mà nó phụ thuộc hoàn toàn ở từng tác phẩm của mỗi chuyên ngành cụ thể. Làm thế nào để phát huy khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ trước cuộc sống muôn màu đang diễn ra và các tác phẩm của họ phải sống được trong đời sống Nhân dân.
Nói như nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại hôm bế mạc, thì trại sáng tác kết thúc nhưng sẽ là sự khởi đầu cho những sáng tạo mới.
T.T