Đề cương về Văn hóa Việt Nam Khởi nguồn và động lực phát triển

Thứ tư, ngày 22-03-2023, 09:13| 1.135 lượt xem

Trong điều kiện đất nước chưa giành được độc lập, nhiều vấn đề quốc kế dân sinh cần phải quan tâm giải quyết, nhưng Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa. Đó là sự ra đời của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. Bản đề cương này do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Đề cương văn hóa đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu dẫn đề Hội thảo 80 năm về văn hóa Việt Nam.

 

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung, chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang.

Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp, Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân. Đề cương cũng nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.

Sau 8 thập kỷ, có những nội dung và khái niệm đã thay đổi nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó cũng là khẳng định của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học đối với bản Đề cương đầu tiên này tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương Văn hóa về Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" được 4 cơ quan là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp với sự có mặt khoảng 250 đại biểu và trực tuyến với đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 1 báo cáo trung tâm và 175 báo cáo tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành ở Trung ương… Điều đó khẳng định sự quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt 80 năm đồng hành cùng dân tộc và đất nước.

Nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước được tham dự một hội nghị đặc biệt này về văn hóa. Còn nhớ, trong phát biểu khai mạc, chỉ đạo, đề dẫn hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: "Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, thể hiện nổi bật phẩm chất, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của con người Việt Nam. Từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hóa đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".

Những người tham dự hội thảo tại các điểm cầu trong cả nước rất chú ý đến phát biểu của một đại biểu đại diện cho ngành văn hóa, khi ông cho rằng: Vai trò như một cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Nó thể hiện tư duy, tầm nhìn, và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người; Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển...

Các tham luận của các đại biểu, học giả, những nhà khoa học đã tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nhìn từ thực tế cho thấy, ngay từ khi ra đời, bản Đề cương đã đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời.

Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh. Lịch sử với rất nhiều biến động, song các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. 

Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa rất lớn để nhằm tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị về lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại; về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từ đó góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này, khi Tổng Bí thư khẳng định, cần đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị trong bối cảnh đất nước bước vào thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 T.T

Tin tức khác