Thèn Hương như thể một thi sĩ hát rong

Thứ hai, ngày 20-11-2023, 10:35| 933 lượt xem

INRASARA

 

 

 

1. Lâu lắm rồi, hơn hai nhiệm kì từ khi sắm vai đọc tác phẩm xét giải thưởng thường niên của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, tôi chờ đợi. Chờ đợi một tiếng thơ dân tộc và miền núi bất ngờ xuất hiện tạo cho tôi sự hứng thú như là hứng thú.

Thi thoảng có, chứ không phải không.

Nhưng đó chỉ là vài giọng điệu rời rạc, đọc từng bài cũng nghe hay hay, chớ đi hết tập thì thơ mất luôn âm vang. Các nhà thơ mới gom vài chục bài thơ lại thành tập, gọi đó là tập thơ, chứ chưa chủ ý làm tập thơ - một tập thơ có giọng điệu xuyên suốt, để làm nên hơi thơ - hơi thở.

Cả khi tập hợp các bài thơ cùng đề tài được sáng tác ở nhiều vùng đất khác nhau, với những câu chuyện khác nhau, nó vẫn tạo cho người đọc cảm giác tản mác và chắp vá.

Hoặc có, nhưng rồi do nóng lòng xuất hiện, tiếng thơ đó đã sớm tắt. Như “đám cây non vươn vội lên khoảng xanh/mà rễ chưa được cắm sâu vào lòng đất” (thơ Inrasara) đã héo tàn nhanh chóng, chỉ qua cái nắng nhiệt đới đầu mùa.

Chờ đợi miết... để rồi hôm nay tôi bắt gặp một tiếng thơ hoàn toàn mới: Thèn Hương, với cách làm mới, tập trung vào một vùng đất lạ và mới: miền đất người dân tộc thiểu số Tuyên Quang và Hà Giang. Có Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan qua đó hiện ra những sinh phận bé nhỏ, vô danh với giấc mơ bình dị hiện thể qua một tiếng thơ chín đầy, bằng giọng điệu xuyên suốt.

2. Giấc mơ của một loài cỏ gồm ba phần. Phần 1: “Tam tấu tôi”, phần 2 là trường ca “Giấc mơ của một loài cỏ”, và phần 3: “Thổ cẩm về xuôi”.

Phần 1: “Tam tấu tôi” như một khởi động hành trình tìm lại mình.

Tôi muốn xóa bỏ tôi của ngày hôm qua

tôi cần phiên bản mới

Đây không là một tìm lại mình thời thượng, mà là “đi tìm cái tôi đã mất” giữa tấp cập đời sống hiện đại, trong bề bộn dòng đời và qua “hoang mạc chữ”, trong đó tôi đánh mất tôi. Không phải bị tha hóa hay vong thân, theo cách nói của chủ nghĩa hiện sinh, mà đánh mất bản sắc dân tộc từng tồn tại trong tôi. Tự thức, để “tìm lại trinh nguyên” - không thể khác! Và sau cuộc hạnh ngộ tiếng thơ đồng thanh đồng khí, “[tôi] học đi” trở lại:

Đi trong nhân ảnh mờ sương

Đâu là ngõ đến thiên đường người ơi

Đã qua hết vạn nẻo đời

Miệt mài tôi vẫn làm người học đi.

Tìm thấy bản thể mình, thi sĩ trở lại chốn quê để lần nữa gặp lại những mảnh đời cũ, sống lại kí ức xưa với bao nỗi đời, phận người - và kể.

Phần 2: Trường ca “Giấc mơ của một loài cỏ”, Thèn Hương kể những giấc mơ bình thường vô cùng thiết yếu ấy. Thiết yếu, bởi nói như Albert Camus: “Một cuộc đời không là gì cả, một cuộc đời là tất cả”. Dẫu vô ích, chúng cần có mặt, cần nói lên tiếng nói của mình trong vô tận không gian và dằng dặc thời gian này.

Thèn Hương như kẻ hát rong kể câu chuyện quê nhà. Thi sĩ có nhiều câu chuyện để kể, biết nhiều giấc mơ của những sinh phận nơi quê hương - và kể. Người thật, việc thật, cảnh thật với giấc mơ thật, giấc mơ dù nhỏ nhoi đến đâu cũng đáng nâng niu. Từ nỗi niềm cơm, áo, gạo, tiền cho đến giấc mơ phổ độ chúng sinh. Từ xây đắp tình yêu lứa đôi, xây dựng quê hương cho đến chuyến xuất ngoại đổi đời… Nhưng không vì thế mà Thèn Hương biến bao điều thật kia thành câu chuyện mang tính thông tấn báo chí, mà là thơ. Câu chuyện làm sống lại bao giấc mơ, thành và bại, hụt hẫng hay thất thố. Giấc mơ của những sinh phận vùng cao, “cũ như giấc mộng và mới như cái hiện tiền” được kể bằng ngôn ngữ tinh ròng và đẹp.

Mở đầu trường ca, cỏ tự vấn quyết liệt: “Đi hay ở lại?”.

Đôi khi cỏ mơ giấc mơ của một loài cỏ

nhỏ nhoi thôi

nơi xó núi cuối rừng

một giấc mơ khờ khạo

 

khi cánh rừng đã bỏ đi

bỏ đi nghiến, lim ngàn tuổi

tảng Hin Mạ đầu nguồn bỏ đi đâu không biết

khe suối tuổi thơ cạn trơ

 

cỏ thấy nhiều giấc mơ bỏ đi

hải đường người anh cả bỏ đi không ngoái lại

nhánh lan em út nơi vách đá vừa bỏ đi

chẳng hẹn ngày về

 

Đôi khi giấc mơ tự hỏi

đi hay ở lại

quê hương?

Để rồi suốt trường ca là những cuộc đi dài, của “cỏ và giấc mơ” của một loài cỏ. Của Luyến của Mây, Lục, Ngần, của Chị Ngự, của Thầy Phà, Giác Khoa, Dì Lèng. Rồi của loài rêu, của Hải đường, của Hin mạ, của Bonsai mini.

Những loài cỏ vô danh, quyết lên đường đi tìm tên của và cho mình. Hay nói như Thèn Hương: “Tìm giấy khai sinh”.

Tất cả mang giấc mơ riêng về xuôi, về miền không biết - như thể miền đất hứa mơ hồ, diệu vợi nhiều bấp bênh mà đầy quyến rũ. Cỏ “đi tìm đất sống”. Đôi khi ở đó, cỏ như nhìn thấy ánh sáng, nhưng rồi “niềm vui qua mau”, cỏ bị đánh bật về nguồn, để rồi bản trường ca kết bằng “quê nhà tìm thấy”. Như đứa con đi hoang trở lại mái nhà xưa, sinh linh đánh mất quê hương vừa tìm thấy bóng dáng quê hương. Niềm vui vỡ òa…

Cỏ lớn dậy, cỏ múa, cỏ hát…

Cỏ hát

cùng cỏ hoa láng giềng

tự tại với gió mưa, tự do với nắng chiều sương sớm

 

Và rồi

cỏ không còn cần nữa

giấy khai sinh.

Trường ca “Giấc mơ của một loài cỏ” dừng lại ở đây. Như thể một kết thúc có hậu ở truyền thống sử thi. Phần 3: “Thổ cẩm về xuôi” như thể một giao hòa sau khi cỏ đã tự do tự tại với nắng sớm, mây chiều. Đứa con quê đã nhận ra bản thể mình, tìm thấy bản sắc dân tộc mình. Quê hương ở trong lòng mình, cỏ sẵn sàng về xuôi mà không chút ngại ngần, tự tin trong ý hướng mới để ươm lại lần nữa giấc mơ lạ và khác.

“Giấc mơ của một loài cỏ” vừa đóng vừa mở, là vậy. Đó là thái độ “nhập cuộc về hướng mở”. Thôi còn mặc cảm thiểu số, hết còn tự ti vô danh, bởi nói như Dương Thuấn: “Em ơi ta ở đâu/Là bản ta ở đó”.

3. Như một thi sĩ hát rong, Thèn Hương đã hát như thế nào? Nói khác đi, Thèn Hương đã kể Giấc mơ của một loài cỏ bằng nghệ thuật gì?

Giới thiệu trang trọng chùm thơ Thèn Hương, Vanvn.vn ngày 23-2-2023 viết:

“Diễn ngôn khác lạ, giàu hàm lượng văn hóa, thơ Thèn Hương vừa khám phá vẻ đẹp truyền thống vừa mang hơi thở đời sống đương đại của vùng cao phía Bắc với một sức quyến rũ riêng. Ngôn ngữ thơ của Thèn Hương tích hợp được vốn từ vựng của nhiều dân tộc nhưng không kém phần hiện đại và sáng đẹp. Mỗi bài thơ của chị là một câu chuyện kể, một phong tục tập quán, một cách ứng xử tinh tế, một giấc mơ bình dị của những người dân tộc thiểu số vùng cao quê hương - giấc mơ xây đắp cuộc sống giản đơn mà ngập tràn tươi vui hạnh phúc”.

Làm chủ kĩ thuật thơ hiện đại, Thèn Hương vận dụng nhiều thể thơ khác nhau cho mỗi câu chuyện khác nhau. Bốn đến năm hay tám chữ, lục bát hay tự do, và cả thơ xuôi ở đó lắm đoạn không ngắt không nghỉ kéo hơi thơ đi như không muốn dứt.

Rêu phong

rêu mượt như nhung mềm như tơ như lụa như bàn tay bờ vai em như vòm ngực em dưới sao trời sáng rỡ

Rêu xám

rêu xanh như thảm cỏ cho nghé con như luống mạ non người nông dân chuẩn bị dỡ vào ruộng cấy như mái tóc em ước mơ em hy vọng em

Nắng nhiệt đới làm rêu đau khiến rêu khô trên đá khô trên bờ tường khô trên cành cây khô

Hình ảnh uy dũng của núi đặt cạnh dáng yểu điệu của cánh đồng, tạo không gian nghệ thuật như thể đối lập mà vẫn hài hòa, và đẹp:

Như chàng dũng sĩ đứng canh gác cho cánh đồng yểu điệu

núi ôm vào lõi triệu triệu câu chuyện ngàn ngàn thế hệ của một vùng quê

thấm đẫm vào mình nước mắt, mồ hôi và cả máu xương ông bà đã đổ

để đất này có tên

Thi thoảng Thèn Hương còn dành khoảng trắng giữa những con chữ, tạo hiệu quả tối đa cho thi ảnh và tứ thơ.

Thế thôi       nỗi đời cay nghiệt

giấc mơ ấy ngỡ đã vời xa

cơn gió lạc      ngôi sao phụt tắt

chợt sáng bừng nơi ánh mắt con

đêm nay

Điều nữa không thể không nói lên, như ở “Bạn tồng”, “Ngũ sắc”, “Truyền nghề”, “Rể đời” hay “Làm dâu người Tày”… câu chuyện đang hồi gay cấn, thi sĩ hát rong khi xưa chợt dừng lại, giải thích về phong tục tập quán, hay y phục nhân vật đang mặc trên người, người đọc tưởng hỏng, tuy nhiên chính mấy nỗi có vẻ “lạc đề” ấy lại làm nên yếu tố sử thi trong trường ca “Giấc mơ của một loài cỏ”.

Cả ngôn ngữ bản địa Tày, Nùng, Mông cho đến tiếng Phạn trong kinh Phật không ít lần được cho xen kẽ vào dòng thơ tiếng Việt một cách nhuần nhị cũng góp phần làm nên cái độc đáo của tiếng thơ Thèn Hương.

Khởi động trận đi vào thế giới chữ nghĩa với tập thơ đầu tay ở tuổi tứ thập, Thèn Hương làm chủ hơi thơ - hơi thở để có một giọng thơ riêng, là điều đáng được ghi nhận và trân trọng - một tiếng thơ còn nhiều hứa hẹn ở những ngày tháng tới.

I.R.S.R

Tin tức khác