Nguyễn Thế Viễn - Một thi sĩ, chiến sĩ trong “Đong đầy nỗi nhớ”

Thứ năm, ngày 19-09-2024, 10:01| 340 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

 

 

Quãng vài năm nay, thỉnh thoảng thấy Nguyễn Thế Viễn xuất hiện trên văn đàn. Ông viết truyện ngắn, bút ký, tản văn. Lâu lâu cũng thấy bài thơ. Tôi gặp Nguyễn Thế Viễn lần đầu tiên vào dịp tổng kết hội năm 2017. Hôm ấy, ông được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang.

Rồi một chiều, Viễn đến tôi chơi. Ông tặng tôi cuốn thơ “Đong đầy nỗi nhớ”. Hai anh em ngồi hàn huyên một lúc, Viễn bảo: “Thôi, hôm nào anh em mình chuyện dài, bây giờ em phải về uống thuốc”.

*

“Đong đầy nỗi nhớ” là tập thơ do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 2018. Nguyễn Thế Viễn dùng nhiều thể thơ để biểu cảm: thơ tự do, thất ngôn trường thiên, ngũ ngôn tứ tuyệt, bát ngôn trường thiên và thỉnh thoảng có bài lục bát. Đọc thơ Nguyễn Thế Viễn thấy dễ cảm tình. Cảm tình bởi cái lẽ, lời thơ dung dị, mộc mạc, chân thành. Đọc thơ ông, người ta cảm thấy cuộc đời nhiều hơn nghệ thuật. Nguyễn Thế Viễn gửi vào thơ nhiều tình lắm. Nào tình quê hương đất nước, tình gia đình, tình với người thiếu nữ cùng trường hồi học phổ thông, em có tên là V.H. Rồi tình bạn bè, tình đồng đội... Nguyễn Thế Viễn nhập ngũ năm mười tám tuổi, còn đang học cấp ba. Cái tuổi không còn bé nữa, nhưng cũng chưa phải đã nhớn hẳn. Cái tuổi lẽ ra còn phải được phụ huynh chăm lo cho cái sự ăn, cái sự mặc. Cái tuổi còn mải chơi, nên câu thơ của anh lính trẻ, mộc mạc, rất đáng yêu: “Con lên đường đâu có kịp liên hoan/Chiều vẫn học, mai con đi bộ đội”. Rồi: “Thương bố lắm bao gian lao vất vả/Gà trống nuôi con lam lũ tháng ngày”. Và: “Lần đầu xa nhà ngổn ngang nỗi nhớ/Nhớ bố và anh, với V.H cùng trường” (Đi bộ đội).

Ôi, nghe những lời bộc bạch tình cảm của cậu học trò xếp sách bút lên đường ra trận như thế, thật khó cầm lòng. Nhưng Nguyễn Thế Viễn chỉ là trẻ con khi còn là học trò thôi. Chỉ sáng mai cậu đã là người lính, với: “Chiếc ba lô con cóc xinh xinh/Mang trong mình gia tài anh giải phóng”. Và: “Những kỉ niệm gia đình bè bạn/Bóng hình người thương lên đường ra trận/Ngày mai/Sẽ theo anh suốt chặng đường dài/Gian khổ Trường Sơn” (Chiếc ba lô con cóc).

Hãy nghe nhật kí của anh lính trẻ trên đường ra trận: “Ngày hành quân hối hả/Đêm mắc võng ngủ rừng/Bãi khách cây phát vội/Bụi khói bom khê nồng”. Trong lúc nửa thức, nửa ngủ trên võng đung đưa, hồn thi sĩ gặp cảnh trăng rừng đi vào thơ: “Rắc hoa qua kẽ lá/Gió heo may nhạt nhòa”.

Trong cảnh ấy, hình như võng bên có bạn đồng đội đang nói mê: “Ai ngủ mơ gọi mẹ/Đêm Trường Sơn mênh mông”.

Các anh còn trẻ lắm, ở nhà vẫn còn hay gọi mẹ mà. Nhưng vào lính, các anh đã nhớn lên rồi. Đêm ngủ rừng bỗng nhớ nhà quá: “Nhớ da diết quê nhà/Có người con gái ấy/Gió nhẹ bay tóc mây/Mắt huyền trao tất cả/Lúm đồng tiền duyên quá/Em cười mờ trăng sao” (Đêm Trường Sơn).

Nhớ em vô cùng. Nhớ em, trong mơ thấy em cười. Nụ cười của em đẹp đến nỗi làm mờ cả trăng sao trên giời. Tôi nghĩ, đây là mối tình đầu tiên của anh lính trẻ. Chỉ có mối tình đầu tiên mới có hiện tượng này. Trên đường ra trận, các anh cứ đi như thế. Và, cứ đi như thế: “Xẻ dọc Trường Sơn mênh mông/Ba tháng trời hành quân chân đất”. Trên đường hành quân, các anh thấy gì: “Những cánh rừng tan hoang xơ xác/Thương những cành mai vàng ngã gục”.

Một anh lính trẻ mang hồn thơ ra trận, đì đòm tiếng súng và khét lẹt khói bom. Cảnh ấy làm hồn thi sĩ chạm đến một nhành mai gẫy bởi súng đạn làm anh lính thả hồn nhớ về: “... cành đào phương Bắc/Nụ hoa chúm chím chờ ai”. Và, hình như võng bên cạnh: “Đồng đội đang lên cơn sốt rét/Rung rung cánh võng/Những người lính còn rất trẻ/Lòng rưng rưng âm thầm nhớ nhà/Lần đầu xa mẹ/Ở đây toàn lính với nhau”. (Nhật kí Tết Trường Sơn).

 Nghe vừa thương, vừa cảm phục. Cảm phục những chàng trai anh dũng và nhiều tình. Tình yêu đất nước, lòng quả cảm đã rèn luyện họ ngày một trưởng thành cả về thể xác và tâm hồn: “Anh đi đánh giặc ở tiền phương/Xa em làm bạn với gió sương/Mũ tai bèo cùng quần áo lính/Bụi Trường Sơn vương khói chiến trường/Bài thơ anh viết trên báng súng” (Gió chiều).

Gặp câu thơ trên của Nguyễn Thế Viễn, tôi bỗng nhớ về một áng thơ, cũng của một người lính. Áng thơ rất hay, tôi đọc lâu rồi, rất tiếc không nhớ của ai: “Một chiều đi đánh giặc/Ôm súng ngủ bìa rừng/Đêm khuya bừng tỉnh giấc/Tưởng người yêu nằm chung”. Và: “Anh ngồi trên sườn đồi/Nhìn trăng soi dưới lũng/Tưởng người yêu đang cười/Hôn nhầm lên mũi súng”.

Có lần, trên đường hành quân qua con phố nhỏ, anh lính trẻ bỗng thả hồn nhớ về ai: “Chiều nay ngang qua phố nhỏ/Nhớ người con gái năm xưa/Bồi hồi tiễn tôi ra trận/Tan trường ôm cặp thẫn thờ”.

Tôi đoán, một lần Nguyễn Thế Viễn hành quân qua con phố nào đấy, gặp cảnh sinh hoạt nơi đô hội, hồn thơ và tình em khiến anh lính trẻ nhớ về con phố Tam Cờ thành phố Tuyên Quang có trường cấp ba Tân Trào. Hôm ấy, sau khi tiễn Viễn lên đường ra trận, V. H. một mình đứng trong sân trường “ôm cặp thẫn thờ”. Bởi vì, thế là từ mai trên đường tới trường, hết buổi học trên đường về nhà, nàng lại một mình một bóng. Suy nghĩ ấy khiến anh lính: “Chiến trường ngàn trùng xa cách/Dòng Lô nỗi nhớ đầy vơi”.

*

Gần mười năm ở quân ngũ.

Tay súng, tay bút.

Anh lính yêu thơ viết không biết mỏi.

Ñoïc “Ñong đaày noi nhớ” của Nguyễn Thế Viễn, tôi chẳng thấy ông buồn bao giờ. Lúc nào tinh thần cũng mạnh mẽ, lúc nào cũng yêu đời. Cho dù nay đã ở tuổi sáu nhăm, Nguyễn Thế Viễn ngã bệnh, bệnh hiểm nghèo. Nhưng bệnh thì bệnh. Hiểm nghèo thì hiểm nghèo. Mặc kệ hiểm nghèo. Dù ốm kiểu gì thì thi sĩ bao giờ cũng vẫn cứ là thi sĩ. Nằm ở khoa ung bướu bệnh viện, Viễn viết: “Khoa này chẳng phải chùa đâu/Bệnh nhân tóc rụng trọc đầu như sư” (Ở khoa ung bướu).

Đọc thơ Nguyễn Thế Viễn tôi thấy hay. Nó hay bởi thơ ông được bay ra từ một tâm hồn mạnh mẽ, yêu đời, chân chất và dung dị. Đúng như thi hào BiêLinXki đã nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật”.

Mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng bệnh Viễn nặng không qua khỏi. Thế là Viễn “về” rồi. Viễn ơi! Xin được xem những dòng này như một nén tâm nhang kính viếng bạn, một thi sĩ - chiến sĩ!

N.Đ.L

Tin tức khác