Câu đố của người Dao Tuyên Quang

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 10:31| 614 lượt xem

Bùi Thị Mai Anh

Cô gái Dao Tiền. Ảnh của Ma Tuyên

 

Là một trong 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, vào Việt Nam từ những thế kỷ XV-XVI, là dân tộc có tới chín ngành cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, người Dao rất thông minh, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình khá tốt. Trong đời sống, người Dao sử dụng vốn văn hóa dân gian khá phong phú, sâu sắc. Bên cạnh các thể loại văn học dân gian khác như tục ngữ, ca dao dân ca, câu đố của người Dao cũng rất hay, phản ánh sự thông minh của tộc người này.

Câu đố là một bộ phận không thể thiếu trong văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, người Dao nói riêng. Về cơ bản, đặc điểm câu đố của người Dao có sự tương đồng với câu đố của các dân tộc anh em. Đó là thể loại văn học dân gian phản ánh sự vật hiện tượng theo lối nói chệch. Khi sáng tạo câu đố, người ta tìm đặc trưng và chức năng của từng vật cá biệt và sau đó phản ánh thông qua sự so sánh, hình tượng hóa. Hầu hết câu đố của dân tộc Dao đều được thể hiện dưới hình thức miêu tả, nhưng lại được thông qua cách nói ví von, ẩn dụ, dùng hình ảnh đánh lạc hướng người nghe:

Ăn ngon không để giống

Để giống không mọc mầm

                             (Muối)

Trong những câu đố của người Dao ở Tuyên Quang cũng chứa đựng tri thức thực tiễn: đối tượng phản ánh của câu đố là các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, phần lớn có liên quan đến những hoạt động sinh hoạt của người dân trong đời sống, như mặt trời, mặt trăng, mưa gió, cái ô, cái chài, quyển sách, cây sáo trúc…

Bảy anh em cùng nhau hát

Mỗi người ra một cửa

Hát một tiếng khác nhau

                   (Cây sáo trúc)

Bên cạnh đó, câu đố của người Dao còn chứa đựng nội dung và ý nghĩa xã hội: Khi miêu tả thế giới hiện thực xung quanh con người, nhiều câu đố mang thêm ý nghĩa xã hội, mặc dù đó không phải là mục đích của câu đố:

Tháng Giêng hai ra đi

Tháng chín mười quay lại

Nón mũ, áo quần rách hết

Dắt díu đàn con cái quay về

                   (Cây khoai sọ)

Phương pháp nhận thức và phản ánh nghệ thuật trong câu đố của người Dao cũng phổ biến giống hầu hết các dân tộc khác trên thế giới. Câu đố của người Dao cũng được ra đời từ thời cổ đại liên quan đến lối nói so sánh gián tiếp phổ biến của người thời cổ, hiện tượng chưa có tên của nhiều sự vật phổ biến trong giai đoạn đầu của mọi dân tộc. Việc dùng sự vật này để nói sự vật khác, việc miêu tả đặc điểm sự vật vào một hình thức ngôn ngữ là điều hợp quy luật. Đa số câu đố của người Dao diễn đạt bằng cách nói dân dã (lời nói thường), nhưng cũng có nhiều câu đố rất hay, thông minh, liên tưởng bất ngờ, thú vị được dùng trong đàn lễ.

Con chim én bay ngang trời

Làm cho trần thế vạn người đầu rơi

                    (Cái nhíp ngắt lúa)

Câu đố của người Dao cũng thường đưa ra những nét tương đồng về hình dạng bên ngoài của các sự vật khác so với vật đố, những dấu hiệu của đối tượng được giấu tên, như những chức năng, công dụng của các đối tượng trong cuộc sống sinh hoạt, những đặc điểm của đối tượng về hình dáng, trạng thái hoạt động, sự chuyển động, bất động, sự xuất hiện, điều kiện sống... để gợi sự liên tưởng. Ví dụ: câu đố về quyển sách "Shâu" và chữ: "Mài nom chày pẹ luội chãy tòn chĩa" (Có con gà mái trắng dẫn đàn con đen (chữ).

Mặc dù cùng là người Dao nhưng do có tới chín ngành Dao cùng chung sống trên mảnh đất Tuyên Quang nên hầu như mỗi ngành đều có cách đố, cách khắc họa, giải đố khác nhau về cùng một sự vật, cùng một đề tài, một đối tượng. Chẳng hạn, câu đố về hiện tượng tự nhiên là "sấm" nhưng năm ngành Dao có năm cách đố: Người Dao Đỏ đố: "Thấy tiếng không thấy mặt"; người Dao Quần Chẹt đố: "Không gõ mà kêu"; người Dao Áo Dài đố: "Không đánh mà kêu"; người Dao Quần Trắng đố: "Có tiếng kêu không có nước mắt". Câu này tương tự người Kinh nói: "Đời nào sấm trước có mưa"; người Dao Tiền đố: "Lúc kêu ở đất mà không ở trời".

Ngoài ra, chúng ta có thể xem thêm câu đố khác của các ngành Dao ở Tuyên Quang:

Câu đố về quyển sách "Shâu" và chữ: người Dao Đỏ đố: "Mài nom chày pẹ luội chãy tòn chĩa" (Có con gà mái trắng dẫn đàn con đen (chữ)); người Dao Quần Chẹt đố: “Chay pẹ é chau ki-ạ” (Gà trắng đẻ trứng đen).

Câu đố về cái ô: "Táng", người Dao Áo Dài đố: "A sển

pi-éo, a chấy ghi-âu" (Một ngôi nhà, một cái cột (cán); người Dao Đỏ đố: "Kẽ tìu háu chấu nom pi-éo, khính nom chiêm bong nóm pi-éo" (Lấy một cây nứa làm một cái nhà, đánh một cái cọc, đổ một cái nhà) (Cái dù "Phán" lúc giương và lúc cụp).

Câu đố về cái chài quải cá: "Moàng", người Dao Quần Trắng đố: "Kẹt dạ beng to mào, sậu quệ beng pi-eo tung". (Ngồi bằng con mèo, đứng dậy bằng nóc nhà. Có nghĩa là: quăng chài xuống nước, chài xẹp nhỏ; khi không dùng, treo lên xà nhà thì chài cao, dài).

Hình thức chữ bị chơi: Câu đố thường sử dụng từ đồng âm dị nghĩa, đồng nghĩa dị âm, nói lái, chiết tự...

Câu đố sử dụng các thể thơ truyền thống, có vần, nhịp điệu, cô đúc, cân đối nhịp nhàng. Người Dao là dân tộc thông minh, sử dụng chữ Hán khá thành thạo, đặc biệt là tầng lớp thày cúng, vì vậy, họ sử dụng khá thành thạo những thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn trong tục ngữ, ca dao dân ca, câu đố. Ví dụ: "A sển pi-éo, a chấy ghi-âu" (cái ô) được nói có vần có điệu khiến bà con dễ nhớ, dễ thuộc. Vẫn là câu đố về cái ô, người Dao Đỏ lại sử dụng thơ thất ngôn để diễn đạt: "Kẽ tìu háu chấu nom pi-éo, khính nom chiêm bong nóm pi-éo".

Câu đố về cái nón đội lúc trời mưa "Lặp", cũng được sử dụng thể thơ thất ngôn để diễn đạt: người Dao Đỏ đố: "Suốt muồn xếp chói miền vìn lẩy/Sinh shúi phuôn phuôn lọ phẩy pin" (Ra cửa cắm trên đầu người ta/Nước mưa phun phun rơi bốn bề).

 Câu đố của người Dao cũng có xu hướng đưa vào yếu tố tục, song yếu tố này ở câu đố không mang nội dung xã hội, thường chỉ có tác dụng tạo sự dí dỏm, gây cười, thường là những câu đố sử dụng trong vui chơi, lao động sản xuất của bà con.

Ban ngày ngủ dọc

Ban đêm ngủ ngang (cái then cửa)

Đốt lửa vào rốn

Miệng cười ha hả (cái điếu thuốc lào)

Điểm khác biệt đáng kể trong việc sử dụng câu đố của người Dao với các dân tộc khác là: trong khi các dân tộc khác sử dụng câu đố trong lao động, vui chơi thì người Dao thường có câu đố trong lễ cúng lớn của tộc người (điều này các tộc khác không có).

Về thành phần đề tài, chủ đề nội dung trong câu đố của người Dao ở Tuyên Quang thì: 76% câu đố có nội dung về thực vật, động vật, đồ dùng sinh hoạt; 08% câu đố đề cập vũ trụ: trời đất, tinh tú, nắng mưa...; 10% câu đố phục vụ các đàn lễ trọng nhằm mua vui cho khách; 03% câu đố đố chữ; 02% câu đố phác họa các giai tầng xã hội: ông quan, ông thày...; 01% câu đố về các vấn đề khác.

Người Dao sử dụng nhiều loại câu đố trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đố trong đàn lễ của người Dao mang tên "Hò muột" (Hà vật) có nghĩa "Vật gì?" và đố chữ do các pháp sư và những người giỏi chữ đặt ra và giải đáp. Văn chương, từ ngữ trong “Hò muột” bay bướm, chải chuốt, giàu chất thơ. Đố chữ là trò vui của các “phiêu chòi”. Họ đố và đoán chữ qua các bộ chữ và ý nghĩa của chữ. Ngoài “Hò muột”, còn có "Duống dảng" và "Hò dẳng". “Duống dảng” và “Hò dẳng” có nghĩa: Giống gì, dạng gì. “Duống dảng”, “Hò dẳng” dùng trong hát giao duyên, đám cưới (giữa các tân khách). Câu đố nào không có "Duống dảng, Hò dẳng ở đầu thì có cụm từ "Nàn tở piến" nghĩa là "khó thể thành".

Ví dụ câu đố sau được dùng trong khi cúng bái:

Cái gì qua trời trời động đất?

Cái gì qua đất đất lật lên?

Cái gì trên trời rơi xuống đất?

Cái gì ở đất lên đến trời?

Giải đố:

Sấm sét qua trời trời động đất

Con trâu qua đất đất lật lên

Mưa trên trời rơi xuống đất

Khói ở đất lên đến trời

Câu đố của người Dao có thể phân chia thành bốn loại:

Thứ nhất, câu đố thường do nhân dân (có "phiêu chòi") sáng tác; sử dụng bất kể lúc nào, nơi nào, thường ngắn gọn, tạo thư giãn trong lao động.

Thứ hai, hình thức Hò muột chỉ dùng trong lễ đàn, gây suy tưởng trang nghiêm.

Thứ ba, Duống dảng phổ biến trong hát tập thể.

Mười người đào một cái măng

Không đào được thì khóc

Đào được thì lại vứt đi (khêu dằm, khêu gai)

Thứ tư, đố chữ là một cuộc vui của những "Phiêu chòi"

(giỏi chữ):

Ai sinh ra sống chập chờn

Khi có mặt trời thì lại hiện ra (cái bóng)

Đối với ngôn từ  biểu thị của câu đố, câu đố thường, người Dao dùng lối nói thông thường. Đối với Hò muột: "Tộ", người Dao thường dùng lối đọc, ngâm, ngân nga bổng trầm, đôi chỗ kết hợp với ca: Páo dung (Áy dủng). Đối với Duống dảng: họ cũng dùng lối nói, kết hợp ca Páo dung (Áy dủng).  Còn với hình thức đố chữ: họ dùng lối nói và đọc. Om (hát đố) là một thể loại hát thường gặp trong hát dân ca dân tộc Dao. Hát đố được lồng ghép trong đó rất nhiều kiểu hát của người Dao. Đồng bào có thể hát trong hát giao duyên, hát đám cưới, lễ Cấp sắc, hát khi xuống chợ. Nội dung lời hát đố khá phong phú về các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày: đố về thời tiết trong năm, đố về 12 con giáp, con vật, các loại hoa...

Về phương thức lưu truyền câu đố: Đối với “Hò muột” và “Duống dảng”, người Dao thường ghi thành sách; câu đố thường được người Dao xếp vào "Coóng Vả", tức là nói thường, nói truyền khẩu.

Tóm lại: Là một thể loại thuộc kho tàng văn học dân gian, câu đố của người Dao ở Tuyên Quang khá phong phú và hấp dẫn. Đây là một nguồn tri thức dân gian khá thú vị của người Dao, được sử dụng khá linh hoạt trong cuộc sống. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy thể loại văn học này cũng chính là việc giữ gìn một trong những nét bản sắc văn hóa của dân tộc Dao bên cạnh văn hóa của 22 dân tộc anh em đang chung sống tại tỉnh Tuyên Quang. Việc sử dụng câu đố trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp khác nhau của người Dao cho thấy họ rất coi trọng việc phát huy trí tuệ của tộc người qua hình thức tư duy, khả năng quan sát, ghi lại, truyền bá trong cộng đồng tộc người. Đây cũng là nguồn tri thức cần thiết, bổ sung cho nội dung văn học dân gian các dân tộc trong các bậc học tại địa phương tỉnh Tuyên Quang.

B.T.M.A

Tin tức khác