Bấy nhiêu hi vọng cùng Tuyên Quang

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 10:54| 81 lượt xem

Cao Duy Sơn

 

Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải B cho các tác giả tham gia Cuộc thi viết về Tuyên Quang năm 2023. Ảnh: Quang Hòa

 

 

Cuộc thi bút ký “Viết về Tuyên Quang” đã thu hút những cây viết nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng. Có thể nói đây là chủ đề mở cho các tác giả được sinh ra, lớn lên tại đây, cả những người từng có kỷ niệm với miền quê giàu truyền thống cách mạng, đậm bản sắc văn hóa tộc người khai thác, lựa chọn viết nên các tác phẩm tâm huyết, cảm xúc, gửi gắm ý tưởng.

Hơn 70 tác phẩm tham gia cuộc thi, mỗi tác phẩm là một câu chuyện gợi nhắc bạn đọc thêm một lần nhớ về quá khứ hào hùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và công cuộc xây dựng, bảo về Tổ quốc ngày nay. Mỗi tác phẩm như một sắc màu tô điểm trên bức tranh rực rỡ. Bức tranh đó là kết quả cuộc thi, một cuộc thi bút ký đã hội đủ những câu chuyện quá khứ, hiện tại cả sức sống mới đang vươn lên trên quê hương Tuyên Quang. Phản ánh những đóng góp tích cực, hiệu quả của tập thể, cá nhân đã vượt qua ranh giới cũ, mới, nắm cơ hội, vươn lên làm giàu chính đáng. Là tinh thần tự nguyện của mỗi người dân sẵn sàng tận hiến, hi sinh vì cái chung lớn, mang ý nghĩa, giá trị và thiết thực góp phần đem lại lợi ích cho cuộc sống con người.

Cái được lớn nhất của cuộc thi do Hội VHNT Tuyên Quang tổ chức, là đã tạo cơ hội cho người viết được thể hiện tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời kỳ mới. Người viết đã gắng công tìm hiểu những điểm sáng, tiêu biểu để viết nên tác phẩm như một sự tri ân với vùng quê từng bao bọc, nuôi dưỡng mình; cả với ai đó dù chỉ một lần đến rồi đi nhưng lòng đã lưu dấu ấn không thể phai mờ. Vì lẽ đó bạn đọc đã may mắn được đón nhận những tác phẩm tâm huyết như: “Trở lại miền lau” của Đỗ Anh Mỹ. Hồi ức kháng chiến qua trang viết khiến lòng người bồi hồi; những đổi thay qua các thời kỳ, và sức sống mới hôm nay đang vươn lên bên dòng Lô lịch sử... Vẫn bãi bờ, con đường cũ, bến đò xưa bên sông thủa nào nay đã đổi thay, đời sống người dân đang dần trở nên sung túc. Song vẫn còn phân vân về những tồn tại, hi vọng những gợn như sóng cát đó sẽ sớm được xóa bỏ để Tuyên Quang nay và mai sẽ rạng rỡ hơn trên hành trình đổi mới.

Hay như, Về Tân An - “mù lử gia tuờ” của Ma Văn Tuyên viết về tấm gương bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Tân An - Lý Văn Súa ở xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (một thôn người H,Mông từ Cao Bằng chuyển đến sinh sống từ năm 1982), Lý Văn Súa đã gắng vượt qua hoàn cảnh, ổn định kinh tế gia đình, hết lòng chăm lo cho người dân, tự nguyện hiến đất xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào. Là tấm gương tiêu biểu được nhận bằng khen của Bộ công an về thành tích bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Với bút ký “Thượng Nông ngày trở về” tác giả Lê Na đã gửi gắm tình cảm qua tác phẩm thật đậm chất văn chương, chi tiết sống động, cảm xúc. Hồi ức về vùng quê nghèo ngày nào nay đã đổi thay. Những năm tháng tuổi trẻ, cảnh cũ người xưa gợi thương nhớ bồi hồi. Đâu chỉ với người viết mới vậy, mỗi chúng ta vẫn luôn vịn vào quá khứ êm đềm thanh khiết một thời để bước đi trên đường đời. Đó là dưỡng chất thấm sâu trái tim đa cảm giúp ta đi qua những năm tháng nhọc nhằn.

Từ xã Kỳ Lâm, rồi đổi thành thôn Kỳ Lâm, nay là trung tâm thị trấn Sơn Dương tác giả Triệu Đăng Khoa đã gửi đến bút ký “Kỳ Lâm một thời để nhớ”. Với sự hiểu biết của mình người viết đã cho bạn đọc một hình dung về lịch sử qua các thời kỳ của vùng đất này; đóng góp của đồng bào với cách mạng, kháng chiến. Tên đất, tên người gắn với lịch sử, cả những sự kiện trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển ngày nay đã được thể hiện với cảm xúc trân thành, giúp bạn đọc biết rõ hơn về một vùng đất cách mạng; cả những đóng góp, hi sinh anh dũng của các thế hệ qua các thời kỳ.

“Gặp ở Mỹ Bằng” của Mai Nam Thắng mang dáng vóc một tác phẩm ký đầy sức sống trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế của Tuyên Quang. Từ vùng đất sau biến động làm ăn thua lỗ của ngành chè, đã trở thành điểm sáng trong phát triển đàn bò sữa với quy mô hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh, an toàn chất lượng sản phẩm sữa tươi trong nước và Quốc tế. Một hướng đi táo bạo, tâm huyết và sáng tạo của một doanh nghiệp trẻ; một chủ trương đúng đắn quy mô chiến lược, mang tính lâu dài của các cấp lãnh đạo địa phương đã trở thành điểm hợp lưu mở ra tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng công nghệ hiện đại đang giúp Tuyên Quang có thêm mô hình mới. Đồng thời tạo đà, khuyến khích các doanh nghiệp tới đầu tư, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế. Giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, bảo vệ môi trường, tăng nguồn ngân sách. Bài viết khá kỹ với chi tiết hóm hỉnh, thực tế, sinh động. Đề xuất những giải pháp khả thi, gợi ý doanh nghiệp có hướng đi mới trong chế biến sản phẩm sữa trở thành ngành hàng mũi nhọn, có thương hiệu uy tín trong nước, quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.

Trong tác phẩm viết về sự liên kết trồng, bảo vệ rừng tới chế biến lâm sản thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế, tác giả Phạm Xuân Đặng đã có tác phẩm ký: “Rừng Công Đa nở hoa giấy trắng” gợi suy ngẫm. Tác giả đã hướng bạn đọc cùng mình tới xã Công Đa huyện Yên sơn, một xã thuộc khu ATK trong kháng chiến chống Pháp, trước là một xã nghèo, nay đang vươn lên phát triển mạnh về kinh tế, người dân đang ngày càng no ấm, sung túc. Từ thành quả tận mắt chứng kiến, người viết đã cất công tìm hiểu, yếu tố nào tạo nên sự thay đổi lớn đó? Vậy là từ khâu trồng rừng, bảo vệ và khai thác theo quy hoạch cho đến cung cấp gỗ cho nhà máy, tạo ra sản phẩm giấy An Hòa là quy trình được người dân và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cho cả hai phía, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Tác phẩm đã đề cập khá kỹ về mô hình quản lý quỹ đất ở xã Công Đa. Để bảo vệ môi trường, nguồn nước một cách bền vững, việc phát triển rừng, bảo vệ và khai thác, chế biến sản phẩm giấy, thì từ chủ rừng tới nhà máy cần tuân thủ theo quy hoạch quản lý chặt chẽ và khoa học. Đó chính là yếu tố tạo thành công, giúp sản phẩm giấy An Hòa càng uy tín trên thị trường, người dân Công Đa có cuộc sống no ấm, sung túc vẫn đảm bảo diện tích rừng được khoanh nuôi bảo vệ.

Với “Rượu chè một khúc sông Năng” của Lương Ngọc An là tác phẩm mang tới cho bạn đọc một cảm xúc thi vị và lãng mạn. Cái sự kỹ trong câu chữ, kỹ tới từng khúc suối, dòng nước vắt ra từ khe sâu mải miết leo qua bao ghềnh trên hành trình hợp lưu vào sông Năng là cái sự chăm chút thận trọng và kỳ công lắm lắm. Trên con sông loang khói sương dưới chân những núi cao hùng vĩ được nhấm nháp li rượu Na Hang, một sản phẩm nổi tiếng của xứ người đẹp thử hỏi còn gì thú vị hơn. Cứ thế người viết đã khéo léo đưa bạn đọc theo hành trình đến với xã Hồng Thái, Na Hang để khám phá, thưởng ngoạn cảnh đẹp một vùng quê mát mẻ, sơn thủy hữu tình, với những sản vật nổi tiếng khắp cả nước. Cái thứ rượu thơm nứt vò, được ngâm ủ bằng men lá vừa nhắc trên chính là sinh ra từ đây. Cả với trà Shan tuyết nữa, cái thứ trà uống xong dư vị còn đọng trong gần hết cả năm giác quan cũng được bứt xuống từ những cây chè cổ thụ trên đỉnh núi sương mờ. Rõ là một bài viết khéo, chỉ cần đọc xong “Rượu chè một khúc sông Năng” tôi tin những kẻ ưa xê dịch sẽ lập tức khoác ba lô, hướng cái sự háo hức nhằm tới vùng đất này khám phá. Một tác phẩm thật đã neo trong lòng bạn đọc, gợi bao điều.

“Mùa mới ở bản Bung” của Lê Thu cũng là một bút ký nhắm tới du lịch. Có lẽ phải là người am hiểu về nơi này, cái bản Bung ở xã Thanh Tương huyện Na Hang ấy mới có thể biết nhiều điều thú vị đến vậy. Hành trình đưa nhóm bạn thăm hang động, nghỉ lại trong ngôi nhà sàn cổ của người dân, những truyền thuyết gắn với địa danh được người viết kể cho nghe mới thật thú vị. Chợt nghĩ, cái ông này cũng thật biết lắm chuyện lạ. “Nó” mà được gắn vào các tua du lịch khám phá hẳn sẽ tạo ra sản phẩm mới thu hút khách biết bao. Sao không chứ! Bút ký đây rõ là gợi ý khả thi cho ngành du lịch Tuyên Quang rồi còn gì. Có một lộ trình, điểm đi đến, ngủ, nghỉ và truyền thuyết gắn với vùng đất, con người bản địa chắc chắn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Không thể điểm hết những tác phẩm tham gia cuộc thi. Chỉ thấy rằng đây là cuộc ra quân đầy ý nghĩa của đội ngũ văn nghệ sỹ Tuyên Quang, cùng với những nhà văn các tỉnh thành phố yêu mến vùng đất này. Vì Tuyên Quang hôm nay, mai sau, các nhà văn đã gửi gắm tình cảm yêu mến vào tác phẩm. Mỗi bút ký là một câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều mang trong đó trọng trách người viết, mong muốn được đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng và bảo về vùng đất tươi đẹp. Cuộc thi đã mở rộng cửa để các cây bút thỏa sức tiếp cận, phản ánh tất cả các mảng đời sống, xã hội từ Kinh tế, Chính trị đến An ninh, Quốc phòng; từ tập thể, hay cá nhân cũng đều đã xuất hiện trên trang viết.

Bằng cách nhìn khác nhau, câu chuyện khác nhau, lối viết khác nhau đã cho bạn đọc được tiếp nhận một cách toàn diện, phong phú và đa dạng. Cho một hình dung khá đầy đủ về Tuyên Quang xưa và nay. Cho những gợi ý, đề xuất cách làm khả thi mang lại lợi ích chung, lớn có dịp được bày tỏ… đó là cái được lớn nhất của cuộc thi này. Tuy nhiên cũng không thể không kể đến chất lượng tác phẩm. Ở thể loại bút ký tìm được câu chuyện hay để viết có lẽ mới chỉ là một nửa, nửa còn lại đó chính là phẩm chất văn chương. Văn chương hay sẽ nâng cánh cho câu chuyện lên một tầng cao mới. Có câu chuyện hay, ý tưởng sắc sảo, văn đẹp đó là mong muốn của bạn đọc. Bạn đọc luôn muốn được tiếp cận những tác phẩm như vậy. Bởi đó là căn cốt của thể loại ký văn học. Câu chuyện có thể thêm nếm sắc màu, nhưng không thể hư cấu. Nhưng ngôn ngữ nhất định phải được nâng lên một tầm mới. Đó là trò chơi với những con chữ mang đầy cảm xúc và sáng tạo của nhà văn. Và điều mong muốn này đã có trong cuộc thi.

Có thể kết quả cuộc thi chưa làm ai đó hài lòng, nhưng chúng ta hãy cùng chung vui với những ai đạt giải thưởng. Hãy cùng chúc mừng! Và xin chúc mừng tất cả các tác giả tham gia cuộc thi. Với hơn 70 tác phẩm gửi đến tham dự là minh chứng rõ nhất của  sự hưởng ứng, đồng lòng của mỗi nhà văn chúng ta với sự nghiệp văn học tỉnh nhà, với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đó mới chính là kết quả lớn nhất chúng ta thu được ở cuộc thi này.

C.D.S

Tin tức khác